Tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài là di sản tư tưởng quý giá mà Người để lại cho dân tộc ta, là chỉ dẫn quan trọng để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt việc thu hút, trọng dụng nhân tài, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ nhân tài trong Quân đội, là nguồn động lực quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, “quý trọng hiền tài” luôn được xem là truyền thống quý báu và vô giá mà cha ông ta để lại cho thế hệ mai sau. Truyền thống tốt đẹp đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, phát triển và nâng tầm thành nghệ thuật “trọng dụng nhân tài”, trở thành kim chỉ nam và là chỉ dẫn quan trọng để Đảng, Nhà nước và Quân đội ta vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài, góp phần không nhỏ vào những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Trước những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài trong xây dựng Quân đội ngày càng trở nên cấp thiết.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã có nhiều bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề nhân tài. Người xác định đây là một động lực rất quan trọng quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng và tương lai, vận mệnh dân tộc.
Thứ nhất, quan niệm về nhân tài.
Mặc dù chưa đưa ra một khái niệm cụ thể và hoàn chỉnh về nhân tài, tuy nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận vấn đề này một cách rất toàn diện và đầy đủ thông qua các bài nói, bài viết của mình. Theo Người, nhân tài chính là “những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm nhất”(1), là “người tài đức có thể làm những việc ích nước lợi dân”(2). Trong hai bài viết đầu tiên bàn về nhân tài, Người dùng từ “tìm người tài đức” và yêu cầu các địa phương phải lập tức tìm người tài đức, “phải trọng dụng những kẻ hiền năng”. Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tài chính là những người hội tụ đầy đủ hai yếu tố là “tài” và “đức”, đó là người có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, có tri thức, có tài năng xuất chúng, có thành tích đặc biệt và phải hết lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ Nhân dân.
Thứ hai, vai trò của trọng dụng nhân tài.
Am hiểu sâu sắc và rất kính trọng truyền thống quý trọng hiền tài được các thế hệ đi trước để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”(3), là yếu tố quyết định tới sự tồn vong của đất nước. Ngay từ rất sớm Người đã đề cao tầm quan trọng của nhân tài cùng với việc trọng dụng nhân tài và dành nhiều tâm huyết để tìm, chọn nhân tài.
Chỉ hai tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên Báo Cứu quốc, số 91, ngày 14/11/1945. Trong bài viết này, Người nhấn mạnh: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài”(4). Một năm sau đó, Người viết bài “Tìm người tài đức” đăng trên Báo Cứu quốc, số 411, ngày 20/11/1946, trong đó Người tiếp tục nhấn mạnh vai trò của nhân tài: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tầm quan trọng to lớn của nhân tài đối với đất nước, theo Người muốn giải quyết được những vấn đề khó khăn của sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, thì Đảng và Chính phủ phải thực sự trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện để nhân tài góp sức phục vụ Tổ quốc.
Thứ ba, mục đích trọng dụng nhân tài.
Từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của nhân tài nói riêng và việc trọng dụng nhân tài nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”(6). Theo Người, cuộc đấu tranh của nhân dân ta rất gian khổ và ác liệt, trong quá trình đó sẽ không thể tránh khỏi việc hao tổn cán bộ, nhân tài. Vì vậy, cần phải trọng dụng nhân tài, coi đây là nhiệm vụ hệ trọng, với mục đích tìm kiếm, phát hiện nhân tài mới, thu hút, động viên, lôi kéo và tập hợp họ vào hàng ngũ cách mạng, từ đó sử dụng, bố trí nhân tài vào những nhiệm vụ phù hợp với khả năng, sở trường, nguyện vọng, để nhân tài phát huy hết khả năng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Bên cạnh đó, phải biết giữ gìn, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài để họ được phát triển toàn diện, tiến bộ hơn nữa, tạo ra thế hệ nhân tài chất lượng cho đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ đơn vị 600 tại Nà Đỏng, Trung Sơn, Yên Sơn, Tuyên Quang, năm 1953
Thứ tư, nội dung trọng dụng nhân tài.
Trước hết, phải tìm kiếm, phát hiện nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tìm kiếm, phát hiện nhân tài trong Nhân dân, bởi theo Người nhân tài xuất hiện ở mọi tầng lớp nhân dân: “Đời Trần, ông Trần Hưng Đạo ba lần đánh tan giặc Nguyên. Bình dân như ông Lê Lợi và ông Nguyễn Huệ đã đánh đuổi quân Tàu làm cho nước ta độc lập. Người già như ông Lý Thường Kiệt quá 70 tuổi mà vẫn đánh đông dẹp bắc, bao nhiêu lần đuổi giặc cứu dân. Thiếu niên như Phù Đổng Thiên Vương chưa đến 10 tuổi mà đã ra tay cứu nước, cứu nòi. Trần Quốc Toản mới 15, 16 tuổi đã giúp ông Trần Hưng Đạo đánh phá giặc Nguyên. Phụ nữ thì có Bà Trưng, Bà Triệu ra tay khôi phục giang san”(7). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng Nhân dân chính là lực lượng có sức mạnh to lớn, không ai có thể sánh nổi và trong Nhân dân có rất nhiều người có tài, có đức, khi đất nước lâm nguy họ sẵn sàng cống hiến sức mình cho dân, cho nước, vì vậy cần phải biết tìm kiếm, phát hiện nhân tài trong Nhân dân để thu hút, trọng dụng họ.
Khi đã phát hiện nhân tài thì cần phải biết cách thu hút, kêu gọi, vận động và tập hợp nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cho họ địa vị, giúp đỡ họ tiền bạc thì ai cũng phải giúp, lấy lễ mà tiếp họ, lấy tín mà khuyên họ, thì ai cũng vui lòng quyết tử, làm ơn mà không nói, pháp luật thì hết sức nghiêm trị ai cũng phải phục. Việc gì mình cũng phải làm gương trước mà bảo người khác làm theo sau thì ai cũng dũng cảm”(8). Theo Người, muốn thu hút, tập hợp nhân tài thì cán bộ lãnh đạo các cấp trước hết phải là những tấm gương mẫu mực, vì nước vì dân để giành lấy lòng tin từ nhân tài, từ đó họ mới sẵn sàng hy sinh vì cách mạng, vì đất nước. Bên cạnh đó, cần phải thể hiện thái độ chân thành, trọng thị, tôn trọng để mời gọi nhân tài, tiếp đón nhân tài chu đáo, phải làm cho họ cảm phục và tin tưởng tuyệt đối vào chính quyền. Có như vậy mới có thể tập hợp được nhân tài vào hàng ngũ của Đảng, có được nguồn sức mạnh to lớn góp sức vào cuộc đấu tranh của dân tộc.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sử dụng nhân tài cũng phải hết sức khéo léo để đạt được hiệu quả cao nhất. Người dạy rằng: “Nhân tài: Người nào có năng lực làm việc gì, thì đặt vào việc ấy”(9). Vì vậy, cần phải biết nhìn nhận, đánh giá nhân tài dựa trên tài năng, sở trường, thế mạnh và đam mê của họ để bố trí, phân công công việc phù hợp, nếu không khéo sử dụng sẽ dễ khiến nhân tài không phát huy được hết khả năng, trí tuệ và dần làm thui chột nhân tài. Người nhấn mạnh: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”(10).
Bên cạnh việc sử dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên căn dặn các thế hệ lãnh đạo phải quan tâm đến việc bồi dưỡng, phát triển nhân tài. Người yêu cầu phải làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài: “Lập các trường chuyên môn huấn luyện chính trị, quân sự, kỹ thuật để đào tạo các lớp nhân tài”(11). Mục đích để giúp nhân tài có điều kiện phát triển hết năng lực của mình, đồng thời biết sử dụng tài năng vào những nhiệm vụ có ích cho đất nước, cho nhân dân. Đây cũng là cơ sở để các thế hệ nhân tài ở nước ta phát triển bền vững, có sự kế thừa và tiếp nối giữa các thế hệ.
Thứ năm, phương pháp trọng dụng nhân tài.
Trước hết, phải thực sự yêu mến, quý trọng nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng trong các ngành, các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, chắc không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến, có tài năng. Nhưng vì cách lãnh đạo của một số địa phương còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người tài đức bị dìm xuống, không được cất nhắc, không có cơ hội phát triển. Người yêu cầu: “Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo. Thí dụ: bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài”(12). Cán bộ, lãnh đạo các cấp phải nhận thức sâu sắc và đầy đủ về tầm quan trọng của nhân tài, coi việc trọng dụng nhân tài là công việc chung, là nhiệm vụ hệ trọng của đất nước, phải yêu mến, kính trọng họ, phải tạo điều kiện để nhân tài phát triển và cống hiến tài đức, có như vậy cách mạng mới có thêm động lực và sức mạnh.
Phải giao đúng người, đúng việc, “tùy tài mà dùng người”. Người căn dặn: “Nhân tài: Người nào có năng lực làm việc gì, thì đặt vào việc ấy”(13). Bởi nếu dùng không đúng tài năng, sở trường sẽ khiến nhân tài bị thui chột, chất lượng công việc giảm sút, làm lãng phí nhân tài. Ví như người giỏi nghề thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề rèn thì giao cho việc thợ mộc, như thế thì hai người đều thất bại cả hai.
Tạo môi trường làm việc thân thiện, dân chủ. Tháng 01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Tìm người tài đức”, với mục tiêu nhằm tìm người có tài, có đức ra giúp sức cho đất nước. Tuy nhiên, đã mấy tháng Người ra lời kêu gọi nhưng chỉ nhận được rất ít báo cáo về nhân tài từ các địa phương. Lúc này trong hàng ngũ cán bộ, lãnh đạo bắt đầu có biểu hiện ganh ghét, đố kỵ với nhân tài. Người chỉ ra rằng “Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng là việc công chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”(14). Từ đó người chỉ rõ trách nhiệm của người lãnh đạo trong việc duy trì sự đoàn kết, thống nhất, không được để xảy ra tình trạng kèn cựa, ghanh ghét, kìm hãm nhân tài, phải tạo ra môi trường làm việc thực sự công bằng, dân chủ, khách quan và cởi mở để nhân tài có điều kiện cống hiến và công tác.
Khen thưởng và tôn vinh nhân tài cũng là một phương pháp quan trọng góp phần sử dụng hiệu quả nhân tài. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần phải có chính sách khen thưởng động viên, đề bạt kịp thời. Có các hình thức khen thưởng và tôn vinh nhân tài như các danh hiệu vinh dự của nhà nước, địa phương và ngành; đề cao vị trí xã hội của họ trong cơ quan, đơn vị; dành cho nhân tài các cơ hội, khả năng lựa chọn trong việc phát triển sự nghiệp. Có được sự quan tâm đúng đắn và kịp thời, sẽ tạo động lực to lớn để nhân tài tiếp tục phấn đấu, cố gắng hơn nữa.
Bài học quý giá nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài chính là lòng chân thành, sự thiết tha mong muốn cầu “hiền tài”. Nhờ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã quy tụ, tập hợp được những con người ưu tú nhất, những nhân tài xuất sắc nhất cống hiến vô điều kiện cho đại nghĩa của dân tộc.
Bác Hồ thăm một đơn vị bộ đội thuộc Quân khu 4 (năm 1961)
2. Ý nghĩa đối với việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong Quân đội ta hiện nay
Trong thời gian qua, cùng với những kết quả quan trọng đã đạt được trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc nghiên cứu, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài trong xây dựng Quân đội cũng đã thu được nhiều kết quả khả quan. Bộ Quốc phòng cũng đang tích cực xây dựng Đề án “Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đối với Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, thể hiện quyết tâm của Quân đội trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Qua đó, sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, sĩ quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội ta trong bối cảnh mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế nhất định như cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong Quân đội vẫn thiếu đồng bộ và còn mặt bất cập, dẫn đến chưa thực sự thu hút và trọng dụng được nhiều nhân tài vào hoạt động trong Quân đội, đặc biệt là những ngành đòi hỏi chuyên môn cao, thời gian đào tạo lâu dài và các lĩnh vực mà Quân đội chưa thể đào tạo; đội ngũ nhân tài trong Quân đội còn ít, chưa thực sự phát huy hết tài năng của mình trong thực hiện nhiệm vụ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là do các tổ chức, các lực lượng chưa nhận thức sâu sắc, chưa quan tâm đúng mức việc nghiên cứu, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút, trọng dụng nhân tài trong đơn vị; chưa có những biện pháp đổi mới và quyết liệt trong thực hiện thu hút và trọng dụng nhân tài, còn tình trạng chảy máu nhân tài, lãng phí nhân tài; chưa thật sự tạo điều kiện để nhân tài có cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng, phát triển.
Trong thời gian tới: “Đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội, Đảng ta xác định: Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, xây dựng Quân đội cơ bản tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, đến năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”(15). Do đó, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ về vai trò của nhân tài và trọng dụng nhân tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội phải quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài, đặc biệt là nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của nhân tài và việc trọng dụng nhân tài đối với việc xây dựng Quân đội ta hiện nay. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, trực tiếp quyết định đến sự phát triển của Quân đội nói riêng và đất nước nói chung. Triển khai thực hiện nghiêm các văn bản rất quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng như: Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11/02/2019 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị định số 179/2024/NĐ-CP quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Phát huy trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi lực lượng trong tìm kiếm, phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Bên cạnh đó, cần xây dựng chủ trương, chính sách, tạo cơ chế, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, tuyển chọn những người hội tụ đầy đủ cả hai yếu tố “tài” và “đức”, thực sự có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xây dựng, phát triển đội cán bộ, sĩ quan, chuyên gia trong Quân đội hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với bộ đội tại Đền Hùng năm 1954
Thứ hai, sử dụng những phương pháp linh hoạt, phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần phải có chủ trương, chính sách linh hoạt, tạo cơ chế, điều kiện cho các đơn vị trong toàn quân xây dựng các quy chế, quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, phương thức thu hút, trọng dụng nhân tài. Khuyến khích các đơn vị chủ động tìm kiếm, phát hiện, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn nhân tài từ sớm, đồng thời phát huy vai trò của các thế hệ đi trước trong việc phát hiện, giới thiệu và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, sĩ quan, nhân tài trẻ. Các đơn vị trong toàn quân phải tổ chức và thực hiện tốt các phong trào thi đua, các hội thi, hội thao, thông qua quá trình lao động, chiến đấu và sản xuất để phát hiện các nhân tài, từ đó khích lệ, động viên và tạo điều kiện cho nhân tài được phát triển toàn diện, làm cơ sở xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ chất lượng cao.
Bên cạnh đó, các đơn vị trong Quân đội cần tăng cường giao lưu, liên kết với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước để có thêm cơ hội tìm kiếm, phát hiện và chiêu mộ nhân tài. Cần xem đây là cơ hội để học tập các mô hình, cách làm hay và hiệu quả trong việc trọng dụng nhân tài để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, sĩ quan Quân đội, tạo ra nguồn chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao lâu dài trong tương lai.
Thứ ba, tuân thủ nguyên tắc sử dụng đúng người, đúng việc để trọng dụng nhân tài.
Để thực hiện hiệu quả nguyên tắc này, đòi hỏi cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy trong Quân đội phải thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để các đơn vị thực hiện nghiêm túc, nhất là trong công tác cán bộ. Cần đánh giá chính xác năng lực, sở trường, phẩm chất của từng cá nhân để bố trí vào vị trí phù hợp, tạo điều kiện cho họ phát huy tối đa khả năng của mình. Việc sử dụng đúng người không chỉ nâng cao hiệu quả công việc, mà còn khuyến khích sự sáng tạo, tâm huyết, đam mê và phát huy tối đa sở trường của cán bộ, chiến sĩ, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong Quân đội hiện nay.
Thứ tư, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, dân chủ và công bằng.
Môi trường làm việc thân thiện có thể kích thích tính sáng tạo, đam mê, năng lượng và thiên hướng cá nhân của nhân tài. Vì vậy, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy là rất quan trọng trong việc duy trì sự đoàn kết, thống nhất, xây dựng môi trường văn hoá trong đơn vị. Tạo môi trường làm việc thân thiện, dân chủ để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có điều kiện phát triển bản thân, phát huy khả năng, bộc lộ tài năng, hình thành nếp sống văn minh, phấn đấu, cống hiến không ngừng, xây dựng ý thức học tập suốt đời, trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực mà mình đảm nhiệm, cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, tôn vinh nhân tài.
Để thu hút, trọng dụng nhân tài có hiệu quả cần thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, động viên kịp thời. Ghi nhận những cống hiến của họ bằng những phần thưởng xứng đáng như phong, tặng các danh hiệu của Quân đội, Nhà nước, đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong cơ quan, đơn vị và tạo cơ hội để họ phát triển tài năng, sự nghiệp. Những giải pháp này sẽ giúp khuyến khích, động viên nhân tài tiếp tục cống hiến và phát triển tối đa năng lực của mình.
Nắm chắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong Quân đội hiện nay, đây là vấn đề cấp bách, mang tính chiến lược, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội ta hiện nay và trong thời gian tới.
Lê Quang Hưng - Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng
______________
(1), (4), (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, H. 2011, tr. 504, tr.114, tr.504.
(2), (6), (8), (10), (12), (14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, sđd, tr. 302, tr.313, tr.701, tr.313, tr.281, tr.314.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, H.1993, tr. 492.
(7), (11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, sđd, tr.255, tr.630.
(9), (13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, sđd, tr.119.
(15) Phan Văn Giang, Thu hút, đào tạo, trọng dụng nhân tài lĩnh vực quân sự trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 06/01/2022.
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: tcnn.vn
Những tin cũ hơn