Theo luật sư, các đối tượng vi phạm thường do thiếu hiểu biết cũng như thiếu ý thức khi tham gia hoạt động nơi công cộng, đặc biệt ở khu vực nghiêm ngặt về an ninh như phương tiện máy bay, không lường trước được hậu quả nghiêm trọng cho xã hội cùng như chính bản thân.
Trong chuyến bay VN186 chặng Đà Nẵng - Hà Nội dự kiến cất cánh lúc 19h25 ngày 7/11/2023 đã phải dừng khẩn cấp vì hành khách nói chuyện với nhau về việc cất súng trong hành lý. Hai hành khách trên được xác định là N.Đ.T (SN 1993) và L.X.Q (SN 1983, đều ở tỉnh Thái Bình).
Trên máy bay, một hành khách hỏi người đi cùng "Để súng ở đâu?" thì nhận được câu trả lời "Đã cất trong hành lý". Ngay lúc đó, tiếp viên hỏi lại thì hai hành khách giải thích rằng họ “chỉ nói đùa".
Tuy nhiên cơ trưởng đã yêu cầu an ninh hỗ trợ. Đánh giá tính chất mức độ sự việc, Cảng vụ Hàng không miền Trung ra quyết định áp giải 2 hành khách trên ra khỏi tàu bay, tái kiểm tra an ninh đối với toàn bộ hành khách, hành lý xách tay và tiến hành lục soát tàu bay. Đến 22h00 cùng ngày, khi không phát hiện vật phẩm nguy hiểm, chất cấm, chất nổ, chuyến bay mới tiếp tục hành trình.
Cách đây khoảng 12 năm cũng đã xảy ra sự việc tương tự. Vào khoảng 18h00 ngày 9/7/2011, nữ hành khách Hồ Thị Thanh T. (24 tuổi, ở Lâm Đồng) đi chuyến bay VN1516 từ Hà Nội - Đà Lạt, để túi xách dưới chân ghế nên được tiếp viên nhắc nhở cất túi lên ngăn đựng đồ. Lúc đó, chị T. nói với tiếp viên rằng “cẩn thận nó nổ”.
Ngay sau đó, thông tin được chuyển tới cơ quan chức năng, chuyến bay bị hoãn để kiểm tra hành lý nhưng không phát hiện dấu hiệu có bom. Làm việc với cơ quan chức năng, chị T. trình bày rằng mình chỉ nói đùa, không có ý đe dọa. Vietnam Airlines thiệt hại khoảng 140 triệu đồng.
Về góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết vận tải hàng không là lĩnh vực đặc biệt, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả rất khó lường. Chính vì vậy, các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế về đảm bảo an ninh an toàn hàng không rất chặt chẽ.
Theo quy định tại Luật 61/2014/QH13 ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015), Điểm m Khoản 1 Điều 12 nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm gồm đưa vũ khí, chất cháy, chất nổ, các vật phẩm nguy hiểm khác lên tàu bay, vào cảng hàng không, sân bay và các khu vực hạn chế khác trái quy định; và Điểm o Khoản 1 Điều 12 nhấn mạnh nghiêm cấm đe dọa, uy hiếp an toàn bay, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác trong tàu bay.
Cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật, trên cơ sở đánh giá tính chất mức độ hành vi vi phạm, đánh giá hậu quả gây ra đối với xã hội để xem xét xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy hậu quả chưa nghiêm trọng, hành vi chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, người vi phạm có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 26 Mục 7 Chương II Nghị định 162/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Theo đó, phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có súng, đạn, bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh, hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, người vi phạm còn bị cấm bay trong một khoảng thời gian theo quy chế của ngành hàng không và theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không những “đùa dại” mà còn có hành vi vi phạm pháp luật khác hoặc hậu quả được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan chức năng hoàn toàn có thể củng cố hồ sơ đề nghị khởi tố vụ án hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318 Mục 4 Chương XXI phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.
Luật sư Kỹ cho biết, mặc dù các cá nhân sau khi "dọa" có vật liệu nổ đã rút ngay lại lời nói của mình, nhưng hành vi diễn ra tại sân bay hoặc trên máy bay nên không thể thích thì dừng lại được. Theo nguyên tắc của ngành hàng không, khi có thông tin nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh hàng không sẽ buộc phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thậm chí đặt các chuyến bay trong tình trạng "khẩn nguy".
Do vậy, ngay từ khâu bán vé phải hướng dẫn, giải thích những điều cơ bản về các quy định pháp luật về an ninh hàng không, đặc biệt là chuyện nói đùa có bom, chất nổ ở khu vực an ninh sân bay, trên máy bay. Một câu nói đùa vô thức hoàn toàn có thể gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho ngành hàng không, ảnh hưởng tới kế hoạch điều độ vận tải, và cái giá đắt nhất chính là người nói đùa ấy sẽ bị xử lý theo quy định.
“Ngoài việc xem xét xử lý đối với các cá nhân vi phạm, cơ quan chức năng cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật Hàng không và các quy định pháp luật khác về an ninh hàng không để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi người, tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra” luật sư Kỹ nhấn mạnh.
Anh Tuấn
Tác giả: Mạnh Chung
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn