Đồng bào Công giáo Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc

Thứ bảy - 23/12/2023 12:22

Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào Công giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, đồng bào Công giáo tiếp tục cùng nhân dân cả nước vượt qua khó khăn, thử thách, góp phần vào sự phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của đất nước. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Hòa trong dòng chảy lịch sử dân tộc
 
Suốt chiều dài lịch sử đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo là bộ phận không thể tách rời của đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Là một tôn giáo có số lượng tín đồ đông, sinh hoạt trên phạm vi rộng, công giáo nước nhà đã đồng hành và có những đóng góp không nhỏ trong quá trình bảo vệ, phát triển đất nước.

Ngay từ thời kỳ phong kiến đã xuất hiện những nhân vật Công giáo có tư tưởng yêu nước, tiêu biểu là nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ (người Công giáo) đã dâng lên triều đình nhà Nguyễn 58 bản điều trần mong muốn góp phần làm cho đất nước giàu mạnh, đủ sức đánh thực dân Pháp.

Hay nhiều giám mục, linh mục, giáo dân đã ra gánh vác những trọng trách của chính quyền nhân dân buổi đầu trứng nước, như các Giám mục Lê Hữu Từ, Hồ Ngọc Cẩn là cố vấn Chính phủ; các ông Nguyễn Mạnh Hà đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế, ông Vũ Đình Tụng - Giám đốc Nha Y tế Bắc Bộ, Bộ trưởng Bộ thương binh, Cựu binh trong Chính phủ, đặc biệt là Linh mục Phạm Bá Trực đã được bầu làm Phó Trưởng Ban thường trực Quốc hội khóa I.

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, các vị linh mục Hồ Thành Biên, Trần Quang Nghiêm và rất nhiều vị linh mục khác đã tạm ngừng việc đạo để lên chiến khu trực tiếp tham gia kháng chiến...  Nhiều nhà thờ của đạo Công giáo cùng những ngôi chùa của đạo Phật, thánh thất của đạo Cao Đài... trở thành những nơi nuôi giấu cán bộ, bộ đội; không ít chức sắc và bà con giáo dân quên mình hy sinh cho sự sống còn của dân tộc.

Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, hơn 5 vạn thanh niên Công giáo lên đường bảo vệ Tổ quốc, nhiều người trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, dũng sĩ diệt Mỹ và biết bao tấm gương hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều bà mẹ Công giáo được phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”. 

Đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế
 
Ðất nước độc lập thống nhất, giang sơn thu về một mối, đó là điều kiện thuận lợi để đồng bào Công giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống sống "Tốt đời, đẹp đạo", đoàn kết và đồng hành cùng dân tộc, cùng toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Từ đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, người Công giáo đã chủ động tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Đó là các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Chương trình khuyến nông, khuyến ngư”; “Chương trình cánh đồng mẫu lớn”; “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...
Ở mỗi địa phương, các giáo phận lại có sáng kiến riêng phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội. Đơn cử như phong trào “Thành phố 5 không, 3 có, 4 an” ở Đà Nẵng; “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, sống tốt đời, đẹp đạo” ở Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình; “Xây dựng xứ, họ đạo gương mẫu” ở Thái Bình; “Tiếng kẻng học bài” cho học sinh, sinh viên ở Khánh Hòa; “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” ở Nam Định, Thanh Hóa; "Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt” ở Hà Nội; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” ở Đồng Nai…

Qua đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm tốt cùng với nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đặc biệt nhiều mô hình sản xuất kinh doanh của đồng bào Công giáo đã phát huy hiệu quả kinh tế cao tập trung vào chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất theo quy mô trang trại, gia trại để nâng cao giá trị, sản lượng hàng hóa; phát triển ngành nghề truyền thống với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn. Đơn cử như mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi gà thả vườn áp dụng an toàn sinh học, nuôi heo đen sinh sản của bà con giáo dân xã Phú Hòa, huyện Phú Vang, Đà Nẵng đã góp phần phát triển sản xuất, vừa không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra những sản phẩm sạch, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp do người Công giáo làm chủ đã đổi mới công nghệ, hiện đại hóa sản xuất kinh doanh, đã và đang khẳng định được mình trên thị trường trong nước, vươn ra thị trường nước ngoài. Đồng thời, các doanh nghiệp của đồng bào Công giáo góp phần tích cực tạo việc làm cho người dân tại địa phương. Điển hình như giáo dân Trần Văn Kiều, ở xứ đạo Kiên Lao, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cùng với các cộng sự đã nghiên cứu, chế tạo ra các thiết bị lò đốt rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt nhiệt phân và tự sinh năng lượng. Đồng thời, đầu tư hàng tỷ đồng để biến khu bãi rác khổng lồ, gây ô nhiễm nặng trong nhiều năm của thị trấn Xuân Trường thành một khu xử lý, đốt rác thải rộng rãi, khang trang, sạch đẹp như một công viên.

Nhiều tổ chức Công giáo đã thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, dịch vụ thông qua hỗ trợ hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để họ phát triển sản xuất; hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội, tiêu biểu như: Cộng đoàn Betania - Hội dòng mến Thánh giá Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) tổ chức chương trình dạy nghề may thêu và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo, khuyết tật. Giáo xứ Nam Hà, giáo xứ Xuân Mỹ (Đồng Nai) tổ chức chương trình "Đại lý hỗ trợ các hộ nghèo chăn nuôi", vận động các hộ kinh doanh ứng bán thức ăn chăn nuôi cho các hộ nghèo và thu tiền sau khi bán được vật nuôi... 

Hoạt động khám bệnh và cấp phát thuốc cho người nghèo tại Phòng khám Mẫu Tâm (xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang). Ảnh: TL

Góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
 
Với truyền thống đoàn kết nhân ái của dân tộc, sống theo tinh thần bác ái, thực hành nội dung giáo huấn của Giáo hội Công giáo và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động từ thiện bác ái trong đồng bào công giáo từ lâu đã trở thành một phong trào mang tính xã hội rộng lớn. Các hoạt động chăm lo cho người nghèo, người cơ nhỡ bất hạnh, người có hoàn cảnh không may trong cuộc sống, đồng bào vùng thiên tai bão lụt, vùng sâu, vùng xa, người già neo đơn, các cháu mồ côi khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, bệnh nhân HIV/AIDS là những đối tượng và địa chỉ hoạt động từ thiện bác ái của giới Công giáo… Trong 5 năm (2017-2022), tổng số kinh phí tham gia ủng hộ các quỹ: "Vì biển đảo Việt Nam", "Vì người nghèo", "Đền ơn đáp nghĩa", "Xây nhà đại đoàn kết"... của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đạt trên 1.959 tỷ đồng.

Trong đại dịch COVID-19, đồng bào Công giáo tại mỗi địa phương đều tìm ra những cách thức riêng nhằm khắc phục khó khăn. Chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh, các vị chức sắc, chức việc, nam, nữ tu sĩ và đồng bào Công giáo Thành phố đã quyên góp ủng hộ tiền, hàng hóa, trang thiết bị y tế, các phần quà trị giá trên 20 tỷ đồng. Trên 1.000 lượt các vị linh mục, tu sĩ và giáo dân tình nguyện phục vụ tại các bệnh viện hồi sức, bệnh viện dã chiến thu dung trên địa bàn, hỗ trợ, giúp đỡ việc điều trị cho hàng chục nghìn bệnh nhân mắc COVID-19.

Cùng với đó là sự tham gia tích cực của đồng bào Công giáo vào lĩnh vực giáo dục, dạy nghề. Điển hình như tại Lâm Đồng, toàn tỉnh có 90 cơ sở giáo dục mầm non tư thục do các Hội Dòng Nữ tu Công giáo thành lập và quản lý với hàng chục nghìn học sinh. Nhiều trường không thu học phí; hỗ trợ tiền ăn cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, các dòng tu còn tổ chức và điều hành lớp học tình thương để nuôi dạy trẻ em khiếm thính, khiếm thị, các em mồ côi và suy dinh dưỡng...

Thông qua phong trào yêu nước của người Công giáo, xuất hiện rất nhiều tấm gương cá nhân cũng như tập thể công giáo tiêu biểu; nhiều vị chức sắc, nhà tu hành và tín đồ Công giáo đã trở thành những người tiêu biểu, gương mẫu, làm chỗ dựa tin cậy trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.  

Việt Nam luôn tạo điều kiện cho cộng đồng Công giáo hoạt động và phát triển
 
Từ khi Đảng lãnh đạo cách mạng đã luôn thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp từng giai đoạn, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh đất nước vừa mới giành được độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ quan điểm mang tính nguyên tắc trong chính sách tôn giáo của Việt Nam: “Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết” (1).

Để tạo ra một hành lang pháp lý cho những người có đạo tự do thực hiện các hoạt động tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh có những điều khoản riêng về tôn giáo. Đặc biệt Sắc lệnh 234/SL về tôn giáo ký ngày 14/6/1955, gồm 5 chương, 16 điều khoản quy định chi tiết về quyền: “Tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân, quyền của các Giáo hội tham gia vào hoạt động xã hội và các sinh hoạt tôn giáo riêng của mình”.

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, trong suốt quá trình phát triển của cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Cùng với quá trình đổi mới toàn diện đất nước, sự ra đời của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (có hiệu lực ngày 1/1/2018) đã đáp ứng được những nguyện vọng chính đáng của các tôn giáo; tạo được sự vui mừng, phấn khởi trong đồng bào tín đồ, chức sắc, nhà tu hành Công giáo. Đồng bào ngày càng yên tâm, tin tưởng và hăng hái thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc, góp phần vào công cuộc đổi mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với đó, cơ sở thờ tự được sửa sang, xây dựng mới ngày càng nhiều, trong đó có nhiều nơi được xây dựng khang trang, có giá trị nghệ thuật, văn hóa cao. Các cơ sở đào tạo của Công giáo được mở rộng, nâng cấp. Các sinh hoạt tôn giáo lớn như đại hội, hội nghị và ngày lễ trọng được các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện nên đã tổ chức thành công tốt đẹp. Quan hệ quốc tế của Giáo hội và chức sắc Công giáo mở rộng trên cơ sở nhiều hoạt động thăm viếng, hội thảo khoa học, giao lưu trao đổi về tôn giáo, văn hóa, từ thiện xã hội... với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới là: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ “sống tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo và hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc” (2).

Gần đây nhất, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, khi đưa ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã nêu rõ: Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ sống "tốt đời, đẹp đạo", đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền các cấp phát động. Bảo đảm để các tổ chức tôn giáo hoạt động bình đẳng theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận.

Có thể nói, sống "Tốt đời, đẹp đạo", "Đồng hành cùng dân tộc" là truyền thống, là mục tiêu chung của các tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có Công giáo và đây cũng là cơ sở hòa nhập, củng cố và tăng cường đoàn kết đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Giữa hai mặt ''tốt đời" và ''đẹp đạo'' có mối quan hệ thống nhất và biện chứng với nhau. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển lành mạnh, đó là cơ sở và điều kiện để chăm lo hạnh phúc cho toàn dân, trong đó có đồng bào Công giáo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Công giáo sống đạo tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn và dân chủ hơn. Ngược lại, đồng bào Công giáo sống ''Đẹp đạo'' cũng chính là góp phần làm cho các giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của Công giáo được phổ biến, nhân rộng và hiện thực hóa trong xã hội và làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo được củng cố vững chắc hơn. 

Diệp Ninh TTXVN (tổng hợp)

_____________
(1): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.8.
(2): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tập 1, tr.171

Tác giả: Tuấn Ngọc

Nguồn tin: hdll.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 125 trong 25 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 25 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây