Phát huy những giá trị tinh thần quý báu của Phật giáo

Thứ tư - 11/12/2024 06:41

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản cuốn sách Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay. Trong đó làm rõ những đóng góp to lớn của Phật giáo đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát huy những giá trị tinh thần quý báu của Phật giáo, làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng hạnh phúc của con người và tư tưởng độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.

Phát huy những giá trị tinh thần quý báu của Phật giáo

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành nền tư tưởng, văn hóa dân tộc Việt Nam. Với lịch sử hơn 2.000 năm, Phật giáo đã hội nhập và đồng hành như một thành tố quan trọng trong đời sống văn hóa - xã hội đất nước. Đặc biệt, Phật giáo phát triển hưng thịnh và trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống chính trị nước ta dưới triều đại nhà Lý. Trải qua chín đời vua với hơn 200 năm trị vì (1009 - 1225), cả Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo đều cùng tồn tại và phát triển.

Dưới triều đại nhà Trần, Phật giáo tiếp tục phát triển rực rỡ và là một trong những giai đoạn Phật giáo hòa nhập sâu rộng vào lòng dân tộc. Sang thời Lê sơ thế kỷ XV - XVI, Nho giáo được chính quyền chọn làm hệ tư tưởng chính thống của nhà nước. Việc chú trọng khoa cử Nho giáo cùng với việc ban hành các quy định về lễ giáo của nhà nước đã khiến cho Nho giáo chiếm ưu thế hơn so với Phật giáo. Đến thời kỳ nội chiến Nam - Bắc triều, Phật giáo có sự khởi sắc trở lại khi các chúa Trịnh, Nguyễn đều tạo điều kiện cho việc tôn tạo, sửa chữa chùa chiền song không còn thịnh vượng như trước.

Bước sang thế kỷ XX, Phật giáo tiếp tục nêu cao ngọn cờ yêu nước, kề vai sát cánh cùng toàn thể nhân dân cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ngày nay, Phật giáo vẫn giữ nguyên vai trò, vị thế của mình trong đời sống dân tộc, một lòng phụng sự dân tộc, phụng sự chúng sinh theo phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội". Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam hiện nay cũng đang đứng trước nhiều thách thức, thường xuyên bị kẻ xấu và các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, chống phá, xuyên tạc. Vì vậy, việc làm rõ những đóng góp to lớn của Phật giáo đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát huy những giá trị tinh thần quý báu của Phật giáo, làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng hạnh phúc của con người và tư tưởng độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam. Từ thực tế đó, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay. Cuốn sách khái quát vai trò của Phật giáo thời Lý, phác họa bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội thời kỳ này; đồng thời khẳng định những giá trị của Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay, những cơ hội, thách thức và đề xuất các giải pháp tiếp tục phát huy những giá trị tư tưởng, văn hóa tốt đẹp của Phật giáo trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản cuốn sách Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp. Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam.

Cuốn sách trình bày một cách dễ hiểu, ngắn gọn, rõ ràng những câu hỏi như: Vì sao tôn giáo lại ra đời?; Ai là người sáng lập ra tôn giáo đó?; Giáo lý, giáo luật của tôn giáo được thể hiện như thế nào?... hay một số quan niệm, nghi lễ tôn giáo hiểu thế nào, thực hành thế nào cho đúng. Cuốn sách cũng phân tích cách thức giao tiếp với các chức sắc, tín đồ tôn giáo, giúp độc giả có thêm hiểu biết về đặc trưng của từng tôn giáo để ứng xử cho phù hợp.

Tôn giáo xuất hiện từ rất sớm và có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, bên cạnh những tôn giáo nội sinh, còn có nhiều tôn giáo du nhập từ bên ngoài như: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo,... Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện chính sách đoàn kết tôn giáo. Ở Việt Nam, đến nay có 16 tôn giáo được chính thức công nhận (trong đó có 9 tôn giáo du nhập từ bên ngoài và 7 tôn giáo bản địa). Trong những năm qua, cùng với số lượng tín đồ đông đảo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam có những chuyển biến căn bản, từ sinh hoạt tôn giáo của tín đồ đến hoạt động của chức sắc tôn giáo và các tổ chức tôn giáo. Các tôn giáo hoạt động theo đúng giáo lý, giáo luật, tuân thủ quy định của pháp luật, gắn bó với dân tộc, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.

Diệp Anh

Tác giả: NVĐ

Nguồn tin: chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 220 trong 44 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 44 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây