Dấu ấn Việt Nam trên chặng đường gìn giữ hòa bình

Thứ tư - 29/05/2024 06:52

Trong hành trình 10 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ, mà còn lan tỏa đến bạn bè quốc tế hình ảnh về một Việt Nam trách nhiệm, thân thiện, nhân văn và yêu chuộng hòa bình.

Hành trình 10 năm đánh dấu những bước trưởng thành mạnh mẽ của Việt Nam trong quá trình tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (Ảnh: Kiều Giang)
Hành trình 10 năm đánh dấu những bước trưởng thành mạnh mẽ của Việt Nam trong quá trình tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (Ảnh: Kiều Giang)

Hoạt động gìn giữ hòa bình là một cơ chế đặc biệt, được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triển khai lần đầu tiên vào năm 1948, đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, chấm dứt xung đột, xây dựng hòa bình bền vững tại hàng chục quốc gia.

Việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nhằm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phù hợp với Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 806 của Quân ủy Trung ương.

Bên cạnh đó, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại với các nước trên thế giới; đây cũng là điều kiện thuận lợi để tìm hiểu thu thập thông tin phục vụ cho công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược, nhằm phục vụ yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao trình độ của cán bộ, chiến sĩ trong các lĩnh vực khác khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Vào tháng 6/2014, hai sỹ quan đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được cử đi làm nhiệm vụ sỹ quan liên lạc tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS). Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã cử 804 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp triển khai theo hình thức cá nhân và đơn vị, trong đó có 5 thê đội của Bệnh viện dã chiến cấp 2 triển khai tại phái bộ UNMISS (Nam Sudan); 2 thê đội của Đội Công binh triển khai tại phái bộ UNISFA (khu vực Abyei) và 114 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân tại Trụ sở Liên hợp quốc, phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi.

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã cử 804 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp triển khai theo hình thức cá nhân và đơn vị tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Ảnh: Kiều Giang)

Hiện nay, Việt Nam đang đứng vị trí 39 trên tổng số 117 quốc gia cử quân và cảnh sát với quân số triển khai thường xuyên tại các Phái bộ thực địa với 274 người, trong đó có 36 nữ quân nhân.

Hành trình 10 năm đánh dấu những bước trưởng thành mạnh mẽ của Việt Nam trong quá trình tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả, kiến tạo hòa bình bền vững cho thế giới, qua đó nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cộng đồng và truyền thông quốc tế.

Trong 10 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, các đơn vị và các sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam đã luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Liên hợp quốc và Bộ Quốc phòng giao. Nhiều sĩ quan khi kết thúc nhiệm kỳ được Liên hợp quốc đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tặng thưởng Bằng khen, Thư khen. Đặc biệt, 100% cán bộ của Quân đội nhân dân Việt Nam được chỉ huy các phái bộ thay mặt Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Số lượng cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Việt Nam cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của Liên hợp quốc và các quốc gia cử quân khác.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong 10 năm qua, Việt Nam đã cử khoảng 100 nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Trong đó, các sĩ quan nữ tham gia theo hình thức cá nhân, hoạt động độc lập chiếm khoảng 20% so với tỷ lệ trung bình của Liên hợp quốc là dưới 10%. Bên cạnh đó, các nữ quân nhân tham gia trong đội hình bệnh viện dã chiến cấp 2 chiếm tỷ lệ 16-21% (con số này cao hơn so với tỷ lệ trung bình của Liên hợp quốc là 12%); nữ quân nhân thuộc Đội Công binh Việt Nam (chiếm khoảng 12%), trong khi các Đội Công binh gìn giữ hòa bình của các nước khác không có nữ quân nhân tham gia.

Những tiến bộ đạt được của Việt Nam trong thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng như hợp tác toàn cầu thực hiện Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh trong hoạt động gìn giữ hòa bình được các nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao. Do vậy, Việt Nam đã được chọn là nước đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về phụ nữ với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vào tháng 11/2022.

Theo đánh giá của chỉ huy phái bộ và các cơ quan của Liên hợp quốc, lực lượng gìn giữ hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, thể hiện sự chuyên nghiệp, sáng tạo, kỷ luật cao và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với chỉ huy các phái bộ cũng như bạn bè và đồng nghiệp quốc tế.

Khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, lực lượng của Quân đội và Công an nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ chính quyền và người dân địa phương bằng những hành động thiết thực như tham gia xây dựng và tu sửa đường sá; giúp nhà trường xây dựng, cải tạo lớp học; tổ chức dạy học tình nguyện; khoan giếng nước tặng khu dân cư địa phương và các trường học; tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn sức khoẻ và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân địa phương,…

Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam còn là những sứ giả của một Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình (Ảnh: Đội Công binh)

Tinh thần tương thân tương ái, sự nhiệt tình, thân thiện của những chiến sỹ mũ nồi xanh Việt Nam luôn được người dân địa phương yêu mến. Bởi vậy, không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam còn là những sứ giả của một Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, góp phần tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” nhân văn, nhân ái, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa” bằng biện pháp hòa bình và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Có thể khẳng định việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là chủ trương sáng suốt của Đảng và Nhà nước, là bước đi làm sâu sắc thêm đường lối đối ngoại quốc phòng của Quân đội Việt Nam.

Sự tham gia, đóng góp của Việt Nam cho sứ mệnh hòa bình trên thế giới góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế; nâng cao vị thế, uy tín và vai trò của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác quốc tế trên cả bình diện song phương và đa phương; tăng cường lòng tin chiến lược, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Song Anh

Xem thêm:

1. Trong 10 năm, hơn 800 lượt sĩ quan, quân nhân Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

2. Bài 1: Điểm sáng trong quan hệ đa phương

3. Bài 2: Cam kết mạnh mẽ, đóng góp lâu dài

4. Bài 3: Chuyện "những lần đầu tiên"

5. Bài cuối: Con đường tới trung tâm huấn luyện tầm quốc tế

6. Ngày Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc 29/5

_________

Ngày 29/5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày Quốc tế của Lực lượng gìn giữ hòa bình để ghi nhận những đóng góp to lớn của lực lượng này đối với hòa bình và an ninh thế giới. Hiện nay có hơn 87.000 binh lính thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đến từ 125 quốc gia đang được triển khai tại 12 Phái bộ.

Tác giả: Tuấn Ngọc

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 115 trong 23 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 23 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây