Phát động Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam”

Chủ nhật - 06/08/2023 07:20

Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” năm 2023 được phát động vào chiều 04/8, tại Hà Nội. Cuộc thi do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thực hiện.

Phát động Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam”

Phát biểu khai mạc, Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi cho biết: Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về dân tộc và truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cũng theo Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, năm 2022 - năm đầu tổ chức, Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực từ đông đảo học sinh, sinh viên, giáo viên và các tầng lớp nhân dân khắp các vùng, miền trong cả nước. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 20.000 tác phẩm tham dự cùng với sự đầu tư hết sức công phu và tỉ mỉ của các tác giả. Có những tác phẩm được đóng thành sách với độ dày gần 300 trang cùng khối lượng thông tin đồ sộ, những clip, hình ảnh minh họa phong phú, sinh động. Ban Giám khảo đã làm việc vô cùng vất vả và công tâm để đánh giá, lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất.

"Lịch sử vẫn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ tất cả các tầng lớp nhân dân. Cuộc thi góp phần đưa thêm những kiến thức bổ ích về lịch sử, văn hóa dân tộc, hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam", nhà báo Triệu Ngọc Lâm nhấn mạnh.

Công bố thể lệ cuộc thi, nhà báo Dương Thị Thanh Hương, Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết: Đối tượng tham gia Cuộc thi là cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục; học sinh, sinh viên đã và đang học tập tại các cơ sở giáo dục trên toàn quốc; các bậc phụ huynh học sinh, những người quan tâm tới Cuộc thi.

Tác phẩm dự thi tập trung vào các nội dung: Những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, đoàn kết dân tộc; Các tấm gương tiêu biểu trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hiện nay.

Nội dung bài viết cũng tập trung tuyên truyền về lịch sử, truyền thống yêu nước, đạo đức lối sống của thanh thiếu niên trong thời đại xã hội chủ nghĩa, nét đẹp trong phong cách sống và rèn luyện ý chí theo các bậc tiền nhân về các quy tắc ứng xử, các đường lối tư duy thanh tao, tốt đẹp… Những gương mặt tiêu biểu của học sinh, sinh viên, giáo viên dân tộc thiểu số, tôn giáo, những mô hình tiên tiến trong bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Các tác phẩm dự thi phải viết bằng tiếng Việt, mỗi tác phẩm tối thiểu 500 từ (chấp nhận các hình ảnh, video minh họa kèm theo nếu có); có thể viết tay hoặc đánh máy, trình bày rõ ràng trên một mặt giấy khổ A4; nếu đánh máy trình bày bằng cỡ chữ 14, font chữ Time NewRoman. Ngoài ra kèm theo thông tin về tác giả (Họ và tên, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại) ghi rõ trên trang đầu tiên của tác phẩm dự thi.

Phát biểu hưởng ứng Cuộc thi, em Nguyễn Đức Anh, học sinh Trường THPT Kim Liên (TP. Hà Nội) bày tỏ: Cuộc thi sẽ giúp ích rất nhiều cho cá nhân và các bạn học sinh nói chung được khơi dậy niềm đam mê tìm kiếm, nghiên cứu lịch sử, văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời, thêm hiểu, thấm nhuần lịch sử, văn hóa dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Là thế hệ tiếp nối, Nguyễn Đức Anh chia sẻ, nhận thấy trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm công dân với việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc, biết ơn những thế hệ đi trước, giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc.

"Trong quá trình hội nhập, chúng em nhận ra rằng thế hệ trẻ chúng em hôm nay cần rèn luyện kỹ năng, trang bị kiến thức nhằm nâng cao khả năng hội nhập quốc tế. Chúng em hội nhập nhưng không hòa tan, không làm mất bản sắc văn hóa dân tộc của ông cha trong mấy nghìn năm lịch sử…”, Nguyễn Đức Anh nói.

Mỹ Anh

___________

Cơ cấu và giá trị giải thưởng Cuộc thi:

Giải tập thể, có 2 giải thưởng sẽ được trao cho các tập thể có nhiều tác phẩm dự thi đạt chất lượng tốt (Giấy chứng nhận do Báo Giáo dục và Thời đại cấp và 5.000.000 đồng tiền thưởng).

Giải cá nhân nhận giấy chứng nhận giải thưởng cuộc thi do Báo Giáo dục và Thời đại cấp và giá trị giải thưởng như sau:

- 1 giải Nhất: 15.000.000 đồng;

- 2 giải Nhì: 10.000.000 đồng/giải;

- 3 giải Ba: 8.000.000 đồng/giải;

- Giải Khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải;

- Giải thưởng phụ (2 giải dành cho cá nhân): 3.000.000 đồng/giải.

Cuộc thi không hạn chế số lượng tác phẩm dự thi của mỗi tác giả.

Thời hạn nhận tác phẩm dự thi: từ ngày phát động cuộc thi cho đến hết ngày 15/10/2023.

Tác giả gửi tác phẩm dự thi qua thư điện tử: cuocthilichsu.gdtd@gmail.com Các quy định cụ thể về bài dự thi được đăng tải trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử, tại địa chỉ http://giaoducthoidai.vn

Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến được tổ chức vào cuối năm 2023.

Tác giả: NVĐ

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 141 trong 29 đánh giá

Xếp hạng: 4.9 - 29 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây