PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: K=K là một thông điệp dựa trên bằng chứng khoa học nên cần được lan tỏa rộng rãi hơn nữa để mọi người hiểu được lợi ích của việc điều trị ARV, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Sự kiện "K=K là công cụ cân bằng trong lĩnh vực sức khỏe" diễn ra ngày 11/5 tại Hà Nội, nằm trong chuỗi hoạt động bên lề của Hội nghị lần thứ 49 của Hội đồng Quản trị Quỹ Toàn cầu.
Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương; PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; TS. Cedric Pulliam - Giám đốc Chính sách Công toàn cầu, Chiến dịch Dự phòng toàn cầu; Bà Loyce Pace, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế và dịch vụ dân sinh Hoa Kỳ; bà Kate Thomson – Trưởng phòng Giới và quyền của cộng đồng – QTC cùng các đại biểu tham dự Hội nghị của Quỹ toàn cầu.
Tại sự kiện, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ kết quả kinh nghiệm của Việt Nam, cũng như những thách thức cần phải giải quyết trong thời gian tới. Sự kiện này là cơ hội để Quỹ Toàn cầu thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong việc hỗ trợ lan tỏa chiến dịch K=K (tức là Không phát hiện bằng Không lây truyền) và huy động thêm hỗ trợ cho các quốc gia thành viên ký kết lời kêu gọi hành động đa phương K=K và tích hợp K=K như một công cụ chính sách công bằng y tế vào các chiến lược y tế và HIV của mỗi quốc gia.
Năm 2017, giới khoa học trên thế giới đã công bố bằng chứng khoa học cho thấy: “Nếu một người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị và đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ không có khả năng lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục”. Bằng chứng khoa học này đã làm thay đổi cơ bản quan điểm về điều trị HIV. Điều trị cũng là dự phòng, thúc đẩy người có hành vi nguy cơ cao chưa nhiễm HIV chủ động đi xét nghiệm sớm hoặc xét nghiệm định kỳ để nếu có HIV sẽ được điều trị ARV sớm. Với người nhiễm HIV họ sẽ tiếp cận điều trị ARV sớm, tuân thủ điều trị để đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện. Đặc biệt, nó giúp cộng đồng và người cung cấp dịch vụ không kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV.
Với ý nghĩa đó, ngay sau khi bằng chứng khoa học được công bố, Việt Nam đã tích cực và chủ động phổ biến các thông điệp này với nhiều hình thức: Truyền thông đại chúng, truyền thông qua mạng xã hội, tổ chức các chiến dịch K=K ở cả cấp quốc gia và địa phương; tổ chức các hội thảo và các lớp tập huấn. Kết quả là thông điệp K=K đã được phổ biến rộng rãi không chỉ tới người cung cấp dịch vụ, người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao mà cả cộng đồng người dân nói chung.
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: K=K là một thông điệp dựa trên bằng chứng khoa học nên cần được lan tỏa rộng rãi hơn nữa để mọi người hiểu được lợi ích của việc điều trị ARV, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Thứ trưởng cũng đề nghị: Bộ Y tế mong muốn các tổ chức quốc tế của các nước tiếp tục cùng đồng hành với Việt Nam trong công tác phòng chống HIV/AIDS, để phát huy các kết quả đã đạt được và đồng thời tháo gỡ những khó khăn đã và đang gặp phải, hướng tới mục tiêu Việt Nam kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, đặc biệt đảm bảo tính bền vững để dịch HIV/AIDS không quay trở lại.
K=K là một can thiệp và phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng quan trọng trong Ghi chú thông tin về HIV năm 2022 của Quỹ Toàn cầu, một trong 22 chương trình thiết yếu quan trọng để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng đặt ra trong Chiến lược Quỹ Toàn cầu 2023-2028.
Bà Kate Thomson, Trưởng Phòng Cộng đồng, Quyền và Giới, Quỹ Toàn cầu cho biết: “Không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của thông điệp K=K. Nó không chỉ là một can thiệp y tế công cộng. Nó sẽ giúp giải quyết những quan niệm sai lầm, sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Nó cũng ủng hộ cho quyền của mỗi cá nhân và vai trò tiên phong của những người nhiễm HIV trong các nỗ lực dự phòng lây nhiễm HIV”.
Sự kiện này cung cấp một nền tảng cho lãnh đạo cấp cao của Quỹ Toàn cầu, các thành viên Hội đồng Quỹ Toàn cầu và các quốc gia nhận tài trợ để học hỏi về các ví dụ điển hình nhất về các chính sách và chương trình về K=K đã tác động đến loại bỏ sự kỳ thị và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa chính phủ, tổ chức xã hội và các cơ quan quốc tế. Sự kiện cũng sẽ cung cấp một không gian để đối thoại về việc áp dụng và triển khai K=K, đồng thời hỗ trợ các thành viên Hội đồng quản trị Quỹ Toàn cầu và các tổ chức trong việc tích hợp và đẩy mạnh K=K trong các chiến lược y tế và HIV quốc gia và khu vực.
Tiến sĩ Cedric Pulliam, Giám đốc Chính sách Công toàn cầu, Chiến dịch tiếp cận Dự phòng: “Chúng ta phải đầu tư vào việc tiếp cận điều trị HIV, chăm sóc và hỗ trợ để đạt được và duy trì tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện cho tất cả mọi người. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu ưu tiên K=K trong cuộc chiến chống lại HIV. Giờ là thời điểm biến K=K thành hiện thực cho mọi người”.
Kha Thoa
Tác giả: Lam Lê (Tổng hợp)
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn