Hiện nay, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) ở Việt Nam được thực hiện theo Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Tại các văn bản này, đã phân công rõ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm cho 3 Bộ, ngành quản lý trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm; đồng thời, phân cấp mạnh mẽ giữa Trung ương và chính quyền địa phương các cấp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Theo phân công tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Bộ Y tế quản lý 6 nhóm ngành hàng, Bộ Công Thương quản lý 8 nhóm ngành hàng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 19 nhóm ngành hàng.
Về tổ chức bộ máy nhà nước thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các Bộ ngành có các đầu mối như: Cục An toàn thực phẩm thuộc (Bộ Y tế), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (nay là Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Tại các địa phương, cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp tỉnh là các cơ quan chức năng thuộc 3 Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương. Riêng tại 3 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng, Tỉnh Bắc Ninh đã được triển khai thí điểm Ban quản lý an toàn thực phẩm trực thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh.
Tại tuyến huyện/thị, phân công Phòng Y tế quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; Phòng Kinh tế quận hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc ngành Công Thương, ngành Nông nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW khoá XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị định số 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức bộ máy làm công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, nông lâm thủy sản ngành Nông nghiệp, an toàn thực phẩm ngành Công Thương tại một số địa phương biến động theo hướng cắt giảm biên chế, nhân lực; một số tỉnh giảm đầu mối quản lý an toàn thực phẩm, một số tỉnh sát nhập Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành một phòng thuộc Sở Y tế, ảnh hưởng đến quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn và sự thống nhất quản lý từ Trung ương đến địa phương.
Mô hình tổ chức Ban Quản lý an toàn thực phẩm trực thuộc UBND tỉnh/ Thành phố được bắt đầu thí điểm vào năm 2016, khởi điểm thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2017 tại Thành phố Đà Nẵng và năm 2018 tại tỉnh Bắc Ninh. Ban quản lý an toàn thực phẩm là cơ quan tương đương cấp sở thuộc UBND Tỉnh/ Thành phố thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở hợp nhất chức năng, nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm của 3 sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Qua thời gian hoạt động, bước đầu có những sơ bộ đánh giá hiệu quả của mô hình Ban quản lý an toàn thực phẩm như sau:
Thứ nhất, việc tập trung một đầu mối quản lý nhà nước về cơ quan Ban quản lý an toàn thực phẩm giúp phản ứng nhanh hơn trước những diễn biến liên tục về tình hình an toàn thực phẩm trong xã hội, các mối nguy về an toàn thực phẩm sẽ được khắc phục sớm hơn.
Thứ hai, việc tập trung một đầu mối sẽ giúp có tầm nhìn về an toàn thực phẩm bao quát hơn; nhận diện mối nguy, phân tích mối nguy và quản lý mối nguy về an toàn thực phẩm một cách có hệ thống và toàn diện hơn.
Thứ ba, việc tập trung một đầu mối, dẫn đến tập trung nguồn lực điều này cho phép giải quyết triệt để hơn, chủ động hơn, hiệu quả hơn các vấn đề cấp bách về an toàn thực phẩm. Giải quyết hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác quản lý an toàn thực phẩm, tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện. Mọi hoạt động từ thanh tra, xử lý vi phạm hành chính đều nhanh chóng, thông suốt và đủ sức răn đe.
Thứ tư, việc tập trung đầu mối dẫn đến việc thành lập cơ quan quản lý nhà nước tuyến tỉnh tương đương cấp sở đã nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong hệ thống hành chính, đảm bảo đủ thẩm quyền quản lý an toàn thực phẩm một cách chuyên sâu, xuyên suốt và hiệu quả hơn.
Thứ năm, việc tập trung đầu mối cơ quan quản lý nhà nước tuyến tỉnh giúp tổ chức, công dân thực hiện thủ tục hành chính được thuận lợi hơn; việc hướng dẫn, giải đáp, khiếu nại được nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, do đang ở giai đoạn thí điểm nên mô hình Ban quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn những bất cập, gặp nhiều hạn chế trong quyền hạn dẫn đến quá trình hoạt động chưa đạt được hiệu quả tối đa. Nguyên nhân là do chưa phải là một mô hình chính thức, một số quy định pháp luật chưa thể áp dụng, cụ thể:
Một là, chưa có cơ quan đầu mối ở Trung ương, chưa có bộ chủ quản, việc nhận chỉ đạo điều hành có lúc còn chưa thông suốt.
Hai là, Ban quản lý an toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn, tương đương cấp sở, có chức năng tham mưu UBND tỉnh/thành phố tổ chức thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn, tuy nhiên vì là mô hình thí điểm nên bị hạn chế một số thẩm quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đặc biệt trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính.
Ba là, mô hình tập trung đầu mối về quản lý an toàn thực phẩm mới triển khai ở cấp tỉnh/thành phố. Đối với cấp quận/huyện, vẫn thực hiện phân công quản lý an toàn thực phẩm theo 3 ngành. Với nguồn nhân lực mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm, nên việc kết nối quản lý theo hệ thống từ tỉnh/thành phố đến quận/huyện và phường/xã còn hạn chế.
Bốn là, chưa có hệ thống hành chính cấp dưới tại các quận/huyện, xã/phường (vẫn còn thuộc cơ quan Y tế, Công Thương và Nông nghiệp); chưa có hệ thống ngành dọc thông suốt ở quận, huyện nên việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Hiện nay, Trưởng phòng công tác thanh tra, Đội trưởng các Đội Quản lý an toàn thực phẩm của Ban quản lý an toàn thực phẩm tham gia thành viên Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tuyến quận, huyện nhưng việc tiếp cận thực tế hoạt động và trực tiếp, thường xuyên tham gia công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tuyến quận/huyện còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Việc thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm là cơ quan quản lý nhà nước tuyến tỉnh/thành phố tương đương cấp sở, nếu được hình thành từ bộ khung các nhân sự chủ chốt từ các phòng ban của sở biệt phái sang để xây dựng và kế thừa sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Ngoài ra, còn một số tồn tại, hạn chế khác như:
Do Ban quản lý an toàn thực phẩm mới chỉ là mô hình thí điểm dẫn đến sự do dự về đầu tư các nguồn lực: nhân lực, vật lực, tài lực; vì cho rằng thí điểm là không lâu dài và chắc chắn. Điều này dẫn đến điều kiện phát triển, điều kiện hoạt động của Ban quản lý an toàn thực phẩm hạn chế, chưa phát huy hết ưu điểm, chưa bộc lộ hết hạn chế để đánh giá, rút kinh nghiệm.
Việc thí điểm dẫn đến kém sức cạnh tranh trên thị trường sức lao động, khó thu hút được nguồn lực có chất lượng đúng với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Việc thí điểm dẫn tới việc gặp khó khăn trong công tác quy hoạch cán bộ, do có thể ngưng hoạt động bất cứ lúc nào, nhân viên khó yên tâm công tác. Quyền và nghĩa vụ của cán bộ chưa được quy định tường minh trong hệ thống pháp luật, dẫn đến khó khăn trong việc thực thi công vụ. Vai trò, vị trí của Ban quản lý an toàn thực phẩm trong hệ thống sở, ban, ngành chưa được thể hiện đầy đủ, còn sự bỏ ngỏ trong một số hoạt động của các tỉnh, thành phố. Mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của Ban quản lý an toàn thực phẩm với đối tượng quản lý chưa ổn định nên công tác quản lý chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Trên cơ sở các đánh giá của 3 tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương như Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng, Tỉnh Bắc Ninh về thực tiễn triển khai mô hình Ban quản lý an toàn thực phẩm cho thấy, những đánh giá tích cực trong quản lý an toàn thực phẩm, đáp ứng được chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về thu gọn đầu mối quản lý, đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.
Thấy rõ được điểm này, ngày 21/10/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Tại Chỉ thị đã nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới nhằm đạt mục tiêu: đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm. Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm, Chỉ thị đã nêu rõ nhiệm vụ: “Cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương tới địa phương. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảman ninh, an toàn thực phẩm. Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; có chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ này”.
Về tổ chức thực hiện, Ban Bí thư đã giao cho Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực hiện Luật An toàn thực phẩm; nghiên cứu kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Hiện nay, các cơ quan được giao nhiệm vụ đang khẩn trương ban hành kế hoạch, chương trình để triển khai các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra trong Chỉ thị, nhằm sớm đưa đường lối, chính sách của Trung ương vào cuộc sống xã hội.
Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục vệ sinh An toàn thực phẩm, Bộ Y tế
Tác giả: Lam Lê (Tổng hợp)
Nguồn tin: tuyengiao.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn