Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại toàn quốc lần thứ X

Thứ sáu - 29/03/2024 10:38

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X nhằm tiếp tục tôn vinh lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại, tạo động lực, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tham gia tuyên truyền, thông tin đối ngoại...

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại toàn quốc lần thứ X

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Phát biểu mở đầu buổi lễ, đồng chí Đỗ Đức Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam - Cơ quan thường trực Giải thưởng lần thứ X cho biết, kế thừa phát huy kết quả của những lần tổ chức trước, thời gian qua, Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chỉ đạo lên kế hoạch, phân công, phân nhiệm cụ thể cho các bộ phận tham gia công tác tổ chức giải.

Đồng chí Đỗ Đức Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam - Cơ quan thường trực Giải thưởng lần thứ X phát biểu.

Theo Phó Tổng Giám đốc Đỗ Đức Hoàng, với hệ thống truyền tải thông tin sâu rộng, thu hút bạn bè quốc tế tham gia, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ góp phần quan trọng là cầu nối hữu hiệu kết nối các tác giả người Việt Nam ở nước ngoài cũng như người nước ngoài tham gia Giải thưởng.

Nhấn mạnh đây là Giải thưởng về thông tin đối ngoại chứ không chỉ là Giải thưởng báo chí về thông tin đối ngoại, đồng chí Đỗ Đức Hoàng cho biết, không chỉ các nhà báo hay các tác phẩm báo chí mà tất cả mọi tầng lớp, lứa tuổi, nghề nghiệp, hình thức thể hiện có liên quan đến công tác đối ngoại... đều có thể tham gia Giải thưởng.

Lễ phát động được tổ chức tại Đài Truyền hình Việt Nam.

Theo đó, Giải thưởng nhằm tiếp tục tôn vinh lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại, tạo động lực, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tham gia tuyên truyền, thông tin đối ngoại; thông qua các tác phẩm/ sản phẩm thông tin đối ngoại mang hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, trí tuệ Việt Nam đến với thế giới cũng như đưa thế giới đến với Việt Nam.

Năm 2024 đánh dấu 10 năm Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại ra đời, cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được thực hiện sau khi Kết luận số 57-KL/TW, ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới” được ban hành.

Sau 10 năm tổ chức, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại ngày càng được mở rộng, đổi mới, phù hợp với sự phát triển của các loại hình tác phẩm/ sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại. Điều này cũng đã góp phần thu hút sự tham gia của đông đảo các đối tượng tác giả/ nhóm tác giả khác nhau, từ các nhà báo, cho đến các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, học sinh sinh viên, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài…

Phát biểu tại Lễ phát động, đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại cho biết, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao chất lượng và sức ảnh hưởng của ngành thông tin đối ngoại tại Việt Nam, đồng thời góp phần vào việc xây dựng và phát triển hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

"Giải thưởng mở ra cơ hội hiểu biết sâu hơn về thế giới chung quanh và gắn kết tầm nhìn của cộng đồng làm công tác thông tin đối ngoại Việt Nam, mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các tổ chức, cá nhân, thúc đẩy sự phát triển chung, đóng góp vào mục tiêu quốc gia về thông tin đối ngoại", Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai nhấn mạnh.

Đồng chí Vũ Thanh Mai nêu rõ, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại sau 9 lần tổ chức đã khẳng định được uy tín, “thương hiệu” của một Giải thưởng quốc gia với nhiều nét độc đáo, riêng có. Điều này được thể hiện ở tính đa dạng, phong phú của 10 hạng mục trao giải; ở đối tượng tham dự từ trong nước tới nước ngoài, từ cán bộ, đảng viên tới nhân dân, bạn bè quốc tế, từ chuyên nghiệp, bán chuyên tới không chuyên.

Đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại không có một giới hạn nào cho sự đổi mới và sáng tạo. Hội đồng Giải thưởng hoan nghênh tất cả các sản phẩm/tác phẩm tới từ mọi miền Tổ quốc, từ mọi quốc gia. Các tác phẩm đạt giải, dưới nhiều hình thức, ngôn ngữ khác nhau nhưng có chung một đặc điểm đó là sự yêu mến đối với Việt Nam trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai...

Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại phát biểu.

Đồng chí Vũ Thanh Mai khẳng định, trong những năm qua cũng như 9 năm tổ chức Giải thưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã chứng kiến sự đổi thay, phát triển không ngừng của đất nước, vị thế, uy tín ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, những nét văn hóa, hình ảnh đặc trưng tiêu biểu về Việt Nam đang thu hút, giành được sự quan tâm, theo dõi của bạn bè quốc tế, xuất hiện với tần suất cao trên các kênh truyền thông quốc tế uy tín, trên mạng Internet.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, Việt Nam đã trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế khi là quốc gia duy nhất được nguyên thủ của hai cường quốc hàng đầu thế giới tới thăm; hoàn tất việc thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thuộc tất cả các châu lục, có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. GDP của nước ta vượt 400 tỷ USD, đứng thứ 3 trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới như lần thứ 4 vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới, lần thứ 5 được bình chọn là Điểm đến Du lịch hàng đầu châu Á. Việt Nam cũng có 3 thành phố được công nhận nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO...

Theo đồng chí Vũ Thanh Mai, đó là kết quả của những chính sách đúng đắn, hiệu quả và nỗ lực vượt bậc của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội sau đại dịch COVID-19.

“Chúng ta tin rằng những thành tựu nêu trên sẽ là nguồn cảm hứng, là chất liệu để các tác giả, nhóm tác giả người Việt Nam cũng như nước ngoài nước sáng tạo nên các tác phẩm, sản phẩm xuất sắc tham gia Giải thưởng lần thứ X này", đồng chí Vũ Thanh Mai nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Quế Lâm, Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế -  Ban Tuyên giáo Trung ương trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí.

Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X xét tặng các tác phẩm/sản phẩm thông tin đối ngoại trong các hạng mục: Video Clip; Các sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại; Ảnh; Truyền hình; Phát thanh; Sách; Báo in tiếng Việt; Báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng Việt; Báo in tiếng nước ngoài; Báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng nước ngoài.

Tác phẩm/sản phẩm được xét tặng Giải thưởng trong năm là các tác phẩm/sản phẩm được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản, phát hành, công bố, sáng tạo, áp dụng ở trong và ngoài nước, trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 30/6/2024. Đối với những tác phẩm/sản phẩm phát hành trước hoặc sau thời điểm nêu trên, phải có 2/3 thời lượng, số lượng tác phẩm/sản phẩm được công bố trong thời gian quy định.

Năm nay, Ban Tổ chức khuyến khích các tác giả/ nhóm tác giả gửi tác phẩm/ sản phẩm tham gia Giải thưởng bằng file điện tử, gửi về địa chỉ email: giaithongtindoingoai10@gmail.com.

Đối với các hạng mục sách, báo in tiếng Việt và tiếng nước ngoài gửi về địa chỉ: Văn phòng Đài Truyền hình Việt Nam, số 43 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội.

Thời hạn cuối cùng nhận tác phẩm là ngày 31/7/2024.

Thế Hoàng 

______________

THỂ LỆ
GIẢI THƯỞNG TOÀN QUỐC VỀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI LẦN THỨ X
-----
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG

 Điều 1. Tên gọi Giải thưởng 

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại (Giải Thông tin đối ngoại) là giải thưởng do Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại phát động hằng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan: Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam…tổ chức. Giải thưởng trao tặng cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm, sản phẩm thông tin đối ngoại xuất sắc, tiêu biểu theo quy định tại Thể lệ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.  

Điều 2. Mục đích, ý nghĩa của Giải thưởng  

1. Khẳng định thông tin đối ngoại là một bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân.

 2. Tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm/sản phẩm xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại.

3. Tạo động lực cho các tập thể, cá nhân tích cực tham gia tuyên truyền, thông tin đối ngoại; tăng cường sự kết nối giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, qua đó phát huy tối đa tính chủ động, tích cực của các lực lượng và nâng cao chất lượng công tác thông tin đối ngoại.

4. Góp phần triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách về thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Điều 3. Các hạng mục Giải thưởng

Giải thưởng xét tặng các tác phẩm/sản phẩm thông tin đối ngoại trong các hạng mục: (1) Video Clip; (2) Các sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại; (3) Ảnh; (4) Truyền hình; (5) Phát thanh; (6) Sách; (7) Báo in tiếng Việt; (8) Báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng Việt; (9) Báo in tiếng nước ngoài; (10) Báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng nước ngoài.

Điều 4. Điều kiện tham gia Giải thưởng

1. Các tác phẩm/sản phẩm được xét tặng Giải thưởng trong năm là các tác phẩm/sản phẩm được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản, phát hành, công bố, thực hiện, tổ chức....ở trong và ngoài nước, trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 30/6/2024. Đối với những tác phẩm/sản phẩm phát hành trước hoặc sau thời điểm nêu trên, phải có 2/3 thời lượng, số lượng tác phẩm/sản phẩm được công bố trong thời gian quy định.

2. Các tác phẩm/sản phẩm đã được trao giải thưởng tại các cuộc thi khác vẫn được quyền tham gia Giải thưởng, nhưng phải ghi rõ mức giải đã được trao, cùng thông tin về đơn vị tổ chức, thời gian diễn ra cuộc thi.

3. Tác phẩm/sản phẩm tham gia Giải thưởng không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm công bố.

4. Tác phẩm/sản phẩm không được tham gia Giải thưởng gồm: loạt tác phẩm báo chí ghép từ những tác phẩm độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau, không có sự tiếp nối loạt bài; tác phẩm đang chờ ý kiến thẩm định của cơ quan chức năng; ảnh ghép, ảnh qua chỉnh sửa làm thay đổi nội dung thông tin của ảnh gốc; vi phạm các quy định về Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật khác.

CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Đối tượng tham gia Giải thưởng

1. Mọi công dân Việt Nam và nước ngoài đều có thể gửi tác phẩm/ sản phẩm thông tin đối ngoại tham gia Giải thưởng.

2. Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả được gửi tối đa 10 tác phẩm/sản phẩm thông tin đối ngoại tham gia Giải thưởng.

3. Thành viên Hội đồng Giải thưởng, Hội đồng Chung khảo, Hội đồng Sơ khảo không được tham gia Giải thưởng.

Điều 6. Tiêu chí xét tặng Giải thưởng

Tác phẩm/sản phẩm được xét tặng Giải thưởng là những tác phẩm/sản phẩm tiêu biểu và đáp ứng cao nhất các tiêu chuẩn xét chọn của Giải thưởng, gồm:

1. Về nội dung

Tác phẩm/sản phẩm có sức lan tỏa trong nước và quốc tế; phục vụ hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, cụ thể là:

- Đẩy mạnh quảng bá về đất nước Việt Nam hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế. Lan toả đến cộng đồng quốc tế lịch sử, truyền thống, hình ảnh đất nước, con người, văn hoá, thành tựu của công cuộc đổi mới, các giá trị, tư tưởng cao đẹp của dân tộc Việt Nam, lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng, tính ưu việt của chế độ, đóng góp của Việt Nam vào kho tàng văn hoá, trí thức nhân loại…; tôn vinh, giới thiệu giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các danh nhân Việt Nam được thế giới vinh danh.

- Phản ánh chân thực, đa dạng về thế giới, giới thiệu những tinh hoa văn hóa nhân loại và tư tưởng tiến bộ của thời đại phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, văn hóa của Việt Nam đến với Nhân dân trong nước.

- Đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc về Việt Nam, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

- Khơi dậy tinh thần yêu nước, củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Khẳng định niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

- Phản ánh sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, tạo thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045.

2. Về hình thức

2.1. Giải thưởng cho video clip và các sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại

Video clip: Một video clip hoặc loạt video clip (không quá 05 sản phẩm) về cùng một sự kiện, chủ đề; được sáng tạo và đăng tải lần đầu tiên trên nền tảng Internet (không tính các tác phẩm báo chí đã đăng phát, sau đó được đăng lại trên nền tảng Internet), có giá trị thông tin đối ngoại. Hình ảnh động; hình ảnh, âm thanh đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn. Hình ảnh, âm thanh được sử dụng trong tác phẩm phải có bản quyền.

Mỗi video clip dự thi có thời lượng không quá 7 phút. Riêng đối với các video clip đăng tải trên các ứng dụng mạng xã hội (facebook, tiktok…), độ dài tối thiểu là 30s, tối đa là 2 phút.

Các sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại: Những sáng kiến, sản phẩm, hoạt động có giá trị thông tin đối ngoại.

2.2. Giải thưởng cho các tác phẩm thuộc lĩnh vực báo chí, xuất bản

Thể loại: Bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, điều tra, ký báo chí, các chương trình phát thanh, truyền hình, sản phẩm thông tin đa phương tiện, ảnh, sách,... theo quy định tại Điều 3 và tại Điều 4.

Tác giả, nhóm tác giả tham gia Giải thưởng gửi tác phẩm thông tin đối ngoại dự thi theo các quy định sau:

Ảnh: Ảnh đơn, Ảnh bộ (không quá 10 ảnh). Riêng đối tin ảnh, phóng sự ảnh cùng nội dung, chỉ tuyển chọn những phóng sự đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử). Không xét ảnh ghép, ảnh chỉnh sửa bằng phần mềm vi tính.

Truyền hình: Một tác phẩm hoặc nhóm tác phẩm (không quá 05 chương trình) về cùng một sự kiện, chủ đề. Thời lượng mỗi chương trình không quá 120 phút. Tác phẩm thể hiện được đặc trưng của báo hình là hình ảnh động; hình ảnh, âm thanh đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn. Hình ảnh, âm thanh được sử dụng trong tác phẩm phải có bản quyền.

Phát thanh: Một tác phẩm hoặc nhóm tác phẩm về cùng một sự kiện, chủ đề, phát một kỳ hoặc nhiều kỳ (không quá 05 kỳ). Thời lượng mỗi tác phẩm không quá 60 phút. Tác phẩm thể hiện được đặc trưng của báo phát thanh là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn. Âm thanh được sử dụng trong tác phẩm phải có bản quyền.

Sách: Một cuốn sách hoặc một bộ sách được xuất bản tại Việt Nam hoặc nước ngoài.

Báo in: Một bài hoặc loạt bài (không quá 05 kỳ), chuyên trang của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài. Nếu tác phẩm được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, chỉ gửi dự thi một tác phẩm tiêu biểu. Cơ quan, cá nhân gửi tác phẩm phải nêu rõ lý do lựa chọn tác phẩm bằng ngôn ngữ dự giải.

Báo điện tử: Một bài hoặc loạt bài (không quá 05 kỳ) thể hiện được đặc trưng của báo điện tử, bao gồm cả các tác phẩm đa phương tiện, của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả, về cùng một sự kiện, đề tài. Là tác phẩm sáng tạo, thực hiện riêng cho báo điện tử; không xét những tác phẩm lấy từ báo in. Nếu tác phẩm được xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ, chỉ gửi dự Giải thưởng một tác phẩm thuộc ngôn ngữ đại diện tiêu biểu. Cơ quan, cá nhân gửi tác phẩm phải nêu rõ lý do lựa chọn ngôn ngữ dự giải và tổng số ngôn ngữ được xuất bản.

Trang thông tin điện tử: Một bài hoặc loạt bài (không quá 05 kỳ), bao gồm cả các tác phẩm đa phương tiện, của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả, về cùng một sự kiện, đề tài. Là tác phẩm sáng tạo, mang đặc trưng báo điện tử; không xét những tác phẩm lấy từ báo in. Nếu tác phẩm được xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ, chỉ gửi dự Giải thưởng một tác phẩm thuộc ngôn ngữ đại diện tiêu biểu. Cơ quan, cá nhân gửi tác phẩm phải nêu rõ lý do lựa chọn tác phẩm bằng ngôn ngữ dự giải.

3. Một số điểm chú ý

- Các tác phẩm, sản phẩm xuất bản tham gia Giải thưởng phải đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam.

- Tác giả/nhóm tác giả có nhiều tác phẩm, sản phẩm tham gia và đoạt Giải chỉ nhận giải thưởng cao nhất.

Điều 7. Hồ sơ tham gia Giải thưởng

 1.Về tác giả

 Sơ yếu lý lịch tác giả gồm: Họ và tên, bút danh, CMTND/CCCD, chức danh hiện tại, đơn vị công tác, số điện thoại di động, email.

Đối với nhóm tác giả có chú thích về người đại diện cho nhóm tác giả.

2. Về tác phẩm/sản phẩm

2.1. Video clip và các sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại

- Đối với video clip: Hồ sơ gồm: Thông tin về tác giả, nhóm tác giả; khái quát về tác phẩm (chú ý nêu bật được tính phát hiện, sức lan tỏa, hấp dẫn, các thông số thể hiện độ lan tỏa, các địa chỉ trên Internet mà video clip được lan tỏa, chia sẻ); Phải gửi đường link tác phẩm có hiệu lực ít nhất trong 5 tháng kể từ thời điểm nộp tác phẩm dự thi theo các dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên Internet như Dropbox, Google drive…;

Riêng đối với các video clip đăng tải trên các ứng dụng mạng xã hội (facebook, tiktok…), phải đảm bảo các yêu cầu về bản quyền, được đăng tải trên tài khoản cá nhân và sử dụng một trong các hashtag sau trên bài đăng: #giaithuongttdn; #ttdn.

Đối với các sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại: Hồ sơ gồm nội dung/thuyết minh sáng kiến của đơn vị, tác giả cụ thể và chứng minh được hiệu quả lan tỏa của sáng kiến.

- Với 02 hạng mục video clip và các sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại, việc gửi tác phẩm/sản phẩm dự thi có thể được thực hiện bằng một trong các hình thức sau đây:

(1) Tác giả, nhóm tác giả gửi tác phẩm/sản phẩm tham gia.

(2) Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động đề xuất và gửi tác phẩm/sản phẩm về Hội đồng Giải thưởng. Lưu ý: Nếu thực hiện theo hình thức này, cần phải có sự thống nhất, đồng thuận giữa đơn vị gửi tác phẩm và tác giả (bằng văn bản).

2.2. Các tác phẩm thuộc lĩnh vực báo chí, xuất bản

Đối với tác phẩm ảnh: Ảnh dự thi có thể gửi theo hai phương thức: (i) Ảnh phóng trên giấy ảnh cỡ 18cm×24cm (ảnh đơn) và 12cm×18cm (đối với ảnh trong nhóm hoặc phóng sự ảnh); (ii) Ảnh dự thi dưới dạng kỹ thuật số, file ảnh có định dạng jpg, dung lượng từ 5Mb - 12Mb, độ phân giải 300 dpi. Trong trường hợp cần thiết, Ban tổ chức có quyền yêu cầu tác giả nộp file gốc để kiểm chứng thông tin. Ảnh không được bo viền, không được đặt bất cứ ký hiệu nhận dạng nào trên ảnh. Không ghi chú thích, chữ ký lên trên ảnh. Ảnh không phù hợp với các quy định trên sẽ bị loại mà không cần báo trước.

Đối với tác phẩm truyền hình: Phải gửi đường link tác phẩm có hiệu lực ít nhất trong 5 tháng kể từ thời điểm nộp tác phẩm dự thi theo các dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên Internet như Dropbox, Google drive…; mỗi đường link ghi 01 tác phẩm và gửi kèm theo file word giới thiệu về tác phẩm (bao gồm tên đơn vị, tác giả, tác phẩm; thể loại; thời lượng; thời gian phát sóng; kịch bản với lời bình chi tiết).

Đối với tác phẩm phát thanh: Phải gửi đường link tác phẩm có hiệu lực ít nhất trong 5 tháng kể từ thời điểm nộp tác phẩm dự thi theo các dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên Internet như Dropbox, Google drive…, mỗi đường link ghi 01 tác phẩm và gửi kèm theo file word giới thiệu về tác phẩm (bao gồm tên đơn vị, tác giả, tác phẩm; thể loại; thời lượng và thời gian phát sóng; lời thuyết minh của tác phẩm).

Đối với tác phẩm báo in: Phải là bản in chính, sao chụp, hoặc file ảnh điện tử của các trang báo có đăng nội dung tác phẩm.

Đối với tác phẩm báo điện tử, trang thông tin điện tử: Phải gửi đường link tác phẩm có hiệu lực lưu trữ thông tin ít nhất trong 5 tháng kể từ thời điểm nộp tác phẩm dự thi. Đối với các tác phẩm là loạt bài dài kì, phải gửi đầy đủ đường link của các kì báo, đảm bảo đúng quy định về thời gian đăng tải tác phẩm (quy định tại Điều 4 của Thể lệ).

Đối với sách: Tác phẩm dự thi có thể gửi dưới hai phương thức: (i) sách in; (ii) sách điện tử, sách nói xuất bản trực tiếp (không phải sách tái bản dưới hình thức điện tử của sách in). Khuyến khích gửi kèm file PDF kèm ảnh chụp cuốn sách qua thư điện tử. Tác phẩm dự giải là phải có văn bản gửi kèm theo thống nhất giữa tác giả và Nhà xuất bản, các đơn vị liên quan (nếu có) về việc tham gia giải và nhận giải thưởng (nếu đoạt giải). Riêng đối với tác phẩm là sách chuyển ngữ có thể gửi dự thi ở hai hạng mục sách và sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại.

3. Những tác phẩm/sản phẩm bị coi là phạm quy (bị loại) là tác phẩm/sản phẩm không đáp ứng các quy định và Hội đồng không hoàn trả các tác phẩm gửi tham gia Giải thưởng.

4. Hội đồng Giải thưởng, Ban Tổ chức Giải thưởng có quyền phát hiện, đề cử các tác phẩm/ sản phẩm phù hợp với tiêu chí tham gia Giải thưởng. Số lượng các tác phẩm/ sản phẩm được đề cử không quá 10% số lượng các tác phẩm/ sản phẩm của mỗi hạng mục Giải thưởng quy định tại Điều 3.

Điều 8. Cơ cấu Giải thưởng

- Cơ cấu Giải thưởng gồm:

+ Giải thưởng được trao cho các tác phẩm/sản phẩm thuộc các hạng mục như Điều 3.

+ Cơ cấu Giải thưởng: 01 Giải Đặc biệt của tất các hạng mục; 01 Giải Nhất, 02 Giải Nhì, 03 Giải Ba và 05 Giải Khuyến khích cho từng hạng mục.

- Số lượng Giải thưởng sẽ do Hội đồng Giải thưởng quyết định theo thực tế chất lượng tác phẩm/sản phẩm dự thi.

Điều 9. Quyền lợi của các tác giả đoạt Giải thưởng

1. Đối với tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm/sản phẩm đoạt Giải, phần thưởng gồm có:

- Biểu trưng của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại.

- Chứng nhận của Hội đồng Giải thưởng.

- Tiền thưởng theo quy định Giải thưởng.

2. Các tổ chức, tập thể, cá nhân đoạt giải được sử dụng, khai thác biểu trưng của Giải thưởng cho các hoạt động quảng bá, tuyên truyền; được các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị chủ quản khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Quy trình xét, công bố và trao Giải thưởng

- Hội đồng Sơ khảo có trách nhiệm xét chọn sơ tuyển các tác phẩm/sản phẩm xuất sắc trên các tiêu chí định tính và định lượng phù hợp, theo từng ngôn ngữ mà tác phẩm được trình bày để đề cử vào vòng chung khảo.

- Hội đồng Chung khảo tiến hành đánh giá, thẩm định và lựa chọn các tác phẩm xuất sắc nhất trên cơ sở xét chọn của Hội đồng Sơ khảo để trình Hội đồng Giải thưởng xem xét, quyết định.

Trên cơ sở kết quả xét chọn của Hội đồng Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng có trách nhiệm thẩm định và báo cáo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương phê duyệt danh sách các tác phẩm đoạt giải (thông qua Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng Ban Tuyên giáo Trung ương).

Số lượng giải do Hội đồng Giải thưởng quyết định trên cơ sở Thể lệ Giải thưởng. Việc lựa chọn các tác phẩm xuất sắc để trao giải không nhất thiết phải xét đủ số lượng giải thưởng của mỗi loại hình dự thi.

Điều 11. Lễ công bố và trao Giải thưởng

Lễ công bố và trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại hằng năm dự kiến được tổ chức vào Quý III hàng năm và truyền hình trực tiếp trên kênh Đài Truyền hình Việt Nam.

Điều 12. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm

1. Các cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét trao Giải thưởng và những vi phạm quy định, trình tự, thủ tục xét trao Giải thưởng. Đơn khiếu nại phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, lý do khiếu nại và gửi tới Cơ quan thường trực Giải thưởng. Cơ quan thường trực Giải thưởng có trách nhiệm xem xét và trả lời đơn khiếu nại, báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại lên Hội đồng Giải thưởng.

2. Hội đồng Giải thưởng sẽ thu hồi Giải thưởng, thông báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp sau: (i) các tác phẩm/sản phẩm tham gia Giải thưởng nếu vi phạm Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ, các quy định của Nhà nước có liên quan; (ii) việc lợi dụng Giải thưởng được trao để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

3. Hội đồng không xem xét đơn không có tên, địa chỉ không rõ ràng hoặc mạo danh. Việc thu hồi Giải thưởng sẽ được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng./.

BAN CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI

Tác giả: Tuấn Ngọc

Nguồn tin: tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 240 trong 48 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 48 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây