Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập toát lên tinh thần chủ đạo là quyền “tự do, độc lập” với ý chí “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu tháng 8 năm 1945 đã buộc “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”1. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”2.
Tuyên ngôn độc lập khẳng định “quyền hưởng tự do và độc lập” của mọi quốc gia dân tộc, trong đó có dân tộc Việt Nam. Đó là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm được khẳng định trong suốt quá trình phát triển của nhân loại tiến bộ, kết tinh trong nhiều văn kiện mà hai trong số đó – Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 – đã được Hồ Chí Minh trích dẫn ngay khi mở đầu Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nếu như Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ khẳng định “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”3, thì Hồ Chí Minh “suy rộng ra” và khẳng định rằng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”4.
Từ quyền con người “suy rộng ra” quyền dân tộc, Hồ Chí Minh vạch trần sự xâm phạm quyền thiêng liêng đó của thực dân Pháp, phát xít Nhật trong quá trình xâm lược và thống trị Việt Nam. “cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta” bằng xâm lược, thủ tiêu dân chủ, lập nhà tù nhiều hơn trường học, chém giết khủng bố, đầu độc nòi giống, “bóc lột dân ta đến tận xương tủy”,... là những hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Giành lại nền độc lập, gây dựng đời sống tự do là đòi hỏi sống còn của toàn dân Việt Nam. Dẫu địch “tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”, cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do không bao giờ kết thúc. Đó là chân lý sống của dân tộc ta.
Chính vì độc lập, tự do là quyền thiêng liêng, cao quý nhất nên đòi hỏi phải luôn dành sự ưu tiên và mọi nguồn lực ở mức cao nhất để giữ gìn, bảo vệ. Tháng 5 năm 1941, Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, viết thư Kính cáo đồng bào, chỉ rõ: "Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy"5. Với việc quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), ra báo Việt Nam độc lập, thảo Mười chính sách của Việt Minh, trong đó mục tiêu đầu tiên là "Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền", Hồ Chí Minh đã đúc kết ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân ta trong một câu nói bất hủ: "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!"6. Nói với Liên hiệp quốc và Chính phủ các nước, Người biểu thị: "nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước"7. Trong “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” (12/1946), tinh thần đó tiếp tục được Hồ Chí Minh khẳng định: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"8. Sau này, trong Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ cứu nước (17/7/1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đúc kết và khẳng định ở tầm chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.
Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh)
Dân tộc ta không chỉ xứng đáng hưởng độc lập, tự do bởi đó là quyền thiêng liêng tạo hóa ban cho mà còn bởi quá trình đấu tranh anh dũng và vinh quang. Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định điều đó. Người nói: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”9. Điều này cho thấy, mặc dù quyền độc lập, tự do đều được nhân loại thừa nhận như chân lý phổ quát nhưng để được hưởng quyền đó một cách trọn vẹn, nhất là đối với các nước nhỏ yếu, thì không thể trông chờ sự ban phát nào cả. Một dân tộc khi nền độc lập, tự do bị xâm phạm thì phải hành động để giành lại, thiết lập, giữ lấy, củng cố.
Đối với dân tộc Việt Nam, để đi tới độc lập tự do là quãng thời gian dài “gan góc” tranh đấu, hy sinh. Chúng ta không cho phép bất cứ thế lực nào xâm phạm nền độc lập, tự do của Tổ quốc và nhân dân dưới mọi hình thức. Chúng ta phê phán bất cứ ai xem nhẹ, xao lãng trách nhiệm bảo vệ độc lập, tự do với bất cứ lý do nào. Càng trân quý nền độc lập, tự do của Tổ quốc và nhân dân, càng phải thấm nhuần sâu sắc quyết tâm sắt đá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn dân tuyên bố với thế giới: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”10.
Tinh thần “Tuyên ngôn độc lập” nuôi dưỡng, nâng bước chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của đất nước và Nhân dân!
TS Nguyễn Phương An (Học viện Chính trị Khu vực II)
------------------------------------------
1 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 3.
2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 3.
3 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 1.
4 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 1.
5 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 230.
6 Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, trang 196.
7 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 522.
8 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 534.
9 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 3.
10 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 3.
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn