Đảm bảo công bằng xã hội trong phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Thứ năm - 18/07/2024 10:48

Giảm thiểu bất bình đẳng về cơ hội giáo dục là nhiệm vụ cấp bách cần quyết tâm thực hiện nhằm đảm bảo phân phối công bằng cơ hội phát triển, công bằng xã hội.

Đảm bảo công bằng xã hội trong phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số

THÀNH TỰU TRONG GIẢM THIỂU BẤT BÌNH ĐẲNG VỀ CƠ HỘI GIÁO DỤC

Trong đường lối phát triển giáo dục, Đảng ta luôn xác định thực hiện công bằng xã hội trong phát triển giáo dục nói chung và công bằng xã hội phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS) là một mục tiêu quan trọng, cấp bách. Thực tiễn phát triển giáo dục vùng DTTS thời gian qua cho thấy, công bằng xã hội trong giáo dục và phát triển giáo dục nơi đây đã được cải thiện rõ nét. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành một hệ thống các chủ trương, đường lối, chính sách để thực hiện mục tiêu này, thông qua đó, kịp thời hỗ trợ, đầu tư phát triển giáo dục và tạo cơ hội bình đẳng trong thụ hưởng chính sách phát triển giáo dục tới đông đảo tầng lớp nhân dân vùng DTTS.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS, giáo dục vùng đồng bào DTTS đã có những bước chuyển biến và khởi sắc đáng kể. Đó là việc miễn, giảm học phí, cấp học bổng và các chính sách hỗ trợ khác đã tạo điều kiện cho đại bộ phận con em các gia đình nghèo, diện chính sách được học tập, trước hết ở các cấp học phổ cập. Quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục các cấp học từ mầm non tới tiểu học, trung học ở vùng DTTS, miền núi tiếp tục được giữ vững và nâng cao. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và các cơ sở giáo dục vùng DTTS được duy trì, phát triển và được tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Chế độ chính sách với nhà giáo, cán bộ quản lý, người học và cơ sở giáo dục ở vùng DTTS tiếp tục được hoàn thiện và triển khai có hiệu quả góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh DTTS đi học, nâng cao chất lượng dạy và học vùng DTTS. Công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được tăng cường và bảo đảm chất lượng. Phong trào xã hội hóa giáo dục phát triển khá tốt ở nhiều địa phương. Từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành quyết định cho vay tín dụng đối với học sinh học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên đại học, cao đẳng có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập, đồng thời động viên các gia đình nghèo cho con em học tập ở các trình độ cao. Chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên được áp dụng đã góp phần hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại.

Nhờ đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, khoảng cách chênh lệch về cơ hội học tập giữa các vùng, miền, thành thị, nông thôn và các nhóm dân tộc, nhóm thu nhập thấp được cải thiện. Ngày càng có nhiều con em gia đình nghèo vùng DTTS được tiếp cận với giáo dục ở các bậc học cao hơn. Theo báo cáo tháng 3/2024 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), giá trị HDI của Việt Nam năm 2022 là 0,726, đứng thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 đến năm 2022, giá trị HDI của Việt Nam thay đổi từ 0,492 lên 0,726, tăng gần 50%. Vào những năm 1990 khi UNDP đưa ra chỉ số phát triển con người HDI, Việt Nam ở vị trí tương đối thấp trong bảng xếp hạng, nhưng đến nay Việt Nam đang ở giữa bảng xếp hạng và liên tục tiến bộ trong 30 năm qua. Như vậy, chỉ số phát triển giới và chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam đang ngày càng thu hẹp khoảng cách rõ rệt. Việt Nam vẫn là quốc gia có mức phát triển con người cao trong suốt những năm khó khăn của đại dịch COVID-19. Phát triển con người tiếp tục là trọng tâm trong chiến lược phát triển của đất nước và chúng ta đã thấy những kết quả đáng kể trong những thập kỷ qua.

Với nỗ lực mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng kể trong giảm thiểu bất bình đẳng về cơ hội giáo dục. Mức độ bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục là khá cao về số lượng. Kết quả Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2018 cho thấy tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp trong cả nước, trong đó bao gồm cả học sinh vùng DTTS có xu hướng tăng qua các năm, đặc biệt ở cấp trung học phổ thông. Xét trên phạm vi cả nước, tỷ lệ đi học đúng tuổi bậc tiểu học năm 2008 là 88,3%, trung học cơ sở là 78,4%, trung học phổ thông là 54,2%. Các con số này tăng lên 93,0% - 84,4% - 63,1% vào năm 2014 và đạt 97,3% - 92,1% - 72% năm 2018. Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo được mở rộng về quy mô; giáo dục và đào tạo ở những vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Các loại hình trường và phương thức cung ứng được đa dạng hóa tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn hơn trong lĩnh vực giáo dục cho người dân.

Vấn đề bình đẳng giới giữa các cấp học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng có chiều hướng thu hẹp rõ nét. Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi của cấp tiểu học của các tỉnh miền núi phía Bắc là 100,5% và 98,1%; cấp THCS là 93,5% và 90,1%; cấp THPT là 68,4% và 65,1%(8). Ở cấp tiểu học, không có sự khác biệt giữa các vùng kinh tế - xã hội. Cấp học càng cao thì khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ đi học chung giữa vùng kinh tế - xã hội càng lớn, cụ thể: cấp THCS, tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi của các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc đều cao hơn tỷ lệ toàn quốc; trong khi đó ở cấp THPT thì tỷ lệ này thấp hơn không đáng kể so với tỷ lệ toàn quốc. Như vậy, mức độ tiếp cận với giáo dục phổ thông của học sinh các tỉnh miền núi phía Bắc đã được cải thiện, cơ hội đi học theo đúng độ tuổi quy định của trẻ em các tỉnh miền núi phía Bắc cũng từng bước được đảm bảo hơn so với các vùng khác trong cả nước.

Công bằng xã hội trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trung cấp, cao đẳng và đại học đã đạt được những kết quả nhất định. Chính phủ ban hành chính sách cử tuyển và các trường chuyên nghiệp, chính sách dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, chính sách dạy nghề cho người khuyết tật. Vừa qua, Chính phủ tiếp tục thông qua Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 về ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Trong các mục tiêu cụ thể của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, ở chỉ tiêu 1, mục tiêu 5 ghi rõ, nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ năm 2025 trở đi. Đây là những chủ trương, chính sách cần thiết và hết sức đúng đắn, góp phần thực hiện công bằng xã hội theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng; Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Công tác dân tộc trong tình hình mới”.

Chủ trương phát triển quy mô, mở rộng mạng lưới trường, lớp tạo được nhiều cơ hội học tập cho nhân dân và con em họ tại vùng dân tộc thiểu số góp phần bảo đảm công bằng xã hội trong triển khai chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và tập trung đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp ở các vùng dân tộc thiểu số. Kết quả là, hầu như các xã vùng cao có lớp mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi, có các nhóm trẻ gắn với trường tiểu học, tỷ lệ trẻ đi học mẫu giáo tăng. Mạng lưới trường lớp tiểu học đã phủ kín các xã; trường, lớp gần dân hơn, tạo thuận lợi cho học sinh đi học. Tốc độ phát triển bậc học THCS khá nhanh, các huyện miền núi vùng cao đều có trường THPT hoặc trường trung học liên cấp THCS và THPT. Trong những năm gần đây, số học sinh là con em đồng bào vùng dân tộc thiểu số đã tăng lên ở mọi cấp học. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú có tác dụng lớn với việc tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số cho các tỉnh. Nhiều huyện vùng dân tộc thiểu số đã thành lập các trường, lớp phổ thông dân tộc bán trú dân nuôi. Chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông dân tộc nội trú có nhiều chuyển biến. Đa số học sinh có đạo đức tốt, tỷ lệ học sinh lên lớp, tốt nghiệp, trúng tuyển vào các đại học, cao đẳng, trung cấp ngày càng tăng, có số học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia tăng. Chỉ tiêu cử tuyển tăng dần theo từng năm. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi trong thực hiện chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Chính sách cử tuyển là cơ sở pháp lý quan trọng để các đối tượng là người dân tộc thiểu số rất ít người; người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số thụ hưởng các cơ hội vào học tại các bậc học khác nhau, góp phần quan trọng vào việc giải quyết nguồn nhân lực cho các địa phương vùng dân tộc thiểu số.

Việc dạy tiếng dân tộc trong nhà trường vùng dân tộc thiểu số được chú trọng nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao. Dạy học tiếng dân tộc đã đem lại lợi ích to lớn về giáo dục cho người DTTS. Dạy tiếng dân tộc là dạy ngôn ngữ, dạy văn hoá, dạy tri thức bản địa và các tri thức nhân loại cho học sinh, giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Hơn thế, dạy tiếng dân tộc đã góp phần khích lệ, động viên học sinh, huy động học sinh đến trường và hạn chế tình trạng bỏ học của học sinh. Đây được coi là một giải pháp thiết thực trong thực hiện chính sách công bằng trong giáo dục vùng đồng bào DTTS.

"Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách..." (Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo). 

GÓP PHẦN ĐẢM BẢO PHÂN PHỐI CÔNG BẰNG CƠ HỘI PHÁT TRIỂN, CÔNG BẰNG XÃ HỘI

Bên cạnh những thành tựu lớn của việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong vấn đề công bằng xã hội trong phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy vấn đề này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như:

Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương vùng đồng bào DTTS về vấn đề công bằng xã hội trong phát triển giáo dục còn có những hạn chế nhất định khiến cho việc triển khai chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về vấn đề này còn chưa thực sự hiệu quả, chưa thực sự bền vững.

Việc triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS trong bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền trong cả nước còn chênh lệch lớn; địa bàn người dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở vùng núi, vùng sâu vùng, vùng xa, mật độ dân cư thấp, giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh đến trường. Do vậy, đây là những cản trở cho kết quả triển khai thực hiện chủ trương, chính sách này.

Xét theo chiều dài lịch sử, bình đẳng giới trong giáo dục đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây, theo hướng ngày càng tích cực hơn. Tuy nhiên, do điều kiện, bối cảnh khác nhau, quan niệm nho giáo, chế độ gia trưởng còn tồn tại…, là những rào cản khiến cho bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo vẫn còn tồn tại những khác biệt giới, khuôn mẫu giới, khoảng cách giới, thậm chí là những định kiến giới. Về bình diện chung, phụ nữ, nam giới, trẻ em trai, trẻ em gái có quyền như nhau trong tiếp cận giáo dục, nhưng còn nhiều khác biệt về quyền tự do lựa chọn cơ hội học lên cao, hay học những ngành nghề mà mình yêu thích… Thậm chí vẫn còn hiện tượng trẻ em gái ở những vùng núi xa xôi chịu thiệt thòi nhiều hơn so với trẻ em trai trong tiếp cận giáo dục, học tập nâng cao trình độ.

Thực trạng bất bình đẳng về kinh tế vùng miền là nguyên nhân của bất bình đẳng xã hội. Do vậy, bất bình đẳng về cơ hội giáo dục vẫn còn tồn tại ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS.

Có thể khẳng định, giảm thiểu bất bình đẳng về cơ hội giáo dục là nhiệm vụ cấp bách cần quyết tâm thực hiện nhằm đảm bảo phân phối công bằng cơ hội phát triển, công bằng xã hội. Thực tiễn cho thấy, kết quả của nhiệm vụ này phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành trong triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về phát triển giáo dục nói chung và phát triển giáo dục vùng DTTS nói riêng. Do vậy, thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công bằng trong phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS, từ đó, tạo đà cho quyết tâm chính trị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện chủ trương, chính sách; gắn trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong phát huy công bằng tiếp cận cơ hội giáo dục của đồng bào vùng DTTS.

Giảm thiểu bất bình đẳng kinh tế vùng đồng bào DTTS là cơ sở để tăng cường công bằng trong giáo dục nơi đây. Các nghiên cứu đã chứng minh một thực tế là: bất bình đẳng về kinh tế luôn là nguyên nhân của bất bình đẳng xã hội, trong đó có bất bình đẳng về cơ hội giáo dục. Vì vậy, để giải quyết vấn đề bất bình đẳng về cơ hội giáo dục của đồng bào vùng DTTS, Nhà nước cần giải quyết triệt để vấn đề bất bình đẳng về kinh tế, mà trước hết là đảm bảo bình đẳng về cơ hội tiếp cận các nguồn lực kinh tế vùng DTTS.

Cần tiếp tục lồng ghép bình đẳng giới trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo mọi điều kiện cho trẻ em được học hành, phát triển. Đẩy mạnh hơn nữa việc lồng ghép giới vào chương trình dạy học trong các nhà trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.

"Quan tâm thích đáng đến phát triển giáo dục ở miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số."; "Đầu tư thích đáng cho giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao; có chính sách đầu tư đặc thù cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số."; "Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số." (Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng)

TS. ĐÀO NGUYÊN PHÚC
Ban Tuyên giáo Trung ương

Tác giả: NVĐ

Nguồn tin: tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 305 trong 61 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 61 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây