Trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan đến các quyền tự do, bình đẳng trong kết hôn và lập gia đình không có sự phân biệt giữa người dân tộc thiểu số với người dân tộc đa số.
Vài nét về quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân
Quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân được đề cập trong Điều 16 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR). Theo Điều này thì: nam và nữ khi đủ tuổi đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình mà không có bất kỳ sự hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Nam và nữ cũng có quyền bình đẳng trong việc kết hôn, trong thời gian chung sống và khi ly hôn. Việc kết hôn chỉ được tiến hành với sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cặp vợ chồng tương lai (Khoản 1 và 2). Khoản 3 Điều này khẳng định, gia đình là tế bào tự nhiên và cơ bản của xã hội, được nhà nước và xã hội bảo vệ.
Trong Điều 5 Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc yêu cầu các quốc gia thành viên cam kết sẽ cấm và xoá bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc, trong đó bao gồm một trong những quyền cơ bản là quyền được kết hôn và được tự do lựa chọn người phối ngẫu.
Quyền tự do kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân ở Việt Nam
Là một thành viên có trách nhiệm tham gia Công ước quốc tế xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Việt Nam đã tích cực nội luật hoá quy định quyền được kết hôn và được tự do lựa chọn người phối ngẫu trong Công ước vào pháp luật quốc gia.
Điều 36 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “1. Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. 2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”.
Tại Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình gồm: “1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. 2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. 3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con. 4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình. 5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình”.
Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với hôn nhân và gia đình (Điều 4); quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập và thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, các hành vi bị cấm nếu xâm hại đến quan hệ hôn nhân và gia đình (Điều 5), trong đó có hành vi cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn; lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi…
Việc kết hôn, ly hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định khi nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, Không bị mất năng lực hành vi dân sự; không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại Luật này. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật theo quy định của pháp luật.
Pháp luật Việt Nam cũng quy định vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình và các luật khác có liên quan. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.
Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau; có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau; có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Ngoài ra, trong các văn bản luật khác như: Bộ luật Hình sự 2017 có Chương XVII - Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (từ các Điều 181 đến 187); Bộ luật Dân sự (quy định về quyền kết hôn, quyền bình đẳng giữa vợ và chồng trong quan hệ dân sự, Quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình...); Luật Bình đẳng giới (quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình) đã cụ thể hóa nguyên tắc và quy định của Hiến pháp…
Các văn bản dưới luật, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh để bảo đảm thực hiện hiệu quả các quy định bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Nhìn chung, qua rà soát, pháp luật bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình Việt Nam không phát hiện thấy sự mâu thuẫn giữa các văn bản.
Quyền tự do kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân của người dân tộc thiểu số
Trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan đến các quyền tự do, bình đẳng trong kết hôn và lập gia đình không có sự phân biệt giữa người dân tộc thiểu số với người dân tộc đa số.
Anh Hoàng Văn Dỉm và chị Bàn Thị Ngân ở xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn lấy nhau đã hơn 30 năm. Anh Dỉm là người dân tộc Tày, còn chị Ngân là người dân tộc Dao. Mặc dù khác dân tộc nhưng qua quá trình tìm hiểu, cảm mến rồi yêu nhau, hai anh chị quyết định kết hôn với nhau trong sự ủng hộ của gia đình hai bên.
Chị Hoàng Thị Vân, một người con của huyện Ngân Sơn - huyện vùng cao gồm 6 dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa và một số ít dân tộc thiểu số khác cùng sinh sống cho biết, ở quê chị, những cặp vợ chồng khác dân tộc lấy nhau như anh Dỉm, chị Ngân không hiếm.
Là kết quả của hôn nhân tự nguyện, không bị ai ép buộc nên các cặp vợ chồng đó yêu thương quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nhau và sinh sống hạnh phúc. Họ cùng nhau vun đắp cho tổ ấm gia đình, cùng chăm sóc, giáo dục con cái, tôn trọng sự khác biệt về văn hoá và phong tục tập quán của người chồng, hoặc người vợ.
Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số. Một trong những đặc điểm của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam là sinh sống đan xen với nhau và với người đa số mà không có vùng lãnh thổ riêng.
Trải qua quá trình sống cộng cư, xen cư lâu dài, các mối quan hệ kinh tế, văn hóa ngày càng sâu rộng với các tộc người lân cận nên hôn nhân hỗn hợp giữa các cư dân tại chỗ với nhau, giữa người tại chỗ với các dân tộc khác không còn là hiện tượng hiếm gặp.
Hiện nay, bên cạnh nội hôn tộc người, việc kết hôn với người ngoại tộc đã được đa số thành viên trong cộng đồng chấp nhận. Đó là một sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, giúp tăng cường sự hiểu biết, thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc anh em.
Vì là quốc gia đa dân tộc nên không thể tránh khỏi tình trạng ở một số nơi, các dân tộc thiểu số vẫn đang tồn tại việc áp dụng những phong tục, tập quán lạc hậu, làm hạn chế quyền con người, xâm phạm trực tiếp đến những quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mà pháp luật tôn trọng, bảo vệ, đặc biệt trong vấn đề hôn nhân, gia đình.
Do đó, Nhà nước Việt Nam đã quy định cụ thể về việc áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình, đồng thời ban hành ”Danh mục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng”.
Tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình là tập quán trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 2 của Luật Hôn nhân và Gia đình hoặc vi phạm điều cấm quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và Gia đình.
Theo quy định tại Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình, các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình bị cấm áp dụng gồm: Chế độ hôn nhân đa thê; Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời; Tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ; Thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… để dẫn cưới); Phong tục “nối dây” (Khi người chồng chết, người vợ góa bị ép buộc kết hôn với anh trai hoặc em trai của người chồng quá cố; khi người vợ chết, người chồng góa bị ép buộc kết hôn với chị gái hoặc em gái của người vợ quá cố); Bắt buộc người phụ nữ góa chồng hoặc người đàn ông góa vợ, nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ; Đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn.
Hoài Thu
Tác giả: NVĐ
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn