Theo Luật Lực lượng dự bị động viên 2019. Lực lượng dự bị động viên là gì? Đối tượng có thể tham gia vào lực lượng dự bị động viên là ai?
1. Thế nào là lực lượng dự bị động viên?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019, lực lượng dự bị động viên bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị được đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.
Cụ thể như sau:
- Quân nhân dự bị bao gồm sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được đăng ký theo quy định Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi 2008, 2014), Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015. (Theo khoản 2 Điều 2 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019)
- Phương tiện kỹ thuật dự bị là tài sản của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện đường thủy, phương tiện đường không dân dụng, phương tiện xây dựng cầu đường.
Ngoài ra còn có phương tiện xây dựng công trình, phương tiện xếp dỡ hàng hóa, phương tiện thông tin liên lạc, thiết bị vật tư y tế và một số loại phương tiện, thiết bị khác được đăng ký theo yêu cầu biên chế của Quân đội nhân dân. (Theo khoản 3 Điều 2 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019)
2. Độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào lực lượng dự bị động viên trong thời bình
Độ tuổi để quân nhân dự bị sắp xếp vào lực lượng dự bị động viên trong thời bình được quy định tại Điều 17 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 như sau:
- Độ tuổi sĩ quan dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi 2008, 2014).
- Độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào lực lượng dự bị động viên được quy định như sau:
- Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu;
- Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu.
3. Trách nhiệm của quân nhân dự bị được xếp trong lực lượng dự bị động viên
Khi được xếp vào trong lực lượng dự bị động viên, quân nhân dự bị phải có các trách nhiệm như sau:
- Kiểm tra sức khỏe;
- Thực hiện lệnh gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;
- Thực hiện chế độ sinh hoạt đơn vị dự bị động viên và nhiệm vụ do người chỉ huy giao;
- Thực hiện lệnh huy động để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.
(Theo khoản 1 Điều 4 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019)
4. Các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên
Cụ thể tại Điều 24 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019, các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên như sau:
- Khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ.
- Khi thi hành lệnh thiết quân luật.
- Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp.
- Để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.
5. Chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị trong lực lượng dự bị động viên
Theo Điều 30 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019, chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị trong lực lượng dự bị động viên, cụ thể như sau:
- Chế độ tiền lương và phụ cấp đối với quân nhân dự bị:
+ Quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc trong cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cơ quan, tổ chức nơi đang lao động, học tập, làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe.
Trường hợp mức lương, phụ cấp thấp hơn mức lương, phụ cấp áp dụng trong Quân đội nhân dân thì đơn vị Quân đội nhân dân trả phần chênh lệch;
+ Quân nhân dự bị không thuộc các đối tượng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 được đơn vị Quân đội nhân dân cấp một khoản phụ cấp theo ngày làm việc trên cơ sở mức tiền lương cơ bản của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, tại ngũ.
Ngoài ra, hoặc có thể bằng mức phụ cấp theo cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với quân nhân tại ngũ.
- Quân nhân dự bị được cấp hoặc mượn quân trang, đồ dùng sinh hoạt và bảo đảm tiền ăn theo chế độ hiện hành đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.
- Quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc trong cơ quan, tổ chức nếu đang nghỉ phép năm mà được gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, huy động khi chưa đến mức tổng động viên.
Trong trường hợp động viên cục bộ thì những ngày phép còn lại được nghỉ tiếp sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc được nghỉ bù vào thời gian thích hợp.
- Quân nhân dự bị khi thực hiện nhiệm vụ bị thương hoặc hy sinh được công nhận là thương binh hoặc liệt sĩ thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
- Quân nhân dự bị khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng chế độ, chính sách như đối với người lao động làm cùng công việc.
- Quân nhân dự bị tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, chết hoặc bị suy giảm khả năng lao động thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; trường hợp không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Chính phủ.
Tác giả: Mạnh Chung
Nguồn tin: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn