Sáng nay (25/11), Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 gồm: Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Mục đích xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.
Quan điểm xây dựng luật là bám sát các nội dung trong các Nghị quyết, chủ trương đường lối của Đảng có liên quan đến lĩnh vực phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, nhất là nhà ở xã hội.
Kế thừa các quy định hiện hành đang còn phù hợp, đồng thời Luật hóa các quy định liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở đã chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 gồm 13 Chương với 198 Điều, giảm 4 Chương và tăng 15 Điều so với Luật Nhà ở 2014. Luật có nhiều điểm mới về: phát triển nhà ở; cải tạo, xây dựng lại chung cư; chính sách về nhà ở xã hội; tài chính cho phát triển nhà ở; quản lý, sử dụng nhà ở;…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai có hiệu quả, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở. Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật. Xây dựng để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật. Tổ chức quán triệt việc thực hiện, phổ biến Luật và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết.
Việc xây dựng và ban hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát lành mạnh, bền vững và vận hành thông suốt thị trường bất động sản; đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch...
Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế; bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.
Luật được xây dựng trên quan điểm bám sát các nội dung trong các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến lĩnh vực thị trường bất động sản. Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và phát triển thị trường bất động sản.
Kế thừa các quy định hiện hành đang còn phù hợp, đồng thời Luật hóa các quy định liên quan đến phát triển, quản lý, vận hành thị trường bất động sản đã chứng mình tính hiệu quả trong thực tiễn. Giải quyết tỉnh trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến bất động sản như đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản.
Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 gồm 10 Chương với 83 Điều, tăng 4 Chương và tăng 1 Điều so với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và có những điểm mới cơ bản như: Để phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản với các Luật khác có liên quan, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 đã quy định các trường hợp Luật không điều chỉnh, như việc bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức do giải thể, phá sản, chia tách.
Về các loại bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hơn về các loại bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh.
Về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã luật hóa một số quy định của Nghị định hiện hành về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản và bổ sung quy định về điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thông qua dự án bất động sản phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu, phải bảo đảm tỷ lệ dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên số vốn chủ sở hữu; bổ sung quy định về tổ chức, cá nhân bán nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng không nhằm mục đích kinh doanh hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng dưới mức quy mô nhỏ.
Về chính sách xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, Luật đã luật hóa một số quy định của Nghị định hiện hành, nhằm bảo đảm tính pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, khả thi đối với việc xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan.
Luật Căn cước được thông qua nhằm mục đích: phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Luật được xây dựng trên quan điểm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về căn cước; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; phục vụ chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số.
Việc xây dựng dự án Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Tham khảo có chọn lọc pháp luật về quản lý Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ về căn cước công dân của một số nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Luật có 7 chương, 46 điều (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024) và có nhiều dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Căn cước công dân năm 2014. Để triển khai Luật Căn cước năm 2023, từ nay đến ngày 1/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật; Bộ Công an, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình ban hành các Thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp làm công tác quản lý căn cước cũng như tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho Nhân dân để hiểu và thực hiện đúng quy định của Luật Căn cước năm 2023.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xây dựng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Đồng thời, xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện.
Pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật về các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để quy định trong văn bản luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 có 5 chương, 33 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh; vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nguyên tắc tổ chức, hoạt động; quan hệ công tác, phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức, hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; các hành vi bị nghiêm cấm; nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;…
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được xây dựng và ban hành với mục đích phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chính sách đối với các khu vực bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự...
Luật gồm 6 chương, 34 điều, quy định về: nguyên tắc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chính sách của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; phân loại và phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; quy định về quản lý công trình lưỡng dụng và những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; bảo quản, bảo trì công trình quốc phòng;…
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự số 25/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai có hiệu quả, Bộ Quốc phòng đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện các nghiệm vụ: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Xây dựng và ban hành Kế hoạch thi hành Luật. Tổ chức xây dựng để ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật. Tổ chức tuyên triển, phổ biến các quy định của Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật.
Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương, 73 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024, thay thế Luật Viễn thông năm 2009.
Luật được xây dựng và ban hành nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số.
Đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong Luật Viễn thông năm 2009; bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Để bảo đảm các nội dung của Luật được triển khai thực hiện có hiệu quả, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết các nội dung trong Luật. Tổ chức quán triệt việc thực hiện, phổ biến Luật Viễn thông năm 2023 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết. Rà soát, bổ sung, kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm có đủ năng lực triển khai khi tổ chức thi hành Luật.
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được xây dựng và ban hành nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn tài nguyên; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước ở cả trung ương và địa phương để khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.
Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước, đồng thời giúp quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân. Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về: giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp
Quan điểm xây dựng Luật là: Thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Các quy định của Luật phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Kế thừa các quy định của Luật Tài nguyên nước 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp...
Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 gồm 10 chương và 86 Điều, có hiệu lực từ 1/7/2024, đã cụ thể hoá 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022, gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác.
Nguyễn Hoàng
Tác giả: Mạnh Chung
Nguồn tin: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn