Các Hội nghị Cấp cao lần này là dịp để Lãnh đạo các nước trao đổi về các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, kiểm điểm và định hướng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, và thảo luận về nhiều vấn đề chiến lược ở khu vực và thế giới.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan sẽ diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia, từ ngày 10-13/11/2022. Các Hội nghị Cấp cao lần này đánh dấu sự nối lại các trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa các Lãnh đạo sau hơn hai năm bị gián đoạn do dịch bệnh COVID-19. Đây sẽ là dịp để Lãnh đạo các nước trao đổi về các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, kiểm điểm và định hướng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, và thảo luận về nhiều vấn đề chiến lược ở khu vực và thế giới.
Trong khuôn khổ các Hội nghị Cấp cao, dự kiến sẽ có hơn 20 hoạt động, với sự tham dự của Lãnh đạo các nước ASEAN và 10 đối tác, trong đó có Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41, các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1, ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS). Dịp này, cũng sẽ diễn ra Đối thoại Toàn cầu ASEAN lần thứ 2 với sự tham dự của Lãnh đạo các nước ASEAN và đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á… để trao đổi về các nỗ lực phục hồi kinh tế ở toàn cầu và khu vực.
Dịp này, ASEAN dự kiến thông báo thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện (CSP) với Mỹ và Ấn Độ. Lãnh đạo các nước cũng dự kiến sẽ thông qua và ghi nhận hơn 100 văn kiện về nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Các Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực chứng kiến nhiều biến động, bất ổn. Đại dịch COVID-19 kéo dài, tình hình Biển Đông, Myanmar, xung đột Nga-Ukraine, Bán đảo Triều Tiên diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều hệ lụy đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển.
Kinh tế thế giới có những dấu hiệu phục hồi sau dịch bệnh nhưng chưa bền vững (Theo báo cáo của Moody’s Analytics, châu Á – Thái Bình Dương dự báo sẽ tăng trưởng 4,3% năm 2022, chậm hơn so với dự báo 5,6%. Mặc dù phục hồi chậm lại, nhưng tăng trưởng có thể tăng tốc năm tới khi các hạn chế dịch bệnh được nới lỏng), cơ bản do tắc nghẽn chuỗi cung ứng, dịch chuyển trong phương thức hoạt động của các nền kinh tế và thiếu hụt lao động… Châu Á-Thái Bình Dương nổi lên là khu vực phục hồi nhanh song do chịu nhiều tác động nên kinh tế khu vực cũng chưa thực sự bền vững (Theo Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới xuống 2,9% (so với 5,9% năm 2021).
Trong bối cảnh đó, ASEAN đoàn kết, thống nhất trên nhiều vấn đề, đạt được những kết quả tích cực trong tiến trình xây dựng Cộng đồng (Đến nay, ASEAN đã triển khai được 98% các dòng hành động trong Kế hoạch Tổng thể của trụ cột Chính trị-An ninh, 88,3% trong trụ cột Kinh tế, 72% trong trụ cột Văn hóa-Xã hội, và triển khai 14/15 sáng kiến thuộc 5 lĩnh vực chiến lược của Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC)).
Cùng với việc đẩy nhanh hoàn tất đúng hạn các Kế hoạch Tổng thể trên 3 trụ cột Cộng đồng vào năm 2025, ASEAN bắt đầu thảo luận Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 với các định hướng tổng thể là củng cố đoàn kết, tự cường, thích ứng và vai trò trung tâm của ASEAN. Chuyển đổi số (ASEAN đang trao đổi về Chiến lược Hợp nhất về Cách mạng Công nghiệp 4.0, gồm 3 lĩnh vực trọng tâm là (i) Quản trị công nghệ và an ninh mạng; (ii) Kinh tế số; và (iii) Chuyển đổi kỹ thuật số trong xã hội), tăng trưởng xanh, những xu thế tất yếu hiện nay, cũng ngày càng được quan tâm và đẩy mạnh trong ASEAN. Tuy nhiên, ASEAN đang gặp phải rất nhiều thách thức cả từ bên trong và bên ngoài, trong đó có vấn đề Myanmar, gia tăng cạnh tranh nước lớn, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai…
Nhận lời mời của Thủ tướng Campuchia, Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. Chuyến công tác có ý nghĩa quan trọng. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng trực tiếp dự các hoạt động của Lãnh đạo ASEAN và giữa ASEAN với nhiều đối tác.
Tại các Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có các bài phát biểu quan trọng, chia sẻ quan điểm, lập trường cũng như các đề xuất của Việt Nam củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh liên kết khu vực, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, và trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực với cách tiếp cận cân bằng và hài hòa.
Với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đóng góp thực chất cho công việc chung của ASEAN. Đây cũng là dịp để Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin, chia sẻ về các chính sách, nỗ lực và những thành công trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sau dịch bệnh. Cùng với các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN, Thủ tướng sẽ có nhiều cuộc gặp, tiếp xúc với Lãnh đạo các nước và đối tác để trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm.
Mạnh Hùng
Tác giả: Lam Lê (Tổng hợp)
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn