Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong hai lực lượng vũ trang nhân dân nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực diễn biến ngày càng nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, đặt ra yêu cầu cao hơn, trọng trách nặng nề hơn đối với lực lượng vũ trang nhân dân.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn cần “đánh giá, dự báo đúng tình hình, xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ”.[3] Do đó, việc dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa quan trọng đối với công tác của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, trong đó có công tác xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.
1. Dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
(1) Tình hình thế giới
Một là, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, khát vọng chung của toàn nhân loại nhưng sẽ đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, nguy cơ xung đột cục bộ, chạy đua vũ trang ngày càng rõ nét. Cạnh tranh Mỹ - Trung là nhân tố chính chi phối cục diện thế giới. Làn sóng dân túy và chủ nghĩa bảo hộ kết hợp với chủ nghĩa dân tộc vị kỷ đã và đang ảnh hưởng mạnh đến tiến trình phục hồi, tăng trưởng và hội nhập kinh tế thế giới và khu vực.
Hai là, xu hướng “đa cực, đa trung tâm” đang vận động, biến đổi nhanh chóng, là xu hướng chính trong tương lai. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự suy giảm tương đối của Mỹ và sự chững lại của Liên minh châu Âu gần đây đã làm thay đổi tương quan sức mạnh, tầm ảnh hưởng của các quốc gia trong cuộc đua trở thành cường quốc số 1, dẫn đến sự xáo trộn trật tự thế giới mà Mỹ tạm thời giành ưu thế. Mỹ tiếp tục chiếm ưu thế, song tương quan sức mạnh toàn cầu sẽ chuyển biến theo hướng cân bằng hơn giữa các cường quốc và trung tâm ảnh hưởng. Các cường quốc vừa cạnh tranh vừa phối hợp, vừa đấu tranh vừa hợp tác, vừa đối trọng vừa thỏa hiệp trong quá trình giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực.
Ba là, kinh tế thế giới đối mặt nhiều yếu tố bất lợi do tác động kép của đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, xung đột Israel - Hamas, bất ổn gia tăng tại Trung Đông…. Đại dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng xu hướng bảo hộ, "co cụm" ở hầu hết các quốc gia trên thế giới; đồng thời là yếu tố chính khiến các hoạt động giao lưu, trao đổi bị gián đoạn, tạo cơ hội phát triển cho chủ nghĩa dân tộc, dân túy ở nhiều nơi trên thế giới. Cuộc xung đột Nga - Ukraine càng làm chậm lại quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới sau đại dịch. Kinh tế thế giới vẫn đứng trước các thách thức lớn từ xu hướng bảo hộ, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát toàn cầu, an ninh năng lượng và lương thực... Trong đó, lạm phát toàn cầu đạt mức cao trong những năm gần đây khiến các quốc gia phải đặt nhiệm vụ kiểm soát lạm phát lên hàng đầu.
Bốn là, cạnh tranh nước lớn tiếp tục diễn ra gay gắt, là nhân tố chính trong việc định hình trật tự khu vực và thế giới đến năm 2030, trong đó nổi bật là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và quan hệ Mỹ - Nga - Trung. Sức mạnh tổng thể của các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ… đều gia tăng, cạnh tranh trực tiếp với Mỹ và cạnh tranh với nhau ở nhiều khu vực. Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cường quyền nước lớn nổi lên làm tăng những ứng xử cực đoan, làm suy yếu mô thức hợp tác đa phương trong quan hệ quốc tế. Các mạng lưới hợp tác, liên minh các nhóm nước có chung lợi ích sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình trật tự thế giới mới. Các nước khác có xu hướng thực hiện tự chủ chiến lược với mong muốn thế giới tồn tại một trật tự đa cực dựa trên luật lệ.
Các nước tầm trung, các nền kinh tế mới nổi ngày càng có vai trò gia tăng trong hệ thống quốc tế. Cùng với sức mạnh tổng hợp quốc gia từng bước được củng cố và vị thế quốc tế tăng lên, các nước này sẽ đòi hỏi tái cấu trúc các thể chế toàn cầu theo hướng thừa nhận vai trò lớn hơn của mình nhằm từng bước tạo lập ảnh hưởng. Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt, các nước này được hưởng lợi từ quá trình tập hợp lực lượng nhưng đồng thời cũng rơi vào thế kẹt, đòi hỏi phải tăng cường tự chủ chiến lược và chạy đua vũ trang để giảm sự phụ thuộc vào nước lớn, đồng thời bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình[4].
Năm là, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục là xu hướng lớn nhưng đang đứng trước nhiều thách thức. Cạnh tranh chiến lược và mâu thuẫn nước lớn là trở lực cho quá trình đàm phán và hợp tác giữa các nước tại các tổ chức đa phương. Toàn cầu hóa kinh tế có xu hướng bị chính trị hoá, gắn với lợi ích cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, do đó hệ thống thương mại toàn cầu cũng có nguy cơ bị phân cực, phân mảnh thành các khối, nhóm với các nguyên tắc hoạt động khác nhau.
Sáu là, các thách thức an ninh phi truyền thống tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt đến sự phát triển của các quốc gia. Các thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên như: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, thiên tai dịch bệnh, tình trạng thiếu hụt tài nguyên, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm trên không gian mạng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng bố quốc tế... gia tăng. Những thách thức này vừa là mối đe dọa chung đối với loài người và khuyến khích nỗ lực hợp tác tập thể, vừa là phương tiện nhiều quốc gia lợi dụng để làm suy yếu lẫn nhau.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), quy mô và tốc độ phát triển chưa từng có trong lịch sử, tốc độ phát triển cấp số nhân, tác động lớn về kinh tế và môi trườn sinh thái, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tạo ra cả thời cơ, thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Internet vạn vật (IoT), cơ sở dữ liệu lớn (bigdata), điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI)… tiếp tục đưa đến những biến đổi sâu sắc đối với đời sống xã hội, kết cấu giai cấp, năng suất lao động, cơ cấu nghề nghiệp, sự chuyển đổi của hệ thống sản xuất, kinh doanh… Không gian mạng đã trở thành môi trường thứ Năm, với sự ra đời của chiến tranh mạng, tác động sâu sắc đến quốc phòng, an ninh của mọi quốc gia[5]. CMCN 4.0, nhất là công nghệ thông tin cũng tạo ra những thách thức lớn đối với công tác quản trị quốc gia, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là vấn đề tội phạm công nghệ cao, an ninh thông tin, an ninh mạng, trong khi Việt Nam chưa tự chủ hoàn toàn về công nghệ, gây nguy cơ mất chủ quyền an ninh thông tin, ở một góc độ nào đó có thể tạo ra hệ lụy rất nguy hiểm.
(2) Tình hình khu vực
Một là, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á có vị trí địa - chiến lược quan trọng, là địa bàn trọng tâm trong cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đang trở thành trung tâm quyền lực của thế giới trong thế kỷ XXI. Cục diện khu vực và sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của các quốc gia trong khu vực tiếp tục bị chi phối bởi quan hệ Mỹ - Trung. Trung Quốc đẩy mạnh, tăng cường ảnh hưởng ở khu vực. Trong 5 - 10 năm tới, khó có giải pháp để giải quyết ổn thỏa, dứt điểm các điểm nóng trong khu vực như Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông…
Hai là, ASEAN ngày càng hội nhập, nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm hợp tác, thúc đẩy liên kết khu vực Đông Á, châu Á - Thái Bình Dương, được nhiều nước lớn coi trọng, tăng cường hợp tác. Tuy nhiên, ASEAN cũng đứng trước nguy cơ ngày càng tăng bị nước lớn gây sức ép lôi kéo, lợi dụng dẫn đến làm suy giảm vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực của mình.
Ba là, trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, các quốc gia trên thế giới, trong đó các quốc gia tại Đông Nam Á tập tăng cường chi tiêu mua sắm, hiện đại hóa quân đội, tăng cường khả năng tác chiến trên nhiều khía cạnh quốc phòng. Trong giai đoạn từ năm 2006-2015, chi tiêu quốc phòng tại Đông Nam Á tăng trung bình 57%; giai đoạn 2011-2021, chi tiêu quốc phòng tại khu vực tăng 28,8%. Hình 1 cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2011-2020, 05 quốc gia chi tiêu quốc phòng cao nhất tại Đông Nam Á lần lượt là Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippine. Chỉ trong vòng 10 năm, chi tiêu quốc phòng của Philippine đã tăng gần 3 lần, từ mức khoảng 2,2 tỷ USD lên khoảng 5,9 tỷ USD vào năm 2020. Theo nghiên cứu của Viện SIPRI, trong giai đoạn 2002-2021, ngân sách quốc phòng của Singapore là cao nhất trong ASEAN với 11 tỷ USD. Ngân sách quốc phòng của Indonesia từ 6,5 tỷ USD năm 2013 đã tăng lên, duy trì ở mức ổn định khoảng 8,2 tỷ USD đến năm 2023 (ngân sách quốc phòng của Indonesia tăng đột biến lên 9,3 tỷ USD năm 2022).[6] Việc tăng chi tiêu quốc phòng tại khu vực nhằm chủ động ứng phó với nguy cơ bất ổn gia tăng, đồng thời cho thấy nền sản xuất quốc phòng của các nước trong khu vực không thực sự hiệu quả, vẫn phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí hiện đại từ nước ngoài.
Chi tiêu quốc phòng của một số nước tại Đông Nam Á
giai đoạn 2011-2020 (Nguồn: Tập đoàn Tình báo Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Úc, 2021)
(3) Tình hình trong nước
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhận định: Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội… Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, Việt Nam đã vươn mình trở thành điểm sáng của thế giới về phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo… Đến nay, Việt Nam đứng thứ 35 thế giới về quy mô kinh tế với GDP 436 tỷ USD; là nền kinh tế năng động trong ASEAN với độ mở nền kinh tế cao, đạt gần gấp đôi so với quy mô GDP; nằm trong top 20 thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài và top 20 về kim ngạch xuất nhập khẩu.[7] Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 194 quốc gia. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài…
Đối ngoại quốc phòng cùng với đối ngoại an ninh cũng ngày càng mở rộng, là bộ phận quan trọng của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của đất nước; đóng góp quan trọng vào duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng chính thức với 65 nước trong đó có các cường quốc trên thế giới; đã thiết lập tuỳ viên quốc phòng tại 31 nước và đã có 42 nước thiết lập tuỳ viên quốc phòng tại Việt Nam;[8] đã có quan hệ với 162 cơ quan thực thi pháp luật của 64 quốc gia và vùng lãnh thổ; đã thiết lập quan hệ nhiều mặt với cơ quan thực thi pháp luật của các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ); tham gia hoạt động trong 52 tổ chức, diễn đàn hợp tác quốc tế đa phương, trong đó có INTERPOL và ASEANAPOL; đàm phán, ký kết trên 150 văn bản hợp tác quốc tế về bảo vệ an ninh, trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm.[9]
Việt Nam cũng đã cử lực lượng Quân đội, Công an tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Sau hơn 10 năm triển khai lực lượng, Việt Nam đã cử gần 900 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp theo hình thức cá nhân và đơn vị tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng, Cộng hòa Trung Phi, Khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc. Bên cạnh hình thức triển khai theo đội hình đơn vị, các sĩ quan Quân đội và Công an triển khai theo hình thức cá nhân đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, trong đó có nhiều vị trí quan trọng như: Sĩ quan tác chiến, sĩ quan hậu cần, sĩ quan điều phối quân - dân sự, sĩ quan công binh công trình... Hiện nay Việt Nam đang duy trì 04 sĩ quan Quân đội và 01 sĩ quan Công an làm việc tại các cơ quan hoạch định chiến lược của Liên hợp quốc. Các sĩ quan Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, người dân tại địa bàn triển khai yêu mến, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hình ảnh đất nước Việt Nam phát triển, là thành viên tích cực, trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế…
Bên cạnh những kết quả nêu trên, vẫn còn tồn tại một số thách thức ở trong nước tác động tiêu cực đến công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhận định, đánh giá rõ hơn là: “bốn nguy cơ vẫn còn tồn tại, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có mặt gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hoá, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường; chưa bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng, miền, địa phương theo lợi thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới”[10].
Ngoài ra, xuất hiện một số thách thức an ninh đáng lo ngại khác như: Một là, tranh chấp Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, là mối thách thức lớn nhất đối với chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Hai là, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng ngày càng được các thế lực thù địch, phản động sử dụng rộng rãi để xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia; chi phối, tác động lớn đến Việt Nam. Ba là, nhiều thách thức an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, an ninh nguồn nước, an ninh mạng….
Bốn là, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt; tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự diễn biến phức tạp, khó dự báo và kiểm soát; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, truyền thông... tác động sâu sắc, đa chiều đến môi trường an ninh, trật tự của đất nước ta.
Năm là, trên một số vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ: còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định, không loại trừ khả năng xẩy ra bạo loạn chính trị. Qua khảo sát thực tế ở một số tỉnh biên giới Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc gần đây cho thấy, kẻ địch đang tăng cường thực hiện âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hoà bình" đối với địa bàn các tỉnh miền núi, đồng bào vùng dân tộc, chúng tập trung vào cơ sở, làm mục rỗng bộ máy cơ sở chính trị ở địa phương, đầu độc, mê hoặc quần chúng để thực hiện ý đồ phản cách mạng của chúng.
2. Mục tiêu và một số yêu cầu mới đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
2.1. Về mục tiêu, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng xác định mục tiêu tổng quát: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định “xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lục lượng… Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt cho sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
2.2. Bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp mới, cao hơn đối với công tác bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó có công tác xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân nói chung và Quân đội nhân dân nói riêng.
Về một số yêu cầu đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:
Một là, yêu cầu giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, cạnh tranh và xung đột liên tục xảy ra trên thế giới. Hiện nay, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nguy cơ mất độc lập, tự chủ do phụ thuộc vào các cường quốc kinh tế là một trong những thách thức Việt Nam phải giải quyết một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, dưới tác động của CMCN 4.0, không gian bảo vệ Tổ quốc đã mở rộng xuống lòng đất, lòng biển, lên cả trên không, vũ trụ và không gian mạng.
Nghiên cứu thể chế hóa các nguyên tắc: “4 tránh”, “4 không” và “3 điều không để mất”. Cụ thể như sau: “4 Tránh”: (1) Tránh xung đột quân sự; (2) Tránh đối đầu về kinh tế; (3) Tránh cô lập về ngoại giao (4) Tránh lệ thuộc về chính trị. “4 không”: (1) Không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào; (2) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam; (3) Không liên kết với nước này chống lại nước khác; (4) Không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. “3 Điều không thể mất”: (1) Không để mất chủ quyền lãnh thổ; (2) Không để mất hòa bình và ổn định; (3) Không để mất tình hữu nghị với các nước.
Hai là, yêu cầu đẩy mạnh công tác nghiên cứu và tham mưu chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Trong bối cảnh thế giới bất ổn và có nhiều yếu tố bất định như hiện nay, cần sớm phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi, triệt tiêu những âm mưu, hành động chống phá chế độ, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân nói chung và Quân đội nhân dân nói riêng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại nói riêng” là giải pháp căn cơ để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/05/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết 26-NQ/TW) xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và đến năm 2030: Đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an: Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, sức chiến đấu cao; có số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; từ 20 - 30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh một số yêu cầu đối công tác xây dựng Quân đội: “trước tiên và then chốt là xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tinh thần, với quan điểm “người trước, súng sau”; có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống quân sự, quốc phòng”. Đồng thời, “xây dựng Quân đội hiện đại về tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, có cơ cấu hợp lý giữa các thành phần lực lượng, phù hợp với vũ khí, trang bị, nghệ thuật tác chiến. Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, cả lực lượng chính quy, lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên và lực lượng dân quân, tự vệ, là nhân tố quyết định để phát huy sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân”…[11]
Ngoài các tiêu chí của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân, bối cảnh mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ đáp ứng một số tiêu chí sau: (i) Có bản lĩnh chính trị vững vàng, thấm nhuần lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; (ii) Khả năng nghiên cứu, phân tích, dự báo chiến lược; (iii) Khả năng sử dụng ít nhất một ngoại ngữ; (iv) Khả năng sử dụng tốt tiếng dân tộc thiểu số tại địa bàn công tác; (v) Hiểu biết về văn hóa, lịch sử; (vi) Tư duy linh hoạt; (vii) Làm chủ công nghệ; (viii) Kỹ năng giao tiếp và ứng xử hiệu quả.
Bốn là, tiếp tục ưu tiên đầu tư ngân sách hiện đại hóa lực lượng vũ trang, phát triển hiệu quả công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng, hiện đại để tự sản xuất vũ khí, trang bị trong nước, kết hợp mua sắm phù hợp vũ khí, trang bị hiện đại từ nước ngoài để nâng cao khả năng tự bảo vệ và sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, môi trường ổn định để xây dựng, phát triển đất nước; đồng thời thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Năm là, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về quốc phòng để tranh thủ nguồn lực của các đối tác, đặc biệt là các đối tác có tiềm lực mạnh về khoa học công nghệ, năng lực quân sự…, nhằm đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ Quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng quốc gia.
Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành[1]
Trung tá, TS. Lục Anh Tuấn[2]
(hdll.vn)
__________________
1. Adib Farhadi, Ronald P. Sanders, and Anthony Masys (eds), The Great Power Competition Volume 3: Cyberspace: The Fifth Domain. Springer Nature, 2022.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011), Nxb Sự thật, Hà Nội, 2011.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1 và tập 2.
7. “Đối ngoại quốc phòng và hợp tác quốc tế”, https://www.mod.gov.vn/home/intro/detail?1dmy¤t=true&urile=wcm%3Apath%3A/mod/sa-mod-site/sa-qpvn/sa_qpvn_dnqp/sa-qpvn-dnqp-ctcs/6d8c6363-6755-451f-8fd6-a68f8b06adc7#:~:text=%C4%90%E1%BA%BFn%20nay%2C%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%20%C4%91%C3%A3,qu%E1%BB%91c%20ph%C3%B2ng%20t%E1%BA%A1i%20Vi%E1%BB%87t%20Nam (truy cập ngày 28/7/2024).
8. Nguyễn Phú Trọng (2023), Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN thời kỳ mới, Nxb CTQGST, Hà Nội.
9. Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 19, ngày 11/6/2022, https://mod.gov.vn/en/intro/detail?1dmy¤t=true&urile=wcm%3Apath%3A/mod/sa-mod-site/sa-qpvn/sa_qpvn_csqp/sa-qpvn-csqp-tlvkbv/0dccccd9-877c-40be-b575-a6821dfc78a0 (truy cập ngày 25/7/2024).
10. “Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm”, ngày 16/8/2023, https://antv.gov.vn/chinh-tri-2/tang-cuong-hop-tac-quoc-te-trong-phong-chong-toi-pham-989EA982F.html (truy cập ngày 28/7/2024).
11. Tấn Lực, “Việt Nam đứng thứ 35 trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới”, ngày 29/3/2024, https://tuoitre.vn/viet-nam-dung-thu-35-trong-nhom-40-nen-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-20240329111536528.htm (truy cập ngày 03/4/2024).
12. Raisina Debates, “Military expansion among ASEAN members”, ngày 23/8/2023, https://www.orfonline.org/expert-speak/military-expansion-among-asean-members (truy cập ngày 25/7/2024).
[1] Phó Chủ tịch chuyên trách, Hội đồng Lý luận Trung ương
[2] Ban Thư ký khoa học, Hội đồng Lý luận Trung ương
[3] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2023, tr.124.
[4]Ấn Độ là trường hợp điển hình trong việc tự chủ chiến lược thời gian gần đây, trong đó có việc bỏ phiếu trắng cho các nghị quyết liên quan đến xung đột Nga - Ukraine tại HĐBA và Hội đồng Nhân quyền. Ngoài Ấn Độ, EU cũng từ chối cùng Mỹ tham gia các lệnh trừng phạt chống nhập khẩu dầu từ Nga, mặc dù EU đã nhất trí lên án cuộc xung đột Nga - Ukraine.
[5] Xem Adib Farhadi, Ronald P. Sanders, and Anthony Masys (eds), The Great Power Competition Volume 3: Cyberspace: The Fifth Domain. Springer Nature, 2022.
[6] Xem Raisina Debates, “Military expansion among ASEAN members”, ngày 23/8/2023, https://www.orfonline.org/expert-speak/military-expansion-among-asean-members (truy cập ngày 25/7/2024).
[7] Xem Tấn Lực, “Việt Nam đứng thứ 35 trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới”, ngày 29/3/2024, https://tuoitre.vn/viet-nam-dung-thu-35-trong-nhom-40-nen-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-20240329111536528.htm (truy cập ngày 03/4/2024).
[8] Xem “Đối ngoại quốc phòng và hợp tác quốc tế”, https://www.mod.gov.vn/home/intro/detail?1dmy¤t=true&urile=wcm%3Apath%3A/mod/sa-mod-site/sa-qpvn/sa_qpvn_dnqp/sa-qpvn-dnqp-ctcs/6d8c6363-6755-451f-8fd6-a68f8b06adc7#:~:text=%C4%90%E1%BA%BFn%20nay%2C%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%20%C4%91%C3%A3,qu%E1%BB%91c%20ph%C3%B2ng%20t%E1%BA%A1i%20Vi%E1%BB%87t%20Nam (truy cập ngày 28/7/2024).
[9] Xem “Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm”, ngày 16/8/2023, https://antv.gov.vn/chinh-tri-2/tang-cuong-hop-tac-quoc-te-trong-phong-chong-toi-pham-989EA982F.html (truy cập ngày 28/7/2024).
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.108.
Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khoá VII (20 - 25/1/1994) xác định 4 nguy cơ thách thức lớn là: (1) Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, do điểm xuất phát thấp. (2) Nguy cơ sai lầm về đường lối, đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa. (3) Nguy cơ về sự suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí. (4) Nguy cơ “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
[11] Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 19, ngày 11/6/2022, https://mod.gov.vn/en/intro/detail?1dmy¤t=true&urile=wcm%3Apath%3A/mod/sa-mod-site/sa-qpvn/sa_qpvn_csqp/sa-qpvn-csqp-tlvkbv/0dccccd9-877c-40be-b575-a6821dfc78a0 (truy cập ngày 25/7/2024).
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: hdll.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn