Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò của thanh niên và sự vận dụng trong sự nghiệp đổi mới hiện nay

Thứ ba - 21/02/2023 09:34

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, thanh niên là rường cột, là chủ nhân tương lai của đất nước và luôn quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện để thanh niên Việt Nam tham gia tích cực, có hiệu quả vào sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng đó của Người luôn được Đảng, Nhà nước ta thấm nhuần và vận dụng sáng tạo trong giai đoạn cách mạng mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò của thanh niên và sự vận dụng trong sự nghiệp đổi mới hiện nay

QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA THANH NIÊN

Trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(1), đó là một nhiệm vụ trọng đại và thường xuyên, lâu dài mà Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải chú trọng thực hiện. Trong mọi thời kỳ, mọi giai đoạn của lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là “kim chỉ nam”, là ngọn hải đăng soi đường việc chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng.

Tháng 5/1925, để chuẩn bị cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng đầu tiên mà tất cả học viên đều là những thanh niên, trí thức trẻ yêu nước; ra tờ báo cách mạng đầu tiên, lấy tên là Báo Thanh niên. Năm 1925, Người đã viết thư “Gửi Thanh niên An Nam”, nhấn mạnh: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”(2). Sở dĩ viết như vậy, bởi Người cho rằng “Tính trung bình, thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân dân - tức là một lực lượng to lớn”(3), nếu lực lượng chiếm số đông như vậy trong xã hội mà không hồi sinh, thì xã hội đó tất sẽ suy vong!

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người đã tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, đặc biệt chú trọng đến lực lượng những người trẻ tuổi. Hội nghị Trung ương lần thứ tám của Đảng tại Pác Bó - Cao Bằng (5-1941) đã quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh) và các hội cứu quốc, trong đó có “Đội Nhi đồng cứu quốc” và trao cho Đoàn phụ trách công tác thiếu nhi. Cùng với đó, Người đã chỉ đạo đổi tên Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương thành Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ra mắt quốc dân đồng bào, công bố thành lập 13 bộ, trong đó có Bộ Thanh niên. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao và dành cho thế hệ trẻ sự quan tâm đặc biệt: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”(4), đồng thời đưa ra dự báo hết sức đúng đắn, mà về sau đã trở thành hiện thực: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”(5). Xứng đáng với sự tin yêu, mong đợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong các cuộc cách mạng dân tộc dân chủ; trong thời kỳ kiến thiết đất nước sau chiến tranh cũng như trong thời kỳ đổi mới, thanh niên Việt Nam luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nêu cao tinh thần xung phong, tình nguyện, xung kích, đi đầu để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ và dân tộc tin tưởng, giao phó. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ vai trò của thanh niên trên nhiều bình diện xã hội và trong mối quan hệ kết nối không thể tách rời giữa quá khứ với tương lai: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”(6); do đó, thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh và đặt ra nhiệm vụ cho Đảng là cần phải chăm lo, giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Người cho rằng: Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết họp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ”(7). Đoàn là hạt nhân để tập hợp, đoàn kết thanh niên, đồng thời là người trực tiếp tổ chức, giáo dục, động viên thanh niên đi theo Đảng làm cách mạng. Do vậy, Người nhấn mạnh: “Đoàn Thanh niên là cánh tay và đội hậu bị của Đảng, là người phụ trách dắt dìu các cháu nhi đồng”(8). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, Đoàn Thanh niên cần thường xuyên quan tâm công tác xây dựng Đoàn vững mạnh, phải củng cố tổ chức đoàn, phải đoàn kết nội bộ chặt chẽ và phải đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên. Người nêu rõ: “Tổ chức của Đoàn phải rộng hơn Đảng”(9) và muốn tập hợp, thu hút đông đảo thanh niên, cần lưu ý: “Về phần mình, thì Đoàn phải nghiên cứu tìm ra nhiều hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc, để làm tròn những nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao phó cho thanh niên”(10). Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác vận động, đoàn kết và tập hợp các tầng lớp thanh niên tham gia phong trào thi đua yêu nước của Đoàn được tích cực đẩy mạnh ở các thời kỳ. Nhờ đó đã huy động thanh niên Việt Nam xung kích, đi đầu trong kháng chiến, kiến quốc trước đây cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay.

QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ CHĂM LO, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA THANH NIÊN TRONG SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo đến việc bồi dưỡng, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên. Nói chuyện với thanh niên tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, ngày 7/5/1958, Người nhấn mạnh: Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài(11).

Về phương diện chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng thanh niên, với quan điểm “đạo đức là gốc của người cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên, giáo dục bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ là nhằm làm cho thế hệ trẻ trở thành những người công dân có ích, những người chiến sĩ tốt, những người cách mạng chân chính, với những phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân”, yêu thương con người, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; vì vậy, thanh niên phải ra sức cống hiến, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng lãnh đạo. Muốn vậy, thanh niên cần thấm nhuần mục tiêu, lý tưởng của Đảng với phương châm: Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì; mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?

Thanh niên không chỉ cần được giáo dục về đạo đức, mà còn cần được bồi dưỡng tri thức lý luận chính trị và học vấn, khoa học - kỹ thuật, quân sự. Nếu không học tập, không có học vấn, thì không thể nào tiếp thu được chuyên môn nghiệp vụ; song, nếu chỉ học tập văn hóa, khoa học - kỹ thuật mà không học tập chính trị, thì cũng như người nhắm mắt mà đi. Người cho rằng, việc nâng cao trình độ chính trị, học vấn, khoa học - kỹ thuật, quân sự là điều kiện cơ bản để tuổi trẻ cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân, là điều kiện để bảo đảm khả năng hoạt động thực tiễn của họ. Bên cạnh đó, thanh niên cần được giáo dục nếp sống văn hóa và giáo dục về thể chất.

Về phương diện phát huy thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận của thanh niên đối với Đảng, với nhân dân và cộng đồng dân tộc, xã hội. Nói cách khác, thanh niên được rèn luyện về lý tưởng, đạo đức, nhân cách, được học tập, trau dồi kiến thức, văn hóa, thể chất là để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì sự nghiệp chung, chứ không phải hưởng thụ cá nhân, vị tha chứ không vị kỷ. Từ nhận thức đến hành động, thanh niên phải ra sức cống hiến, phát huy những phẩm chất của mình để phấn đấu là người cộng sản trẻ. Mỗi khi Đảng, Nhà nước, nhân dân và xã hội cần thì thanh niên xung phong tham gia, đi đầu để thực hiện những nhiệm vụ đột xuất hoặc thường xuyên trong chiến đấu, sản xuất, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh,... Đó là “kim chỉ nam” cho tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, không ngại dấn thân của thanh niên trong mọi giai đoạn của sự nghiệp cách mạng.

Về phương pháp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải tránh thái độ thành kiến, hẹp hòi, bảo thủ đối với thanh niên. Bởi theo Người, thanh niên sống trong điều kiện mới tất yếu có những nhu cầu, lợi ích khác với cha, anh của họ, vì thế, không nên xem xét thanh niên một cách cứng nhắc, trước sao nay vậy. Người nhấn mạnh, giáo dục là một khoa học, cần phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết vấn đề một cách thiết thực, phải biết kết hợp giữa việc học tập với việc chơi, dạy từ dễ đến khó; giáo dục phải gắn liền với thực tiễn xã hội, học phải đi đôi với hành. Công tác thanh niên, theo Người, là quá trình tác động đồng bộ của các chủ thể từ gia đình, đoàn thể, xã hội cho đến các cấp ủy và chính quyền để đào tạo, giáo dục, phát huy thanh niên. Thấy được vai trò to lớn của gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên trong việc giáo dục thanh niên, Người chỉ rõ: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa(12). Thanh niên và tổ chức Đoàn phải xứng đáng với vai trò là cánh tay đắc lực, là đội hậu bị đáng tin cậy của Đảng trong việc giáo dục, đồng hành, phát huy sức mạnh của tuổi trẻ, cống hiến hết mình cho sự nghiệp của Đảng, của đất nước.

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀ QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ CHĂM LO, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA THANH NIÊN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Theo số liệu thống kê, hiện nay nước ta có khoảng 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước, chiếm khoảng 35% lực lượng lao động toàn xã hội. Thanh niên có mặt ở tất cả các giai cấp và tầng lớp xã hội, có mặt ở tất cả các dân tộc và tôn giáo, ở tất cả các địa phương, các ngành, các cấp, ở trong và ngoài nước. Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thế hệ trẻ Việt Nam luôn kiên định lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn. Thanh niên Việt Nam đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm; ra sức tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi phương diện, tích cực lao động, sản xuất, nhanh chóng tiếp thu những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại, để cùng với toàn Đảng, toàn dân “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(13). Các phong trào hành động cách mạng do Đoàn phát động đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, phát huy những đặc tính của thanh niên, khơi dậy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ và tạo môi trường thuận lợi để thanh niên phát triển toàn diện, cống hiến và trưởng thành.

Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị quan trọng về thanh niên và công tác thanh niên(14). Đảng luôn đặt niềm tin vững chắc vào thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới đất nước; chăm lo xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là cánh tay đắc lực và đội dự bị tin cậy của Đảng. Đảng ta cũng không ngừng phát triển, hoàn thiện tư duy lý luận và nhận thức về công tác thanh niên. Từ chỗ xác định Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức trung kiên gần Đảng, đến Đoàn là tổ chức gần Đảng nhất, là cánh tay đắc lực và đội dự bị tin cậy của Đảng. Trong nhận định về mối quan hệ giữa Đảng và Đoàn, trước đây, các văn kiện của Đảng xác định Đoàn là đội “hậu bị” tin cậy của Đảng, sau đó, Đảng đã điều chỉnh thành Đoàn là đội “dự bị” tin cậy của Đảng. Điều đó thể hiện rõ nét sự phát triển về nhận thức, không ngừng hoàn thiện tư duy lý luận của Đảng ta, sự đổi mới, sáng tạo trong phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác thanh niên.

Chủ trương của Đảng đã được cụ thể hóa thành chính sách đối với thanh niên và công tác thanh niên. Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2011 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030, ban hành Luật Thanh niên năm 2020, cùng các chính sách dành cho thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế(15). Từ năm 2012, Nghị quyết liên tịch về Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã được ban hành. Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương đã thể chế hóa chủ trương của Đảng và tổ chức triển khai nhiều chính sách, chương trình, dự án đối với thanh niên và công tác thanh niên. Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, là cơ quan tư vấn về công tác thanh niên; giao Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thanh niên, thành lập Vụ Công tác thanh niên thuộc Bộ Nội vụ; các bộ, ban, ngành đều phân công cán bộ phụ trách phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong công tác thanh niên. Cơ chế phối hợp tương đối rõ ràng, góp phần tạo điều kiện để Đảng lãnh đạo, Chính phủ thống nhất quản lý về công tác thanh niên.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng tổ chức đoàn, công tác thanh niên được đặt trong tổng thể mối quan hệ giữa các thành tố của hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cả hệ thống chính trị quan tâm, chăm lo cho thanh niên và tổ chức đoàn, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thanh niên và công tác thanh niên từng bước hoàn thiện, bảo đảm cho thanh niên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức đoàn hoạt động, phát huy vai trò của thanh niên trong đời sống xã hội; đáp ứng nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của thanh niên; tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thanh niên và công tác thanh niên.

CHĂM LO, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA THANH NIÊN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY - MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu phát triển đất nước, cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(16). Đây chính là điều kiện, môi trường thuận lợi để thanh niên thể hiện tài năng, phát huy sức trẻ, cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, của gia đình, nhà trường và xã hội đối với thế hệ trẻ không ngừng tăng lên, là cơ sở, nguồn lực và điều kiện quan trọng để thanh niên phát triển tốt hơn. Khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cùng với sự phát triển của kinh tế tri thức sẽ tạo ra những cơ hội mới, cho phép thanh niên tiếp cận với công nghệ hiện đại và tri thức văn minh của nhân loại trong thời đại mới. Trước yêu cầu của thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thanh niên, công tác thanh niên, cũng như yêu cầu của công tác chăm lo, bồi dưỡng và phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta xác định tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục khẳng định và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ trong giai đoạn cách mạng mới.

Nghị quyết Đại hội X của Đảng nêu rõ quan điểm chỉ đạo nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là: “Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”(17); Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là điều kiện thuận lợi để thế hệ trẻ thể hiện trí tuệ, tài năng, sức trẻ, nhiệt huyết, khả năng cống hiến hết mình vì Tổ quốc. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước có hội nhập và sánh vai được với các cường quốc năm châu hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không, phần lớn nhờ vào việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ trẻ. Vì vậy, các cấp, các ngành cần nhận thức sâu sắc hơn công tác thanh niên, nhất là chính thế hệ trẻ phải ý thức đầy đủ về vị trí, vai trò và sứ mệnh của mình, nâng cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức cách mạng để thực hiện sứ mệnh được Đảng giao phó, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thứ hai, thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, văn hóa, đạo đức cho thế hệ trẻ.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước ta để giúp thế hệ trẻ nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức xã hội; góp phần tích cực đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ có đủ phẩm chất, năng lực làm nhiệm vụ xung kích, sáng tạo, kế tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng, thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Đây vừa là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt, thường xuyên, vừa là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội”(18).

Thứ ba, phát huy hơn nữa vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thế hệ trẻ trong tham gia các phong trào hành động cách mạng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần có nhiều hình thức và biện pháp phù hợp để khơi dậy tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ, động viên thanh niên đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Chú trọng nguyên tắc đào tạo gắn với bồi dưỡng, tin tưởng giao nhiệm vụ, tạo điều kiện để cán bộ trẻ được tham gia trải nghiệm, học tập, phát huy năng lực, sở trường của mình.

Thông qua các phong trào hành động cách mạng sẽ tạo ra môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ tự rèn luyện, xác định được lẽ sống cao đẹp cho chính bản thân mình. Các cấp, các ngành cần có nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với thế hệ trẻ, phát huy sức trẻ tham gia đóng góp trên các lĩnh vực, các địa bàn khó khăn, thể hiện rõ vai trò xung kích của thanh niên, với tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào hành động cách mạng, như “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” trong từng nhóm đối tượng và duy trì các phong trào đặc thù; từ đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo của các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong xã hội và trong chính thế hệ trẻ.

Thứ tư, tạo môi trường thuận lợi trong đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho thanh niên.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(19). Các cấp, ban, bộ, ngành và từng cơ quan, đơn vị cần thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thế hệ trẻ; chú trọng học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn trong đào tạo, bồi dưỡng văn hóa, khoa học - kỹ thuật, công nghệ, quân sự, ngoại ngữ và thường xuyên bồi dưỡng thể chất, rèn luyện thân thể cho thế hệ trẻ đủ sức khỏe, trí tuệ tham gia hiệu quả vào các phong trào hành động cách mạng. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để thanh niên chủ động tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như tham gia có hiệu quả vào giải quyết các vấn đề toàn cầu, như giữ gìn hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng ngừa và đẩy lùi các dịch bệnh hiểm nghèo,... góp phần nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT TĂNG CƯỜNG CHĂM LO, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, PHÁT HUY MẠNH MẼ VAI TRÒ CỦA THANH NIÊN TRONG THỜI GIAN TỚI

Một là, Đảng tiếp tục quan tâm, lãnh đạo hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả thực hiện các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh niên, đặc biệt là tổ chức thực thi có hiệu quả Luật Thanh niên năm 2020, Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, đề xuất với Bộ Chính trị chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 và 10 năm thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 25/122013 của Bộ Chính trị. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Hai là, đề nghị các cấp ủy, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII; có cơ chế động viên, khuyến khích, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đồng thời, phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tốt, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực. Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ phải gắn với đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm” trong các cơ quan nhà nước, trong mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự nêu gương của cán bộ, đảng viên chính là tấm gương sống giá trị nhất để đoàn viên, thanh niên Việt Nam ra sức phấn đấu học tập, lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và gìn giữ, bảo tồn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Ba là, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm phát triển lực lượng đảng viên trẻ từ đoàn viên, thanh niên để tạo nguồn sinh lực mới cho Đảng, bảo đảm thực hiện chỉ tiêu 70% số đảng viên mới kết nạp là từ đoàn viên thanh niên theo Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008; đồng thời, tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, quy hoạch, sử dụng đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, tài năng trẻ; tạo cơ chế, môi trường để cán bộ trẻ đóng góp, cống hiến tài năng cho tổ chức, cho quê hương, đất nước.

Bốn là, thanh niên, thiếu niên luôn có xu hướng tìm tòi cái mới, sáng tạo, ưa đối thoại. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát huy quyền tham gia của trẻ em và lắng nghe ý kiến của thanh niên. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trân trọng đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp định kỳ, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng thông qua các diễn đàn do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016, Luật Thanh niên năm 2020. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm, tin tưởng giao nhiệm vụ, thử thách, tạo điều kiện, cổ vũ, động viên thanh niên và các tổ chức của thanh niên thực hiện các chương trình, dự án, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, để phát huy mạnh mẽ vai trò của thanh niên trong tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm là, trân trọng đề nghị Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư, bố trí quỹ đất, xây dựng, nâng cấp và phát huy có hiệu quả các thiết chế phục vụ hoạt động học tập, rèn luyện, vui chơi giải trí bổ ích cho thanh, thiếu nhi, đặc biệt là hệ thống cung thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh, thiếu nhi, các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh niên, thiếu niên trên địa bàn dân cư.

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên tiếp tục dẫn dắt chúng ta trên con đường xây dựng, tổ chức thanh niên thành lực lượng cách mạng, phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đào tạo bồi dưỡng thanh niên cả về thể lực - tâm lực - trí lực, phát triển toàn diện, có năng lực sáng tạo, có bản lĩnh, ý chí vươn lên trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(20). Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thế hệ trẻ Việt Nam luôn kiên định ý chí, chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm; không ngừng tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi phương diện để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.

BÙI QUANG HUY
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 
(TC Cộng sản)

________________________  

(1) (5) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.15, tr.612, 79, 77.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.144.

(3) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.215, 439.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.216.

(6) (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.298, 47.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.331. 

(11) Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.399.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.266.

(13) (16) (18) (19) (20) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr. 35-36, 112,168, 168, 107.

(14) Đảng đã nhiều lần ban hành các nghị quyết, kết luận, chỉ thị quan trọng về thanh niên và công tác thanh niên, tiêu biểu, như Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Kết luận số 80-KL/TW ngày 25/12/201, của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”...

(15) Như: Đề án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ có trình độ đại học về làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo của cả nước; Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”; Quyết định số 2264-QĐ/TTg ngày 16/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020”; Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”; Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 5/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030”.

(17) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2009, t. 67, tr. 759. 

Tác giả: Lam Lê (Tổng hợp)

Nguồn tin: tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 160 trong 32 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 32 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây