Trong hơn 70 năm qua, ngành xuất bản Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, nâng cao dân trí, đồng thời là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng - văn hóa, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định xuất bản là lĩnh vực văn hóa - tư tưởng quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là công cụ tuyên truyền, giáo dục hiệu quả chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối của Đảng, và phổ biến kiến thức đến quần chúng nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác xuất bản, trong đó nhấn mạnh vai trò của xuất bản trong việc tuyên truyền, giáo dục chính trị.
Từ năm 1956, trong Báo cáo công tác tư tưởng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10, Đảng đã xác định nhiệm vụ của công tác xuất bản là “tập trung lực lượng vào hai việc chính: xuất bản những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin và xuất bản loại sách chính trị phổ thông cho quần chúng. Đó là những yêu cầu cấp bách nhất”. Trong các Chỉ thị 172-CT/TW ngày 23/11/1959, Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 01/10/1962, Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 31/3/1992… của Ban Bí thư cũng xác định rõ vai trò của công tác xuất bản trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, giáo dục chính trị, tư tưởng cho nhân dân. Nhằm phát triển tư duy lý luận của Đảng về chức năng, nhiệm vụ chính trị của lĩnh vực xuất bản, tại Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16/4/2020 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị” và Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 27/01/2003 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới”, Ban Bí thư TW Đảng tiếp tục khẳng định vai trò của hoạt động xuất bản trong việc nâng cao bản lĩnh chính trị, góp phần xây dựng chuẩn mực con người mới XHCN.
Bên cạnh đó, nhằm định hướng phát triển hoạt động xuất bản ở Việt Nam, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” đã tiếp tục xác định hoạt động xuất bản phải coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc. Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Quyết định 115/QĐ-TTg ngày 16/01/2014) xác định định hướng chiến lược của Nhà nước trong việc phát triển ngành công nghiệp xuất bản ở Việt Nam và phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/09/2016) xác định: xuất bản là một trong những lĩnh vực cần phát triển trong các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ngoài ra còn nhiều văn bản khác của Đảng, Nhà nước về vai trò của xuất bản trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị cho xã hội.
Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong nội dung xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, Đảng ta đã xác định: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, […] Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá […] Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.
Như vậy có thể thấy chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về xây dựng, định hướng phát triển ngành Xuất bản vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế, đồng thời góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Các đại biểu tham quan triển lãm sách chào mừng 70 năm ngành xuất bản, in và phát hành
2. Trải qua gần 40 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, các sản phẩm văn hóa và nhu cầu hưởng thụ văn hóa ở Việt Nam ngày càng phát triển phong phú, đa dạng. Ngành Xuất bản cũng có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, xuất bản đa dạng các loại hình xuất bản phẩm, cơ bản thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, giữ được định hướng chính trị, thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đọc của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nước ta hiện nay có 57 nhà xuất bản (NXB), các NXB đã tổ chức được nhiều ấn phẩm có chủ đề chuyên sâu, đa dạng về thể loại, hấp dẫn về nội dung và hình thức, gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; phục vụ hiệu quả việc đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các văn bản, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào cuộc sống; tập trung tuyên tuyền các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng, chấn hưng phát triển văn hóa; quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam, tạo được sức lan tỏa tích cực trong cộng đồng xã hội. Ngành xuất bản cũng chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số quy trình làm việc để kịp thời xuất bản các sản phẩm đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng của xã hội. Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong 6 tháng đầu năm 2024, các NXB đã xuất bản 25.510 cuốn với 397.758.084 bản (tăng 18,9% về cuốn và tăng 31% về bản). Con số này cho thấy, về cơ bản hoạt động xuất bản vẫn duy trì nhịp độ tăng ổn định, đáp ứng nhu cầu bạn đọc.
Trong cơ cấu sách được xuất bản, công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị ở nước ta hiện nay đạt được nhiều kết quả quan trọng, có nhiều đổi mới. Đã có nhiều ấn phẩm chất lượng, có giá trị lý luận và thực tiễn được xuất bản, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhiều bộ sách kinh điển như Mác- Ăng ghen toàn tập, Lênin toàn tập, Hồ Chí Minh toàn tập, Văn kiện Đảng toàn tập... và nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước được xuất bản kịp thời. Ngoài ra còn xuất bản nhiều đầu sách phục vụ cho các ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước, trong đó có nhiều cuốn xuất bản bằng tiếng nước ngoài; các đầu sách tuyên truyền, sách phổ cập giáo dục chính trị, pháp luật cũng ngày càng tăng.
Một trong những đổi mới của xuất bản sách lý luận, chính trị là các NXB ngày càng chú trọng phát triển mảng sách tinh gọn, sách tóm tắt với nội dung ngắn gọn, súc tích mà vẫn bảo đảm tính khoa học, nội dung cốt lõi của cuốn sách, đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị cho nhân dân. Bên cạnh loại hình sách in truyền thống, sách chính trị còn được xuất bản với loại hình sách điện tử, nhằm tạo điều kiện cho độc giả thuận lợi trong việc tìm đọc và nghiên cứu.
Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị, dòng sách phục vụ nhiệm vụ chính trị còn giúp định hướng về văn hóa, thẩm mỹ cho bạn đọc; tuyên truyền, phản ánh thực tiễn đời sống xã hội, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng; đồng thời quảng bá hình ảnh, uy tín của đất nước, con người Việt Nam đối với thế giới và bạn bè quốc tế.
Bên cạnh nhiều kết quả quan trọng, hoạt động xuất bản sách tuyên truyền chính trị vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Vẫn còn những xuất bản phẩm có nội dung sai phạm về chính trị, tư tưởng, mà tình trạng sai sót tập trung chủ yếu ở những xuất bản phẩm liên kết, những NXB có tỷ lệ sách liên kết cao, ít sách tự tổ chức bản thảo. Mảng sách chính trị, pháp luật được xuất bản vẫn còn khiêm tốn, tính riêng năm 2023, số lượng sách chính trị, pháp luật được in 2.752 cuốn (chiếm 7,8% tổng số sách xuất bản). Một số sách lý luận còn giáo điều, thiếu tính thực tiễn; sách cẩm nang cho cán bộ cơ sở, sách lý luận, chính trị phổ thông, sách bỏ túi, sách lý luận, chính trị dành cho bạn đọc trẻ tuổi chưa được quan tâm đúng mức.
Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị, dòng sách phục vụ nhiệm vụ chính trị còn giúp định hướng về văn hóa, thẩm mỹ cho bạn đọc; tuyên truyền, phản ánh thực tiễn đời sống xã hội, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng; đồng thời quảng bá hình ảnh, uy tín của đất nước, con người Việt Nam đối với thế giới và bạn bè quốc tế
3. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với hoạt động xuất bản nói chung, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục chính trị. Với sự bùng nổ của internet và mạng xã hội, những thông tin giả, tin sai sự thật… cũng bùng nổ, tác động tiêu cực đến độc giả, dễ dẫn đến nguy cơ làm phai nhạt lý tưởng, hình thành lối sống thực dụng, ích kỷ trong không ít người hiện nay, nhất là giới trẻ. Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của hoạt động xuất bản trong nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục chính trị, xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các NXB tiếp tục kiên trì thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh xuất bản các xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài. Trong cơ cấu sách, không chỉ chú trọng đến các thể loại sách chính trị, mà cần chú ý thực hiện nhiều xuất bản phẩm có nội dung tốt, có giá trị nhân văn, mang tính thời sự, hướng người đọc đến những giá trị chân - thiện - mỹ ở tất cả các thể loại sách từ sách lý luận chính trị, sách văn hóa - văn học, sách kinh tế - xã hội, sách giáo dục - dạy nghề, sách khoa học - công nghệ đến các loại sách tri thức phổ thông - hướng nghiệp, sách thiếu nhi... Chú trọng khai thác các chủ đề về lịch sử, giá trị văn hoá truyền thống, các thành tựu phát triển của đất nước và con người Việt Nam… nhằm khơi dậy, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của mỗi người.
Thứ hai, cần đổi mới nội dung, hình thức sách lý luận chính trị để thu hút sự quan tâm của độc giả. Về nội dung: Sách chính trị vốn là thể loại sách có đối tượng bạn đọc nhất định, kén độc giả, tính thị trường không cao, vì vậy cần nắm bắt nhu cầu của độc giả qua nhiều kênh, bám sát các thông tin sự kiện trong nước và thế giới, nắm bắt thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch…, từ đó xác định được đề tài sát với thực tiễn, sát với dư luận xã hội để tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, định hướng tư tưởng, văn hóa, thẩm mỹ, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Về hình thức: Sách chính trị cần phong phú về kiểu loại, từ sách chuyên khảo, sách thường thức, sách tham khảo, đến sách tranh, ảnh… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau; trong đó chú ý phát triển dòng sách tinh gọn, giúp độc giả tiếp thu thông tin, tri thức một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Thiết kế sách cũng cần đa dạng, hấp dẫn, đảm bảo tính mỹ thuật để thu hút sự quan tâm của độc giả.
Thứ ba, chú trọng phát triển sách chính trị ở loại hình sách điện tử như e-book (sách điện tử), audio book (sách nói), multimedia (sách đa phương tiện), hay các định dạng CD-ROM, đĩa mềm; tích cực khai thác đề tài sách chính trị phù hợp để xuất bản sách điện tử nhằm mở rộng diện phát hành, dễ dàng tiếp cận với người đọc, đặc biệt là độc giả trẻ. Cùng với đó, các NXB cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để phát triển xuất bản điện tử.
Thứ tư, Nhà nước cần đầu tư kinh phí để xây dựng kho dữ liệu quốc gia về sách lý luận, chính trị thống nhất trong cả nước; cung cấp dịch vụ khai thác thông tin miễn phí, tạo điều kiện thuận lợi cho độc giả tiếp cận, tra cứu, khảo cứu và tìm kiếm sách lý luận, chính trị. Các NXB cần phối hợp chặt chẽ để cung cấp và sử dụng chung hệ thống dữ liệu về sách chính trị.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, thúc đẩy phát triển và định hướng văn hóa đọc trong cộng đồng, trong đó định hướng các thể loại sách chính trị, văn hóa, lịch sử, xã hội… nhằm nâng cao trình độ văn hóa, tri thức cho người dân, hướng đến những giá trị nhân văn, tốt đẹp, đồng thời đáp ứng được nhu cầu giải trí, học tập bằng nhiều hình thức đa dạng (đọc, nghe, nhìn…) để xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, nhân văn.
Thứ sáu, khai thác đa dạng các kênh phát hành, quảng bá về sách lý luận, chính trị, văn hóa - xã hội…; phối hợp với các kênh giới thiệu sách như các website, fanpage, facebook... để đẩy mạnh tính tương tác, chủ động lan tỏa các giá trị văn hóa - xã hội tích cực, phát huy tốt nhất việc bồi đắp, làm giàu văn hóa dân tộc và khắc chế tối đa những hệ lụy, tiêu cực.
Thứ bảy, chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, biên tập viên làm công tác xuất bản, in, phát hành có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng các yêu cầu của ngành xuất bản trong giai đoạn mới./.
TS. Phạm Thị Liên
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: tuyengiao.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn