Trong nhiều thập kỷ qua, giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, luôn đóng vai trò quan trọng và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Giai đoạn 1929-1945
GCCN Việt Nam ra đời trong quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Trong giai đoạn 1929-1935, GCCN bị thực dân Pháp bóc lột nặng nề. Các cuộc đấu tranh của công nhân đều bị thực dân Pháp đàn áp. Thêm vào đó, tình trạng khủng hoảng kinh tế làm cho hàng vạn người thất nghiệp, tình cảnh GCCN càng thêm điêu đứng, cực khổ.
Sang đến giai đoạn 1936-1939, hàng trăm cuộc bãi công của công nhân do các hội Ái hữu tổ chức đã giành được thắng lợi, buộc chính quyền thực dân phải hứa giải quyết các yêu cầu thiết thực của công nhân như tăng lương, giảm giờ làm. Điển hình là cuộc bãi công của 3 vạn công nhân khu mỏ than Hòn Gai (tháng 11/1936); công nhân xe lửa tuyến Vinh-Dĩ An (năm 1937) và cuộc biểu dương lực lượng của 3 vạn công nhân, lao động Hà Nội (ngày 1/5/1938).
Tháng 5/1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập, các hội quần chúng trở thành hội cứu quốc. Mặc dù bị địch đàn áp dã man, nhưng với tinh thần cách mạng, GCCN và Hội công nhân cứu quốc vẫn phát triển phong trào trên các địa bàn trọng yếu (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hòn Gai, Sài Gòn...).
Từ tháng 5/1945, GCCN tham gia phong trào đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Để tăng cường cung cấp vũ khí cho cách mạng, hội viên công nhân cứu quốc ở nhiều xí nghiệp đã lấy nguyên vật liệu của nhà máy để chế tạo vũ khí, trang bị cho các tổ tự vệ chiến đấu.
Ngày 2/9/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, GCCN đã trở thành lực lượng nòng cốt, cùng với nhân dân cả nước đứng lên giành chính quyền, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)
Sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, vừa phát triển kinh tế, xã hội, vừa chống giặc ngoại xâm. Công nhân đã tham gia chiến đấu bảo vệ cơ sở sản xuất của chính quyền cách mạng, tham gia bãi công, bãi thị và tiến công phá hoại các cơ sở kinh tế quan trọng của thực dân Pháp.
Tháng 6/1946, Hội công nhân cứu quốc được đổi thành “Công đoàn”. Đến ngày 20/7/1946, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức được thành lập. Đây là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự trưởng thành của GCCN, phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục chỉ đạo công nhân thực hiện nhiệm vụ xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí, động viên công nhân, viên chức cùng lực lượng vũ trang tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng thời, tích cực vận động GCCN cùng với giai cấp nông dân xây dựng được khối liên minh công nông vững chắc, làm nòng cốt xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân.
Những hoạt động trên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và GCCN đã góp phần tích cực vào Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc vẻ vang 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh, gian khổ và anh dũng của dân tộc Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước (1945-1954)
Bác Hồ gặp gỡ công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Hà Nội năm 1955. Ảnh tư liệu.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam tạm thời bị chia thành hai miền, miền Bắc được giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), miền Nam còn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ.
Miền Bắc tiến hành công cuộc tái thiết đất nước, khó khăn tiếp tục đặt lên vai người công nhân. Với trách nhiệm chủ nhân của đất nước, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) đã đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhờ vậy chỉ trong thời gian ngắn hoạt động sản xuất tại các cơ sở công nghiệp đã phục hồi, những điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của GCCN được lan tỏa, như “Sóng Duyên Hải”, “Hợp tác xã Thành Công”, “Ba quyết tâm”… Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều CNVCLĐ tiêu biểu được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lao động, là những tấm gương sáng trong học tập, lao động sản xuất và chiến đấu.
Ở miền Nam, phong trào công nhân hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm ra sức khủng bố, đàn áp. Các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp bị đình đốn, đời sống của CNVCLĐ khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng đã chỉ đạo các cơ sở trong nội thành, trong các đồn điền phải tìm mọi cách bám đất, bám dân phát triển lực lượng, tổ chức cho công nhân đấu tranh.
Ngày 5/11/1957, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ký Sắc lệnh số 108-SL/L10 về ban hành Luật Công đoàn đã tạo cơ sở pháp lý, nâng cao vị trí của tổ chức Công đoàn, củng cố vai trò lãnh đạo của GCCN trong tình hình mới.
Trước những yêu cầu mới, Đại hội lần thứ II Công đoàn Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 23 đến 27/2/1961, đã quyết định đổi tên “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” thành “Tổng Công đoàn Việt Nam”. Mục tiêu của Đại hội là “Các cấp Công đoàn phải phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng CNXH với năng suất lao động, hiệu quả công tác, phục vụ và tham gia chiến đấu, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Năm 1965, Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam được thành lập đã không ngừng củng cố và phát triển, vừa tổ chức cho CNVCLĐ các thành phố đấu tranh, vừa động viên CNVCLĐ vùng giải phóng đẩy mạnh sản xuất phục vụ chiến đấu. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh, Công đoàn giải phóng đã vận động CNVCLĐ ở các đô thị đồng loạt nổi dậy, phối hợp với lực lượng vũ trang tiêu diệt địch, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập
Năm 1976, các tổ chức công đoàn 2 miền Nam-Bắc được thống nhất lại, lấy tên chung là “Tổng Công đoàn Việt Nam”. Trong 10 năm đầu xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa (1975-1985), Công đoàn đã phối hợp với chính phủ tìm cách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và đời sống, tham gia với xí nghiệp, nhà máy thực hiện Chỉ thị 25/CP và 26/CP của Hội đồng Chính phủ về sản xuất và phân phối các ngành sản xuất công nghiệp; phát động phong trào thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất; tuyên truyền, giáo dục CNVCLĐ các hiện tượng tiêu cực, thực hiện nghiêm luật pháp, chính sách của Nhà nước; thực hiện tốt chủ trương phát triển một số ngành công nghiệp nặng quan trọng phục vụ phát triển nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ đời sống nhân dân, tìm các biện pháp chăm lo đời sống CNVC.
Tháng 12/1986, Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc, giải phóng mọi tiềm năng sẵn có, phát triển nhiều thành phần kinh tế, mở rộng kinh tế đối ngoại, thực hiện chương trình kinh tế. Tháng 10/1988, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VII quyết định đổi tên “Tổng Công đoàn Việt Nam” thành “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.
Qua gần 40 năm đổi mới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và GCCN Việt Nam ngày càng khẳng định và phát huy vai trò của mình trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, tổng số lao động làm công hưởng lương trong các loại hình doanh nghiệp ở nước ta có khoảng 24,5 triệu người, trong đó công nhân, lao động trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%, chiếm tỷ lệ khoảng 14% số dân và 27% lực lượng lao động xã hội. Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, chính trị của giai cấp công nhân ngày càng được cải thiện. Số công nhân có tri thức, nắm vững khoa học-công nghệ tiên tiến đã tăng lên. Hình thành lớp công nhân trẻ có trình độ học vấn, văn hóa, được đào tạo nghề theo chuẩn nghề nghiệp, được rèn luyện trong thực tiễn sản xuất hiện đại, phương pháp làm việc ngày càng tiên tiến.
Công tác Công đoàn và phong trào công nhân đã đạt được kết quả toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. Công đoàn đã có những sáng tạo, đề xuất và tổ chức được nhiều chương trình hoạt động mới, như: chăm lo phúc lợi cho đoàn viên công đoàn; tổ chức "Tết Sum vầy" cho người lao động; xây dựng các thiết chế công đoàn, góp phần tháo gỡ những vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hoá… cho người lao động. Đã có nhiều biện pháp linh hoạt, kịp thời cùng hệ thống chính trị giải quyết những vụ, việc liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, quyền lợi, đời sống của CNVNLĐ. Tổ chức đối thoại, thương lượng thoả ước lao động tập thể, góp phần bảo đảm chế độ, chính sách và từng bước nâng cao phúc lợi, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ…
Theo TTXVN
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: hdll.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn