Cách dự trữ thực phẩm khi mưa bão

Thứ ba - 29/10/2024 06:58

Khi mưa bão, mất điện và lũ lụt thường xảy ra, các nguồn cung cấp thực phẩm, nước uống khó khăn hơn ngày thường. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế gợi ý người dân cách dự trữ thực phẩm để đảm bảo sức khỏe người dân khi mưa bão.

Cách dự trữ thực phẩm khi mưa bão

Thực phẩm tươi

Cụ thể, đối với thực phẩm tươi như thịt lợn, bò, gà, người dân có thể trữ lạnh trong 3 - 5 ngày. Trước đó, cần sơ chế các loại thực phẩm này. Khi sử dụng có thể rã đông và chế biến như bình thường.

Các loại rau củ quả cũng nên chọn từ 3 – 5 loại có thể để được dài ngày như rau cải, rau muống, rau ngót, bầu, bí, để tại nơi khô ráo. Các loại củ quả như bầu, bí, khoai tây, cà rốt thì có thể để bên ngoài tới 4,5 ngày. Đặc biệt là trứng, nếu được bảo quản đúng cách, có thể để được 15 - 20 ngày.

Thực phẩm khô và đóng hộp

Đối với thực phẩm khô, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo nên có trong ngày mưa bão bao gồm: cá khô, mỳ ăn liền, các loại đồ hộp như thịt hộp, cá hộp, xúc xích ăn liền, ruốc và các loại bánh mỳ, bánh ngọt, sữa đặc.

Nếu có thông tin về bão to và kéo dài thì nên chuẩn bị nhiều bánh mỳ, bánh ngọt và sữa đặc phòng trường hợp xấu nhất không thể đun nấu thì vẫn có thực phẩm ăn liền.

Đối với thực phẩm đóng hộp nên chú ý kiểm tra hạn sử dụng và bố trí chế độ ăn uống hợp lý cho gia đình.

Nước uống

Về nước uống, trước tiên, các gia đình nên có biện pháp trữ nước sạch trong bể, thùng, xô chậu ... phòng trường hợp bị cắt nước. Ngoài ra, phải chuẩn bị nhiều nước uống đóng chai, nước quả đóng chai và sữa đóng hộp. Tất cả đều được bảo quản ở nơi khô ráo, để khi cần thiết có thể dễ dàng sử dụng. Không nên để ở những nơi dễ bị ngập nước trong nhà.

Đối với một người trong một ngày nên có ít nhất 3 lít nước hoặc 45 lít nước cho một gia đình bốn người và tốt hơn hết nên dự trữ nước uống trong thời gian ít nhất ba ngày, đề phòng những trường hợp khẩn cấp (hãy đề phòng cả trường hợp không thể đun nước uống).

Cách dự trữ thực phẩm trong tủ lạnh, nhiệt độ tủ lạnh lý tưởng nhất là ở mức dưới 40°F. Ở khoảng nhiệt độ này, các thực phẩm sẽ an toàn hơn khi sử dụng. Nếu tủ lạnh quá "ấm áp" sẽ tạo môi trường cho các loại vi khuẩn độc hại phát triển.

Bảo quản thực phẩm khi mất điện

Trong thời gian mất điện, cửa tủ lạnh và tủ đá phải được đóng kín hoàn toàn để duy trì nhiệt độ lạnh. Một tủ đá với đầy kín thức ăn, nếu cửa đóng chặt thì sẽ giữ được nhiệt độ lạnh khoảng 48 giờ, trong khi nếu tủ chỉ chứa một nửa thực phẩm thì giữ được độ lạnh 24 giờ. Đối với tủ lạnh, chỉ giữ được độ lạnh khoảng 4 giờ sau khi bị mất điện.

Bốn giờ sau khi mất điện, các thực phẩm hư phải được bỏ đi. Mặc dù những thức ăn này không phát ra mùi hôi nhưng vẫn có thể chứa vi khuẩn mang bệnh, đặc biệt đối với những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.

Các loại thực phẩm sau đây cần phải bỏ đi: thịt đã nấu chín hoặc còn sống, cá, trứng, sữa và các sản phẩm làm từ sữa. Đồng thời, những thức ăn dư thừa từ những ngày trước đó, như: cá ngừ, cơm, mì ống, rau xà lách, các loại nước sốt… cũng nên đổ đi.

Khi nhà bị ngập nước, cách tốt nhất là nấu nước sôi để nguội, uống hoặc uống nước đóng chai trong thời gian này. Không ăn những thức ăn có dính nước lụt hoặc thức ăn được lấy ra từ những thùng bị thấm nước lụt.

HM 

Xem thêm:

1. Dự trữ thực phẩm trong ngày mưa bão

2. Một số nguyên tắc bảo đảm an toàn thực phẩm sau lũ lụt

3. Quy trình chung xử lý nước ăn uống trong mùa lũ lụt

4. Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân vùng bão lũ không sử dụng gia súc, gia cầm chết chế biến thực phẩm

5. Phòng chống bệnh ngoài da trong mùa bão lụt và mưa lũ

6. Bộ Y tế: Đảm bảo đủ thuốc cho các tình huống y tế bị ảnh hưởng bão, lũ, dịch bệnh

7. Cẩm nang bảo vệ sức khỏe mùa mưa

Tác giả: Phương Thảo

Nguồn tin: chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 125 trong 25 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 25 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây