Đảm bảo an ninh nguồn nước: Giải pháp từ công nghệ

Thứ ba - 26/03/2024 07:56

Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân...

Đảm bảo an ninh nguồn nước: Giải pháp từ công nghệ

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua đã xác định công tác bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là nhiệm vụ quan trọng.

 Trên thực tế, vấn đề này đã được Đảng, Nhà nước ta chú trọng từ nhiều năm nay. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về "Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Cụ thể hóa nhiệm vụ trên, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 2846/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước”, mã số KC.14/21-30 nhằm mục tiêu đến năm 2030, góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.

THỰC TRẠNG ĐÁNG LO NGẠI

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, dồi dào. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 840 tỷ m3/năm. Với hơn 7.500 đập, hồ chứa đã tạo nên dung tích trữ nước chủ động trên 70 tỷ m3. Nguồn nước là sự sống, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của đất nước, sinh kế của người dân.

Do đó, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân qua các thời kỳ.

Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước. Công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế. Công tác quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả. Ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao; ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng...

PGS. TS. Nguyễn Đăng Tính, Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề an toàn do các hồ chứa nước được xây dựng từ những năm 1970-1980 của thế kỷ XX, đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng. Trong khi đó, kinh phí bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, năng lực cán bộ quản lý, vận hành hồ, đập còn hạn chế. Vì vậy, cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nâng cao khả năng chống thấm cho đập đất, có những quy trình ứng phó với các tình huống khẩn cấp các quy mô hồ chứa, đập khác nhau. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống tích hợp quan trắc, điều hành hồ chứa thông minh, hoàn thiện quy trình đánh giá an toàn đập, hồ chứa, kết hợp với chuyển đối số hoàn thiện hệ thống thông tin công trình.

Nhận định an ninh nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long (một trong những khu vực chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu hiện nay) đang có nhiều vấn đề nghiêm trọng, GS. TS. Tăng Đức Thắng, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nhấn mạnh, khu vực này đang chịu ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lún sụt đất. Vì thế, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là ngành nông nghiệp.

Cùng với đó, cần lồng ghép các vấn đề trọng yếu như bảo đảm an ninh nguồn nước, ngập nước và suy thoái đồng bằng vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này cũng như của quốc gia; xây dựng kế hoạch, quy hoạch dài hạn cho các vấn đề liên quan đến nước như: bảo đảm an ninh nguồn nước; quy hoạch phòng chống ngập nước cho toàn Đồng bằng sông Cửu Long; bảo vệ chống biển lấn và hệ sinh thái ngập mặn ven biển. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp chủ động cấp nước ngọt cho các vùng hạn mặn và khan hiếm nước; nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng hồ trữ nước ngọt trên hệ thống sông Vàm Cỏ để bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nghiên cứu đánh giá, dự báo chế độ nước (mực nước, sóng, chất lượng nước) vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển thủy sản…

TÌM GIẢI PHÁP TỪ CÔNG NGHỆ

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, từ năm 2013-2023, liên quan đến nguồn nước, nhiều giải pháp khoa học công nghệ đã được triển khai trên cả nước như: Công nghệ khai thác, xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; xây dựng hệ thống giám sát và điều hành lũ trên lưu vực sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn hỗ trợ Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai Trung ương ra quyết định ứng phó để đảm bảo an toàn công trình đầu mối và các vùng hạ du; giải pháp mềm trồng cây chắn sóng bảo vệ cho các đoạn đê biển các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang; công nghệ đê trụ rỗng giảm sóng kết hợp gây bồi tạo bãi ứng dụng vào thực tiễn thi công xây dựng ở Cà Mau; xây dựng bộ bản đồ rủi ro ngập lũ theo các kịch bản và các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ; xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, ngập lụt nước dâng do siêu bão cho một số tỉnh ven biển như Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đồng bằng sông Cửu Long…

Các công nghệ ngăn sông như đập trụ đỡ, đập sà lan, cống lắp ghép đã được nghiên cứu và ngày càng hoàn thiện, được ứng dụng xây dựng nhiều công trình ngăn sông lớn, nhỏ trên khắp cả nước như: Công trình chống ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh, các công trình ngăn mặn giữ ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long và vừa qua là ứng dụng cho công trình Cái Lớn - Cái Bé...

Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực trên giúp tiết kiệm 20% lượng nước tưới, tăng năng suất từ 5 đến 11%, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trên ruộng đồng. Các dạng cửa van lớn, thiết bị, máy bơm đặc thù cho từng vùng phục vụ chống úng, hạn, cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho vùng cao, khan hiếm nguồn nước… cũng được áp dụng.

Hiện nay, nhiều công nghệ mới đang được các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học xác định phương pháp tiếp cận và thực hiện như: Nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ số trong điều tiết nguồn nước, giám sát đảm bảo an toàn hồ đập, tăng tuổi thọ công trình, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý vận hành công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, vật liệu mới, thiết bị, xây dựng và quản lý an toàn hồ chứa, đập, đê sông, đê biển và công trình phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, phát triển nông thôn…

Cùng với việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, phù hợp với thực tiễn, các chủ trương, chính sách đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập chứa nước ngày càng được hoàn thiện. Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về "Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" gồm 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó đưa ra giải pháp “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước”.

Giải pháp này được cụ thể hóa tại Quyết định số 1595/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số chiến lược, quy hoạch như: Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đều đề cập đến nội dung về bảo đảm an ninh nguồn nước…

GS. TS. Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước” (Chương trình) cho biết, cụ thể hóa các nhiệm vụ trên của Kết luận số 36-KL/TW, Chương trình hướng tới cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn để hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Đồng thời, phát triển, ứng dụng, chuyển giao được các công nghệ tiên tiến để phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an ninh nguồn nước và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển, ứng dụng và chuyển giao được các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước và công trình thủy lợi.

Chương trình đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như: 60% số nhiệm vụ có kết quả được ứng dụng hoặc ứng dụng thử nghiệm thành công; 30% số nhiệm vụ có đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích) được chấp nhận, trong đó 10% số nhiệm vụ có bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích được công nhận; 20% số nhiệm vụ có doanh nghiệp tham gia phối hợp thực hiện…

Việc triển khai Chương trình sẽ góp phần giải quyết tổng thể các vấn đề khoa học và công nghệ liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước như: Công nghệ tiên tiến và giải pháp để phát triển gia tăng nguồn nước nhằm chủ động ứng phó với nguy cơ, rủi ro mất an ninh nguồn nước; giải pháp, công nghệ mới, tiên tiến nhằm quản lý, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn, giảm thất thoát, lãng phí nước; tăng hiệu suất, năng suất nước; công nghệ, phương pháp tiên tiến, hiện đại, thông minh, đề xuất giải pháp mới gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhằm nâng cao mức bảo đảm an toàn, khai thác hiệu quả đập, hồ chứa nước…

THU PHƯƠNG (TTXVN)

Tác giả: Lê Tình

Nguồn tin: tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 235 trong 47 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 47 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây