Về nguồn lực xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở

Thứ sáu - 29/03/2024 07:32

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở có vị trí, vai trò quan trọng trong tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời là nơi tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, vừa giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, cần chú trọng hơn nữa việc phát triển các nguồn lực để xây dựng, quản lý, sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở.

Hăng say tập bơi dầm ghe ngo ở tỉnh Sóc Trăng. (Nguồn: Huỳnh Trịnh Viễn Phương/ nhiepanhdoisong.vn
Hăng say tập bơi dầm ghe ngo ở tỉnh Sóc Trăng. (Nguồn: Huỳnh Trịnh Viễn Phương/ nhiepanhdoisong.vn

1. Trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã từng bước được đầu tư xây dựng, hoàn thiện, đạt và vượt mục tiêu đề ra tại nhiều địa phương. Cơ chế, chính sách về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực được quan tâm; kinh phí hoạt động từng bước được nâng lên; nội dung, phương thức tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao có nhiều thay đổi, phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về công tác chỉ đạo, ban hành văn bản: Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp và hướng dẫn các địa phương thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030” (được phê duyệt tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg, ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ), đồng thời chỉ đạo ngành văn hóa ở các địa phương tham mưu ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở của địa phương phù hợp với quy hoạch chung của cả nước trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trên địa bàn (trong đó, đề ra các mục tiêu cụ thể, nội dung quy hoạch về địa điểm, quỹ đất, cơ sở vật chất, kỹ thuật, bộ máy, cán bộ và các giải pháp thực hiện); đề xuất trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm có nội dung xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, chú trọng xây dựng cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm việc tại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp; xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, góp phần tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa thiết chế văn hóa, thể thao các cấp; đồng thời, khai thác và phát huy công năng sử dụng; bảo đảm quản lý đúng hướng và tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chất lượng, hiệu quả.

Về quy hoạch đất: Toàn quốc hiện nay có 42 tỉnh, thành phố quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Đa số địa phương đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các thiết chế hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Các thiết chế văn hóa, thể thao sau một thời gian chuyển đổi cơ chế, đã từng bước được đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số công trình quy mô lớn, khang trang, kiến trúc đẹp được xây dựng thêm. Hệ thống công trình thể dục, thể thao thường ở gần trường học, gần chung cư, phục vụ đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật: Theo số liệu của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính đến hết tháng 2-2023, nước ta có 66 thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng cấp tỉnh (bao gồm các trung tâm văn hóa; trung tâm văn hóa, nghệ thuật; trung tâm văn hóa, điện ảnh; trung tâm thông tin, triển lãm...); có 689/704 đơn vị cấp huyện có trung tâm văn hóa, thể thao hoặc nhà văn hóa (đạt tỷ lệ khoảng 96%), trong đó số đạt chuẩn là 471/704 (đạt tỷ lệ 66,9%); có 8.217/10.599 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao (đạt tỷ lệ 76,8%), trong đó đạt chuẩn 5.625/8.158 (đạt tỷ lệ 68,9%); 77.380/98.455 làng, thôn, bản, ấp... có nhà văn hóa (đạt tỷ lệ khoảng 77%), trong đó có 44.836/77.380 đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 58%); có gần 600 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế; có 371 sân vận động có khán đài; có 222 nhà thi đấu có khán đài đủ tiêu chuẩn cấp quốc gia; có 69 bể bơi có khán đài đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia; có 11.923 cụm sân thể thao khác, như trường bắn, sân quần vợt, công trình tổ chức thi đấu theo từng môn thể thao.

Về phát triển nguồn nhân lực: Thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã có sự đầu tư, chú trọng hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa nói chung và cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở nói riêng. Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), số lượng cán bộ, công chức, viên chức hiện nay đang làm việc tại các thiết chế văn hóa cấp tỉnh có trình độ đại học, cao đẳng trở lên chiếm khoảng 60%; cán bộ có trình độ trung cấp chiếm khoảng 32%. Ở cấp huyện, cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học, cao đẳng chiếm khoảng 49%, trình độ trung cấp chiếm khoảng 37%; ở cấp xã, cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học, cao đẳng chiếm khoảng 16%, trình độ trung cấp chiếm khoảng 71%.

Về tổ chức hoạt động: Trong những năm qua, thiết chế văn hóa, thể thao các cấp đã thực hiện tốt chức năng tổ chức các hoạt động chuyên môn và hướng dẫn nghiệp vụ; xây dựng và tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ sở thích với nội dung, chương trình ngày càng tinh gọn, phương thức đổi mới, đa dạng, phong phú, phù hợp hơn với từng đối tượng tham gia và thay đổi về nhu cầu, thị hiếu của các tầng lớp nhân dân. Hằng năm, thiết chế văn hóa, thể thao các cấp phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành, các tổ chức chính trị - xã hội cùng xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao theo hướng trọng tâm và chất lượng; đồng thời, thực hiện công tác tuyên truyền cổ động trực quan chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn, sự kiện chính trị của đất nước, của địa phương, tạo không khí phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân.

Có thể thấy, thời gian qua, các bộ, ngành, đoàn thể đã có sự kết hợp khá hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và tổ chức hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở. Đa số địa phương đã dành quỹ đất cho việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, đồng thời đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các thiết chế hiện có và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ngày càng đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và học tập của nhân dân. Đội ngũ cán bộ được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, ngày càng có kinh nghiệm và kiến thức quản lý, sử dụng, tổ chức hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao. Việc huy động được nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tạo nền tảng vững chắc cho xây dựng tiêu chí văn hóa nông thôn mới, góp phần bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Công tác xã hội hóa đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhờ đó huy động được nguồn lực trong xã hội để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Biểu diễn múa rồng tại Lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở tỉnh Hưng Yên. (Nguồn: Đào Ngọc Hiền/ nhiepanhdoisong.vn)

2. Bên cạnh thuận lợi, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp vẫn còn hạn chế, khó khăn:

Về quy hoạch đất và quy mô xây dựng: Một số địa phương chưa thực hiện quy hoạch đất, hoặc đã có quy hoạch, nhưng vị trí chưa thuận lợi, chưa được đầu tư xây dựng, bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Ở cấp huyện, cấp xã, ở thôn, xóm, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới... việc quy hoạch đất để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao gặp khó khăn do địa hình đồi núi hiểm trở. Bên cạnh đó, việc quy hoạch quỹ đất đối với một số đơn vị hành chính cấp xã và thôn, tổ dân phố mới (sau sáp nhập) để mở rộng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao gặp khó khăn do không còn quỹ đất hoặc quỹ đất không tập trung.

Về cơ sở vật chất, kỹ thuật: Trung tâm văn hóa cấp tỉnh ở nhiều địa phương được đầu tư xây dựng từ giai đoạn trước có quy mô nhỏ, không còn phù hợp với yêu cầu mới; cơ sở vật chất kỹ thuật xuống cấp, trang thiết bị không đồng bộ hoặc đã hư hỏng; không có thiết bị chuyên dụng; không có các phòng chức năng để tập luyện, biểu diễn và tổ chức các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện, xã được đầu tư xây dựng, nhưng chưa hoàn chỉnh, hoặc đã quá lâu, xuống cấp trầm trọng. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, trang thiết bị và phương tiện chuyên dùng (âm thanh, ánh sáng, trang phục, đạo cụ, xe ô-tô tuyên truyền lưu động,...) để tổ chức hoạt động văn hóa còn thiếu và không đồng bộ. Một số thiết chế văn hóa, thể thao mới được đầu tư xây dựng, nhưng đã bộc lộ bất cập (thiếu các hạng mục theo quy định, trang thiết bị chưa đồng bộ, quy mô, kiểu dáng, địa điểm xây dựng chưa phù hợp...). Các nhà văn hóa, khu thể thao thôn (ấp) còn chủ yếu tận dụng văn phòng làm điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng; các điểm sinh hoạt thể thao tại nhà dân, cơ sở vật chất, diện tích sân bãi thể thao còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao rộng rãi của nhân dân, chưa gắn liền với quá trình hiện đại hóa nông thôn.

Về kinh phí: Kinh phí xây dựng, đầu tư trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở còn eo hẹp (do phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và tùy vào điều kiện, khả năng thu ngân sách của địa phương, những năm gần đây chủ yếu từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia). Việc xã hội hóa để huy động xây dựng và tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao đã được triển khai, nhưng chưa đáng kể do các quy định thực hiện xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao chưa đầy đủ, chưa sát thực tế và còn thiếu tính khả thi. Chế độ thù lao cho hoạt động quần chúng còn thấp so với mặt bằng chung nên không thu hút được diễn viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tích cực tham gia hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao. Một số thiết chế ở cấp xã và thôn được đầu tư xây dựng mới, nhưng do thiếu kinh phí hoạt động nên hoạt động cầm chừng, gây lãng phí, có nơi không có kinh phí để tổ chức các hoạt động nên không ít nhà văn hóa thường xuyên đóng cửa, chỉ mở cửa khi họp dân hoặc tổ chức hoạt động vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn. Bên cạnh đó, chính sách huy động xã hội hóa chưa khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư và tổ chức hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở.

Về nguồn nhân lực: Một số địa phương chưa thực sự quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý và tổ chức hoạt động nhà văn hóa, thể thao còn hạn chế, đặc biệt ở cấp xã, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ không đồng đều, liên tục biến động (do luân chuyển); một số xã, phường, thị trấn bố trí cán bộ không đúng chuyên ngành đào tạo nên việc tham mưu tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở và hướng dẫn cho cấp thôn còn hạn chế. Cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ công tác tại hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa thỏa đáng. Nhiều địa phương chưa xây dựng được phụ cấp kiêm nhiệm cho người phụ trách thiết chế văn hóa cấp xã, thôn, bản.

Về tổ chức hoạt động: Công tác hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở ở nhiều địa phương chưa được coi trọng; chưa có biện pháp tích cực, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở còn hạn chế. Nội dung, phương thức hoạt động còn đơn giản, nghèo nàn, chưa đa dạng, phong phú, chưa có hiệu quả thiết thực nên chưa đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần và nhu cầu rèn luyện sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Nhiều địa phương chưa có quy chế quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã; nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố. Hệ thống điểm vui chơi dành cho trẻ em còn thiếu; mặt khác, giá vé vào các khu vui chơi giải trí còn khá cao nên chưa phù hợp với thu nhập của gia đình nghèo, gia đình thu nhập thấp; vì thế còn không ít trẻ em chưa có cơ hội tiếp cận các hoạt động vui chơi giải trí quy mô lớn. Ngoài ra, những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện nghe nhìn hiện đại, như điện thoại di động, máy tính bảng, tivi kết nối internet... và các hình thức giải trí sôi động khác đã hạn chế việc phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở nói chung, đặc biệt là ở các đô thị phát triển, gây ra tình trạng lãng phí cơ sở vật chất đã đầu tư lâu dài.

Ảnh minh họa

3. Để tiếp tục hoàn thiện và sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, cần lưu ý một số giải pháp sau đây:

Một là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, đặc biệt là chế độ, chính sách liên quan đến tiền lương, chế độ thù lao,... Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh phí hoạt động cho thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa để huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội cho việc xây dựng và tổ chức hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Xây dựng chính sách ưu tiên hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở tại khu vực miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế vận hành của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.

Hai là, hoàn thiện quy hoạch và dành quỹ đất tại các địa điểm thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa, thể thao khác, nhằm tạo ra môi trường thân thiện, thuận lợi phục vụ nhân dân khai thác và sử dụng hiệu quả. Xây dựng kế hoạch, giải pháp cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng công trình văn hóa, thể thao hiện đại ở các trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp các dịch vụ công phục vụ học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện chuyên dùng; thay thế trang thiết bị cũ, lạc hậu, duy tu, sửa chữa công trình theo định kỳ; cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao các cấp hiện có, nhất là các trung tâm văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng cấp xã, nhà văn hóa, khu thể thao ở các thôn, khu phố để đáp ứng yêu cầu hoạt động của các tầng lớp nhân dân địa phương, tiến tới đạt chuẩn 100% theo quy định.

Ba là, các địa phương căn cứ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ để lập kế hoạch tuyển chọn và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thiện các tiêu chuẩn, chức danh cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao ở cơ sở. Nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ quản lý, vận hành hệ thống thiết chế văn hóa đạt chuẩn từ Trung ương đến cơ sở và tổ chức hoạt động thiết thực, sát với nhu cầu của người dân nhằm phát huy hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng của hệ thống thiết chế văn hóa. Thực hiện quy hoạch, tuyển dụng công chức, viên chức văn hóa, thể thao đáp ứng yêu cầu và quy định về tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.

Bốn là, tập trung đổi mới các nội dung, chương trình hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp gắn với thực tiễn đời sống tinh thần và nhu cầu người dân (như nhu cầu về thông tin, đọc sách, báo, xem truyền hình, nhu cầu về giao lưu, trao đổi, học tập trong câu lạc bộ, nhóm sở thích, nhu cầu về sinh hoạt hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao rèn luyện thân thể, xây dựng nếp sống văn hóa, kỹ năng sản xuất, mở các lớp tập huấn, học tập cộng đồng...). Xây dựng chương trình, tiết mục hoạt động phong phú, phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng và lứa tuổi. Có chính sách thu hút, xây dựng lực lượng cộng tác viên quần chúng (ngoài biên chế) có tài năng, tâm huyết tham gia các hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, các tổ chức và toàn xã hội về vị trí, vai trò của thiết chế văn hóa, thể thao trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bảo đảm ngân sách nhà nước và huy động sự đóng góp của toàn xã hội để trang bị các phương tiện tuyên truyền cần thiết cho việc triển khai các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan ở cơ sở, nắm bắt chủ trương kịp thời và đúng đắn. Đẩy mạnh tuyên truyền và nhân rộng các mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu phù hợp với điều kiện sinh hoạt, phong tục, tập quán, đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng, lứa tuổi, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

VI THANH HOÀI
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

(Nguồn: TC Cộng sản)

Tác giả: NVĐ

Nguồn tin: tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 215 trong 43 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 43 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây