Một nội dung quan trọng của kỳ họp này là Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Chiều 19/10, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.
Dự họp báo có Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Tuấn Anh; Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng An ninh Trịnh Xuân An; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh.
Dự kiến xem xét, thông qua 9 dự án luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi)
Trình bày báo cáo tóm tắt về dự kiến chương trình và nội dung chủ yếu của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 28/11/2023, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày, tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1: từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; Đợt 2: từ ngày 20 đến ngày 28/11/2023. Kỳ họp thứ 6 được tổ chức theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 1 dự thảo nghị quyết là Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án Luật khác.
Về các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về các nội dung sau: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 (trong đó có xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 và quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026); xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo của Chánh án Toà án nhân dân Tối cao về công tác của Tòa án nhân dân; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023.
Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Mặt khác, tiến hành giám sát chuyên đề "Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030"...
Vì sao lấy phiếu tín nhiệm ngay từ đầu Kỳ họp?
Một nội dung quan trọng của kỳ họp này là Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đây cũng là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của báo chí tại buổi họp báo.
Trả lời vấn đề này, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cho biết, theo quy định của Nghị quyết 96/2023/QH15 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, đến thời điểm hiện tại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được đầy đủ tất cả các báo cáo của những người có liên quan được lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp thứ 6.
Theo quy định, các báo cáo này sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội trước 20 ngày. Do đó, đến thời điểm hiện tại tài liệu đã được gửi đầy đủ để các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu và cho ý kiến.
Phó Ban công tác đại biểu cho hay: “Đến thời điểm hiện tại, người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi báo cáo kiểm điểm công tác đến Quốc hội... Qua hai kênh là từ phía đại biểu Quốc hội và từ phía Mặt trận Tổ quốc, đến nay chúng tôi chưa nhận phản ánh gì về người được lấy phiếu tín nhiệm", đồng thời nhấn mạnh, Ban Công tác đại biểu sẽ tiếp tục theo dõi, nếu có phát sinh sẽ tổng hợp báo cáo đại biểu và Quốc hội.
Về việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, theo quy định của Nghị quyết 96, toàn bộ các thông tin về kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về công nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Văn phòng Quốc hội sẽ công bố chính thức các thông tin để các cơ qua báo chí, nhân dân và cử tri biết.
Theo Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, việc đánh giá công tác cán bộ và lấy phiếu tín nhiệm được tính từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay. Do đó, việc lấy phiếu tín nhiệm ngay từ đầu kỳ họp là công việc bình thường.
Vy Anh
Tác giả: Trinh Phạm
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn