Mới đầu hè nhưng gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em tại các tỉnh, thành phố. Dù đã có nhiều cảnh báo từ phía nhà trường, chính quyền địa phương nhưng do sự lơ là, chủ quan, bất cẩn… đã dẫn đến những vụ việc đau lòng. Do đó, ngoài sự vào cuộc của hệ thống chính trị, quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, giám sát từ chính mỗi gia đình.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu. Ước tính, mỗi năm có khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi.
Tại Việt Nam, theo thống kê Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 1-4 tuổi và là nguyên nhân thứ ba gây tử vong do thương tích không chủ ý ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 5-19 tuổi. Hiện có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm. Đây thực sự là con số rất xót xa, là gánh nặng đối với an toàn của trẻ và gây tổn thương đến hạnh phúc của rất nhiều gia đình.
Đơn cử, chỉ trong mấy ngày cuối tháng 4, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 3 bệnh nhi đuối nước, nguy kịch tính mạng. Trường hợp đầu tiên là bé trai H.T (2 tuổi, ở Hà Nội). Trong lúc mẹ bận làm việc, bé T. đã chạy sang nhà hàng xóm chơi và không may ngã xuống hồ cá Koi sâu 1,2m không có rào chắn xung quanh.
Theo camera ghi nhận, sau khoảng 8 phút ngã xuống bể cá, trẻ mới được phát hiện và đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Ngay lập tức, gia đình đã hô hoán mọi người giúp đỡ và được các nhân viên y tế của trạm y tế gần nhà đến sơ cấp cứu tại chỗ. Sau 10 phút, bé T có nhịp tim trở lại và được đưa đến bệnh viện huyện cách đó 5km. Lúc này, trẻ có nhịp tim, nhịp thở nhưng không tỉnh, lơ mơ. Các bác sĩ tiến hành cấp cứu ban đầu, đặt nội khí quản kiểm soát đường hô hấp và chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng hôn mê sau ngừng tuần hoàn.
Hai trường hợp tiếp theo được Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận là bé gái N.K (12 tuổi, ở Hà Nội) và bé trai A.T (11 tuổi, ở Sơn La). Hoàn cảnh gặp nạn của hai trẻ khá giống nhau, qua khai thác bệnh sử, gia đình cho biết, trong lúc trẻ đi tắm ở ao, suối cùng các bạn thì bị đuối nước. Trẻ được mọi người xung quanh đưa lên bờ trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở và được cấp cứu ngừng tuần hoàn…
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, tại một số địa phương cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm liên quan đến trẻ em. Điển hình, như tại Hà Nam xảy ra 2 vụ đuối nước làm 4 thanh, thiếu niên thiệt mạng tại xã Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý và xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng; ba học sinh bị đuối nước tại xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình; hai em nhỏ tử vong khi tắm sông tại chân cầu Hiệp Thanh, phường Phương Nam, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh...
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, trong những năm qua đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi nặng, nguy kịch vì tai nạn này.
Theo các chuyên gia, đuối nước thường gặp vào các tháng mùa hè do thời tiết nắng nóng, đồng thời, thời điểm này trẻ em cũng được nghỉ hè, nhiều gia đình cho trẻ đi bơi tại các bể bơi, đi du lịch biển; trẻ em ở các vùng quê thường có thói quen tắm sông, suối, ao hồ cùng bạn… nên đa số các vụ tai nạn đuối nước diễn ra tại các vùng nông thôn.
Phân tích cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn là do sự hiếu động của trẻ nhỏ, sự lơ là, chủ quan, bất cẩn của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Bên cạnh đó, môi trường sống tại cộng đồng, gia đình chưa an toàn, hệ thống sông, suối, ao hồ có khắp mọi nơi cũng là nguy cơ không an toàn cho trẻ nhỏ.
Mặt khác, nhận thức của cộng đồng, đặc biệt ở phụ huynh đối với phòng, chống đuối nước trẻ em còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, hướng dẫn viên dạy bơi, kỹ năng an toàn khi bơi tại các địa phương còn thiếu. Kỹ năng phòng chống đuối nước còn rất thiếu, chỉ hơn 30% trẻ em biết bơi. Nhiều trường hợp các em rủ nhau đi bơi, tắm ao, sông, do thiếu kỹ năng cứu đuối, nên khi có một bạn bị đuối nước, lập tức các em lao xuống để cứu trong khi kỹ năng cứu đuối là phải gián tiếp hoặc hô hoán...
Thực tế chỉ ra rằng, việc trang bị kỹ năng để phòng, chống tai nạn đuối nước cho thanh thiếu nhi, đặc biệt là học sinh vùng nông thôn, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Cha mẹ thường phải bận rộn kiếm sống, không có đủ thời gian để chăm sóc, giám sát con. Mặt khác, bản tính hiếu động, ham khám phá của trẻ em, cộng với sự thiếu hiểu biết về nguy hiểm, khiến cho các em thường không nhận ra được mức độ rủi ro của việc chơi đùa gần nước.
Chưa hết, dù đã được các cơ quan chuyên môn và truyền thông cảnh báo nhiều, nhưng có một thực tế đáng báo động là mặc dù đã được ngành y tế các cấp truyền thông rộng rãi nhiều năm nay nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa nắm được kỹ năng cấp cứu đúng khi tiếp cận xử trí một trẻ bị đuối nước. Tình trạng sơ cấp cứu ban đầu sai cách bằng dốc ngược nạn nhân chạy vẫn xảy ra…
Vì vậy, để kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa đuối nước và cấp cứu sai cách cho trẻ đuối nước, cần có sự chung tay của cả gia đình, cộng đồng. Đó là ngoài việc tăng cường quản lý con em, học sinh, việc rèn luyện, bồi dưỡng những kỹ năng cơ bản, như: Người chăm sóc trẻ luôn để ý, quản lý, giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơI; Giáo dục kiến thức, kỹ năng (cho trẻ từ lớp 1) phòng chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn; Giáo dục, hướng dẫn cho trẻ lớn nhận biết các nơi nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước, không tự ý tắm, chơi đùa ở những nơi có vùng nước nguy hiểm, không đùa nhau khi bơi; cách thức gián tiếp cứu đuối để đảm bảo an toàn cho bản thân;… Thì cần tuyên truyền, phổ biến các biện pháp sơ cấp cứu đuối nước đúng cách cho người dân; tổ chức các lớp tập huấn cấp cứu cơ bản cho cộng đồng, tiến tới thay đổi thực hành, tránh những động tác hành động sai khi cấp cứu….
Có thể nói, tai nạn đuối nước ở trẻ em đang là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Vì thế, để trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh cần có một kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, sự chung tay trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội. Và trên hết sự quan tâm, giám sát từ chính mỗi gia đình là điều quan trọng nhất để có thể tránh những hậu quả đáng tiếc, đau buồn do đuối nước gây ra.
Trung Anh
Tác giả: NVĐ
Nguồn tin: dangcongsan.vn; vnanet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn