Bầu cử Quốc hội khóa I: Bước nhảy vọt đầu tiên về thể chế Dân chủ của Nước Việt Nam mới

Thứ sáu - 05/01/2024 15:31

“Ủng hộ Chính phủ! Ủng hộ Tổng tuyển cử! Đoàn kết chống xâm lăng!” - 15h chiều 05/01/1946, nhân dân nội thành, ngoại thành Thủ đô và huyện Gia Lâm (thời điểm đó thuộc tỉnh Bắc Ninh) đã cùng nhau hô vang các khẩu hiệu trên trong một cuộc biểu tình quy mô lớn được tổ chức ở Việt Nam học xá (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội). Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ứng cử viên Hà Nội tới dự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự mít tinh vận động bầu cử Quốc hội
Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự mít tinh vận động bầu cử Quốc hội

Chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên cáo trước toàn thể nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới về sự ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất: "Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống v.v..." .

Báo Quốc hội, số đặc biệt ngày 6-1-1946 đã trân trọng in ở trang đầu ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả bút tích lời kêu gọi của Người. 

Cuộc Tổng tuyển cử được chuẩn bị trong lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền non trẻ phải đối mặt với 3 thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Thù trong giặc ngoài đe doạ, vừa kháng chiến chống Pháp trở lại xâm lược ở miền Nam, vừa thực hiện sách lược tạm thời hòa hoãn với quân Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc. 

Nhân dân Thủ đô Hà Nội xem danh sách niêm yết cử tri đi bầu cử Quốc hội

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải "xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức" .

Nhân dân Thủ đô Hà Nội xem danh sách niêm yết cử tri đi bầu cử Quốc hội

Ban đầu, Tổng tuyển cử dự định bầu ngày 23/12/1945. Sau đó, thời gian bầu cử được lùi lại 2 tuần, tổ chức vào ngày 06/01/1946. Đó thực sự là ngày hội non sông. Công việc chuẩn bị được các địa phương tích cực tiến hành. 

Phụ nữ Thủ đô mít tinh vận động bầu cử Quốc hội

Tại Thủ đô Hà Nội, Tổng hội Viên chức kêu gọi các công chức hãy bỏ phiếu cho ứng cử viên Hoàng Văn Đức. Lời kêu gọi khẳng định: “Anh Hoàng Văn Đức - Chủ tịch Tổng hội Viên chức Cứu quốc, một chiến sĩ trong Mặt trận Giải phóng dân tộc, có đủ tư cách, tài năng và công tâm để đại diện cho viên chức tại Quốc hội”. 

Nhân dân Thủ đô xuống đường tuần hành vận động bầu cử Quốc hội

Ban vận động bầu cử ở tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) ra lời kêu gọi: “Đồng bào Sơn Tây hãy bỏ phiếu cho anh Khuất Duy Tiến, một chiến sĩ cách mạng lúc nào cũng sốt sắng bênh vực quyền lợi của đồng bào”. 

Thiếu nhi Hà Nội tham gia cổ động bầu cử 

Ứng cử viên Trương Thị Mỹ được các cử tri tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) tuyên truyền về tấm gương một nữ chiến sĩ cách mạng: Đã quả quyết vượt khỏi nhà ngục Hỏa Lò - Hà Nội sau đêm Nhật đảo chính Pháp; chỉ huy khởi nghĩa tại nhiều vùng thuộc Hà Đông; từng dẫn dắt nhiều nông dân, phụ nữ ra ngoài ánh sáng. Vì vậy, “đồng bào Hà Đông hãy bỏ phiếu cho chị Trương Thị Mỹ”. 

Ứng cử viên tham gia diễn thuyết và vận động tranh cử

Tại huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) có cuộc mít tinh 2.000 người hoan nghênh, ủng hộ tổng tuyển cử. Còn tại tỉnh lỵ Ninh Bình, một cuộc rước long trọng để cổ động Tổng tuyển cử. Tại thành phố Nam Định, cuộc mít tinh với hơn 1 vạn người tham dự hoan nghênh Tổng tuyển cử. Tại tỉnh Quảng Bình có cuộc bầu thử, rất nhiều người đến dự. 

Bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền Trần Huy Liệu diễn thuyết kế hoạch ứng cử của mình tại Nam Định

Danh sách ứng cử ở thành phố Đà Nẵng tăng thêm 3 ứng cử viên. Danh sách ứng cử ở Bắc Ninh cũng bổ sung thêm 27 ứng cử viên.

Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu vận động bầu cử tại Nam Định

Càng gần đến ngày bầu cử, không khí càng sôi động. Ngày 04/01/1946, UBND thành phố Hà Nội đăng thông cáo “Yêu cầu nhân dân nội thành và ngoại thành nên treo cờ, thắp đèn, cho quang cảnh được tưng bừng, náo nhiệt. Các đoàn thể nên tổ chức các cuộc rước đèn ở các khu để cổ động cho Tổng tuyển cử và để toàn thể đồng bào sốt sắng tham gia đi bầu cử ngày 06/01/1946”. 

Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 6-1-1946.

Và hôm sau, ngày 05/01/1946, một cuộc biểu tình vô cùng lớn đã được tổ chức ở Việt Nam học xá. Để rồi sáng ngày 06/01/1946, nhân dân khắp ba miền trong cả nước Việt Nam đã nô nức cầm lá phiếu thực hiện quyền công dân, tham gia bầu cử Quốc hội.

Văn Khải - Trung tâm SX&PT Nội dung số 

Tác giả: Trinh Phạm

Nguồn tin: quochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 145 trong 29 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 29 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây