Sáng 24/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 02 dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu và đại diện các bộ, ngành, cơ quan có liên quan;…
Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết liên tịch tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết là thực sự cần thiết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý chung, thống nhất trong công tác TXCT của đại biểu HDNĐ các cấp trên phạm vi cả nước. Bảo đảm tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả và nâng cao chất lượng trong hoạt động TXCT của đại biểu HĐND; bảo đảm mọi cử tri được trực tiếp gặp gỡ, bày tỏ, tâm tư, nguyện vọng đối với đại biểu HĐND…
Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết số 27–NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đồng thời, bảo đảm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND nói chung và hoạt động TXCT của đại biểu HĐND nói riêng, bảo đảm việc gắn bó và làm tròn nghĩa vụ của đại biểu với cử tri, để đại biểu thật sự là trung tâm hoạt động của HĐND các cấp…
Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 06 chương, 43 điều. Tại dự thảo quy định một số nội dung mới như: đại biểu HĐND cấp trên và cấp dưới cùng tổ chức TXCT nhưng không quá hai cấp; quy định việc TXCT ngoài đơn vị ứng cử của đại biểu HĐND; quy định về trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận tại thôn, tổ dân phố trong việc phối hợp với đại biểu HĐND và trách nhiệm tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết;…
Về dự thảo Nghị quyết liên tịch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, Nghị quyết liên tịch sẽ là cơ sở pháp lý để ĐBQH, Đoàn ĐBQH, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tiếp xúc cử tri; tổ chức thực hiện tiếp xúc cử tri; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri… được thực hiện thuận lợi, chất lượng, hiệu quả, thống nhất trong phạm vi cả nước.
Dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu và chỉnh sửa gồm 07 chương, 49 điều. Tại Dự thảo đã bổ sung nhiều quy định mới về: Khái niệm “Tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội”, “Kiến nghị của cử tri”; “Tiếp xúc cử tri trực tuyến”; Quy định cụ thể hóa nguyên tắc tiếp xúc cử tri và hình thức tiếp xúc cử tri để làm cơ sở cho việc quy định xuyên suốt việc tổ chức tiếp xúc cử tri; bổ sung, làm rõ trường hợp quy định về trách nhiệm tiếp xúc cử tri ở địa phương mà đại biểu Quốc hội chuyển sinh hoạt đến, bên cạnh tiếp xúc cử tri ở địa phương đại biểu Quốc hội ứng cử;…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết - Ảnh: VGP/LS
Thẩm tra 02 dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương... về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; khắc phục những vướng mắc, bất cập; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng và công tác dân nguyện nói chung, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản đầy đủ thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tuy nhiên, một số tài liệu trong Hồ sơ còn có nội dung cần tiếp tục bổ sung, làm rõ,…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, nhiều quy định trong 02 dự thảo Nghị quyết liên tịch có tính chất tương đồng, gồm các nội dung giải thích từ ngữ về “tiếp xúc cử tri”, “tiếp xúc cử tri trực tuyến”; nguyên tắc, hình thức, phương thức tiếp xúc cử tri; trách nhiệm của đại biểu và các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp xúc cử tri… nhưng trong cách thể hiện có nhiều quy định không thống nhất, như về hình thức tiếp xúc cử tri, thành phần tiếp xúc cử tri, quyền và trách nhiệm của cử tri ...
Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng dự thảo 02 Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện, bảo đảm sự thống nhất đối với các nội dung có tính chất tương đồng cũng như cách thức thể hiện.
Về việc hợp nhất hai dự thảo Nghị quyết liên tịch, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất được nêu trong Tờ trình là giữ 02 dự thảo Nghị quyết như đang được xây dựng để tiếp tục kế thừa thực tiễn là quy định việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tại 02 văn bản khác nhau. Việc ban hành 02 Nghị quyết riêng biệt điều chỉnh công tác tiếp xúc cử tri của 02 chủ thể khác nhau sẽ thuận lợi hơn cho các chủ thể này trong việc nghiên cứu, tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, 02 dự thảo Nghị quyết có nhiều nội dung quy định có tính chất tương đồng và đều có cùng cơ sở pháp lý là Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giao quy định chi tiết; do đó, việc hợp nhất 02 dự thảo Nghị quyết giúp giảm bớt văn bản quy phạm pháp luật, thuận lợi hơn cho việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
LS
Tác giả: Trinh Phạm
Nguồn tin: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn