Kỳ họp chuyên đề lần thứ 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa 8 đã thông qua nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế, theo phương án đề xuất của UBND tỉnh, được áp dụng từ ngày 1/1/2023.
Hiện nay, mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND ngày 19/8/2019 (áp dụng từ ngày 1/1/2020) và Nghị quyết số 36/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh.
Về cơ bản, mức thu dự kiến được kế thừa trên cơ sở mức thu quy định tại Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND, có điều chỉnh một số trường hợp nhằm đảm bảo theo quy mô của từng cụm, điểm di tích sau khi trùng tu và khắc phục một số hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện công tác thu phí tham quan trong thời gian qua.
Trên cơ sở giá trị và quy mô của từng điểm di tích trong hệ thống quần thể Di tích Cố đô Huế, căn cứ lượng khách đến tham quan từng điểm và tình hình trùng tu, chỉnh trang các di tích trong thời gian qua, thì phương án điều chỉnh về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế (áp dụng thống nhất cho khách quốc tế và khách Việt Nam) gồm:
Đối với người lớn: Phí tham quan điểm di tích Đại nội Huế giữ nguyên mức phí hiện hành là 200.000 đồng/vé; tách vé tham quan Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Các điểm di tích: Lăng vua Minh Mạng, lăng vua Tự Đức, lăng vua Khải Định giữ nguyên mức phí hiện hành là 150.000 đồng/vé.
Điểm di tích lăng vua Gia Long tăng từ 50.000 đồng lên 150.000 đồng/vé do tăng quy mô, giá trị của điểm di tích. Điểm di tích lăng vua Đồng Khánh 50.000 đồng lên 100.000 đồng do tăng quy mô, giá trị của điểm di tích.
Các điểm di tích: Lăng vua Thiệu Trị, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, điện Hòn Chén, cung An Định, đàn Nam Giao giữ nguyên mức phí hiện hành là 50.000 đồng/vé; bổ sung mức phí điểm tham quan Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
Lăng Minh Mạng (Ảnh: internet)
Đối với trẻ em từ 7–12 tuổi: Điểm di tích Đại nội Huế giữ nguyên mức phí hiện hành là 40.000 đồng/vé; các điểm di tích lăng vua Minh Mạng, lăng vua Tự Đức, lăng vua Khải Định giữ nguyên mức phí hiện hành 30.000 đồng/vé. Điểm di tích lăng vua Gia Long, lăng vua Thiệu Trị, lăng vua Đồng Khánh, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, điện Hòn Chén, cung An Định, đàn Nam Giao không thu vé đối với trẻ em.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế của du khách đến tham quan các điểm di tích, ngoài việc tiếp tục áp dụng hình thức vé gộp theo tuyến 3 điểm, tuyến 4 điểm của các tuyến hiện hành, có bổ sung thêm một số tuyến mới kèm theo một số chính sách ưu đãi, giảm phí có tính tương đồng nhằm tạo được sức hấp dẫn, thu hút du khách chọn lựa điểm đến phù hợp.
Nghị quyết cũng quy định chính sách miễn tham quan đối với các trường hợp, đối tượng: Tết Nguyên đán sẽ miễn phí 3 ngày (từ ngày 1 đến ngày 3 Tết). Đối với ngày lễ, miễn phí vào ngày giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3) và ngày Quốc khánh (2/9) áp dụng cho công dân Việt Nam; người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật; trẻ em dưới 7 tuổi, học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tham quan ngoại khóa hàng năm; các đoàn khảo sát, báo chí truyền thông đến tác nghiệp, quảng bá di sản Huế và du lịch địa phương có đăng ký với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.
Các trường hợp đột xuất, đặc thù, giao Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Ngoài ra, trên cơ sở mức thu quy định nói trên, tỉnh Thừa Thiên Huế lựa chọn một số điểm, tuyến tham quan để quyết định mức giảm cụ thể trong khoảng thời gian phù hợp đối với khách trong nước nhằm kích cầu du lịch, mức giảm tối đa không quá 35% so với mức thu đã được quy định.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu, về cơ bản, mức thu dự kiến được kế thừa trên cơ sở mức thu quy định tại Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; có điều chỉnh một số trường hợp nhằm đảm bảo theo quy mô của từng cụm, điểm di tích sau khi trùng tu và khắc phục một số hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện công tác thu phí tham quan trong thời gian qua. Đối với ý kiến của các đại biểu, ông Lê Trường Lưu cho rằng, thời gian tới cần có đề án nghiên cứu cụ thể hơn.
Nhật Anh
Tác giả: Lam Lê (Tổng hợp)
Nguồn tin: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn