Một số giải pháp thúc đẩy lành mạnh hóa không gian mạng

Thứ bảy - 30/09/2023 07:00

Truyền thông xã hội, không gian mạng xuất hiện đã tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích về truyền tải, tiếp nhận, chia sẻ thông tin, tri thức phục vụ các nhu cầu đa dạng của con người và xã hội. Tuy nhiên, với xu hướng thiếu kỹ năng, trách nhiệm xã hội, thậm chí trục lợi… của không ít chủ thể tham gia không gian mạng; cùng với cơ chế lan truyền thông tin có tốc độ chóng mặt, khó kiểm soát…truyền thông xã hội, không gian mạng xã hội đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống xã hội.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sử dụng và quản lý mạng xã hội theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII-

Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam  đưa ra nhận định: Hệ thống truyền thông đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập (1). Vì vậy, cần phải “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình thông tin, truyền thông trên internet. Kiên quyết loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị-xã hội, thuần phong mỹ tục” (2). Cũng như: không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet theo kịp sự phát triển của công nghệ Internet,…chủ động, kiên trì thúc đẩy phát triển đúng hướng đi đôi với quản lý chặt chẽ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu, yêu cầu: “Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội theo hướng thiết thực” (3). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, báo chí, internet, xuất bản; tăng cường năng lực quản lý không gian mạng. Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu, làm chủ mặt trận thông tin” (4).

Ý thức được tầm quan trọng của không gian mạng đối với đời sống tư tưởng, văn hóa, đạo đức của nhân dân, nhất là của thế hệ trẻ, ngày 5-3-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 311/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thanh niên, thiếu niên trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030...

Thực tế cho thấy không gian mạng xã hội thường có xu hướng “chưa/không đóng vai trò tích cực” như sự kỳ vọng của xã hội; ngược lại không gian mạng xã hội có xu hướng thúc đẩy việc gia tăng tin đồn, tin giả và những hệ lụy xã hội tiêu cực của chúng. Không gian mạng xã hội “như con dao hai lưỡi”, lằn ranh giới tác động tích cực và tiêu cực rất “mong manh”; nguy cơ về sự “tha hóa con người” từ không gian mạng xã hội ngày càng hiện hữu. Vấn đề này đang thực sự ngày càng trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh phần lớn công chúng chưa được trang bị kỹ năng và thẩm thấu trách nhiệm xã hội khi tham gia không gian mạng xã hội. Thậm chí có không người đang có xu hướng “nghiện và làm theo” thông tin trên không gian mạng. Trong khi đó, việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý nhà nước về không gian mạng xã hội còn nhiều bất cập. Do đó, không ít cá nhân, nhóm xã hội có ý đồ xấu và các thế lực thù địch đang có xu hướng “tối đa hóa lợi dụng không gian mạng” để hiện thực mưu đồ đen tối. Tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội đang ở mức báo động, gây ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Hoạt động tung tin đồn, giật gân, câu “like” trên mạng xã hội gây hoang mang trong dư luận. Một số vụ việc trên mạng xã hội thu hút số lượng rất lớn người quan tâm, theo dõi, hình thành tâm lý đám đông, áp lực dư luận, có thể tạo ra các giá trị lệch lạc hay khuynh hướng phức tạp trong văn hóa ứng xử. Một thực tế là môi trường khôn gian mạng đang bị vẩn đục bởi các hành vi giao tiếp, ứng xử chưa văn hóa, cách sử dụng mạng xã hội chưa văn minh hoặc lợi dụng các diễn đàn công khai để đả kích, nói xấu, bôi nhọ lẫn nhau…Một nghịch lý đang diễn ra là hiện nay lối sống lạnh lùng, vô cảm ngoài đời thực, nhưng lại dạt dào cảm xúc trước những gì đăng trên mạng xã hội…

Trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, tội phạm mạng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, ứng dụng các thành tựu khoa học hiện đại để tiến hành các chiến dịch tấn công mạng, dẫn dắt dư luận trên không giang mạng…khiến công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác bảo đảm an ninh mạng đã được xây dựng nhưng chưa hoàn thiện;vai trò, hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực không giang mạng còn bất cập…

Một số giải pháp thúc đẩy lành mạnh hóa không gian mạng ở Việt Nam hiện nay

Một là, các cấp ủy, chính quyền cần xác định mục tiêu lành mạnh hóa truyền thông xã hội, không gian mạng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát ngay cả trên không gian mạng, kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp ủy, chính quyền cấp trên các trường hợp vụ việc, phản ánh hoặc bình luận mang tính chất tiêu cực của cán bộ, đảng viên có liên quan đến hình ảnh, uy tín của Đảng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị chuyên môn, hữu quan trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin, xử lý thông tin, giúp cho công tác phát hiện, phân tích mức độ, diễn biến, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch được nhanh chóng, chính xác và lựa chọn phương án đấu tranh trên mạng xã hội kịp thời, hiệu quả nhất.

Thế giới ảo cũng như cuộc sống thực luôn có những cái xấu và cái tốt xuất hiện đen xen nhau. Nếu như những cái tốt đủ lớn thì sẽ thu hẹp dần những cái xấu. Đấu tranh với cái xấu quyết liệt bao nhiêu thì việc khuyến khích, động viên những cái tốt càng phải tăng cường bấy nhiêu. Nếu có nhiều trang mạng xã hội tốt thu hút người dùng thì cũng là một cách hạn chế người dùng đến với những trang mạng có mục đích xấu.

Hai là, vai trò, trách nhiệm tiên phong của người cán bộ, đảng viên cần phải được thể hiện và phát huy trên không gian mạng. Theo dõi, giám sát và phản bác lại các luận điệu sai trái, mang tính chất thù địch đồng thời phải xây dựng mạng lưới, kết nối chặt chẽ với nhân dân trên không gian mạng xã hội để truyền tải được chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đến với đời sống hàng ngày của nhân dân là một nhiệm vụ cấp thiết được đặt ra đối với Đảng viên trong việc tham gia mạng xã hội.  Mỗi cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội, cần tuân thủ  các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến việc sử dụng Internet, mạng xã hội như: Luật An ninh mạng; Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bên cạnh việc tuân thủ các quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng xã hội theo nghề nghiệp và tổ chức mà mình tham gia, bản thân các cán bộ, đảng viên có thể tự lập các quy tắc phù hợp cho bản thân mình. Các quy tắc này nên đồng thời hướng đến trách nhiệm của công dân đồng thời là trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên phải tuân thủ các điều lệ, nội quy của tổ chức và cơ quan mà mình là thành viên. Giáo dục ý thức, trách nhiệm của cán bộ, dảng viên về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt việc bảo vệ bí mật nội bộ của Đảng trong quá trình làm việc. Đồng thời, nêu cao tinh thần tự giác, chấp hành tốt kỷ luật trong phát ngôn; không tham gia đánh giá, nhận xét, bình luận trên các trang mạng xã hội với các nội dung chưa được kiểm chứng; không chụp ảnh, đăng tải hình ảnh, công việc mang đến bất lợi cho cơ quan, đơn vị trên các trang mạng xã hội. Đồng thời, cán bộ đảng viên phải biết phát huy những ưu điểm, lợi ích của mạng xã hội để giáo dục nhân dân, người thân cũng như tuyên truyền các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và nhà nước, quảng bá các hình ảnh, tấm gương người tốt, việc tốt đến với cộng đồng xã hội. 

Ba là, các chủ thể khi tham gia không gian mạng cần trang bị các kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, cách thức chắt lọc, tiếp nhận thông tin. Việc người dùng nâng cao sức “đề kháng”, trang bị hiểu biết về pháp luật, bộ lọc văn hóa tốt, ứng xử văn minh, lịch lãm trong tranh luận, phản biện, có năng lực về tin tức, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên truyền thông xã hội là rất quan trọng. Cụ thể là: 1) phải đọc kỹ toàn bộ nội dung bài viết, tránh trường hợp chỉ đọc tiêu đề nhằm giật tít để thu hút người đọc; 2) hỏi tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc các nguồn tin đáng tin cậy; 3) luôn kiểm tra xem xét nguồn tin nhanh website để xác tín; 4) cần kiểm tra thông tin minh họa, hình ảnh, đường liên kết xem thông tin có thật sự hữu ích hay vì mục đích nào khác; 5) cân nhắc xem bản thân đang có thiên vị hay có định kiến với đối tượng nào không; 6) hãy tỉnh táo phân biệt được đâu là tin thật, đâu là trò đùa của cư dân mạng xã hội; 7) kiểm tra nhanh xem tác giả bài viết có đáng tin cậy không?; 8) kiểm tra thời gian đăng tin nhằm sàng lọc với những tin tức cũ bị đăng lại, chưa chắc chúng có liên quan đến sự việc hiện tại.

Không gian mạng thực sự là một bộ phận quan trọng trong “hệ sinh thái mới”. Tuy nhiên, tác dụng và giá trị của việc sử dụng không gian mạng như thế nào phụ thuộc rất lớn vào mục đích, năng lực, kỹ năng và trách nhiệm xã hội của các chủ thể tham gia.

Bốn là, khi ứng xử  trên không gian mạng mỗi chủ thể cần nhìn rõ mặt tích cực và tiêu cực của nó. Do đó khi tham gia mạng xã hội cần quan tâm phát huy mặt tích cực và hạn chế mức thấp nhất các yếu tố tiêu cực. Các thành viên mạng xã hội nên lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng thanh lịch, văn minh. Khuyến khích các mạng xã hội tích cực và những thành viên tốt. Cần có thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm. Mọi lời nhận xét, bình luận phải khách quan và tế nhị, tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp, không nói xấu, kéo bè cánh nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác.

Năm là, cần tăng cường xây dựng và đẩy mạnh hoạt động của các dư luận viên trên không gian mạng. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của các KLO trên không gian mạng, là những người có uy tín, có ảnh hưởng lớn trên các phương tiện truyền thông xã hội (người của công chúng, các trí thức, văn nghệ sĩ…); hướng dẫn họ thể hiện các quan điểm, nhận xét phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí trong thông tin tích cực. Báo chí cách mạng cần khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số. Dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm. Thực hiện đổi mới các đơn vị sản xuất thông tin (báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, các đơn vị truyền thông, mạng xã hội,...) và thúc đẩy đổi mới về quan niệm, nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện công khai trên không gian mạng. Chủ động cung cấp thông tin chính thống, chính xác, đầy đủ, kịp thời  về bản chất của vấn đề xã hội trên các phương tiện truyền thông, nhất là các vấn đề liên quan đến lợi ích, mối quan tâm của đông đảo công chúng. Việc cung cấp thông tin cần chú ý hai điểm: 1) các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đối với vấn đề xã hội được đề cập trên các phương tiện truyền thông cần chủ động cung cấp thông tin kịp thời; 2) thông tin được cung cấp cần dựa vào nguồn tin đáng tin cậy, đã được kiểm chứng.

 Sáu là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của truyền thông xã hội và không gian mạng theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng của ngành thông tin và truyền thông, công an, quân đội thường xuyên phối hợp với thanh tra các bộ, ngành, địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát việc truyền thông và sử dụng thông tin trên mạng xã hội của người dùng mạng xã hội, theo quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện, uốn nắn, cũng như xử lý những sai phạm. Trên cơ sở đó, phát hiện và ngăn chặn xử lý kịp thời những thông tin xấu độc được lan truyền trên không gian mạng, cũng như những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật. Cần xử lý nghiêm những hành vi mạo danh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cá nhân, đơn vị; xử lý hình sự những hành vi mạo danh để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

 Bảy là, thiết lập và cải tiến hệ thống quản lý mạng xã hội toàn diện, tăng cường các biện pháp kỹ thuật và công nghệ. Việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế, ngăn chặn những thông tin độc hại, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Việt Nam vẫn rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Các đơn vị chuyên trách về an ninh mạng cần kịp thời hỗ trợ với các tổ chức, cá nhân khi phát hiện dấu hiệu xuất hiện những “lỗ hổng” của việc bảo mật và cả khi bị tội phạm tin học tấn công. Không gian mạng cũng giống như xã hội thực, thúc đẩy tự do, nhưng cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật. Cần tôn trọng quyền trao đổi ý kiến, bày tỏ ý chí của cư dân mạng, đồng thời với xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh theo pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cư dân mạng được bảo đảm. Đồng thời, nâng cao khả năng quản trị mạng và thiết lập cơ quan quản trị mạng toàn diện với sự tham gia của các chủ thể liên quan, tạo ra một hệ thống mới về đồng quản lý và tương tác tích cực trên tinh thần tuân thủ pháp luật phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

 Tám là, rà soát, bổ sung và triển khai thực hiện hiệu quả hệ thống các văn bản hiện hành, như Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật An toàn thông tin mạng 2016; Luật An ninh mạng 2018 và các luật liên quan, như Luật Xuất bản 2012, Bộ luật Hình sự 2015, Luật Báo chí 2016; Luật Giáo dục đại học 2018, Luật Giáo dục 2019…và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành các luật trên. Đặc biệt, tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng 2018, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội 2021, nhằm giúp mỗi người dân hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử khi tham gia mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải tính đến nghiên cứu, điều chỉnh việc sửa đổi, bổ sung Luật An ninh mạng 2018 theo hướng tăng cường chế tài và tính phù hợp, hiệu lực của các chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật An ninh mạng.

 TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Lê Tâm - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

  ___________________________

 (1) (2) (3) (4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, H, t.1, tr. 85, 146, 191, 272

Tác giả: CTC

Nguồn tin: tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 140 trong 28 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 28 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây