Đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tạo đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là yêu cầu cấp thiết, là vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
GÓP PHẦN QUAN TRỌNG TRONG HÌNH THÀNH ĐỘI NGŨ LAO ĐỘNG LÀNH NGHỀ
Đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tạo đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong tình hình mới là yêu cầu cấp thiết, là vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
Trong những năm qua, cùng với những thành tựu quan trọng đạt được của giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều kết quả ghi nhận, góp phần quan trọng hình thành đội ngũ lao động lành nghề, xây dựng giai cấp công nhân, nông dân hiện đại, lớn mạnh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển, từng bước hình thành theo hướng mở, liên thông, cơ bản phù hợp với xu thế phát triển giáo dục đào tạo các nước trên thế giới. Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ; tỉ lệ lao động có việc làm phù hợp với kỹ năng nghề và trình độ đào tạo có xu hướng tăng hằng năm, đóng góp vào tăng nhanh năng suất lao động và thu nhập của người dân, giúp giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
NHỮNG YÊU CẦU MỚI CỦA THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Để phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, nhu cầu của người học và theo kịp yêu cầu thực tiễn, quan điểm, mục tiêu đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp cần theo hướng bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn; để từng bước khắc phục những tồn tại hạn chế, bất cập: về quy mô, mạng lưới; cơ cấu ngành, nghề nội dung, chương trình, phương thức tổ chức đào tạo, hiệu quả đào tạo; cơ chế, chính sách, pháp luật; nguồn lực đầu tư; năng lực quản lý nhà nước;…
Cụ thể, các xu hướng mới như công nghệ thay đổi, số hóa, toàn cầu hóa, cùng với biến đổi nhân khẩu học, khí hậu và sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tác động to lớn đến thế giới việc làm và đặt ra các yêu cầu mới đối việc phát triển kỹ năng cho người lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Thay đổi về công nghệ và số hóa như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và robot, sử dụng công nghệ tác động đáng kể đến thị trường lao động, ảnh hưởng đến việc làm, công việc thực hiện, cách thức làm việc và kỹ năng người lao động… Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, RCEP, EVFTA), đòi hỏi phải tuân thủ các “luật chơi” chung, trong đó có các tiêu chuẩn về lao động, đòi hỏi giáo dục và đào tạo phải thay đổi mạnh mẽ để thích ứng…Thị trường lao động trong mô hình tăng trưởng mới ở nước ta với quy mô đến năm 2025 gần 66 triệu người, trong đó 75% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ sẽ là thị trường lao động hiện đại với nhiều ngành nghề mới, nhiều phân lớp thị trường nhân lực, đòi hỏi những tiêu chuẩn lao động mới, kỹ năng mới. Đây là cơ hội để giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới mạnh mẽ, có đủ năng lực để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thị trường lao động với trên 51,6 triệu người tham gia lực lượng lao động, chiếm 68,5% dân số.
ĐỔI MỚI NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH, PHƯƠNG THỨC ĐÀO TẠO, BẢO ĐẢM “HỌC ĐI ĐÔI VỚI HÀNH”
Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định “đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp”, “đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt”, “tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế”, “chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động”.
Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện thành công mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội Nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và tổ chức triển khai hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/05/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; các văn bản thế chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước; giáo dục nghề nghiệp xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; có khoảng 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, trong đó có một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar), G20 (Nhóm các nền kinh tế lớn, hiện đang chiếm hơn 90% trong tổng quy mô của toàn bộ nền kinh tế thế giới), Hàn Quốc, Úc, Brasil, Nga, Ấn độ, Trung Quốc, Nam Phi, Mexico, Indonesia, Argentina, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ; có khoảng 200 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 15 - 20 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới. Đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước; là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài; khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời. Huy động sự tham gia của xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giáo dục nghề nghiệp, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ ba, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỉ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp; thực hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hoá tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để học sinh tốt nghiệp vừa có bằng trung học phổ thông vừa có bằng nghề bảo đảm chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ; có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào giáo dục nghề nghiệp.
Thứ tư, đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp. Tôn vinh người lao động có kỹ năng, tay nghề cao; ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế. Phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; ưu tiên quỹ đất sạch dành cho giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ năm, tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và địa phương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hoá, có phân tầng chất lượng, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động. Chú trọng các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh gắn với nhu cầu thị trường lao động. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra; định kỳ đánh giá, xếp loại chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thứ sáu, đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm “học đi đôi với hành”; nâng cấp và chuẩn hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, người dạy nghề, chuyên gia cho các ngành, nghề trọng điểm; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao, tiếp cận chuẩn của các nước tiên tiến. Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số cho người học; thường xuyên cập nhật, đào tạo lại cho lực lượng lao động nhằm nâng cao khả năng thích ứng với yêu cầu đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Đổi mới việc đánh giá kiến thức, kỹ năng của người học, người lao động; phát triển hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Thứ bảy, nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, tăng thời gian đào tạo, thực hành cho người học trong doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến sử dụng, thành lập các cơ sở thực hành tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung - cầu lao động với giáo dục nghề nghiệp.
Thứ tám, tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn. Chuyển nhanh cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hoá, hợp tác công – tư nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực, địa bàn mà khu vực ngoài công lập có thể tham gia. Bảo đảm chính sách bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập.
Thứ chín, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, chuyên gia, nhà giáo, người học với các nước. Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, mở rộng mô hình đào tạo nghề chất lượng cao thông qua hệ thống đào tạo của các nước tiên tiến; tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, công nghệ mới trong giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ thi kỹ năng nghề khu vực và quốc tế.
TS. Nghiêm Thị Đương - Đại học Giáo dục
Tác giả: NVĐ
Nguồn tin: tuyengiao.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn