Triển lãm giúp công chúng, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ, đầy đủ, sâu sắc hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Giơ-ne-vơ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng, quyết tâm học tập, rèn luyện để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ.
Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Triển lãm “Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam - Mốc son lịch sử của nền Ngoại giao cách mạng Việt Nam” (21/7/1954 - 21/7/2024).
Triển lãm giới thiệu hơn 150 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu nhằm giúp khách tham quan có cái nhìn khái quát về quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. Triển lãm gồm 3 phần:
Phần I: Bối cảnh trước Hội nghị Giơ-ne-vơ
Trong giai đoạn 1945-1954, cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta đã lập nên nhiều chiến công trên các chiến trường trong cả nước. Trong cuộc đấu tranh ngoại giao hào hùng ấy cũng ghi nhận nhiều thành tựu được đánh dấu bằng các bản hiệp định: Hiệp định sơ bộ năm 1946 và Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam.
Lễ ký kết Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Từ trái qua phải: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Minh Giám, Ủy viên Cộng hòa Jean Sainteny, Cố vấn chính trị Leon Pignon, đại diện Đảng Xã hội Pháp Luis Caput (ảnh: Nguyễn Bá Khoản)
Tài liệu, hiện vật trưng bày tiêu biểu gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02/9/1945; Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Minh Giám, Ủy viên Cộng hòa Jean Sainteny, Cố vấn chính trị Leon Pignon, Đại diện Đảng Xã hội Pháp Luis Caput tại Lễ ký Hiệp định sơ bộ tại số 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội ngày 06/3/1946, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã đưa ra chủ trương “Hòa để tiến”; Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng họp tại Việt Bắc quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 12/1953; Cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries tại Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954…
Với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Việt Nam bước vào đàm phán tại Hội nghị Giơ-ne-vơ với vị thế “người chiến thắng”.
Phần 2: Diễn biến, kết quả của hội nghị và đấu tranh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ
Hội nghị Giơ-ne-vơ được khai mạc ngày 8/5/1954 tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) và bắt đầu giải quyết các vấn đề ở Đông Dương.
Mở đầu hội nghị: Các bên tham gia bao gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Pháp, Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh, và Trung Quốc. Thảo luận về tình hình Đông Dương và thiết lập cơ chế đối thoại. Tại đó, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nêu rõ lập trường vì độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia của Việt Nam.
Thảo luận và đàm phán chính thức: Đàm phán về việc ngừng bắn và phân giới tạm thời; Pháp đồng ý rút quân và phân giới tại vĩ tuyến 17; Thỏa thuận về tổng tuyển cử tự do trong vòng 2 năm nhằm thống nhất đất nước.
Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương chụp ảnh chung tại Trụ sở phái đoàn ở Villa Cadre. (Ảnh Tư liệu)
Ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ: Các bên chính thức ký các văn bản Hiệp định; Quy định cụ thể về ngừng bắn, trao trả tù binh và quản lý các khu vực 02 bên giới tuyến tạm thời.
Trải qua 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp, ngày 21/07/1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ về hòa bình ở Đông Dương kết thúc với 3 Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia; một bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị; hai bản tuyên bố riêng của Đoàn Mỹ và Pháp và công hàm trao đổi giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Pháp.
Lần đầu tiên, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam được các nước công nhận và cam kết tôn trọng.
Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp các nhà báo trong khuôn viên trụ sở làm việc của Đoàn (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Tài liệu, hiện vật trưng bày tiêu biểu gồm: Lá cờ đỏ sao vàng treo tại Trụ sở của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) năm 1954; Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương ngày 08/5/1954; Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Giơ-ne-vơ; Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng họp báo tại Trụ sở đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ để thông báo về vấn đề thống nhất Việt Nam ngày 19/7/1954; Toàn cảnh phiên họp của Hội nghị Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ngày 21/7/1954; Đại diện chính phủ Pháp Thiếu tướng Henri Denteil ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam năm 1954.
Phần 3: Thống nhất, đổi mới và phát triển đất nước
Sau ngày chiến thắng 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước cùng bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và hội nhập quốc tế.
Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước tại Sài Gòn từ ngày 15 - 21/11/1976 (Ảnh tư liệu)
Tài liệu, hiện vật trưng bày tiêu biểu gồm: Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước tại Sài Gòn từ ngày 15 - 21/11/1976; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986) đề ra đường lối Đổi mới đất nước; Việt Nam gia nhập các tổ chức: Liên hợp quốc (UN) năm 1977, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995; Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998,Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007; Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021.
Triển lãm giúp công chúng, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ, đầy đủ, sâu sắc hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Giơ-ne-vơ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng, quyết tâm học tập, rèn luyện để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ.
Triển lãm mở cửa từ ngày 15/7/2024 đến ngày 5/9/2024.
Mạnh Hùng
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn