Chung tay chăm sóc trẻ em khuyết tật!

Thứ tư - 10/04/2024 09:07

Mỗi chúng ta sinh ra ai cũng mong mình được sống khỏe mạnh, làm việc và có một mái ấm hạnh phúc! Là những người bố, người mẹ, ai cũng mong muốn con mình sinh ra được lành lặn, lớn lên bình thường, khỏe mạnh. Nhưng cuộc đời đâu có suôn sẻ với tất cả mọi người. Cuộc sống luôn chứa đựng những cảnh đời nghiệt ngã. Chúng ta sẻ chia những nỗi đau của những cặp vợ chồng vật vã nuôi những đứa con tàn tật, sinh ra đã không bình thường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê, tính đến 31 tháng 12 năm 2023, cả nước có khoảng trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 28,3%, tương đương gần 2 triệu trẻ em [1]. Trong đó, các em bị tật nguyền chủ yếu ở các dạng như: điếc (khuyết tật thính giác, mất khả năng nghe); mù, lòa (khuyết tật thị giác - khiếm thị); què, quặt, liệt (khuyết tật vận động, bị tổn thương các cơ quan vận động như tay, chân, cột sống gây ra khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại, đứng, ngồi hay nằm); câm (khuyết tật ngôn ngữ, bị tật ở cơ quan tiếp nhận chỉ huy ngôn ngữ vùng não và tổn thương của bộ phận phát âm làm ảnh hưởng đến ngôn ngữ giao tiếp của trẻ; thiểu năng não (khuyết tật trí tuệ, suy giảm năng lực nhận thức, chỉ số thông minh thấp, trẻ không thích nghi được các hoạt động xã hội); đa tật (bị nhiều loại khuyết tật cùng lúc)....

Trong số các em bị tàn tật, có rất nhiều em do sinh ra từ cha mẹ từng bị phơi nhiễm do ảnh hưởng chất độc da cam trong chiến tranh, phải tiếp tục mang những dị tật bẩm sinh cả về thể xác lẫn trí tuệ, thường bị các dị tật như hở hàm ếch, thiếu hoặc thừa ngón chân, ngón tay, não úng thủy, vô sọ, thoát vị não - màng não, thoát vị tủy - màng tủy...

Chúng ta, dù ít hay nhiều, trong khu dân cư, trên các con phố, hay trong các bệnh viện, trường học..., đã từng gặp những trẻ em chịu số phận đặc biệt như thế mới cảm nhận tận cùng sự mất mát, thiệt thòi. Có những em do di chứng của chất độc da cam có khi cả đời cuộc sống chủ yếu trong các bệnh viện, trung tâm bảo trợ xã hội. Có những em may mắn hơn, có thể không đi lại được nhưng lại nói được, vẫn có thể học hành được và làm được những việc nhẹ. Có những em tự kỷ từ bé, dù đi lại được nhưng lại vô thức, hò hét không rõ tiếng... Và có cả những em cả cuộc đời mấy chục năm từ lúc sinh ra đến lúc ra đi mãi mãi cũng chỉ cảm nhận lơ mơ, không rõ ai là bố, là mẹ đẻ của mình. Rồi có cả những trường hợp bất hạnh, đón nhận những tận cùng của nỗi đau khi phải xa đứa con ruột của mình, suốt cả mấy chục năm trời nuôi nấng, nhưng chủ yếu là ốm đau, bệnh tật, chưa biết gọi bố, gọi mẹ dù chỉ một lần!

Và điều đáng lo lắng là đa số các em bị khuyết tật đều trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Có những em bị mồ côi cha mẹ. Có những em bị bỏ rơi do khuyết tật. Có những em may mắn bị bệnh nhẹ được học hành, chăm sóc ở các trường, trung  tâm nhân đạo. Nhưng không ít em thiệt thòi hơn, do gia đình rất nghèo nên phải kiếm sống ngoài đường phố bằng nhiều nghề để mưu sinh, chữa trị bệnh lúc đau, ốm...

Phác họa như thế để thấy trẻ em khuyết tật rất cần được quan tâm đặc biệt hơn nữa của Đảng, Nhà nước và cả xã hội. Và tất yếu đòi hỏi mỗi chúng ta cần phải làm, làm rất nhiều điều hơn nữa để có thể xoa dịu, vơi đi những thiệt thòi của các trẻ em khuyết tật. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, trẻ em khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cả xã hội quan tâm.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam [2], Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức cho biết: Thực hiện chính sách trợ giúp đời sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho ngời khuyết tật (NKT), năm 2023, ngân sách Nhà nước đã bố trí 31,3 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và 489 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục với NKT. Đã có 1,6 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng, 342.329 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các tổ chức của NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của NKT, điển hình như: Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được 552 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy ra tiền); Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các Hội thành viên vận động tài trợ được gần 555 tỷ đồng; Hội Người mù Việt Nam vận động hơn trên 118 tỷ đồng và nhiều phần quà có giá trị; Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam vận động được hơn 7,7  tỷ đồng (bao gồm 5,9 tỷ đồng tiền mặt và 1,8 tỷ đồng hiện vật quy ra tiền). Các hoạt động trợ giúp NKT được triển khai rất đa dạng, đáp ứng thiết thực nhu cầu của đối tượng được trợ giúp.

Năm 2023, nhiều NKT được dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế. Trong đó, Hội người mù Việt Nam mở 91 lớp cho 1.192 học viên học nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học, chăn nuôi, đan lát. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam dạy nghề cho 1.421 học viên, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tổ chức 33 lớp dạy nghề cho 596 trẻ em khuyết tật... Thông qua nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động đã cho 1.314 dự án của người lao động là NKT vay vốn và tạo việc làm cho 8.838 lao động khuyết tật…

Nhưng rõ ràng là dù có cố gắng rất nhiều nhưng do nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nên chính sách, dù ưu ái đến mấy vẫn chưa đủ sức chăm sóc đầy đủ trẻ em khuyết tật, nhất là lúc các em ốm đau, bệnh tật hiểm nghèo. Vì thế trẻ em khuyết tật và gia đình của các em vẫn còn rất nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự chung tay đùm bọc, chở che, chăm sóc của cả xã hội.

Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền, truyền thông chính sách bảo trợ xã hội cho trẻ khuyết tật rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 và tháng hành động vì trẻ em hằng năm, các cơ quan báo, tạp chí cần mở chuyên mục, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách, pháp luật về chăm sóc trẻ em khuyết tật như: Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Luật Người khuyết tật; Luật Trẻ em; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025...

Đồng thời, nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam, cần tổ chức các cuộc vận động với quy mô cả nước và cấp tỉnh, thành phố để quyên góp vật chất giúp đỡ trẻ em khuyết tật. Trên cơ sở tổng kết đợt quyên góp, đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ, nhân rộng những tấm lòng nhân ái của các điển hình tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trợ giúp trẻ em khuyết tật.

Ngoài ra, cần tiếp tục tuyên truyền, kêu gọi vận động thường xuyên các nhà tài trợ trong và ngoài nước trợ giúp sản xuất dụng cụ chỉnh hình, phẫu thuật và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật nặng; hỗ trợ trẻ khuyết tật học nghề, tạo việc làm; xây dựng các mô hình hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học nghề gắn với tạo việc làm, liên kết với doanh nghiệp, vận động các nhà tài trợ hỗ trợ thử nghiệm mô hình này ở một số địa phương; khuyến khích nhận nuôi dưỡng trẻ khuyết tật trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước về nuôi dưỡng tại cộng đồng thông qua các hình thức gia đình hoặc cá nhân nhận nuôi dưỡng, nhận đỡ đầu, nhận nuôi con nuôi và chăm sóc tại Nhà xã hội; xây dựng mô hình điểm Nhà xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở cấp xã, phường; thí điểm việc chuyển đổi phương thức chăm sóc tập trung trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước sang chăm sóc tập trung tại mô hình “gia đình quy mô nhỏ" ở các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.

TS. Trần Doãn Tiến


(1) https://asvho.vn/uy-ban-quoc-gia-ve-nguoi-khuyet-tat-viet-nam-tong-ket-hoat-dong-nam-2023-va-de-ra-phuong-huong-nhiem-vu-nam-2024-a2477.html

(2) https://asvho.vn/uy-ban-quoc-gia-ve-nguoi-khuyet-tat-viet-nam-tong-ket-hoat-dong-nam-2023-va-de-ra-phuong-huong-nhiem-vu-nam-2024-a2477.html

Tác giả: Tô Ngân

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 130 trong 26 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 26 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây