Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2023", chiều 25/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm “Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng nền ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, phụng sự Tổ quốc”.
Tọa đàm có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra trong bối cảnh toàn Ngành đang ra sức phấn đấu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21.
Tọa đàm diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp với sự tham dự trực tuyến của 94 Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm còn có đồng chí Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, các đồng chí lãnh đạo Bộ, nguyên lãnh đạo Bộ, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, các cấp ủy trực thuộc ở trong và ngoài nước, đại diện Câu lạc bộ Hưu trí và Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đây là dịp để các cán bộ ngành Ngoại giao cùng ôn lại truyền thống vẻ vang và tri ân sự đóng góp và hy sinh không mệt mỏi của các thế hệ tiền bối, lão thành, những tấm gương tiêu biểu về bản lĩnh, trí tuệ, phong cách và nghệ thuật ngoại giao, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, được Đảng và nhân dân ghi nhớ và bạn bè quốc tế cảm phục. Trong bối cảnh mới, với những thuận lợi và thách thức mới, nhiệm vụ xây dựng một nền ngoại giao tiên phong, toàn diện, hiện đại, phụng sự đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, ngành Ngoại giao càng cần chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao “vừa hồng, vừa chuyên”, trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh ngoại giao Việt Nam có trường phái đối ngoại đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, đó là trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” - gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường. Trường phái đối ngoại và ngoại giao “cây tre Việt Nam” dựa trên nền tảng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và truyền thống, bản sắc ngoại giao, văn hóa, dân tộc là phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Gốc vững chính là truyền thống tự lực, tự cường, là lợi ích quốc gia - dân tộc, được dẫn dắt bởi nền tảng tư tưởng của Đảng.
Việc tổ chức sự kiện này hàng năm với sự tham gia đông đủ của các cán bộ ngoại giao ở cả trong và ngoài nước là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên để khơi dậy lòng tự hào, yêu ngành, yêu nghề, truyền đam mê, nhiệt huyết, bài học kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước cho thế hệ đi sau. Mỗi cán bộ từ đó sẽ tự rút ra những bài học kinh nghiệm cho riêng mình trong việc rèn luyện bản lĩnh, phẩm chất, trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành các nhiệm vụ được giao với tâm huyết và trách nhiệm cao nhất, phụng sự Tổ quốc tốt nhất.
Tại Tọa đàm, các ý kiến tham luận của các diễn giả như Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ PGS.TS. Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao v.v… với đầy tâm huyết và trách nhiệm, phân tích sâu sắc và toàn diện về truyền thống vẻ vang của ngành Ngoại giao Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện đại. Từ những bài học lịch sử, các diễn giả trao đổi đề xuất các giải pháp nhằm khơi dậy và phát huy bản lĩnh, sáng tạo, chủ động thích ứng, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại; xây dựng hình mẫu cán bộ ngoại giao hiện đại “vừa hồng, vừa chuyên”, chủ động sáng tạo, đoàn kết, kỷ cương, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức; đồng thời xác định những thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn triển khai công tác đối ngoại ở các đơn vị trong Bộ và Cơ quan Đại diện. Tọa đàm cũng đã gợi mở những định hướng, giải pháp nhằm phát triển ngành ngoại giao toàn diện hiện đại, phát huy vai trò tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu để góp phần xây dựng ngành Ngoại giao trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Để thực hiện mục tiêu xây dựng nền ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, điều cốt yếu là cần xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, tận tâm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vững vàng, mưu lược, có phong cách chuyên nghiệp, có trình độ đạt tới tầm khu vực và quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu này, cần có nguồn lực đầu tư xứng đáng cùng với hệ thống cơ chế chính sách bài bản, đồng bộ. Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ cũng tin tưởng ngọn lửa đam mê nhiệt huyết và lịch sử vẻ vang của ngành sẽ luôn là điểm tựa để các thế hệ ngoại giao quyết tâm nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, vươn tới những mục tiêu mới của ngành Ngoại giao Việt Nam, đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Cũng nhân dịp này, Đảng ủy Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023. Qua gần 5 tháng triển khai Cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được 613 bài viết dự thi, trong đó có 531 bài viết từ các đảng bộ, chi bộ ở ngoài nước và 82 bài viết từ các đảng bộ, chi bộ ở trong nước. Đối tượng tham gia dự thi đa dạng gồm cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên Bộ ngoại giao, cán bộ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, trí thức, lưu học sinh, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Việt Nam ở nước ngoài; trong đó có 01 bài viết tham dự Cuộc thi của người nước ngoài thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Đảng ủy Bộ Ngoại giao đã tặng Giấy khen cho 17 tập thể có thành tích xuất sắc trong Cuộc thi và 20 tác giả, nhóm tác giả đạt Giải trong Cuộc thi.
Minh Anh
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn