Kiểm soát phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam hiện nay

Thứ ba - 05/03/2024 07:14

Phân hóa giàu nghèo là một hiện tượng xã hội có tính chất tất yếu, khách quan, phổ biến; nhưng cũng có tính lịch sử và cần phải được kiểm soát. Tại Việt Nam, để xây dựng một xã hội tốt đẹp cho mọi người dân không thể không quan tâm đến vấn đề kiểm soát kịp thời, có hiệu quả hiện tượng phân hóa giàu nghèo trong xã hội.

Kiểm soát phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam hiện nay

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG KIỂM SOÁT PHÂN HÓA GIÀU NGHÈO

Thứ nhất, sự phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam diễn ra và thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: từ mức sống kinh tế đến đời sống văn hóa tinh thần; từ cơ hội tham gia thị trường lao động, việc làm đến các tiếp cận giáo dục, y tế... Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, xu hướng chung là các nhóm giàu và khá giả thường được hưởng lợi nhiều hơn và nhanh hơn so với các nhóm nghèo và gần nghèo. Phân hóa giàu nghèo đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phân tầng xã hội ở Việt Nam ngày càng rõ nét. Bên cạnh sự xuất hiện và hình thành của “tầng lớp xã hội ưu trội”, “tầng lớp xã hội yếu thế” và các nhóm xã hội có hành vi sai lệch xã hội, vi phạm pháp luật, tội phạm cũng có xu hướng gia tăng. Điều này để lại nhiều hệ quả tiêu cực đối với sự phát triển lành mạnh, an ninh, trật tự của xã hội. Dấu hiệu thể hiện nổi bật sự phân hóa giàu nghèo xã hội sâu sắc là sự phân hóa giữa các tầng lớp xã hội sở hữu tài sản chỗ ở (trị giá chỗ ở chính, kiểu loại ngôi nhà ở chính và có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác). Trị giá tài sản này thường “gấp nhiều lần” so với chỉ báo thu nhập (hoặc chi tiêu) trong mức sống của người dân. Do đó, nếu bối cảnh phát triển và chính sách của Đảng và Nhà nước về tài sản chỗ ở và đất đai không thay đổi trong thời gian tới thì mức độ và tốc độ chênh lệch giữa các giai tầng sẽ tiếp tục cao hơn.

Thứ hai, bức tranh tổng quan về phân hóa giàu nghèo trong thời kỳ đổi mới cho thấy khoảng cách giữa các nhóm hộ gia đình từ giàu đến nghèo đang có khoảng cách còn khá lớn. Cụ thể, qua 11 cuộc khảo sát Mức sống dân cư Việt Nam: 2002, 2004, 2006, 2008, 2010, 2012, 2014, 2016, 2018, 2020, 2022 đã cho biết hệ số chênh lệch về thu nhập bình quân 1 người/1 tháng giữa nhóm hộ giàu nhất và nhóm hộ nghèo nhất lần lượt tăng lên qua 11 lần khảo sát mức sống tương ứng như sau: 8,1 lần → 8,3 lần → 8,4 lần → 8,9 lần → 9,2 lần → 9,4 lần → 9,7 lần →9,8 lần → 10,0 lần → hơn 8 lần → 7,6 lần. Các nghiên cứu cho thấy, sự phân hóa giàu nghèo diễn ra và thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống: từ mức sống kinh tế đến đời sống văn hóa tinh thần; từ cơ hội tham gia thị trường lao động, việc làm đến các tiếp cận giáo dục, y tế... và đặc biệt nhất chính là sự phân hóa giữa các tầng lớp xã hội trong sở hữu tài sản về chỗ ở. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, xu hướng chung là các nhóm giàu và khá giả thường được hưởng lợi nhiều hơn và nhanh hơn so với các nhóm nghèo và gần nghèo (1).

Thứ ba, có sự khác biệt lớn về phân hóa giàu nghèo xét theo khu vực nông thôn- đô thị giữa các vùng miền và dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh/Hoa. Kết quả khảo sát cho thấy, thu nhập bình quân 1 người/ 1 tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt 4,205 triệu đồng, giảm 1,1% so với năm 2020. Đáng chú ý, nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 9,184 triệu đồng, cao gấp 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất). Chênh lệch giàu- nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mức độ thụ hưởng dịch vụ và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người nghèo, vùng nghèo nói chung vẫn còn thấp hơn đáng kể.

Thứ tưphân hóa giàu nghèo ở Việt Nam đang để lại những hệ quả xã hội nan giải và cần phải được khắc phục kịp thời. Chẳng hạn, hố sâu ngăn cách giữa nhóm giàu với nhóm nghèo, dẫn tới mối liên kết giữa các nhóm xã hội ngày càng lỏng lẻo. Đây là một yếu tố gây ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Phân hóa giàu nghèo là tiền đề tác động đến tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội... gia tăng. Cùng với tệ nạn tham nhũng, phân hóa giàu nghèo là 2 hiện tượng có tác động trực tiếp đến bất bình đẳng xã hội. Phân hóa giàu nghèo làm suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vào chế độ; tạo ra tâm lý chống đối, làm phát sinh “khiếu kiện” và những “điểm nóng” với những diễn biến phức tạp về an ninh xã hội. Phân hóa giàu nghèo còn làm cho nội bộ cán bộ đảng viên tự diễn biến theo chiều hướng xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị nội bộ; dẫn đến tình trạng bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu lực; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bị vô hiệu hóa và bị xuyên tạc; sự lãnh đạo của Đảng suy yếu (2).

Thứ năm, các nhân tố thúc đẩy sự phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam là hết sức đa dạng, phong phú và đa chiều cạnh. Tuy nhiên, có thể khái quát thành một số nhóm yếu tố: a) Về nguyên nhân chủ quan của mỗi cá nhân/nhóm xã hội, đó là năng lực cá nhân/nhóm (về vốn nhân lực, vốn xã hội, vốn tài chính và vật chất) để nắm bắt và tận dụng các cơ hội về việc làm, tham gia các mạng lưới, tận dụng cơ hội về đầu tư, sản xuất kinh doanh và thu lợi nhuận; b) Về khách quan, đó là điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội, môi trường sống và lao động và các điều kiện khác; c) Nhóm nguyên nhân về thể chế chính sách, bao gồm quản lý nhà nước và quản lý xã hội, phòng chống tham nhũng, các chính sách vĩ mô như chính sách về phân phối lại, phát triển bao trùm, lao động việc làm, an sinh xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo... Ba nhóm nguyên nhân này tác động qua lại lẫn nhau và tạo nên vận may, cơ hội của mỗi cá nhân, tạo nên sự khác biệt trong thu nhập, tài sản và hàng loạt các mặt khác của cuộc sống, tạo nên sự phân hoá thu nhập và phân hóa giàu nghèo trong xã hội.

Thứ sáu, một nghịch lý đã và đang là cản trở lớn đối với quá trình thực hiện kiểm soát phân hóa giàu nghèo của Việt Nam chính là “nạn tham nhũng”, “lợi ích nhóm”, “kinh tế ngầm”, vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh tế... Tình trạng liên kết, móc ngoặc giữa cá nhân/tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh tế có động cơ “làm giàu bằng mọi giá, bất chấp tất cả” với người có chức quyền trong hệ thống chính trị, nhưng thoái hóa, biến chất (Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát...) đang là một vấn đề nhức nhối ở nước ta hiện nay. Nghịch lý này thực sự là một rào cản nan giải đối với việc thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát phân hóa giàu nghèo của Việt Nam; góp phần hướng tới thực hiện khát vọng đất nước hùng cường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đến năm 2045.

Đại hội XIII của Đảng nhận định, kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; còn tình trạng lợi dụng chính sách giảm nghèo để trục lợi. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn rất cao, giảm nghèo thiếu bền vững.

HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU XÓA BỎ BẤT BÌNH ĐẲNG XÃ HỘI

Từ góc độ tiếp cận xã hội học về phân hóa xã hội, quá trình kiểm soát phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam phải đồng thời hướng đến, đảm bảo các mục tiêu: thúc đẩy tính tích cực, hạn chế biểu hiện tiêu cực của phân tầng xã hội; từng bước xóa bỏ bất bình đẳng xã hội và hướng đến thúc đẩy phân hạng xã hội. Để thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát phân hóa giàu nghèo trong thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, cần tạo lập môi trường chính trị, kinh tế, xã hội ổn định, công bằng, thuận lợi cho tất cả các thành phần xã hội có cơ hội làm giàu. Đồng thời, thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, trong đó ưu đãi người nghèo, người thoát nghèo vươn lên làm giàu theo pháp luật. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Phát triển giáo dục, đào tạo nghề cho người nghèo, nhóm nghèo, nhóm đồng bào dân tộc thiểu số…

Hai là, cần phát huy vai trò của hệ thống các nhân tố: Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; công tác cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tính thượng tôn pháp luật; phương thức lãnh đạo quản lý kinh tế, quản lý xã hội; tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan quản lý nhà nước; trình độ khoa học, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, độ mở nền kinh tế, năng lực tiếp cận nền kinh tế số, xã hội số... thực sự thuận lợi, tạo ra những sung lực đủ mạnh cho việc triển khai mục tiêu “ kiểm soát phân hóa giàu nghèo” của đất nước.

Ba là, tạo cơ hội công bằng trong khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, tài nguyên và đất đai trong quá trình phát triển. Tăng cường kiểm soát tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đến sản xuất và cuộc sống người dân. Thúc đẩy quá trình ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về “kiểm soát phân hóa giàu nghèo”; nhằm từng bước khỏa lấp những “khoảng trống” bất cập, chưa đồng bộ, trùng chéo, thiếu sự liên kết với nhau. Tăng cường sự liên kết, phối hợp đồng bộ giữa Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế Hợp tác xã, kinh tế tư nhân và chương trình khởi nghiệp quốc gia... hướng đến mục tiêu “ kiểm soát phân hóa giàu nghèo” của đất nước.

Bốn là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và hệ thống xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và đồng thuận của xã hội trong việc nâng cao tính chủ động, sự năng động hóa và trách nhiệm xã hội của mỗi người người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách “giảm nghèo bền vững gắn với khuyến khích làm giàu theo pháp luật/đúng pháp luật”. Thống nhất nhận thức của hệ thống chính trị và hệ thống xã hội về bản chất, nội dung, vị trí, vai trò, mục tiêu…của chính sách “giảm nghèo bền vững gắn với khuyến khích làm giàu theo pháp luật/đúng pháp luật” trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế phù hợp với điều kiện, trình độ và mục tiêu phát triển của đất nước. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp xã hội trong thực hiện thành công mục tiêu “giảm nghèo bền vững gắn với khuyến khích làm giàu theo/đúng pháp luật”.

Năm là, kiểm soát phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam cần đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với việc với việc định hướng xây dựng và phát triển các hệ thống: cấu trúc kinh tế, cấu trúc chính trị, cấu trúc xã hội và cấu trúc văn hóa của đất nước. Đặc biệt là xu hướng biến đổi về cấu trúc xã hội, phân hóa xã hội, phân tầng xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. Cụ thể là, để trở thành một đất nước công nghiệp phát triển theo định hướng XHCN, cần phải xây dựng mô hình phân tầng xã hội dạng “quả trám”; với cấu trúc tầng lớp trung lưu có trách nhiệm xã hội (trong đó có trách nhiệm tham gia kiểm soát phân hóa giàu nghèo) chiếm đa số, đảm bảo sự phát triển ổn định, hài hòa, bền vững của một cấu trúc xã hội hiện đại..

Sáu là, kiểm soát thành công vấn đề “phân hóa giàu nghèo” là một chỉ báo quan trọng để đảm bảo mục tiêu “Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045”. Trong đó, xã hội hết sức kỳ vọng vào chính sách phân phối lại kết quả tăng trưởng kinh tế có hiệu quả như: chính sách nhằm tăng cường cơ hội giáo dục - đào tạo, chăm sóc y tế, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản và đảm bảo an sinh xã hội cho nhiều người. Thực tiễn đòi hỏi Nhà nước ban hành chính sách phân phối lại tài sản nhằm khắc phục sự bất bình đẳng trong vấn đề sở hữu tài sản. Nhà nước cần thiết kế hệ thống thuế sao cho không triệt tiêu động lực làm giàu của những người giàu, song lại có được nguồn lực tối đa hỗ trợ các nhóm bị thiệt thòi và tăng nhanh tầng lớp trung lưu. Đặc biệt, giáo dục - đào tạo cần phải được xác định là một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả nhằm kiểm soát phân hóa giàu nghèo. Bảo đảm tất cả các cá nhân đều được tiếp cận với nền giáo dục - đào tạo có chất lượng là cách thức hiệu quả thúc đẩy khả năng kiểm soát phân hóa giàu nghèo, hạn chế bất bình đẳng xã hội./.

Từ góc độ tiếp cận xã hội học về phân hóa xã hội, quá trình kiểm soát phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam phải đồng thời hướng đến, đảm bảo các mục tiêu:thúc đẩy tính tích cực, hạn chế biểu hiện tiêu cực của phân tầng xã hội; từng bước xóa bỏ bất bình đẳng xã hội và hướng đến thúc đẩy phân hạng xã hội.

 

TS. ĐỖ VĂN QUÂN - TS. NGUYỄN NGỌC HUY
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

_________________

(1) Nguyễn Tất Giáp, Đỗ Văn Quân (2022): Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững gắn với khuyến khích làm giàu theo pháp luật. https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/thuc-hien-chinh-sach-giam-ngheo-ben-vung-gan-voi-khuyen-khich-lam-giau-theo-phap-luat.

(2) Tổng cục Thống kê (2022): Khảo sát mức sống dân cư năm 2021. ttps://www.gso.gov.vn.

Tác giả: Tô Ngân

Nguồn tin: tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 160 trong 32 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 32 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây