LỊCH SỬ

LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN PHƯỜNG 3

Phường 3, Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh có vị trí quan trọng, là một trong những Phường - Trung tâm phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng an ninh của Thành phố; Phường có diện tịch tự nhiên 526,4 ha, có 4.125 hộ dân (năm 2021) và 16.797 nhân khẩu (năm 2021), mật độ dân số 3.039 người/km2, có 7 khu phố với 138 tổ dân cư tự quản. Đời sống nhân dân ổn định, đa số là cán bộ, công chức, viên chức, hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ, một số ít lao động phổ thông.

Về cơ sở tổ chức tín ngưỡng tôn giáo có 02 chùa và 01 đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo. Có 3 hệ thống tôn giáo chính gồm: Phật giáo, Cao đài và Thiên chúa giáo; Tín đồ theo đạo là 6.765 chiếm 41,2% dân số (năm 2021).

Với đặc điểm Phường 3 là trung tâm kinh tế - văn hóa xã hội - an ninh quốc phòng của Thành phố, Phường có nhiều cơ quan của Tỉnh, Thành phố và doanh nghiệp tư nhân trú đóng trên địa bàn, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương thời gian qua.

1. Lịch sử hình thành và phát triển

Từ xa xưa, vùng đất Tây Ninh đã là Trung tâm của đạo Quang Phong (đơn vị hành chính nhỏ của triều đình Huế), rồi sau đó của Phủ Tây Ninh, thuộc tỉnh Gia Định và khi bị Pháp cai trị là Tỉnh lỵ của tỉnh Tây Ninh. Khi còn thuộc tỉnh Gia Định, phủ Tây Ninh gồm có hai huyện: Tân Ninh và Quang Hóa theo chế độ Nam triều, lúc bấy giờ Nam kỳ chỉ có 6 tỉnh, thường gọi là Nam kỳ lục tỉnh. Mỗi tỉnh có nhiều phủ. Gia Định có các phủ Tây Bình, Tây Ninh…dưới phủ là huyện…

Khi thuộc Pháp, Tây Ninh được chuyển thành tỉnh và cũng gồm hai quận Tân Ninh và Quang Hóa được đổi tên thành Trảng Bàng và năm 1942 Tây Ninh được gọi là quận Châu Thành, theo như nhiều tỉnh khác ở Nam kỳ, đó là nơi có cơ quan cao nhất của Tỉnh đóng. Về vị trí tự nhiên, đây rất thuận lợi cho việc giao thông thủy bộ và là điểm trung tâm đi các nơi trong Tỉnh cũng như lên biên giới. Trong đó, có việc di cư và định cư tại Phường 3 ngày nay.

Dưới đây là những biến đổi hình thành Thị xã (nay là Thành phố) qua các thời kì lịch sử.

Thời kỳ 1858-1945

- Với Hoà ước Giáp Tuất (15-3-1874), 6 tỉnh Nam kỳ trở thành thuộc địa của Pháp. Sau khi thực dân Pháp chiếm Tây Ninh (1861) việc cai quản hai huyện được thay thế bằng hai đoàn quân sự đặt tại Trảng Bàng và Tây Ninh.

- Ngày 5-6-1876, Thống đốc Nam kỳ là Đuyprê ra Nghị định chia Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac. Lúc này Tây Ninh thuộc Sài Gòn.

- Năm 1890, Pháp cắt một phần đất của Tây Ninh dọc theo "Rạch Ngã Bát" cho Campuchia. Từ đấy địa giới tỉnh Tây Ninh duy trì trọn vẹn cho đến ngày nay.

- Ngày 19-5-1942 Tỉnh trưởng Tây Ninh có Tờ trình số 2206/A01 gửi Thống đốc Nam kỳ đề nghị thành lập tại xã Thái Hiệp Thạnh khu thị tứ (thị xã) Tây Ninh.

- Ngày 9/12/1942 Thống đốc Nam kỳ ban hành Nghị định 8345 ấn định ranh giới Tây Ninh.

Thời kỳ 1945-1954

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, tháng 8-1945, nhân dân cả nước đứng lên giành lấy chính quyền.

Trong thời kỳ này tồn tại song song hai chính quyền:

- Chính quyền thực dân: Kiểm soát vùng đô thị và vùng ven các trục giao thông chính. Lúc này Tây Ninh vẫn giữ nguyên trạng với hai quận: Trảng Bàng và Châu Thành.

- Chính quyền kháng chiến: Có nhiệm vụ tổ chức nhân dân chiến đấu, sản xuất và quản lý xã hội. Sau Cách Mạng Tháng Tám tỉnh Tây Ninh vẫn giữ nguyên ranh giới cũ. Năm 1950 cắt một phần đất của Thái Hiệp Thạnh cũ thành lập thị xã Tây Ninh, nhưng do chưa đủ điều kiện hoạt động nên sau đó giải thể.

Thời kỳ 1954-1975

- Chính quyền cách mạng sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, thành lập lại Thị xã Tây Ninh trên địa bàn cũ, do đồng chí Võ Văn Truyện làm Bí thư Đảng kiêm Chủ tịch Uỷ ban hành chính. Thị xã chỉ giới hạn trong phạm vi xã Thái Hiệp Thạnh của địch và bao gồm phần thị tứ nhất của ba xã Thái Bình, Hiệp Ninh và Ninh Thạnh.

Thời kỳ 1975-2000

- Sau ngày 30-4-1975, miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Tỉnh tổ chức thành 7 huyện và 01 thị xã. Riêng, thị xã Tây Ninh có 3 phường, 1 xã. Trong đó, Phường 3 được giữ nguyên.

- Phường 3 nằm ngay trung tâm chiến lược phát triển của Thị xã Tây Ninh.

Từ 2001 - 2013 

 - Thực hiện Nghị định 46/2001/NĐ-CP ngày 10/8/2001 của Chính phủ, Thị xã Tây Ninh được mở rộng địa giới hành chính từ 3 phường, 1 xã lên 5 phường, 5 xã với diện tích tự nhiên: 13.736,6ha (tăng gấp 4 lần Thị xã cũ) và với 117.328 người dân sinh sống (tăng gấp 4 lần thị xã cũ).​

- Phường 3 được giữ nguyên, phát triển cùng các phường, xã bạn.

Từ 29/12/2013 đến nay

- Ngày 29/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 135/2013/NQ-CP về việc thành lập các phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh thuộc thị xã Tây Ninh và thành lập thành phố Tây Ninh thuộc tỉnh Tây Ninh.

- Phường 3, Thị xã Tây Ninh trở thành Phường 3, Thành phố Tây Ninh.

2. Vị trí địa lý - Tự nhiên

Phường 3, Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, có diện tích 526,4 ha. Có vị trí: Đông giáp Phường Hiệp Ninh, Phường 4 và Thị xã Hòa Thành; Tây giáp Phường 1, Phường 2, Rạch Tây Ninh; Nam giáp Phường 2, Phường 4 và Thị xã Hòa Thành; Bắc giáp Phường Hiệp Ninh.

 

Bản đồ hành chính Phường 3 - TP Tây Ninh (năm 2013)

Khí hậu: Khu vực quy hoạch nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo. Tính chất chung là nóng, ẩm, không có mùa đông lạnh. Trong năm, khí hậu chia thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình năm 26,9°C. Chế độ nhiệt ít biến động qua các tháng trong năm. Chênh lệch nhiệt độ trung bình giữa tháng nóng nhất là lạnh nhất khoảng 3,7°C.

Mưa: Lượng mưa khá lớn, trung bình 1.600 – 1.900 mm/năm, phân bố không đều trong năm. Lượng mưa trong mùa khô ít nhưng tính chung trong năm lượng mưa và lượng bốc hơi gần ngang nhau nên dẫn đến hiện tượng xảy ra hạn hán vào cuối mùa khô.

Nắng: Số giờ nắng khá cao, dao động trung bình từ 2.700 - 2.800 giờ/năm. Vào mùa khô, số giờ nắng cao hơn, trung bình 8 - 9 giờ/ngày; vào mùa mưa số giờ nắng trung bình từ 6 -7 giờ/ngày.

Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí tương đối cao, trung bình từ 82 - 83%; cực đại có thể tới 86-87%. Mùa mưa độ ẩm không khí thường cao hơn mùa khô từ 10 - 20%. 

Gió: Có hai loại gió là gió mùa khô và gió mùa mưa, phù hợp với chế độ trong khu vực. Chế độ gió mùa khô có hướng Bắc - Đông Bắc; chế độ gió mùa mưa thổi theo hướng Tây - Tây Nam. Tốc độ gió bình quân 1,7m/s.

Địa hình: Khu vực nghiên cứu có nền địa hình tương đối cao. Một số khu vực có độ dốc địa hình không đều tạo thành các vệt trũng cục bộ ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước tự nhiên.

Thủy văn: Rạch Tây Ninh có chức năng hỗ trợ tưới tiêu nông nghiệp và thoát nước tự nhiên.

Bản đồ sử dụng đất Phường 3 - TP Tây Ninh (năm 2022)

3. Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh - Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo

Địa chỉ: khu phố 3, phường 3, thành phố Tây Ninh.

Theo Quyết định số: 267/QĐ-CT ngày 27/12/2001 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

* Nguồn gốc

Nguồn gốc của ngôi đền xuất phát từ bộ phận người Việt Nam sinh sống ở huyện Mimốt, Kômpông Chàm, Camphuchia. Mặc dù sống trên đất khách, quê người nhưng cộng đồng người Việt tại đây luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, cộng đồng người Việt ở đây đã lập nên ngôi đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo-vị anh hùng dân tộc, đã thu hút khá đông người Việt ở Mimốt đến cầu an, làm ăn thịnh vượng. Những tập tục và lễ hội dân tộc được bảo lưu gìn giữ rất tốt.

Đến năm 1970, Lon Non-Xirich Matắc được hỗ trợ của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã âm mưu đảo chính lật đổ quốc vương Sihanúc. Cuộc chiến tranh Đông dương bùng nổ, một bộ phận lớn cộng đồng người Việt ở Campuchia bị trục xuất về nước. Trong số đó, có bộ phận người Việt ở Mimốt chuyển về Tây Ninh định cư sinh sống.

Số người này cùng nhân dân vùng thị xã Tây Ninh xây dựng nên ngôi đền đức Thánh Trần phỏng theo kiểu nhà ở Bắc bộ (giống như đền thờ Trần Hưng Đạo ở Mimốt), cùng với sắc phong và tượng đức Thánh Trần để thờ cúng.

Đoàn viên Phường 3 dâng hương tưởng niệm (năm 2022) Ảnh: Ngọc Vàng

* Kiến trúc

Ngôi đền được xây dựng có 5 gian, cột gỗ tròn, xây tường gạch 3 phía, phía trước cửa gỗ, mái lợp ngói. Ở gian chính giữa trưng bày bức đại tự, hai đôi liễn (câu đối). Trung tâm thờ tượng Trần Hưng Đạo, một gian thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 14 tháng 8 năm 1941 (âm lịch) vua Bảo Đại (năm thứ 14) đã sắc phong: "Vâng mệnh tưởng nhớ vị thần phò dân giúp nước Trần Hưng Đạo. Xin thần linh ứng giúp dân sở tại vun trồng tại xứ Mimốt Cao Miên - nay vua ban chiếu mệnh thứ dân lập đền thờ lớn. Mong thần phù hộ, bảo vệ là dân của nước ta. Sắc ban tuyệt đối tuân lệnh".

Ngôi đền được nhân dân địa phương thường xuyên bảo vệ và tu sửa. Đây là ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo duy nhất ở tỉnh Tây Ninh.

4. Kinh tế - xã hội

Dân cư tập trung phát triển kinh tế tư nhân tập trung theo trục đường chính Cách mạng tháng 8, 30/4, Nguyễn Trãi, Hoàng Lê Kha, Phạm Tung, Đặng Văn Lý, Nguyễn Chí Thanh... có tỷ trọng phát triển kinh tế tại địa phương và thu ngân sách cao nhất so với các phường, xã bạn.

Doanh nghiệp (Chi nhánh các hệ thống Ngân hàng), Nhánh cụm Công nghiệp (Chi nhánh cụm Công nghiệp huyện Châu Thành) tập trung tuyến Nguyễn Trãi, Cách mạng tháng 8, 30/4, Hoàng Lê Kha.. tạo việc làm cho địa phương và khu vực lân cận.

Hệ thống hạ tầng đô thị được nâng cấp, tỷ lệ cây xanh bao phủ phù hợp, từng bước được quan tâm và thực hiện đạt chuẩn đô thị loại II.

Hệ thống Cơ quan, Sở - ban - ngành trực thuộc Tỉnh, Chính phủ đóng chân trên địa bàn như: Cơ quan Thông tấn báo chí Việt Nam, Bưu điện, Đài truyền hình, Bộ đội biên phòng, Công an Tỉnh, Y tế, Bệnh viện Đa khoa, Sân vận động, Thư viện - Trung tâm Dịch vụ hành chính công Tỉnh, Trung tâm thi đấu đa năng, Nhà bảo tàng lịch sử, Trung tâm sinh hoạt thanh - thiếu - nhi, Nhà in, Khu hành chính Thành phố... được sắp xếp và bố trí trên toàn phường.

Hệ thống giáo dục từ Mầm non đến Trung học phổ thông, Trường Chuyên THPT bố trí phù hợp để phát triển dân trí tại địa phương và vùng lân cận.

Các hệ thống siêu thị, khách sạn, nhà hàng, kinh doanh ăn uống, khu phố thương mại, công viên, khu vui chơi - giải trí bố trí rộng khắp đáp ứng tất cả nhu cầu, thị hiếu của người dân địa phương và khách du lịch.

5. Khoảnh khắc Phường 3

Buổi lễ chào cờ thứ 2 hàng tuần với 1 câu chuyện và 1 bài học theo gương Bác (Ảnh: Ngọc Vàng)

Tuyến "Đường cờ Tổ quốc" - Khu phố 2, Phường 3 (Ảnh: Ngọc Vàng)

Công viên Xuân Hồng - Khu phố 5 (Ảnh: Ngọc Vàng)

Mảng xanh - Dụng cụ thể thao, rèn luyện sức khỏe trong Công viên (Ảnh: Ngọc Vàng)

Thơ mộng, sạch sẽ, hữu tình trong Công viên (Ảnh: Ngọc Vàng)

Một thoáng Công viên (Ảnh: Ngọc Vàng)

Vui chơi, giải lao, không khí trong sạch, lành mạnh trong Công viên (Ảnh: Ngọc Vàng)

Ban Quản lý di tích và Đoàn viên P3 chụp hình lưu niệm tại Cổng Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo (Ảnh: Ngọc Vàng)

Cổng trường THCS Chu Văn An - Đường Nguyễn Trãi, P3 (Ảnh: Ngọc Vàng)

Trường TH Võ Thị Sáu - Đường Võ Thị Sáu, P3 (Ảnh: Ngọc Vàng)

Văn phòng làm việc Khu phố 3 - Đường Lê Lợi khang trang phục vụ người dân (Ảnh: Ngọc Vàng)

Văn phòng Khu phố 1 - Đường Phạm Tung phục vụ người dân (Ảnh: Ngọc Vàng)

Khối vận Thành ủy Tây Ninh - Đường Nguyễn Chí Thanh (Ảnh: Ngọc Vàng)

Khu hành chính Thành phố Tây Ninh - Đường Phạm Tung giao Đường Nam kỳ khởi nghĩa (Ảnh: Ngọc Vàng)

Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Tây Ninh - Đường Phạm Tung (Ảnh: Ngọc Vàng)

Văn phòng Khu phố 5 - Đường Dương Minh Châu phục vụ người dân (Ảnh: Ngọc Vàng)

Một trong những hệ thống Ngân hàng bố trí rộng khắp trên địa bàn phục vụ nhu cầu kinh tế cho Người dân và Doanh nghiệp (Ảnh: Ngọc Vàng)

Trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha - Đường Trường Chinh đáp ứng nhu cầu Dân trí trên địa bàn và khu vực lân cận (Ảnh: Ngọc Vàng)

Lưu niệm hoạt động tuần lễ áo dài nhân 08/3/2023 (Ảnh: Minh Thuận)

Cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách nữ Phường 3 hưởng ứng tuần lễ áo dài nhân 08/3/2023 (Ảnh: Minh Thuận)

Đoàn viên - Công đoàn nữ Phường 3 và Sinh viên thực tập nữ năm 2, 3 Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh hưởng ứng tuần lễ áo dài nhân 08/3/2023 (Ảnh: Minh Thuận)

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập99
  • Máy chủ tìm kiếm83
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay71
  • Tháng hiện tại828,166
  • Tổng lượt truy cập7,608,795
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây