Xu hướng biến đổi lễ hội truyền thống

Thứ ba - 05/03/2024 07:13

Trải qua những thăng trầm của lịch sử và tác động của bối cảnh hiện tại, lễ hội truyền thống đã có nhiều thay đổi. Những vấn đề quản lý lễ hội truyền thống, vì vậy, cũng cần được giải quyết từ những cách tiếp cận mới.

Màn Sử thi mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 do các nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Trung ương biểu diễn tại Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Màn Sử thi mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 do các nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Trung ương biểu diễn tại Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

NHỮNG XU HƯỚNG BIẾN ĐỔI LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

Vấn đề thương mại hóa thái quá trong việc tổ chức các lễ hội truyền thống.

Lý do chính của thực trạng này là việc chạy theo lợi nhuận mà bất chấp những hậu quả tiêu cực có thể tác động đến lễ hội - với tư cách là một hiện tượng văn hóa - tín ngưỡng. Chẳng hạn như nhiều người lợi dụng lễ hội truyền thống để “kiếm lời bằng mọi giá” từ các loại hình dịch vụ ăn theo như ăn, nghỉ, bán hàng với giá “cắt cổ”, quảng cáo “trên giời”, “buôn thần bán thánh”... Thực trạng này không chỉ tồn tại ở các lễ hội quy mô lớn mà còn len lỏi đến cả lễ hội ở các vùng quê. Những năm gần đây, lễ hội diễn ra cùng với cơ chế thị trường nên việc kinh doanh càng lộ rõ, khó chấp nhận, lại được thả nổi ở nhiều nơi. Tuy không công khai, nhưng có địa phương đã cho “thầu” cả chùa, cả đền, cả từng phần của dịch vụ lễ hội. Hội Lim trước kia đã từng là một ví dụ điển hình khác về tình trạng này với việc hát quan họ, mời trầu cau thu tiền. Tình trạng thương mại hóa thái quá lễ hội không chỉ dừng ở Hội Lim, mà còn tồn tại ở hầu hết các lễ hội truyền thống ở các quy mô khác nhau, và ảnh hưởng cũng khác nhau.

Một vài nơi xảy ra tình trạng "đi hội nhưng chưa hiểu hội". Ảnh: Báo Tiền Phong điện tử

Thực ra, thương mại hóa lễ hội chưa hẳn đã trở thành “vấn đề” đối với việc quản lý lễ hội nếu nó không vượt ngưỡng một cách thái quá. Lễ hội cũng như mọi hoạt động của đời sống xã hội đang vận hành trong nền kinh tế thị trường, vì thế, những ảnh hưởng của kinh tế thị trường đối với lễ hội là không thể tránh khỏi. Vấn đề chỉ nghiêm trọng khi bị “biến tướng” và thái quá, vượt xa ý nghĩa tốt đẹp của việc tổ chức các lễ hội truyền thống.

Chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, lễ hội. Tuy nhiên, huy động nguồn lực kinh tế từ mọi thành phần trong xã hội không đồng nghĩa với việc các lễ hội truyền thống bị biến dạng, không giữ được bản sắc vốn có.

Mê tín dị đoan, đốt vàng mã tràn lan diễn ra ở hầu hết các lễ hội, ở mọi quy mô lớn nhỏ khác nhau.

Cần nhấn mạnh, trong việc quản lý lễ hội truyền thống, vấn đề hạn chế mê tín dị đoan sẽ luôn cần phải đặt ra. Tuy nhiên, thực tiễn trong những năm qua, tệ nạn mê tín dị đoan không những không biến mất mà ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Trong báo cáo của ngành Văn hóa về tình hình tổ chức lễ hội, vấn đề này được tiếp tục nhắc đến với các hiện tượng lạm dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan như xóc thẻ, lên đồng, bói toán...

Nhà nước đã có những chế tài nhất định như trong Nghị định 38/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Điều 14 của Nghị định đã có những quy định xử lý vi phạm trong tổ chức lễ hội. Chẳng hạn như, phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi, hoặc tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội. Điểm a, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi. Thậm chí, hoạt động mê tín dị đoan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm... Dù vậy, những hành vi vi phạm vẫn xảy ra vì đây là những vấn đề rất khó giải quyết khi tín ngưỡng, tâm linh là những vấn đề hết sức nhạy cảm, liên quan đến nhu cầu cá nhân của người dân, ranh giới giữa thực hành tín ngưỡng và mê tín dị đoan cũng rất mong manh. Tất cả khiến cho chính quyền địa phương, dù có nhiều cố gắng, nhưng khó có thể giải quyết triệt để được.

Một số hủ tục phục hồi cùng với sự phục hồi của các lễ hội truyền thống.

Lễ hội truyền thống được mở đồng nghĩa với việc người dân có những ngày nghỉ ngơi, tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đây cũng là dịp để nhiều hủ tục có không gian và thời gian trỗi dậy. Do hình thức tổ chức khá đặc biệt vốn có từ xưa, nên mỗi dịp mở hội hiện nay, ý thức phường hội, phe giáp đình đám nảy sinh. Nạn cờ bạc, hút xách, chè chén phung phí, tệ mê tín dị đoan được dịp hoạt động. Trong không khí cởi mở của hội lễ, dễ có tâm lý hoà đồng, nhìn mọi sự việc bằng con mắt ưu ái, coi như không có hại, nhưng chính điều đó đang là loại “dịch vụ ăn khách” làm vẩn đục bầu không khí trong lành của ngày hội và ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống của từng người trong xã hội. Xóc thẻ, viết sớ, đánh bạc công khai là những hiện tượng có nhiều ở một số lễ hội…

Việc tu bổ di tích được thực hiện một cách sơ sài, làm biến dạng di tích. Cảnh quan xung quanh di tích bị xâm hại. Không gian mở hội cũng bị biến đổi và thu hẹp rất nhiều.

Việc phục dựng các di tích với mục đích lấy lại hình dáng và không gian ban đầu không đơn giản. Một số di tích được xây dựng đã phá vỡ cảnh quan di tích, lấn át di tích gốc; gây ra những tranh cãi trong việc phục hồi khi sử dụng những chất liệu xây dựng mới, hệ thống trang thiết bị mới cho các di tích, đặc biệt ở các di tích lớn. Lý do của thực trạng này có nhiều, nhưng đáng kể nhất có thể do trình độ nhận thức còn yếu và chưa đồng đều dẫn đến việc không thể hiện hết ý tưởng nghệ thuật - tôn giáo của người xưa trong việc xây dựng di tích; chưa có sự thống nhất của cán bộ ngành văn hóa trong việc trùng tu, tôn tạo di tích đã khiến cho mỗi nơi trùng tu, tu bổ di tích theo những kiểu khác nhau; và chưa có những quy hoạch tổng thể cho các vấn đề kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội, môi trường cảnh quan, dịch vụ du lịch,... cho di tích nói chung và lễ hội đi kèm với di tích nói riêng.

Ngoài ra, không gian di tích cũng ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa đang lan dần về nông thôn. Đã không ít bài báo kêu ca về việc các di tích bị các hộ dân lấn chiếm làm đất ở, các cơ quan nhà nước xâm phạm phạm vi bảo vệ di tích. Bên cạnh đó, nhiều nơi sau mỗi lần tổ chức lễ hội thì di tích lại bị xâm hại, cảnh quan môi trường bị phá huỷ...

Việc phục hồi và tổ chức lễ hội diễn ra một cách lộn xộn, bắt chước máy móc, không theo quy củ.

Trong việc phục hồi và phát huy lễ hội truyền thống hiện nay, dưới danh nghĩa là đổi mới lễ hội, gắn lễ hội với giáo dục truyền thống, gắn lễ hội với du lịch..., không ít nơi, với những mức độ khác nhau, đang diễn ra xu hướng áp đặt một số mô hình định sẵn, làm cho tính chủ động, sáng tạo của người dân bị suy giảm, thậm chí người dân còn bị gạt ra ngoài sinh hoạt văn hóa vốn là của dân, do dân và vì dân. Chính xu hướng này khiến cho lễ hội mang nặng tính hình thức, phô trương, “giả tạo”, mà hệ quả là vừa tác động tiêu cực tới chủ thể văn hóa, vừa khiến cho du khách hiểu sai lệch về nền văn hóa dân tộc.

Tệ nạn xã hội và các dịch vụ ăn theo lễ hội khác nảy sinh.

Hầu hết các lễ hội truyền thống hiện nay không chỉ “bó gọn” trong phạm vi một làng, một địa bàn cư trú nhỏ hẹp. Với nhiều lễ hội, đa số người đến dự là du khách thập phương. Tính vô danh của người đi lễ - tức là những người đi hội không biết mặt nhau, danh tính của nhau - cộng với ý nghĩa tâm linh ít nhiều phai nhạt trong tâm niệm của người đi hội, thay vào đó các lễ hội truyền thống được xem như một trò vui hay một đám đông người đã khiến cho lễ hội nhiều khi bị “trần tục hoá”. Chính vì lẽ đó, việc “buôn thần, bán thánh”, thương mại hóa lễ hội trở nên phổ biến. Không những thế, những tệ nạn xã hội bắt đầu len lỏi vào các lễ hội truyền thống, đặc biệt là những lễ hội lớn ở quy mô cấp vùng, cấp quốc gia. Ngoài việc ép giá, việc du khách tập trung quá đông ở một địa điểm cũng gây ra tình trạng trộm cắp, móc túi, ăn xin và kể cả tệ nạn mại dâm, nghiện hút. Bên cạnh đó là các dịch vụ đi kèm có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của lễ hội khác như khấn thuê, đổi tiền lẻ với giá cao, đánh bạc trá hình, các trò chơi điện tử không phù hợp...

Những vấn đề xã hội mới nảy sinh.

Khi các lễ hội truyền thống được tổ chức, hàng loạt vấn đề cũng được đặt ra đối với cơ quan quản lý văn hóa - xã hội của địa phương như đảm bảo giao thông, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn tham quan, duy trì an ninh trật tự của địa phương… Đây đều là mối lo chung của nhiều ban, ngành địa phương. Tuỳ mức độ của mỗi lễ hội mà các vấn đề này cần sự lưu tâm ở các mức độ khác nhau.

Bệnh phô trương hình thức trong việc tổ chức các lễ hội là một trong những vấn đề xã hội đáng lưu tâm trong thời gian vừa qua. Thực ra đây không phải là vấn đề hoàn toàn mới. Dù “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, song việc so sánh lễ hội làng này với lễ hội làng khác vẫn tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, ngày nay, việc so sánh giữa lễ hội làng này với lễ hội làng khác đã có những nội dung mới. Thực tế đã có chuyện không ít phương cấp làng, xã cố gắng “tìm kiếm” bằng được Bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa của tỉnh, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổ chức hội cho to, quyên góp quá nhiều tiền của người dân để tổ chức hội càng ngày càng to, và quan trọng là phải “to hơn làng bên cạnh”.

Ngoài ra, có một vấn đề khác đang tồn tại là: các lễ hội được tổ chức liên tục chủ yếu trong thời gian mùa xuân đã kéo theo việc nhiều cán bộ công chức, viên chức bỏ bê công việc, dùng xe công để đi lễ hội. Tình trạng “Tháng giêng là tháng ăn chơi” lại được “vận dụng” trở lại trong những năm gần đây đã ít nhiều tác động tiêu cực đối với các sinh hoạt bình thường của xã hội.

Đảm bảo tổ chức Lễ hội theo đúng phong tục (Ảnh minh họa)

GIẢI PHÁP QUẢN LÝ LỄ HỘI TRONG THỜI GIAN TỚI

Để giữ gìn bản sắc văn hóa, đảm bảo an toàn, trật tự xã hội trong việc tổ chức và quản lý lễ hội, xin đề xuất một số biện pháp cụ thể như sau:

Một là, quy hoạch phát triển lễ hội phải đặt trong quy hoạch tổng thể với các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.

Việc tổ chức và quản lý lễ hội có nhiều mục đích khác nhau, không chỉ riêng mục đích thuần tuý văn hóa. Bên cạnh đó, việc phát triển, tổ chức và quản lý lễ hội không thể tiến hành một cách riêng rẽ mà nhất thiết phải được gắn với quy hoạch phát triển của các lĩnh vực khác như du lịch, giao thông, phát triển hạ tầng điện, nước… Chỉ có như vậy mới có thể thấy các mục đích khác nhau của việc quản lý lễ hội, thấy được những ưu tiên cho phát triển, các nguồn lực bên ngoài cũng như bên trong, dự đoán trước những thay đổi không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà còn cả các lĩnh vực khác.

Các cô gái người Mông với những điệu múa cùng trang phục sặc sỡ trong lễ hội Gầu Tào Hà Giang

Hai là, tăng cường sự phối hợp liên ngành trong quản lý lễ hội.

Nếu chúng ta chỉ nhìn lễ hội truyền thống như một hiện tượng văn hóa đơn thuần và giao phó toàn bộ công việc quản lý lễ hội cho ngành văn hóa thì các công cụ quản lý sẽ không đủ mạnh để có thể phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực. Vì việc tổ chức lễ hội mang tính đa nghĩa và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội nên cần chú trọng tăng cường sự phối hợp liên ngành trong quản lý lễ hội.

Ba là, thực hiện nghiên cứu, thống kê và phân loại lễ hội của từng tỉnh, từng vùng, cả nước để có biện pháp quản lý phù hợp.

Một nghiên cứu tổng thể, phân loại, xây dựng bản đồ những lễ hội ở các địa phương có tác dụng tốt trong việc nắm bắt thực trạng, điểm mạnh, điểm yếu của các lễ hội ở địa phương. Qua đó, có thể có các kế hoạch quản lý, định hướng phục hồi lễ hội theo hướng bổ sung những tiêu chí cụ thể để nâng cấp từng lễ hội và toàn bộ các lễ hội.

Bốn là, nâng cao hơn nữa vai trò quản lý lễ hội của người dân, đặc biệt trong các lễ hội quy mô vùng, quốc gia bằng cách đưa các đại diện địa phương vào ban tổ chức lễ hội.

Việc tổ chức lễ hội ở cấp làng, vùng hay quốc gia đều cần nhấn mạnh đến vai trò của người dân địa phương. Ngoài việc tham gia vào nhiều khâu tổ chức lễ hội quan trọng, chính người dân địa phương góp phần làm tăng tính chân thực cho di sản, bên cạnh đó cũng góp phần vào thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hóa nói chung, lễ hội nói riêng. Khi việc xã hội hoá được thực hiện tốt, vai trò của cộng đồng được nâng cao thì sự tự quản cộng đồng sẽ là một biện pháp quản lý hết sức hữu hiệu. “Người trong cuộc” sẽ tự nhắc nhở, quản lý lẫn nhau một cách tự giác, nghiêm túc; quyền lợi của cá nhân và cộng đồng sẽ gắn bó chặt chẽ hơn.

Hội Lim - lễ hội văn hoá đặc sắc của Bắc Ninh

Năm là, cần có chính sách điều tiết tài chính giữa lễ hội thu được nhiều tiền cho các lễ hội ít tiền.

Thực tế cho thấy, nhiều lễ hội lớn thu được rất nhiều tiền công đức, trong khi các lễ hội nhỏ, quy mô làng, xã thu được ít tiền công đức, không đủ để tái đầu tư tu bổ di tích. Nguyên tắc tài chính không cho phép lấy tiền công đức của di tích này chi cho các di tích khác, tuy nhiên, ở bình diện vĩ mô, cơ quan chức năng và Nhà nước cần nghiên cứu, có chính sách, cách thức đầu tư để làm hài hoà nghịch lý này, bằng cách đầu tư cho các lễ hội, di tích nhỏ, có khả năng thu kém, trong khi trao quyền tự chủ cho ban quản lý các lễ hội, di tích lớn.

Sáu là, tổ chức các sinh hoạt văn hóa - thể thao, hội chợ cùng với việc tổ chức lễ hội.

Cần xác định rằng, lễ hội là một sự kiện đa lợi ích, vừa là cơ hội để đoàn kết cộng đồng, giáo dục lịch sử, vừa là cơ hội để phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh cộng đồng. Hơn thế nữa, người tham dự lễ hội cũng có rất nhiều nhu cầu khác nhau. Ngành văn hóa cần định hướng nhu cầu của người dân vào những hoạt động lành mạnh. Chính vì vậy, việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa - thể thao, mở các hội chợ giới thiệu sản phẩm địa phương cần phải được xem như một trong những mục đích quan trọng của việc tổ chức lễ hội. Điều này không chỉ định hướng được nhu cầu của khách tham dự lễ hội mà còn phát huy được tác dụng của lễ hội đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa của địa phương.

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức, quản lý, phục hồi lễ hội truyền thống cũng còn không ít vấn đề bất cập, trong đó có những vấn đề phát sinh gắn với bối cảnh, tình hình mới, chưa được lường trước. Tuy nhiên, điều quan trọng mà chúng ta phải nhấn mạnh là, lễ hội truyền thống không thể mất đi theo thời gian và có những vai trò nhất định trong sinh hoạt văn hóa của người mỗi cộng đồng dân cư; có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội - chính trị của mỗi địa phương, khu vực và cả nước. Do sự tồn tại của lễ hội như một chức năng cần thiết cho xã hội hiện tại, nên điều cần bàn và cần làm là phải không ngừng bổ sung, hoàn thiện những biện pháp, cách thức quản lý lễ hội phù hợp với xu thế chung; đồng thời không làm ảnh hưởng dẫn đến sự “biến mất” của lễ hội với tư cách là một di sản do cha ông để lại.

Dù có những ý kiến cho rằng, xã hội hiện đại với nhịp sống hối hả không còn phù hợp cho việc tổ chức các lễ hội truyền thống, các lễ hội này sẽ “phôi phai” theo thời gian thì thực tế trong những năm gần đây, các lễ hội truyền thống ngày càng được tổ chức nhiều hơn, quy mô lớn hơn; có tác động đến nhiều tầng lớp nhân dân ở cả nông thôn và thành thị. Do tầm quan trọng của lễ hội truyền thống đối với đời sống xã hội, nhất thiết cần có những biện pháp quản lý hữu hiệu và khả thi đối với hiện tượng xã hội này.

 

PGS. TS. BÙI HOÀI SƠN  - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Tác giả: NVĐ

Nguồn tin: tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 170 trong 34 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 34 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây