Tròn 65 năm (19/5/1959 - 19/5/2024), tinh thần mở đường Hồ Chí Minh của bộ đội Trường Sơn tiếp tục được phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước.
Tinh thần này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: Bộ đội Trường Sơn đã thấm nhuần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nêu cao tinh thần yêu nước, dũng cảm kiên cường, thông minh sáng tạo, vượt qua biết bao gian khổ, khó khăn ác liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường, đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ với tinh thần “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” bảo đảm sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn.
TÔN VINH NHỮNG NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA ĐẤT NƯỚC
Tại tỉnh Quảng Trị, Khe Hó thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh là điểm xuất phát của tuyến đường Hồ Chí Minh hay Đường 559. Đây là địa điểm mà “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (Đoàn 559) đã chọn làm nơi tập kết hàng hóa, đạn dược, khởi đầu của tuyến đường Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khe Hó nằm giữa thung lũng hẹp, dưới chân dãy núi Động Nóc, cạnh thượng nguồn sông Rào Thanh. Năm 2011, Khe Hó được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia “Địa điểm xuất phát của Đường dây 559”.
Để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đường Hồ Chí Minh được Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng, trở thành tuyến đường huyết mạch trong hệ thống giao thông quốc gia. Năm 2000, đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Quảng Trị được khởi công xây dựng với hai nhánh Đông và Tây. Theo đó, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đi qua các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ; nhánh Tây có hai đoạn (một đoạn đi qua huyện Hướng Hóa, một đoạn đi qua huyện Đakrông) với tổng chiều dài các nhánh hơn 200 km. Tuyến đường này trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương và liên kết vùng.
Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông cùng với Quốc lộ 1A, cao tốc đường bộ Vạn Ninh - Cam Lộ (đang xây dựng) trở thành tuyến giao thông huyết mạch theo trục Bắc - Nam. Tuyến đường này hiện có hai làn, thảm bê tông nhựa, đi xuyên qua vùng gò đồi phía Tây của Quảng Trị. Sau khi được xây dựng, phương tiện lưu thông trên tuyến đường này ngày càng nhộn nhịp, các khu dân cư đông đúc hình thành; những cánh đồng trồng hồ tiêu, cao su, rừng sản xuất trải dài cùng nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất xây dựng ở hai bên đường.
Ông Phan Văn Chiến, ở thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh - địa phương nằm trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông chia sẻ, trước năm 2000, nơi đây còn hoang vắng, dân cư thưa thớt. Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông được xây dựng giúp kết nối các tuyến đường nhánh khác, tạo thuận lợi cho lưu thông. Do đó, người dân đến địa phương lập nghiệp ngày càng đông đúc, với nghề chính là trồng rừng kinh tế, cao su và thu mua, chế biến gỗ.
Chở đá mở đường Trường Sơn. (Ảnh: Hoàng Kim Đáng/TTXVN)
Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông ngày nay được xây dựng hiện đại và phương tiện lưu thông nhộn nhịp. Đến nay, đi trên con đường này vẫn có thể nhận thấy một thời “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” của quân và dân ta. Nằm bên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đoạn qua xã Linh Trường, huyện Gio Linh là cầu treo Bến Tắt. Đây là cầu treo đầu tiên do lực lượng Công binh Trường Sơn xây dựng từ năm 1973 - 1974 ở phía thượng nguồn sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền Nam - Bắc từ năm 1954. Với sức chịu tải cho xe 10 tấn, cấu trúc cáp treo nhịp vượt hơn 100 m qua sông Bến Hải, cầu treo Bến Tắt góp đẩy nhanh tốc độ chi viện hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
Trên đồi Bến Tắt ở bên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đoạn qua xã Linh Trường là Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn - nơi an nghỉ của hơn 10.000 liệt sỹ là bộ đội Trường Sơn. Được khởi công xây dựng vào tháng 10/1975 và hoàn thành tháng 4/1977, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, lòng biết ơn vô hạn và sự tôn vinh, trân trọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đối với những người con ưu tú của đất nước đã không tiếc máu xương vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.
Ông Phạm Thanh Hòa, 57 tuổi, đến từ tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn được xây dựng ở vị trí có nhiều ý nghĩa, khi nằm bên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, con đường bộ đội Trường Sơn đã sống, chiến đấu can trường trong cuộc chiến tranh vĩ đại bảo vệ Tổ quốc.
Ở nghĩa trang này, ngày ngày khói hương thơm ngát quyện vào nhau, dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ và tri ân công ơn to lớn của các Anh hùng liệt sỹ là bộ đội Trường Sơn. Tiếng đại hồng chung đặt tại Tháp chuông của Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn vang lên liên hồi, vang vọng núi rừng Trường Sơn như lan tỏa tinh thần trong bốn câu thơ của Giáo sư Vũ Khiêu được khắc trên đại hồng chung ở nghĩa trang này:
"Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sỹ
Dạt dào Đông Hải khí anh linh
Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí
Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình".
Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Khe Hó, cầu treo Đakrông và cầu treo Bến Tắt là những di tích thành phần thuộc Di tích Lịch sử quốc gia Đặc biệt “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh”, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng năm 2013.
TUYẾN ĐƯỜNG VẬN TẢI HUYẾT MẠCH
Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua tỉnh Quảng Trị có hai đoạn gồm: Đoạn từ Quốc lộ 9 tại thị trấn Khe Sanh đi qua các xã Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Lập, huyện miền núi Hướng Hóa. Đây là tuyến đường độc đạo nối các địa phương vùng miền núi biên giới của Quảng Trị, đồng thời kết nối với tỉnh Quảng Bình. Tuyến đường này có nhiều đèo dốc quanh co, một bên là núi cao một bên là vực sâu; mặt đường có hai làn và bê tông hóa. Hai bên tuyến đường có nhiều khu dân cư đông đúc và những cánh rừng sản xuất, cây công nghiệp xanh bạt ngàn.
Đặc biệt, nhiều nhà máy điện gió của tỉnh Quảng Trị tập trung ở ven đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua các xã Hướng Tân, Hướng Phùng. Các nhà máy điện gió đi vào hoạt động từ năm 2021 đến nay đã tạo sự lan tỏa ra nhiều lĩnh vực khác. Đó là các tour du lịch tham quan những cánh đồng điện gió luôn thu hút khách. Những tuyến đường giao thông được mở ra vừa phục vụ nhà máy điện gió, vừa tạo sự kết nối giữa các xã vùng miền núi biên giới. Nhờ đó, tạo thêm sinh kế và cơ hội phát triển kinh tế cho người dân địa phương mà phần lớn là đồng bào Pa Cô, Vân Kiều.
Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn từ cầu treo Đakrông giao với Quốc lộ 9 tại xã Đakrông, huyện Đakrông đến huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế có vai trò rất quan trọng trong vận tải hàng hóa và kết nối vùng. Các phương tiện nhận hàng hóa nhập khẩu từ Lào, Thái Lan tại Cửa khẩu quốc tế La Lay vận chuyển trên Quốc lộ 15D khoảng 12 km, sau đó đi theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến cầu treo Đakrông ra Quốc lộ 9 và đi khắp các tỉnh miền Trung. Theo đại diện Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay, những năm gần đây, cửa khẩu này luôn nhộn nhịp khi hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh.
Từ năm 2021, tỉnh Quảng Trị xây dựng tuyến đường kết nối giữa đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây giai đoạn 1. Dự án có vốn đầu tư gần 230 tỷ đồng, dài gần 15 km đi qua xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh và xã Linh Trường, huyện Gio Linh; dự kiến hoàn thành cuối năm 2024. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị Trần Hữu Hùng cho biết, tuyến đường này có vai trò rất quan trọng là phá thế độc đạo Quốc lộ 9 từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn và ngược lại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn, tiếp tế lương thực khi có thiên tai xảy ra và đảm bảo quốc phòng an ninh.
Phát huy tinh thần “mở đường mà tiến”, tỉnh Quảng Trị đã và đang ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế và kết nối vùng. Cụ thể, tỉnh triển khai nhiều dự án trọng điểm về giao thông như: Cao tốc đường bộ Cam Lộ - Lao Bảo, Quốc lộ 15D nối Cửa khẩu quốc tế La Lay với cảng biển Mỹ Thủy, Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây.
NGUYÊN LÝ (TTXVN)
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: tuyengiao.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn