Xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ 1975 tới nay

Thứ hai - 13/11/2023 08:39

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ rất sớm. Minh chứng là trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng đã huy động và tranh thủ được nội lực toàn dân, trở thành cuộc chiến tranh nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn đánh thắng hai kẻ thù hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Sau khi đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên CNXH, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được tiến hành trong điều kiện hoàn toàn mới, đất nước có hòa bình là điều kiện rất thuận lợi cho việc xây dựng và tăng cường nền quốc phòng toàn dân.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ 1975 tới nay

Trong gần 50 năm (1975-2023), thực hiện công cuộc bảo vệ Tổ quốc, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân đã được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng qua các giai đoạn của cách mạng.

1. Một số vấn đề cơ bản về xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập tự chủ, tự cường và từng bước hiện đại.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm tổng thể các hoạt động về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa, khoa học,... của Đảng, Nhà nước và nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là yêu cầu khách quan trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đặc trưng của nền quốc phòng toàn dân: Nền quốc phòng toàn dân có mục đích duy nhất là tự vệ chính đáng; là nền quốc phòng vì dân, của dân và do toàn thể nhân dân tiến hành; là nền quốc phòng có sức mạnh tổng hợp do nhiều yếu tố tạo thành; là nền quốc phòng toàn dân được xây dựng toàn diện và từng bước hiện đại; là nền quốc phòng toàn dân gắn kết chặt chẽ với nền an ninh nhân dân.

Mục đích xây dựng nền quốc phòng toàn dân là tạo sức mạnh tổng hợp của đất nước về cả chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ để giữ vững hòa bình, ổn định, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và quy mô. Tạo thế chủ động cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hóa, xã hội; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Nội dung cốt lõi của xây dựng nền quốc phòng toàn dân là xây dựng tiềm lực quốc phòng (gồm: tiềm lực chính trị, tinh thần; tiềm lực kinh tế; tiềm lực khoa học, công nghệ; tiềm lực quân sự); xây dựng lực lượng quốc phòng (gồm lực lượng toàn dân (lực lượng chính trị) và lực lượng vũ trang nhân dân); xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (đó là việc “tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng, tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo kế hoạch thống nhất, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc để ngăn ngừa, đối phó thắng lợi với mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, sẵn sàng chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến”[1]).

 Nội dung cụ thể xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm:

“I) Xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc, kế hoạch phòng thủ đất nước; nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và hệ thống chính trị vững mạnh; II) Xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc; III) Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ quân sự; huy động tiềm lực khoa học, công nghệ của Nhà nước và nhân dân phục vụ quốc phòng; ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ quân sự phù hợp để xây dựng đất nước; IV) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm nhu cầu dự trữ quốc gia cho quốc phòng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm động viên quốc phòng; V) Xây dựng phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện, hợp thành phòng thủ đất nước; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh ở các vùng chiến lược, trọng điểm, biển, đảo, khu vực biên giới, địa bàn xung yếu; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong phạm vi cả nước; VII) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng; VIII) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước; IX) Đối ngoại quốc phòng; X) Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại; XI) Xây dựng và bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân của người phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân; XII) Tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh”[2].

2. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc qua các giai đoạn từ 1975 đến nay

2.1.  Xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong 10 năm đầu đất nước thống nhất đi lên CNXH (1975-1986)

Bước vào thời kỳ mới, trên cơ sở nắm chắc tình hình thế giới và trong nước, Đại hội lần thứ IV (12/1976) của Đảng đã chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân để bảo vệ Tổ quốc theo hướng: “thường xuyên củng cố quốc phòng…kết hợp kinh tế với quốc phòng”[3] và “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Nhiệm vụ xây dựng và củng cố quốc 
phòng là nhiệm vụ của toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chuyên chính vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh của chúng ta có lực lượng thường trực mạnh và lực lượng hậu bị rộng rãi được huấn luyện tốt; có quân đội nhân dân chính quy, hiện đại gồm các quân chủng, binh chủng cần thiết; có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, có lực lượng dân quân du kích và dân quân tự vệ hùng hậu”[4].

Trước diễn biến của tình hình mới và yêu cầu “không một phút lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội lần thứ V (3/1982) của Đảng xác định nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân là: “phải cố gắng đến mức cao nhất làm tốt công cuộc phòng thủ đất nước và giữ vững an ninh của Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế…Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện và hiện đại. Xây dựng quân đội có ý chí quyết thắng, có kỷ luật chặt chẽ, có trình độ chính quy, hiện đại ngày càng cao, có trình độ sẵn sàng chiến đấu không ngừng hoàn thiện”[5].

Nhờ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò của các lực lượng, nòng cốt là Quân đội nhân dân, trong những năm 1975-1980, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân đã đạt được những thắng lợi bước đầu rất quan trọng, cố gắng làm tốt công cuộc phòng thủ đất nước, xây dựng được tiềm lực quốc phòng, lực lượng quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Nhờ vậy, đã trực tiếp làm nên “thắng lợi có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn”[6], đó là thắng lợi của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, giữ vững được toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập dân tộc trong bối cảnh hết sức khó khăn, phức tạp ở cả trong và ngoài nước.

Tiếp đó, trong 5 năm (1981-1986), nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân đạt được những kết quả đáng kể trên một số mặt: “củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, củng cố cơ sở chính trị ở những địa bàn xung yếu, xây dựng lực lượng dự bị. Quân đội ta đã có một bước phát triển theo hướng chính quy, hiện đại; sức mạnh chiến đấu được nâng cao. Lực lượng dân quân, tự vệ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, huy động lực lượng quân đội tham gia xây dựng kinh tế đã đạt một số kết quả, nhất là xây dựng các công trình công nghiệp và giao thông”[7], nhờ đó đã tạo điều kiện để thực hiện đổi mới công tác quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó có nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong tình hình mới.

Tuy nhiên, do đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng gay gắt, cùng với những biểu hiện chủ quan duy ý chí, nên việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân còn những hạn chế cả về tiềm lực quốc phòng, lực lượng quốc phòng và thế trận quốc phòng trước yêu cầu cao về phòng thủ đất nước trong hoàn cảnh có chiến tranh chống xâm lược ở biên giới hai đầu đất nước.                   

2.2. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong 10 năm đầu đổi mới đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội (1986-1996)

Trên cơ sở đổi mới toàn diện đất nước, tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã có chủ trương về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng đất nước: “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chuyên chính vô sản, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, đẩy mạnh công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, và hậu phương ngày càng vững mạnh”[8].

Trong bối cảnh chế độ XHCN ở các nước Đông Âu và Liên Xô đứng trên bờ vực của sự đổ vỡ, sớm nhận thấy tình hình hết sức phức tạp, Đảng đã có những chủ trương, quyết sách thích hợp với việc kịp thời đề ra những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới từ Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa VI (3/1989), nhằm bảo đảm cho công cuộc đổi mới phát triển đúng định hướng, vượt qua những khó khăn, thách thức mới và làm thất bại âm mưu, hành động chống phá của chủ nghĩa đế quốc cùng các thế lực thù địch. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khóa VI (3/1990), Ðảng nhận định: Các thế lực đế quốc và phản động đang triệt để khai thác những khó khăn của các nước XHCN để tăng cường can thiệp, phá hoại, thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ các nước XHCN. Vì thế, nhiệm vụ cấp bách phải tăng cường nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó cần hết sức chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Trên cơ sở bám sát diễn biến thực tiễn, nhận định, đánh giá một cách khoa học, đúng đắn tình hình trong nước và thế giới, tại Đại hội lần thứ VII (6/1991), Ðảng chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, tăng cường nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và thực hiện phải có kết quả việc điều chỉnh chiến lược quốc phòng, an ninh. Đại hội khẳng định “Củng cố nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân… Đẩy mạnh xây dựng các khu phòng thủ tỉnh, thành phố trong thế trận quốc phòng toàn dân, có khả năng ngăn chặn, đập tan âm mưu và hành động phản cách mạng tại địa phương. Xây dựng các công trình quốc phòng trọng điểm cần thiết. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế của cả nước và trên từng địa phương; xây dựng, củng cố vững chắc các khu căn cứ hậu phương chiến lược, chuẩn bị các phương án động viên khi cần thiết…Xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân với chất lượng ngày càng cao. Xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, tinh nhuệ, với cơ cấu tổ chức và quân số hợp lý; nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu…Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp lấy chất lượng làm chính…Xây dựng và từng bước thực hiện quy hoạch dài hạn và kế hoạch 5 năm về công nghiệp quốc phòng… Bổ sung và thực hiện tốt các chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội phù hợp với tính chất lao động đặc thù của quân đội”[9].

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và tổ chức thực hiện của các ban, bộ, ngành, địa phương, trong những năm 1986-1991, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân “đã có những đổi mới quan trọng: đã thực hiện một cuộc điều chỉnh chiến lược lớn, bố trí lại lực lượng trên phạm vi cả nước, tạo ra thế phòng thủ hợp lý, tăng cường khả năng phòng thủ ở các khu vực trọng điểm; từng bước xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Đã chấn chỉnh một bước cơ bản tổ chức biên chế lực lượng vũ trang, giảm được hơn 60 vạn quân thường trực; đồng thời chú ý xây dựng lực lượng dự bị động viên và nâng cao chất lượng dân quân tự vệ. Đã chú trọng nâng cao chất lượng tổng hợp của quân đội, trước hết là về chính trị, bảo đảm quân đội vững vàng trước tình hình phức tạp ở trong nước và trên thế giới, kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, chấp hành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Khắc phục nhiều khó khăn để bảo đảm đời sống và chính sách đối với bộ đội”[10].

Phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 22/12/1989, Ngày hội Quốc phòng toàn dân lần đầu tiên được tổ chức ở tất cả các địa phương trong cả nước. Từ đó đến nay, ngày này hằng năm trở thành ngày hội lớn trong việc phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh và nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động phòng ngừa, đẩy lùi các nguy cơ, trong đó có nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Từ năm 1991 đến năm 1995, do tình hình thế giới biến đổi, chế độ XHCN ở Ðông Âu và Liên Xô sụp đổ, các thế lực thù địch lợi dụng tình hình đó để phá hoại cách mạng và công cuộc đổi mới của nhân dân ta, Ðảng đã nắm bắt kịp thời và phân tích đúng đắn tình hình đất nước và thế giới. Mặc dù chưa xây dựng được Chiến lược quốc phòng nhưng Đảng đã định rõ phương hướng, nhiệm vụ và quan điểm chỉ đạo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thời gian này, trong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng CNXH, “chúng ta đã không một chút lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, luôn luôn coi trọng quốc phòng, an ninh, coi đó là hai nhiệm vụ chiến lược gắn bó chặt chẽ”[11]. Tiếp tục thực hiện có kết quả việc điều chỉnh chiến lược quốc phòng… Các nhu cầu củng cố  quốc phòng…cải thiện đời sống lực lượng vũ trang được đáp ứng tốt hơn. Chất lượng và sức chiến đấu của quân đội được nâng lên”[12]; “việc củng cố thế trận quốc phòng toàn dân được thực hiện có kết quả. Các khu vực phòng thủ được tăng cường một bước. Sự kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng được tiến hành dưới nhiều hình thức và bước đầu mang lại kết quả”[13].

Tuy nhiên, trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân thời gian này còn những hạn chế: “Thiếu sót nổi lên là chất lượng tổng hợp các lực lượng vũ trang còn có một số mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ. Sức chiến đấu, trình độ sẵn sàng chiến đấu, chất lượng huấn luyện của một số đơn vị chưa cao. Đời sống cán bộ và chiến sĩ còn nhiều khó khăn. Hiệu quả công tác đảng, đoàn, công tác chính trị còn hạn chế. Việc xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, công tác quản lý và huấn luyện lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ còn nhiều vấn đề phải giải quyết…Chậm nghiên cứu chiến lược quốc phòng gắn với chiến lược kinh tế - xã hội”[14].

2.3. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (từ năm 1996 đến nay)

Với tư duy mới, phát triển quan điểm chỉ đạo về quốc phòng, trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân để bảo vệ Tổ quốc, Đại hội lần thứ VIII của Đảng (6/1996) chỉ rõ: “xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân, nâng cao chất lượng các lực lượng vũ trang nhân dân…xây dựng lực lượng quân đội và công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân…”[15].

Bước vào thế kỷ XXI, Đại hội lần thứ IX (4/2001) của Đảng xác định: Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Tập trung xây dựng lực lượng quốc phòng và tiềm lực quốc phòng trong nền quốc phòng toàn dân theo phương hướng: “Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có bản lĩnh chính trị vững vàng…có năng lực chỉ huy và tác chiến thắng lợi trong bất cứ tình huống nào; có trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu ngày càng cao…Đầu tư thích đáng cho công nghiệp quốc phòng, trang bị kỹ thuật hiện đại cho quân đội…Từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của lực lượng vũ trang, thực hiện tốt chính sách hậu phương đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân”[16].

Đặc biệt, lần đầu tiên, “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”,  được Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám khoá IX (7/2003) thông qua và ban hành, trong đó chỉ rõ: “Củng cố và hoàn thiện nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên từng địa bàn tỉnh, thành phố, đặc biệt là trên các địa bàn chiến lược; xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc”[17].

Tiếp đó, Đại hội lần thứ X (4/2006) của Đảng nêu mục tiêu: “Xây dựng nền quốc phòng và nền an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện”[18]. Theo đó, thực hiện việc “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức và toàn dân…Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng của đất nước. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Tiếp tục phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, xây dựng các khu quốc phòng - kinh tế, tập trung vào các địa bàn trọng điểm chiến lược và những khu vực nhạy cảm trên biên giới đất liền, biển đảo. Xây dựng công nghiệp quốc phòng…theo hướng hiện đại, vừa phục vụ quốc phòng vừa phục vụ dân sinh. Xây dựng Quân đội nhân dân… cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại…phát triển khoa học quân sự…nghệ thuật chiến tranh nhân dân”[19].

Từ những yêu cầu mới đó, Đại hội đã đề ra những giải pháp chủ yếu để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bao gồm: Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng tiềm lực quốc phòng. Ba là, đẩy nhanh xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Bốn là, đẩy mạnh xây dựng lực lượng quốc phòng, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân theo yêu cầu mới.

Trên cơ sở nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra trong tình hình mới, tại Đại hội lần thứ XI (1/2011), Đảng đề ra chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, trong đó chỉ rõ: “Tăng cường sức mạnh quốc phòng cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc…Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo”. Đồng thời, “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, với chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đồng thời xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại…”[20].

Để tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ đất nước trong tình hình mới, Đại hội lần thứ XII (1/2016) của Đảng chỉ rõ nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân theo hướng: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc…Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo… Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh. Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân…Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hoá một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân…Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng”[21].

Tiếp đó, tại Đại hội lần thứ XIII (1/2021), Đảng chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh với các nội dung cơ bản: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng…xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân…; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân…Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội và đối ngoại…Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ…Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển…Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo…Tiếp tục nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự trong tình hình mới… Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh…Quan tâm chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với lực lượng vũ trang và chính sách hậu phương quân đội…Tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng…”[22]

Trên cơ sở phương hướng xây dựng nền quốc phòng toàn dân được Đảng xác định, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong những năm 1996-2001 đã tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thu được kết quả đáng kể: “Sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân…nhất là trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo được phát huy. Tổ chức quân đội được điều chỉnh theo yêu cầu mới. Việc kết hợp quốc phòng và an ninh với phát triển kinh tế và công tác đối ngoại có tiến bộ”[23]. “Tiềm lực quốc phòng của đất nước đã được tăng cường, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu thiết yếu trong lĩnh vực bảo đảm kỹ thuật, giữ gìn, bảo quản và từng bước cải tiến vũ khí, trang bị hiện có; cải thiện đáng kể đời sống bộ đội”, “Các tuyến phòng thủ biên giới, các địa bàn trọng điểm về kinh tế, an ninh, quốc phòng, đặc biệt là vùng biển, hải đảo đã được tăng cường…Thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng được củng cố, phát triển”[24].

Tiếp đó, trong 10 năm (2001-2010) chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân: “Tiềm lực quốc phòng được tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần và trang bị kỹ thuật của lực lượng vũ trang được cải thiện. Các tuyến phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được củng cố. Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh được thực hiện tốt hơn”[25]. “Thế trận quốc phòng toàn dân được củng cố, tiềm lực quốc phòng được tăng cường, nhất là trên các địa bàn chiến lược, xung yếu, phức tạp. Công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh được triển khai rộng rãi. Sự kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng hơn. Quân đội nhân dân tiếp tục được củng cố, xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực sự là lực lượng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân”[26].

Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân tiếp tục đạt được những thành tựu mới: “Chủ trương, giải pháp trong chiến lược quốc phòng, quân sự tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân tiếp tục được tăng cường, củng cố, nhất là trên các địa bàn chiến lược quan trọng; sức mạnh về mọi mặt của Quân đội nhân dân được tăng cường. Kết hợp có hiệu quả giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại”[27]. Đáng chú ý là ngày 16/4/2018, Bộ Chính trị đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về Chiến lược quốc phòng Việt Nam và Kết luận số 31-KL/TW về Chiến lược quân sự Việt Nam.

Thực hiện đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo phương châm “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”, theo đó Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc phòng, quân sự của ASEAN, nhất là trong cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), chủ động, tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc với hiệu quả cao và các hoạt động Hội thao quân sự Amy Games… “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc…Sự kết hợp giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại ngày càng chặt chẽ, hiệu quả… Tiềm lực quốc phòng được tăng cường, “thế trận lòng dân” được chú trọng; thế trận quốc phòng toàn dân nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm, được củng cố vững chắc…Kết hợp có hiệu quả quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đã ban hành và triển khai đồng bộ các chiến lược quan trọng, như: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, v.v.. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng…”[28]

Tuy nhiên, qua hơn 25 năm (1996-2023), nhất là trong 20 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, theo những quan điểm, chủ trương của Nghị quyết Trung ương 8 khoá IX (2003), Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI (2013) và Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII (2018) về Chiến lược quốc phòng Việt Nam, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân còn những hạn chế: “Nền quốc phòng toàn dân được tăng cường nhưng chưa toàn diện. Tiềm lực quốc phòng còn thấp so với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, “thế trận lòng dân” chưa vững chắc…Chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang có mặt còn hạn chế. Công nghiệp quốc phòng chậm phát triển, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong những tình huống đột biến. Lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ có nơi chất lượng hạn chế và chưa được quản lý tốt”[29].

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là yêu cầu khách quan trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nhận thức rõ yêu cầu khách quan đó, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường, củng cố quốc phòng, trong đó chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Trải qua gần nửa thế kỷ xây dựng nền quốc phòng toàn dân với tổng thể các hoạt động về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa, khoa học,... Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tập trung xây dựng tiềm lực quốc phòng, lực lượng quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân. Nhờ đó, đã tạo được sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt, để góp phần giữ vững hòa bình, ổn định, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và quy mô. Tạo thế chủ động cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hóa, xã hội; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Thiếu tướng LƯƠNG THANH HÂN - Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng. 

________________
[1] Theo quy định tại Khoản 5, Điều 2, Luật Quốc phòng năm 2018.
[2] Theo quy định tại Khoản 2, Điều 7, Luật Quốc phòng 2018. 
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2004, tr.523-524.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2004, tr.1028.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, tập II, Nxb ST, H, 1982, tr.25.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, tập I, Nxb ST, H, 1982, tr.27.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khoá VI,VII,VIII,IX,X), Phần I, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2010, tr.14.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khoá VI,VII,VIII,IX,X), Phần I, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2010, tr.277.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khoá VI,VII,VIII,IX,X), Phần I, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2010, tr.347-349.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khoá VI,VII,VIII,IX,X), Phần I, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2010, tr.305.
[11] Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1996, tr.39.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khoá VI,VII,VIII,IX,X), Phần I, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2010, tr.652.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khoá VI,VII,VIII,IX,X), Phần I, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2010, tr.736.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khoá VI,VII,VIII,IX,X), Phần I, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2010, tr.306.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1996, tr.118.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, H,2001, tr.117-119.
[17] Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2003, tr.56.
[18] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2006, tr.108.
[19] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2006, tr.109-111.
[20] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr.234-235.
[21] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, tr.148-150.
[22] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự  thật, H, 2021, tr. 157-160. 
[23] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.70-71.
[24] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.250-251.
[25] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2006, tr.161.
[26] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr. 155-156.
[27] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, tr.146.
[28] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr.67-69.
[29] Dẫn theo Dự thảo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, H,2022.

Tác giả: Tuấn Ngọc

Nguồn tin: dangcongsan.org.vn/hoidonglyluan

Tổng số điểm của bài viết là: 125 trong 25 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 25 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây