Chiều tối 31/10, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức họp báo triển khai tổng đài 156 để tiếp nhận phản ánh của người dân về các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Tổng đài này sẽ chính thức hoạt động từ ngày mai (1/11).
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, vấn nạn cuộc gọi rác hiện nay là vấn nạn toàn cầu. Trung bình một người Mỹ nhận 31 cuộc gọi rác/tháng; ở Brazil, trung bình một người nhận 30 cuộc gọi rác/tháng; ở Indonesia một người trung bình nhận 14 cuộc gọi rác/tháng, trong khi trung bình một người Việt Nam nhận 12 cuộc gọi rác/tháng.
Đặc biệt, gần đây, cuộc gọi rác đang trở thành vấn nạn lớn ở Việt Nam, nhiều người dân nhận được các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, thậm chí có người bị hại về kinh tế, thời gian, làm ảnh hưởng đến xã hội. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, Bộ trưởng Bộ TT&TT đang chỉ đạo quyết liệt các giải pháp xử lý vấn nạn này.
Tuy nhiên, hiện nay, khi nhận được cuộc gọi lừa đảo, người dân không có kênh nào để phản ánh thông tin. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã nhận trách nhiệm này thuộc về ngành và cho rằng, để giải quyết vấn nạn này, Bộ TT&TT đang cùng các doanh nghiệp thanh tra, kiểm tra và khắc phục nhưng không thể giải quyết ngay tức khắc vấn đề này. Vì vậy, trước mắt, Bộ sẽ triển khai một đầu mối tiếp nhận phản ánh thông tin của người dân về các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, các cuộc gọi rác và tin nhắn rác. Đó là tổng đài 156.
Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động bắt đầu từ ngày mai - 1/11. Trong thời gian này, Bộ TT&TT vẫn tiếp tục duy trì song song đầu số 5656 để tiếp nhận phản ánh các tin nhắn rác như hiện nay.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng yêu cầu các nhà mạng phải chung tay xử lý khi tiếp nhận các cuộc gọi rác, các nhà mạng cần phải phân loại và có hướng xử lý.
Theo thông tin từ Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng đài 5656 -tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn đang hoạt động của Bộ TT&TT đã tiếp nhận 202.949 lượt phản ánh, trong đó tiếp nhận 25.476 lượt phản ánh tin nhắn rác (giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2021); 177.473 lượt phản ánh cuộc gọi rác (tăng 34,2%). Đã chặn 458.7 triệu tin nhắn rác (tăng 67,2% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó phản ánh về cuộc gọi đòi nợ, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo chiếm 12,5%.
Theo kế hoạch do Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông thống nhất triển khai, khi nhận được các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, Bộ TT&TT đề nghị người dân bình tĩnh, thực hiện phản ánh tới đầu số 156 thông qua 2 hình thức gửi tin nhắn hoặc gọi điện tới đầu số 156.
Cụ thể, cách 1: Gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156, trong đó:
+ Với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác: S [số điện thoại][nội dung phản ánh] gửi 156 hoặc V (số điện thoại)(nội dung cuộc gọi rác) gửi 156 hoặc 5656.
+ Với cuộc gọi rác, soạn tin nhắn với cú pháp: V (số điện thoại- nội dung phản ánh) gửi 156 hoặc 5656.
+ Với cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, soạn tin nhắn cú pháp: LD (số điện thoại – nội dung phản ánh) gửi 156 hoặc 5656.
Cách 2: Gọi tới đầu số 156 (các doanh nghiệp viễn thông sẽ áp dụng miễn phí cước cuộc gọi) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan;...) theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng. Từ đó các nhà mạng sẽ có các biện pháp sàng lọc, xác minh, phản hồi khách hàng đồng thời tổng hợp, thông báo tới cơ quan quản lý Nhà nước của Bộ Công an, Bộ TT&TT để có biện pháp xử lý theo quy định.
Cụ thể, các doanh nghiệp viễn thông sẽ xác minh thông tin của số thuê bao có hành vi phản ánh phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi dấu hiệu lừa đảo, từ đó yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao, xử lý vi phạm nếu thông tin thuê bao không đúng quy định theo tại điểm e Khoản 7 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP (tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông 2 chiều nếu không thực hiện và tiếp theo là thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông).
Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông sẽ gửi các nội dung phản ánh tới cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ TT&TT để xác minh các dấu hiệu lừa đảo từ đó xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự.
Hiền Minh
Tác giả: Lam Lê (Tổng hợp)
Nguồn tin: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn