Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội và sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của người dân

Thứ hai - 23/10/2023 10:48

Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo mục tiêu, định hướng cụ thể.

Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội và sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của người dân

Trong đời sống xã hội, pháp luật có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Nó là công cụ không thể thiếu, bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội nói chung và của nền đạo đức nói riêng. Pháp luật không chỉ là một công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, mà còn tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội và góp phần bồi đắp nên những giá trị mới. 

Hiểu biết pháp luật sẽ giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giải quyết nhiệm vụ, công vụ đảm bảo đúng quy định của pháp luật; trong quá trình giải quyết công việc cho cá nhân, doanh nghiệp lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật để cá nhân, doanh nghiệp hiểu pháp luật và chấp hành các yêu cầu, quyết định của cơ quan Nhà nước.

Hiểu biết pháp luật sẽ giúp người dân hình thành lòng tin vào pháp luật; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật; lên án các hành vi vi phạm pháp luật; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; giúp người dân tham gia tích cực vào quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.

Khi tổ chức, cá nhân hiểu biết pháp luật và thực hiện nghiêm pháp luật sẽ góp phần loại trừ những hiện tượng tiêu cực, chống đối pháp luật; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường an toàn, thuận lợi để đầu tư, sản xuất góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã quy định phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt; công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.

Trong những năm qua, các cấp, ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và Nhân dân góp phần đưa pháp luật vào đời sống, giúp cán bộ và Nhân dân hiểu biết và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Hầu hết cán bộ và người dân có ý thức chủ động, tích cực, thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ và Nhân dân chưa chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật; chỉ khi nào xảy ra vụ việc liên quan đến pháp luật thì mới tìm hiểu, nghiên cứu. Do đó, vẫn còn nhiều trường hợp cán bộ và người dân vi phạm pháp luật, khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại thì không kịp thời được bảo vệ.

Chính vì vậy, để nâng cao hiểu biết pháp luật, qua đó thực hiện đúng các quy định của pháp luật, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân khi bị xâm hại, phòng tránh các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo sống và làm việc theo pháp luật; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể người dân cần phải tích cực thực hiện nghiêm trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật đã được quy định tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; mỗi cán bộ và người dân cần tiếp tục tuyên truyền pháp luật, vận động những người xung quanh tích cực tìm hiểu pháp luật và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

__________________

Tại cổng thông tin điện tử Phường 3, Thành phố Tây Ninh có mở chuyên mục:

1. Trợ giúp Pháp lý, tại đây.

2. Phổ biến Pháp luật, Tiếp cận thông tin, tại đây.

Đồng thời Bộ Tư pháp đã xây dựng một số khẩu hiệu để các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương tham khảo và chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp với nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình. Cụ thể:

- Sống và làm việc theo pháp luật là việc làm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.

- Đẩy mạnh truyền thông chính sách góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi pháp luật.

- Tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

- Chủ động tìm hiểu, gương mẫu tuân theo Hiến pháp và pháp luật là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

- Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

- Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật góp phần tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh.

- Tích cực cải cách hành chính, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật góp phần giải phóng nguồn lực, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.

- Thực hiện tốt công tác truyền thông, phản ứng chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh.

Tác giả: Mạnh Chung

Nguồn tin: pbgdpl.tayninh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 135 trong 27 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 27 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây