Ngăn chặn tội phạm vị thành niên

Thứ tư - 10/01/2024 07:58

Tình trạng tội phạm trẻ hóa đang có chiều hướng gia tăng, trong đó xuất hiện cả những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Đây là vấn đề đáng quan ngại bởi lẽ tội phạm vị thành niên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cá nhân người phạm tội, làm đảo lộn cuộc sống không ít gia đình mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng.

Ngăn chặn tội phạm vị thành niên

Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13 nghìn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Tội phạm vị thành niên không chỉ có dấu hiệu gia tăng về số lượng mà mức độ, thủ đoạn phạm tội cũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi; độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, hành vi ngày càng manh động.

Mới đây, ngày 22/12/2023, một học sinh lớp 10 tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng sau khi tranh cãi với bố, đã dùng hung khí sát hại chính người sinh ra mình rồi đốt thi thể để phi tang. Trước đó, tháng 10/2023, chỉ vì mâu thuẫn với bố ruột, một thiếu niên 14 tuổi sống tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã bỏ bả chó vào sữa khiến bố và bà nội tử vong.

Trước đây, trẻ vị thành niên chủ yếu vi phạm các tội danh như: trộm cắp, gây rối trật tự công cộng,… Hiện nay, các hành vi phạm tội đang chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn với các tội danh như cướp tài sản, giết người, buôn bán, sử dụng ma túy... Bên cạnh đó loại hình tội phạm công nghệ cao, xâm phạm an ninh quốc gia cũng đã xuất hiện nhiều đối tượng phạm tội là người dưới 18 tuổi.

Đáng nói, có những trường hợp phạm tội không đơn thuần xuất phát từ sự bồng bột, thiếu hiểu biết mà có sự cấu kết, tính toán, lên kế hoạch bài bản, mục đích, mưu đồ phạm tội rõ ràng, hành vi thâm độc, vô nhân tính. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng coi những hành vi phạm pháp này là "chiến tích" của bản thân, ngang nhiên đăng tải để khoe khoang trên mạng xã hội, thách thức pháp luật.

Tội phạm ngày càng trẻ hóa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tương lai mỗi cá nhân, sự ổn định của các gia đình mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của những người chung quanh, gây bất an trong xã hội và tác động tiêu cực đến cộng đồng.

Chưa kể, khi loại tội phạm này gia tăng, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát sẽ nguy cơ, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của môi trường xã hội, thậm chí có thể là nguyên nhân lôi kéo nhiều người trẻ phạm tội. Tỷ lệ người phạm tội dưới 18 tuổi có dấu hiệu gia tăng cũng phần nào cho thấy sự suy giảm mối liên kết giữa các thành viên trong một số gia đình và sự sa sút về đạo đức lối sống của không ít người trẻ.

Rõ ràng, khi chỉ vì lợi ích nhỏ hoặc mâu thuẫn trong gia đình, trong trường học mà một người trẻ sẵn sàng thực hiện các hành vi xâm hại, bạo lực với người khác... thì đó là những biểu hiện của sự xuống cấp nghiêm trọng về mặt đạo đức. Thế hệ trẻ là một lực lượng xã hội đặc biệt, là rường cột của đất nước trong tương lai.

Vì thế, nếu mọi cá nhân thế hệ trẻ "khỏe mạnh" về tinh thần, trí tuệ, nhân cách sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần quan trọng trong công cuộc kiến thiết, phát triển đất nước. Ngược lại, nếu không ngăn chặn kịp thời những biểu hiện sa sút về đạo đức, văn hóa... trong những người trẻ thì tác hại sẽ không hề nhỏ, thậm chí nguy cơ dẫn đến sự gia tăng các xung đột trong xã hội và là mầm mống của nhiều loại tội phạm.

Thực tế nêu trên cho thấy, trẻ hóa tội phạm là một tình trạng đáng báo động, đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm trong công tác chăm sóc, giáo dục và quản lý trẻ vị thành niên. Nhìn từ góc độ tâm lý, thanh thiếu niên là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý thường có những bất ổn, nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc, dễ thực hiện những hành vi mang tính bộc phát.

Hiện nay người trẻ đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ việc học hành, thi cử đến tìm kiếm việc làm, thu nhập hay các mối quan hệ bạn bè, xã hội... nhưng không phải ai cũng dễ dàng vượt qua được. Với những người có tâm lý dễ dao động sẽ dẫn đến căng thẳng, rơi vào trầm cảm, thậm chí, không kiểm soát được hành vi của mình. Nhóm người này có xu hướng chọn bạo lực để giải quyết các vấn đề khó khăn mà mình đang phải đối mặt.

Xét trong các mối tương quan với xã hội, môi trường xã hội ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách, đạo đức, hành vi của một con người, nhất là với người chưa thành niên. Trong khi đó, hiện giới trẻ đang phải đương đầu với nhiều yếu tố bất lợi từ môi trường sống, tiêu biểu có thể kể đến những tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường khiến hình thành lối sống hưởng thụ, thực dụng, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, coi thường các giá trị chuẩn mực đạo đức ở một bộ phận thanh, thiếu niên.

Ngoài ra, sự dịch chuyển lối sống từ môi trường thực sang môi trường ảo khiến nhiều người trẻ tò mò, ham hiểu biết nhưng thiếu "sức đề kháng" dễ lạc lối, mất phương hướng. Bởi lẽ trên môi trường mạng thường xuyên phát sinh vô số các hội nhóm độc hại, các sản phẩm phản văn hóa đẫm tính bạo lực,… ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, nhận thức và định hướng hành vi của trẻ vị thành niên.

Đặc biệt, sự nổi lên của những "giang hồ mạng" đã tác động mạnh đến những thanh thiếu niên vốn có tâm lý bất ổn, thậm chí trở thành yếu tố kích động các hành vi bạo lực, ngông cuồng. Từ đây dễ dẫn đến suy nghĩ lệch lạc và dần hình thành những mầm mống phạm tội trong giới trẻ vì khi sống trong môi trường có nhiều yếu tố bạo lực thì trẻ em nhiều nguy cơ dần trở nên lì lợm hơn, thậm chí, coi việc đánh nhau, giết chóc là bình thường. Trong một số trường hợp, những câu chuyện bạo lực mà người trẻ tiếp cận từ phim ảnh, clip trên các nền tảng mạng xã hội đã trở thành khuôn mẫu ứng xử, hội chứng bắt chước, học đòi để làm theo "giang hồ mạng"...

Bên cạnh môi trường xã hội nhiều áp lực, môi trường gia đình hiện nay cũng tồn tại khá nhiều vấn đề tác động tiêu cực đến sự hình thành nhân cách, đạo đức của người trẻ. Theo nghiên cứu, thống kê về người dưới 18 tuổi phạm tội cho thấy, phần lớn những đứa trẻ phạm tội đều sống trong những gia đình không hạnh phúc, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ, bị bạo hành, bỏ học sớm,...

Trẻ em thuộc nhóm đối tượng này có xu hướng tìm những người cùng hoàn cảnh để tụ tập, quậy phá hoặc dễ bị đối tượng xấu nắm bắt hoàn cảnh, tiếp cận với mục đích lôi kéo, rủ rê tham gia các hoạt động phạm pháp. Ở chiều ngược lại, những trẻ em được cha mẹ nuông chiều thái quá, luôn sẵn sàng đáp ứng đầy đủ những điều kiện vật chất sẽ có nguy cơ dẫn đến lối sống đua đòi, hưởng thụ, lười lao động, lười học tập, từ đó dễ mắc sai lầm.

Về quản lý nhà nước, chúng ta đã có hệ thống văn bản pháp luật liên quan trẻ vị thành niên khá đầy đủ và đồng bộ nhưng một số điều khoản còn thiếu tính răn đe, nội dung có phần còn chồng chéo dẫn đến việc áp dụng chưa thật sự hiệu quả. Nhiều vụ án mặc dù để lại hậu quả khá nghiêm trọng cho xã hội nhưng không thể xét xử vì đối tượng phạm tội dưới 16 tuổi.

Cần khẳng định rằng, chính sách pháp luật đối với người dưới 18 tuổi của nước ta đã có những thay đổi theo hướng khoan hồng, nhân đạo hơn, tạo điều kiện cho người dưới 18 tuổi có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Chính sách này là phù hợp luật pháp quốc tế, với xu hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền con người. Tuy nhiên, một số đối tượng phạm tội lại coi đó là kẽ hở, cố ý lợi dụng để thực hiện những hành vi phạm pháp. Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều cơ quan cùng thực hiện giám sát quyền trẻ em, nhưng đôi lúc lại xảy ra chồng chéo, bất cập trong công tác điều hành, phối hợp.

Ngăn chặn nguy cơ và hạn chế sự gia tăng của tội phạm vị thành niên là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, ban, ngành đoàn thể, cũng như là trách nhiệm của toàn xã hội. Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tránh chồng chéo giữa các quy định pháp luật liên quan; tăng cường quản lý với các nền tảng số nhằm cảnh báo, gỡ bỏ các nội dung bạo lực, phản văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục.

Cần tăng cường áp dụng các biện pháp giáo dục, từng bước đẩy mạnh sự đa dạng và chất lượng của chương trình giáo dục, phục hồi tại cộng đồng với sự tham gia tích cực của gia đình, nhà trường, xã hội. Đặc biệt "nền tảng gia đình" vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Sự thấu hiểu, quan tâm, đồng hành kịp thời của gia đình là giải pháp hiệu quả nhất giúp các em phát triển lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, hình thành những phẩm chất tốt đẹp, rèn luyện, tu dưỡng bản thân trở thành những công dân có ích. Cha mẹ phải là người tạo ra "vắc-xin miễn dịch" cho con bằng chính tình yêu thương, trách nhiệm và phương pháp giáo dục đúng cách.

Bên cạnh đó, các nhà trường cùng với việc giáo dục kiến thức, cần tăng thời lượng, chất lượng đào tạo kỹ năng sống; phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật giúp các em trong độ tuổi vị thành niên hiểu rõ hơn về thủ đoạn phạm tội, nguyên nhân phát sinh tội phạm, từ đó xây dựng cho mình ý thức phòng ngừa cũng như hình thành các kỹ năng cần thiết để biết cách phòng, chống tội phạm.

Chỉ khi các em hiểu biết pháp luật, nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả của hành vi phạm tội thì mới có thể tạo sự chuyển biến tích cực trong hành động của bản thân. Ngoài ra, nhà trường cũng cần quan tâm, chú trọng hơn đến vấn đề hỗ trợ tâm lý cho trẻ vị thành niên. Trước những áp lực các em phải đối mặt ngày càng nhiều và càng khó kiểm soát, công tác tư vấn tâm lý học đường phải thực chất và hiệu quả hơn.

MINH KHÁNH (nhandan.vn)

Tác giả: Mạnh Chung

Nguồn tin: tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 170 trong 34 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 34 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây