Cần thêm cơ chế khuyến khích để 'tiết kiệm điện trở thành thói quen'

Thứ sáu - 20/09/2024 06:36

Tiềm năng tiết kiệm điện của Việt Nam còn rất lớn, nhận thức của khách hàng sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm ngày càng tăng. Khách hàng, đặc biệt là hộ gia đình đã chủ động chuyển đổi sang các thiết bị tiết kiệm điện, thực hành "Tiết kiệm điện thành thói quen".

Ngày 19/9, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức 2 Hội nghị quốc gia gồm: Hội nghị quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024 và Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024.

Bộ Công Thương tổ chức 2 Hội nghị quốc gia gồm: Hội nghị quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024 và Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024 - Ảnh: VGP/PT

Hoàn thiện chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

Ngày 24/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình SCP).

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: Các Chương trình, Chỉ thị về tiết kiệm năng lượng trong thời gian vừa qua đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về vai trò quan trọng mang tính chiến lược của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong việc phát triển bền vững nền kinh tế đất nước.

"Bên cạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương đã và đang triển khai mạnh mẽ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.

Chương trình tiếp cận theo vòng đời sản phẩm từ khâu khai thác, thiết kế, chế biến, sản xuất, tiêu dùng, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và thải ra môi trường và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Đây là Chương trình tiếp cận theo hướng toàn diện và theo xu hướng thế giới nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu.

Chương trình không chỉ khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất xuất bền vững mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững", bà Giang nói.

Để thực hiện chương trình SCP, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra 15 nhóm nhiệm vụ để thực hiện như: Hoàn thiện khung chính sách; quản lý, khai thác bền vững tài nguyên; thiết kế bền vững; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường; phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái; phát triển thị trường bền vững; mua sắm bền vững; nâng cao năng lực; áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải rắn; đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng dữ liệu thông tin về sản xuất và tiêu dùng bền vững; phát triển khoa học công nghệ về SCP; thúc đẩy tiếp cận và hỗ trợ tài chính xanh; hợp tác quốc tế về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

"Giai đoạn 2021-2024, thực hiện Chương trình SCP, Bộ Công Thương đang hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đồng thời, Bộ Công Thương đang xây dựng Chỉ thị về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của ngành và đã hoàn tất công tác lấy ý kiến của các bên liên quan", đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thông tin.

Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm điện hấp dẫn hơn

Tại Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024, ông Hoàng Việt Dũng – Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. 60/63 tỉnh, thành đã ban hành kế hoạch hành động giai đoạn 2020 – 2025/2030 về Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chương trình tiết kiệm điện toàn quốc đã đạt kết quả tỷ lệ tiết kiệm hơn 2% hàng năm trong giai đoạn 2020 – 2023; tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm từ 7,47% năm 2017 xuống còn 6,25% năm 2022; tổ chức các cuộc thi, giải thưởng hiệu quả năng lượng….

Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng thông tin: 5 Tổng Công ty điện lực đã ký cam kết thực hiện tiết kiệm điện với 1,832 triệu khách hàng, tiềm năng tiết kiệm điện cam kết là 3,079 tỷ kWh.

"5 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng tiết kiệm điện toàn quốc đạt hơn 2.620 triệu kWh (tương đương với 2,38% lũy kế thương phẩm 5 tháng 2024). Điều này cho thấy, tiềm năng tiết kiệm điện của Việt Nam còn rất lớn và hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu cam kết về tiết kiệm điện", ông Trần Viết Nguyên thông tin.

Đại diện EVN cũng nhận định: Nhận thức của khách hàng sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm ngày càng tăng. Khách hàng, đặc biệt là hộ gia đình đã chủ động chuyển đổi sang các thiết bị tiết kiệm điện, thực hành "Tiết kiệm điện thành thói quen".

"Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong chương trình. Cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp về tiết kiệm điện chưa đủ hấp dẫn, thiếu các ưu đãi như giảm thuế hoặc hỗ trợ vay vốn, thu xếp tài chính để đầu tư vào các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Nguồn vốn từ các ngân hàng cho các dự án hiệu quả năng lượng còn hạn chế, lãi suất chưa hấp dẫn, khiến doanh nghiệp ngại thực hiện các giải pháp tiết kiệm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, đặc biệt trong các ngành xi măng, thép, hóa chất, gạch gốm, dệt may, thực phẩm…. Nhiều doanh nghiệp còn chần chừ chưa sẵn sàng đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm điện", ông Trần Viết Nguyên chia sẻ.

Đại diện EVN đề xuất, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính ban hành cơ chế khuyến khích để thúc đẩy thị trường cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO; Hỗ trợ tài chính triển khai các chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, điều chỉnh phụ tải và tiết kiệm điện.

Nhân viên ngành điện phổ biến cho khách hàng về các giải pháp tiết kiệm điện - Ảnh: Báo Công Thương

Ngoài ra, EVN còn kiến nghị cập nhật, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường thanh tra kiểm tra về tuân thủ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; ban hành cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải; điều chỉnh giờ cao điểm và giá điện TOU.

Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng, TẠI ĐÂY 

Trong khuôn khổ "Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024", Bộ Công Thương và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) phát động cuộc thi "Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng".

Chương trình lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhóm học sinh, sinh viên với tổng giá trị giải thưởng lên đến 35.000 USD

Cuộc thi nằm trong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng" (AIS4EE) thuộc Chương trình Chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam - EU (SETP) do Liên minh châu Âu tài trợ cho Bộ Công Thương. Dự án AIS4EE được đồng tài trợ và thực hiện bởi GGGI - một tổ chức liên chính phủ được thành lập nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh trên phạm vi toàn cầu.

Cuộc thi được thiết kế là một chương trình tăng tốc khởi nghiệp dành riêng cho lĩnh vực hiệu quả năng lượng lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư vào các giải pháp đổi mới sáng tạo về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải và xây dựng tại Việt Nam. Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhóm học sinh, sinh viên.

Cuộc thi dự kiến sẽ lựa chọn tối đa 30 đội thi tốt nhất (gồm 15 doanh nghiệp khởi nghiệp và 15 nhóm học sinh, sinh viên) tham gia chương trình huấn luyện và đào tạo trong vòng 9 tuần, với sự dẫn dắt của các chuyên gia, cố vấn trong lĩnh vực khởi nghiệp và năng lượng. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên đến 35.000 USD cho nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp và 10.000 USD cho nhóm học sinh sinh viên khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các đội thi có cơ hội tham gia hoạt động gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế, bao gồm khoản đầu tư lên đến 1 triệu USD từ quỹ Touchstone Partners và khoản đầu tư tiềm năng từ các quỹ đầu tư đối tác.

Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng đã chính thức nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến từ ngày 6/8/2024 tại địa chỉ https://ais4ee.vn. Hạn nộp hồ sơ là 9 giờ sáng ngày 25/9/2024 (giờ Việt Nam). Thông tin chi tiết và thể lệ tham dự có tại https://ais4ee.vn.

Phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm hơn 67% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2020 và sẽ lên tới hơn 73% vào năm 2030 theo kịch bản thông thường. Theo báo cáo Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam đã cam kết cắt giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030 so với kịch bản thông thường bằng nguồn tự lực trong nước, và có thể tăng lên đến 27% khi nhận được sự hỗ trợ của quốc tế.

Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) với mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).

Ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Chỉ thị đề ra mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ cũng như xác định các giải pháp mà các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng sử dụng điện phải thực hiện để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra.

Phan Trang 

Tác giả: CTC

Nguồn tin: chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 50 trong 10 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 10 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây