Việc Nam là quốc gia có rất nhiều quy định, chính sách nhằm tạo cơ chế pháp lý cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền bình đẳng được sử dụng, phổ biến ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Điều đó đã giúp bảo tồn ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số và thể hiện vị thế bình đẳng giữa các dân tộc, thể hiện sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Trung - Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, ngôn ngữ là công cụ của tư duy, của giao tiếp. Là công cụ để truyền tải cả một nền văn hóa, một tinh thần dân tộc nên ngôn ngữ là một cấu phần của văn hóa. Những giá trị, những nét đặc thù văn hóa được thể hiện thông qua ngôn ngữ và bằng ngôn ngữ.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 53 dân tộc thiểu số. Mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số đều có ngôn ngữ riêng. Theo nhóm ngôn ngữ thì tính đa dạng văn hoá các dân tộc thiểu số nước ta lại thể hiện ở những góc độ riêng mang tính lịch sử và giao thoa văn hoá, tạo nên một cá tính riêng trong bức tranh chung của quốc gia.
Văn hoá của mỗi nhóm ngôn ngữ (nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Tày - Thái, Môn - Khmer, Nam Đảo, Hán - Tạng) đều có những nét rất riêng về các giá trị văn hoá vật thể (trang phục, kiến trúc, ẩm thực…), văn hoá phi vật thể (tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội…).
Về vai trò quan trọng của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, PGS. TS Tạ Văn Thông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, ngôn ngữ không chỉ là một phần của văn hóa mà còn là phương tiện để thống nhất ý chí và củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc. Việc bảo tồn ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số còn thể hiện vị thế bình đẳng giữa các dân tộc, thể hiện sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam.
Vấn đề bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ Năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có chủ trương: “Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc. Đi đôi với việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình”.
Cụ thể hoá chủ trương của Đảng, tại Điều 5 Hiến pháp năm 2013 - văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất quy định: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.
Trong các quyền công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, quyền sử dụng và tiếp cận ngôn ngữ được quy định tại Điều 42: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”.
Cụ thể hoá quy định trong Hiến pháp, Điều 21 Luật Di sản văn hoá năm 2013 quy định: Nhà nước bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam thông qua các biện pháp nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ tiếng nói, chữ viết của cộng đồng các dân tộc; ban hành quy tắc phiên âm tiếng nói của những dân tộc chưa có chữ viết; có biện pháp bảo vệ đặc biệt đối với tiếng nói, chữ viết có nguy cơ mai một; dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo yêu cầu công việc; dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số cho học sinh người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Giáo dục; xuất bản sách, báo, thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình, sân khấu bằng tiếng dân tộc thiểu số.
Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/NĐ-CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Nghị định này quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số (sau đây gọi chung là tiếng dân tộc thiểu số), bao gồm: Điều kiện, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; chế độ, chính sách đối với người dạy và người học tiếng dân tộc thiểu số.
Tại Khoản 2, Điều 11 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình theo quy định của Chính phủ”. Sách giáo khoa giáo dục phổ thông không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội (Điều 32).
Ngày 21/11/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 32 hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc dạy học các tiếng: Ba Na, Chăm, Ê-đê, Khmer, Gia Rai, M'nông, Mông, Thái theo chương trình và sách giáo khoa mới đối với lớp 1, lớp 2.
Đối với các tiếng: Khmer, Chăm, Ê-đê, Mông, Ba Na, Gia Rai triển khai dạy học từ lớp 3 đến lớp 9 theo các chương trình và sách giáo khoa hiện hành.
Ngoài 8 chương trình, sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số đã ban hành, đối với các địa phương có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, Sở Giáo dục và Đào tạo cần chủ động, tích cực tham mưu với UBND tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch, đề án dạy học tiếng dân tộc thiểu số và thực hiện thủ tục đưa tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vào dạy học trong trường phổ thông theo quy định.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan như Ban Dân tộc, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các báo địa phương để xây dựng các ấn phẩm sách, báo bằng tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số nhằm cung cấp nhiều tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong dạy và học tiếng dân tộc thiểu số ở trường phổ thông…
Đối với việc dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện theo Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 29/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 36/2012/TT-BGDĐT ngày 24/10/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về tổ chức dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.
Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc thiểu số tại trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính.
Trong lĩnh vực tư pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định tại Điều 12: “Tòa án xét xử theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tổ chức đều bình đẳng trước Tòa án”.
Và Điều 15. “Tiếng nói, chữ viết dùng trước Tòa án là tiếng Việt. Tòa án bảo đảm cho những người tham gia tố tụng quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trước Tòa án nhân dân, trường hợp này phải có phiên dịch”.
Các quy định trên đã tạo cơ chế pháp lý cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền bình đẳng và được sử dụng, phổ biến ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Mỹ Hạnh
Tác giả: NVĐ
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn