Biến đổi khí hậu làm tăng 30 lần khả năng xảy ra nắng nóng kỷ lục

Thứ sáu - 19/05/2023 07:49

Các nhà nghiên cứu phát hiện biến đổi khí hậu làm tăng 30 lần khả năng xảy ra sóng nhiệt, với nhiệt độ tăng ít nhất 2 độ C so với khi không có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Ảnh minh họa (internet)
Ảnh minh họa (internet)

Biến đổi khí hậu đã làm tăng ít nhất 30 lần khả năng xảy ra những đợt nắng nóng kỷ lục gây hậu quả nghiêm trọng như những gì xảy ra tại Bangladesh, Ấn Độ, Lào và Thái Lan trong tháng trước. Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố ngày 17/5.

Theo nghiên cứu của tổ chức tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution (WWA), nhiều vùng ở Ấn Độ đã ghi nhận mức nhiệt trên 44 độ C trong khoảng giữa tháng Tư vừa qua và ít nhất 11 ca tử vong gần thành phố Mumbai được cho là do sốc nhiệt.

Tại Bangladesh, Dhaka cũng trải qua ngày nóng nhất trong gần 60 năm. Thành phố Tak ở Thái Lan có lúc đo được mức nhiệt cao chưa từng thấy là 45,4 độ C trong khi tỉnh Sainyabuli của Lào cũng báo cáo mức nhiệt 42,9 độ C cao nhất trong lịch sử đo đạc nhiệt độ quốc gia.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đánh giá trung bình nhiệt độ tối đa và chỉ số nhiệt tối đa, trong đó có độ ẩm. Thông báo từ WWA nêu rõ ở cả hai phương diện đánh giá trên, các nhà nghiên cứu đều phát hiện biến đổi khí hậu làm tăng 30 lần khả năng xảy ra sóng nhiệt, với nhiệt độ tăng ít nhất 2 độ C so với khi không có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Chừng nào khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn chưa được hạn chế, nhiệt độ toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục tăng, các hình thái thời tiết cực đoan sẽ diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Nghiên cứu cũng chỉ ra nếu như trước đây những đợt thời tiết khắc nghiệt mà Ấn Độ và Bangladesh mới trải qua thường chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ thì với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tần suất này rút ngắn còn 5 năm một lần.

Cũng theo nghiên cứu, với Lào và Thái Lan, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 2 độ C (kịch bản sẽ xảy ra trong 30 năm tới nếu khí thải nhà kính không được cắt giảm nhanh chóng), thì những đợt thời tiết khắc nghiệt như nêu ở trên sẽ lặp lại sau mỗi 20 năm, so với mức hai thế kỷ như hiện nay.

Nhà nghiên cứu Friederike Otto, từ Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu và môi trường Grantham, cho rằng ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra biến đổi khí hậu làm gia tăng đáng kể tần suất và cường độ của các đợt sóng nhiệt, một trong những hình thái thời tiết cực đoan gây hậu quả nghiêm trọng nhất.

Tuy nhiên, các kế hoạch hành động để đảo ngược xu hướng này lại được triển khai một cách chậm chạp trên phạm vi toàn cầu. Theo bà, cần ưu tiên kế hoạch ứng phó ở mọi nơi, đặc biệt là những nơi độ ẩm cao làm tăng tác động của các đợt sóng nhiệt.

Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Tác giả: Lê Tình

Nguồn tin: tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 80 trong 16 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 16 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây