Giải pháp nào phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam?

Thứ bảy - 18/11/2023 22:09

Với điều kiện tự nhiên đa dạng nhiều địa điểm đẹp, độc đáo, trong đó có nhiều danh lam, thắng cảnh đã được bình chọn trong danh sách những địa điểm đẹp nhất thế giới, nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng...Việt Nam là quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Du lịch, đặc biệt là du lịch bền vững.

Giải pháp nào phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam?

Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch có tính đến đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lai, vừa đáp ứng được nhu cầu của du khách và sự phát triển của ngành du lịch, vừa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và các yêu cầu của cộng đồng địa phương.

Ở Việt Nam, Luật Du lịch năm 2017 đưa ra định nghĩa: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”.

Hiện Việt Nam có hơn 40.000 di tích và thắng cảnh, trong đó hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Việt Nam cũng là một trong những số ít quốc gia trên thế giới được UNESCO công nhận nhiều di sản, gồm: Di tích Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hội An, quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Huế, thành nhà Hồ, thánh địa Mỹ Sơn, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long. Đây là một trong những tiềm năng du lịch Việt Nam thu hút khách quốc tế. Hơn nữa, trên toàn lãnh thổ Việt Nam có khoảng 117 bảo tàng - nơi lưu giữ quá trình lịch sử của dân tộc với những dấu ấn hào hùng có sức lôi cuốn du khách tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lối sống riêng khác nhau tạo thành nét cuốn hút riêng. Việt Nam còn có di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng: Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ, hát xoan, hội Gióng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương... để thu hút khách du lịch. Đặc biệt, dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu khách, đây là một trong những yếu tố hấp dẫn và thiện cảm đối với du khách quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng thuận lợi cho phát triển du lịch, ngành Du lịch Việt Nam vẫn còn một số hạn chế dẫn đến việc chưa khai thác được tiềm năng sẵn có, đồng thời có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành.

Thứ nhất, tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá chưa cao. Sản phẩm du lịch Việt Nam chậm đổi mới, đơn điệu, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo, còn trùng lặp giữa các vùng miền, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm du lịch thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm, các sản phẩm chậm đổi mới trong khi nhu cầu của khách du lịch biến đổi mạnh mẽ. Các sản phẩm du lịch mới chủ yếu khai thác các giá trị tài nguyên sẵn có, chưa có nhiều sản phẩm bổ trợ nhằm thu hút khách, kích thích nhu cầu chi tiêu của khách, tăng nguồn thu cho địa phương. Việc thiếu các sản phẩm bổ trợ cũng làm giảm nhu cầu đến, cũng như khả năng quay trở lại của khách du lịch.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá mặc dù đã được quan tâm nhưng còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, chưa hiệu quả; mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch.

Các yếu tố về an ninh, an toàn, vệ sinh còn chưa được đảm bảo. Thực tế, thời gian qua, tình trạng mất vệ sinh, an ninh, trật tự tại các điểm du lịch vẫn thường xuyên xảy ra; taxi dù, hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong, lừa đảo, ép khách du lịch vẫn thường xuyên diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là vào mùa cao điểm.

Việc quản lý, khai thác tài nguyên du lịch chưa được thực hiện hiệu quả. Hiện chưa thực hiện được việc thống kê nguồn tài nguyên du lịch một cách đầy đủ, việc đánh giá, phân loại và xếp hạng để quản lý khai thác một cách bền vững, hiệu quả, dẫn tới tài nguyên du lịch thì nhiều, nhưng chưa khai thác hết được giá trị của tài nguyên.

Công tác quản lý, phân cấp hạn chế dẫn đến sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể kinh tế và các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích… tác động tiêu cực tới phát triển du lịch bền vững.

Bên cạnh đó chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch còn hạn chế. Lực lượng lao động du lịch tuy đông đảo nhưng tỷ lệ được đào tạo bài bản chuyên nghiệp du lịch thấp; chất lượng đào tạo du lịch còn nhiều hạn chế, chưa thích ứng kịp với xu hướng hội nhập, cạnh tranh toàn cầu. Đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp với nhiều loại hình du lịch và đáp ứng với các ngôn ngữ thuộc thị trường mục tiêu vẫn chưa sẵn sàng đầy đủ.

Cơ sở hạ tầng tiếp cận điểm đến còn chưa hiện đại, thiếu đồng bộ cũng là một trong những hạn chế để phát triển du lịch hiện nay.

Đặc biệt, ngành Du lịch Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ sự cạnh tranh khốc liệt của các quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Campuchia khi các nước này đã có những chiến lược đầu tư, xúc tiến rất lớn nhằm gia tăng sức hấp dẫn đến các thị trường khách du lịch quốc tế.

Vậy làm gì để phát triển du lịch bền vững và du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn góp phần quan trọng vào phát triển đất nước?

Để làm được điều này ngoài việc khắc phục được những hạn chế trên có lẽ quan trọng nhất vẫn là cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý sao cho thật sự thông thoáng và phù hợp, đảm bảo sự cân bằng, hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó việc xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế thông qua các chiến lược phát triển du lịch cụ thể cũng là một trong những điều đặc biệt quan trọng để du lịch Việt cất cánh trong tương lai.

TT

Tác giả: NVĐ

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 140 trong 28 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 28 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây