Chiều 14/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung Phiên họp.
Phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nêu rõ mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật Dữ liệu.
Theo đó, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế, xã hội; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Dự án luật được xây dựng dựa trên quan điểm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số.
Việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các cá nhân vi phạm pháp luật.
Đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc khai thác, vận hành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tham khảo có chọn lọc pháp luật về quản lý dữ liệu của một số nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Luật quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý Nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về dữ liệu tại Việt Nam.
Cùng với đó là cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Đáng chú ý, dự luật quy định Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu quốc gia.
Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia được hình thành từ các nguồn tài chính hỗ trợ, viện trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, ngoài nước và từ các nguồn khác theo quy định pháp luật.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ: Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tăng cường sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu trong phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.
Thẩm tra nội dung Quỹ phát triển dữ liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia.
Bày tỏ quan tâm tới Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng đây là những vấn đề mới, đặc biệt là liên quan đến dữ liệu do các cơ quan nhà nước tạo lập bằng ngân sách Nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị vấn đề này cần được nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp.
Có ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để xây dựng Quỹ này; làm rõ về các nguồn tài chính hình thành Quỹ; quy định rõ những hoạt động được chi từ ngân sách nhà nước, hoạt động được chi từ Quỹ bảo đảm rõ ràng, minh bạch.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát các hoạt động được ưu tiên chi từ Quỹ để tránh trùng với các hoạt động được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển phục vụ công nghiệp công nghệ số ở dự Luật Công nghiệp công nghệ số và các quy định của pháp luật có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu tại Phiên họp về dự án Luật Dữ liệu - Ảnh: VGP/LS
Cần thiết lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
Giải trình về đề xuất Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, việc đề nghị lập Quỹ này để thúc đẩy ứng dụng dữ liệu, chuyển đổi số ở các vùng, miền, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt việc nghiên cứu giải pháp gia tăng bảo vệ dữ liệu.
Bộ trưởng cho hay, sẽ báo cáo Chính phủ cần có các quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia để huy động nguồn lực xã hội cho xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, việc hình thành quỹ này cần thiết, phù hợp với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời sẽ rà soát, chỉnh lý quy định rõ nguyên tắc hoạt động của quỹ đảm bảo không vì mục đích lợi nhuận.
Quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, hỗ trợ các hoạt động xây dựng, triển khai, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư, hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu...
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu, đồng thời đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án luật của Chính phủ và cơ quan soạn thảo.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là dự án luật có tác động sâu sắc đến quá trình chuyển đổi số, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề mới đang hình thành, phát triển, chưa có nhiều cơ sở thực tiễn, do đó cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế đầy đủ, cụ thể quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng Chính phủ số, kinh tế - xã hội số.
Đồng thời cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung, nhất là về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đảm bảo không chồng chéo với các luật khác như Luật Công nghệ số, Luật Cơ yếu, Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng…
LS
Tác giả: Trinh Phạm
Nguồn tin: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn