Phần 1: Một số xu hướng vận động của văn hóa chính trị Việt Nam hiện đại từ 1975 đến nay

Thứ năm - 12/09/2024 14:20

“Văn hóa chính trị”, trong tính hiện thực của nó, là sự thẩm thấu của văn hóa vào lĩnh vực chính trị, và đồng thời, cũng là sự ảnh hưởng, tác động của chính trị đối với văn hóa.

Phần 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, vậy trước hết và trên hết là phải soi đường về phương diện chính trị, trước khi có thể rọi soi và chiếu sáng ở những lĩnh vực khác.

Phần 1: Một số xu hướng vận động của văn hóa chính trị Việt Nam hiện đại từ 1975 đến nay

1. Văn hóa chính trị và nghiên cứu văn hóa chính trị: mấy điểm lưu ý 

“Văn hóa chính trị”, trong tính hiện thực của nó, là sự thẩm thấu của văn hóa vào lĩnh vực chính trị, và đồng thời, cũng là sự ảnh hưởng, tác động của chính trị đối với văn hóa.

Văn hóa xuất hiện cùng với con người và đồng hành cùng nhân loại, nhưng văn hóa không có phương thức tồn tại độc lập, dù rằng có những hoạt động của con người được người ta ngầm định là “hoạt động văn hóa”, như các hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí vv.  Đó là cách hiểu thô sơ, không đúng, bởi chính những “hoạt động văn hóa” đó cũng có văn hóa của chúng. Văn hóa không đứng ngoài đời sống con người, mà thẩm thấu vào các lĩnh vực của đời sống nhân loại, như lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao, tư tưởng, tôn giáo – tín ngưỡng, nghiên cứu, giáo dục, nghệ thuật, vui chơi giải trí vv.  Đến lượt chúng, những lĩnh vực hoạt động nói trên của con người vừa là phương thức bộc lộ ra, thể hiện ra của văn hóa, nhưng lại cũng góp phần bồi đắp, tạo nên những giá trị mới cho văn hóa, hoặc ngăn ngừa, làm xói mòn hoặc loại trừ những giá trị văn hóa không còn phù hợp.

Trong đời sống nhân loại, văn hóa đóng vai trò rất quan trọng, vì trong “cấu trúc dọc” của nó,[1] hệ giá trị nhân văn là tảng nền của văn hóa. Chính tảng nền này quy định nên các tiêu chí đạo đức, niềm tin, động cơ, chuẩn mực, tiêu chí và quy tắc ứng xử, trên cơ sở đó hình thành nên lối sống và các hoạt động sống khác của con người. Hoạt động sống của con người lại được diễn ra trong những điều kiện khác nhau, nhằm đạt được những kết quả khác nhau, do đó mà chia ra thành các lĩnh vực khác nhau như đã nói ở trên.

Nhưng dù diễn ra trong lĩnh vực nào thì hoạt động của con người cũng cần có động cơ và có mục đích, trong đó, động cơ tạo nên lực đẩy, thôi thúc người ta hoạt động, còn mục đích tạo nên lực kéo, lôi cuốn người ta vào hoạt động để đạt được những gì người ta mơ ước, mong muốn hay toan tính. Động cơ và mục đích luôn tương tác với nhau một cách biện chứng, trên nền tảng của “hệ điều hành” chính là hệ giá trị nhân văn. Vậy, cái tạo nên cả động cơ và mục đích cho hoạt động của con người là gì? Đó chính là văn hóa, hay nói chính xác là giá trị nhân văn. Người ta chỉ có động cơ đấu tranh, mưu cầu cái gì đó, khi họ cho đó là cái cần thiết và tốt đẹp (có giá trị với họ), và họ cũng chỉ coi cái gì đó là đáng đạt được thông qua hoạt động của mình, khi đó là cái họ đang mong đợi.

Từ động cơ và mục đích sẽ sinh ra niềm tin và thái độ của con người trong các lĩnh vực hoạt động, xét cả ở cấp độ cá nhân hay cộng đồng. Động cơ, mục đích, niềm tin và thái độ (tích cực hay tiêu cực, ủng hộ hay phản đối) chính là văn hóa chính trị, là yếu tố định hướng để con người xác định phương tiện và phương thức hoạt động của mình.

Cho nên, trong bất cứ lĩnh vực hoạt động, nhất là lĩnh vực chính trị, người ta đều cần phải gây ảnh hưởng, tác động bằng nhiều cách để xây dựng động cơ, củng cố niềm tin và thái độ tích cực của quần chúng nhân dân. Đóng vai trò kết nối giữa hệ thống chính trị, giữa yếu tố lãnh đạo, yếu tố cầm quyền với quần chúng nhân dân chính là văn hóa chính trị. 

Mỗi chế độ chính trị, mỗi cá nhân / tập thể lãnh đạo chính trị lại có những cách thức riêng của mình để tương tác, gây ảnh hưởng đối với nhân dân. Khoa học chính trị hiện đại gọi đó là quá trình “xã hội hóa chính trị” (political socialization), tức là qua những kênh, bằng những cách khác nhau, hệ thống chính trị làm cho nhân dân, xã hội hiểu biết về lý tưởng, chính sách, mục đích chính trị của mình, qua đó mà giành được sự chấp thuận và ủng hộ của nhân dân.

Ở mỗi quốc gia – dân tộc, mỗi xã hội và trong mỗi thời kỳ lịch sử, nhân dân cũng bao gồm những nhóm, cộng đồng người và các giai cấp, tầng lớp khác nhau. Vì vậy, họ cũng sẽ có động cơ, mục đích, niềm tin khác nhau, và do vậy, thái độ của họ đối với hệ thống chính trị nói chung và với cá nhân và tập thể cầm quyền nói riêng cũng có thể khác nhau. Họ có thể chấp nhận, đồng thuận và ủng hộ, cũng có thể từ chối, tẩy chay hay phản đối, hoặc thậm chí là vô cảm, không quan tâm. Cho dù thế nào thì các nhóm, các tập đoàn người trong nhân dân cũng bộc lộ niềm tin, thái độ của mình đối với hệ thống chính trị bằng nhiều cách khác nhau.

Ở cả phương Đông và phương Tây, từ rất sớm người ta đã quan tâm đến những cách thức tạo nên và định hướng mối tương tác giữa nhà cầm quyền với nhân dân. Phái “pháp trị” thì chế ngự và kiểm soát dân chúng bằng luật pháp “thưởng cao, phạt nặng”, trong khi phái “đức trị” thì tác động đến dân chúng bằng nêu gương, bằng lễ giáo và các tiêu chuẩn, nguyên tắc đạo đức (cương thường). Còn ở phương Tây hay trong thế giới Ấn giáo và Hồi giáo thì vương quyền kết hợp với thần quyền để cùng thao túng, định hướng giá trị, niềm tin, thái độ của dân chúng. Chỉ từ sau các cuộc cách mạng tư sản thời cận đại, nhân loại mới hướng theo những ngọn cờ khác nhau của khai phóng, dân chủ và của tư duy duy lý. Tương ứng với sự phân hóa xã hội là sự phân hóa về tư tưởng và sự khác biệt ngày càng rõ rệt, thậm chí dẫn đến những xung đột gay gắt, như một phần của cuộc xung đột về chính trị, kinh tế và xã hội.

Chính trong thế giới ngày càng phân hóa sâu sắc về kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng đó, nhân loại luôn không ngừng nỗ lực để tìm tới những hình thức “đồng thuận chung” (general consensus). Nhưng nội hàm của những “đồng thuận chung” của toàn thể nhân loại là gì”. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó “là những lẽ phải không ai chối cãi được”, là “quyền bình đẳng”, “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.[2]

Qua những gì tóm lược ở trên, có thể thấy văn hóa chính trị đã đồng hành cùng nhân loại từ thuở bình minh lịch sử đến nay, và ở cả phương Đông và phương Tây, trong tất cả các thời kỳ lịch sử, văn hóa chính trị đều được quan tâm mạnh mẽ, bởi đó chính là nền tảng, là phương thức kết nối hệ thống chính trị với dân chúng, góp phần quyết định tính bền vững hay không của các chế độ chính trị.

Tuy từ rất sớm đã có những cách kiến giải khác nhau và vô vàn những cuộc bàn luận sôi nổi về nhiều vấn đề của văn hóa chính trị, nhưng thuật ngữ “văn hóa chính trị” và việc nghiên cứu khoa học về văn hóa chính trị chỉ thực sự ra đời và phát triển từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II ở phương Tây. Lúc đầu khái niệm “văn hóa chính trị” (political culture / politische Kultur) chỉ được giới khoa học tiếp nhận khá dè dặt. Đến tận năm 1963, với sự ra đời của công trình “The Civic Culture. Political Attitudes and Democracy in Five Nations” (Văn hóa công dân. Thái độ chính trị và nền dân chủ ở năm quốc gia) của hai tác giả người Mỹ Gabriel Almond và Sidney Verba[3] thì văn hóa chính trị mới chính thức được thừa nhận như một hướng nghiên cứu của khoa học chính trị và đồng thời trở thành một cách tiếp cận trong khoa học xã hội nói chung. Ngày nay, hướng nghiên cứu này đã được thừa nhận rộng rãi, với hàng trăm công trình có ảnh hưởng khá mạnh mẽ được công bố bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Tuy nhiên, cần phải nói ngay rằng các công trình nghiên cứu về văn hóa chính trị thường dễ gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi, kéo dài trong học giới, bởi hai lý do chính: 1) các khám phá mà hướng nghiên cứu này mang lại thường mới và có tính thách thức mạnh mẽ đối với những nhận định trước đó đã được thừa nhận chung, tương đối ổn định; 2) các phán đoán, lập luận khoa học trong các công trình về văn hóa chính trị thường vừa mang tính định tính, lại vừa mang tính định lượng, thực chứng, nhưng nghe thì có vẻ thuyết phục, nhưng lại không bao giờ có thể chứng minh được đầy đủ, nên luôn luôn bị hoài nghi về độ chân xác, đáng tin cậy.

Và một điều quan trọng, cần phải đặc biệt nhấn mạnh ở đây là: do ra đời và phát triển ở phương Tây nên các lý thuyết và phương pháp cũng như nhiều nhận định của các nghiên cứu về văn hóa chính trị, nhất là văn hóa chính trị Á Đông (bao gồm cả Đông Á và Đông Nam Á) đều mang nặng tính chất lệch lạc của hệ luận Eurocentrism (lấy châu Âu làm trung tâm) hoặc Westerncentrism (lấy phương Tây làm trung tâm). Vì vậy, trong khi tham khảo và tiếp nhận những lý thuyết, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của các trường phái nghiên cứu văn hóa chính trị trên thế giới chúng ta không thể không lưu ý đến vấn đề này.

2. Tư tưởng và cách tiếp cận của Hồ Chí Minh trong nghiên cứu văn hóa chính trị Việt Nam 

Ở Việt Nam, người đầu tiên quan tâm nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn rất đặc biệt về văn hóa chính trị Việt Nam, không ai khác, chính là Hồ Chí Minh.

Năm 1924, trong một bài viết có tiêu đề “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ”,[4] Hồ Chí Minh lần đầu tiên đã đưa ra quan điểm của mình về cách thức tiếp nhận và vận dụng chủ nghĩa Mác, về đặc điểm của xã hội và chính trị của Việt Nam, trong đó Người nhấn mạnh: “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây” và ở Việt Nam, “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực to lớn của đất nước.”[5] Đây là những chỉ dẫn vô cùng quan trọng có tính chất “cẩm nang” về lý luận và cách tiếp cận để chúng ta vận dụng khi nghiên cứu về xã hội, chính trị và văn hóa chính trị Việt Nam.

Gần 20 năm sau, Hồ Chí Minh lại tiếp tục nêu ra những nhận định rất quan trọng, khi Người suy ngẫm về “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc”, đó là:

“1- Xây dựng tâm lý: tinh thần dân tộc tự cường.

2 – Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

3 – Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.

4 – Xây dựng chính trị: dân quyền.

5- Xây dựng kinh tế.”[6]

Gộp chung cả năm điểm lớn nói trên có thể thấy rõ những nguyên tắc có tính chất nền tảng và định hướng cho nền văn hóa chính trị Việt Nam mới: phát huy tinh thần dân tộc, đảm bảo quyền và trách nhiệm công dân, phụng sự nhân dân.

Hơn 3 năm sau, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ hơn đặc điểm, định hướng và sứ mệnh của nền văn hóa chính trị của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên độc lập, tự do. Người nói: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất là mật thiết. Phải làm thế nào để văn hóa phải vào sâu trong tâm lý của quốc dân.”[7] Đây chính là ý kiến của Hồ Chí Minh về sự thẩm thấu lẫn nhau giữa văn hóa và chính trị. Nhờ đó mà văn hóa có thể phát huy được những tác động chính trị rất quan trọng. Đó là: “Văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ”, tức là văn hóa phải sửa đổi được đạo đức, phẩm cách chính trị và lối sống của con người.

Người nói tiếp: “Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Văn hóa phải làm thế nào để ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình.”[8] Đây chính là một đặc trưng, một nội dung cốt lõi của văn hóa chính trị Việt Nam xuyên suốt từ truyền thống tới hiện đại, phải được bồi dưỡng, phát huy để trở thành nền tảng tinh thần, để chung đúc ý chí và khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hồ Chí Minh còn cho rằng: “Văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn ba ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của minh là biết hưởng cái hạnh phúc của minh nên được hưởng”.[9] Tức là văn hóa thẩm thấu vào xã hội, vào chính trị là phải có sứ mệnh giúp toàn thể nhân dân Việt Nam gây dựng và phát triển tinh thần, ý thức, thái độ của người công dân của nước Việt Nam mới dân chủ cộng hòa, khác hẳn với thân phận và thái độ của người thần dân trong chế độ quân chủ hay người “vong quốc nô” dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật trước kia.

Chỉ trên ý nghĩa đó, văn hóa mới hoàn thành được sứ mệnh của mình: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.”[10]

Như thế, ngay từ năm 1946 Hồ Chí Minh đã trình bày rất rõ ràng, đầy đủ những đặc trưng cơ bản của nền văn hóa chính trị mà sau này Gabriel Almond, Sidney Verba và các chuyên gia phương Tây phát triển thành lý thuyết “The Civic Culture” (văn hóa công dân), coi như “mẫu chuẩn” của nền văn hóa chính trị tiên tiến nhất của chế độ dân chủ tự do (liberal democracy).[11]

Những chỉ dẫn trên đây của Hồ Chí Minh chính là nền tảng lý luận và là định hướng cho phương pháp và cách tiếp cận của chúng ta trong khi tham khải những lý thuyết và cách tiếp cận của khoa học chính trị phương Tây vào việc nghiên cứu về văn hóa chính trị Việt Nam.

(còn tiếp)

GS.TS. Phạm Hồng Tung - Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN

 


[1] Về “cấu trúc dọc” của văn hóa, xem: Phạm Hồng Tung, Văn hóa chính trị và lịch sử dưới góc nhìn văn hóa chính trị, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 779.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 1.

[3] Almond, Gabriel và Sidney Verba, The Civic Culture. Political Attitudes and Democracy in Five Nations, Princeton University Press, Princeton, New Jersey, 1963.

[4] Xem: Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 500-520.

[5] Như trên, tr. 508 và 511.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 458.

[7] Báo Cứu Quốc, số 416, ngày 25-11-1946.

[8] Như trên.

[9] Như trên.

[10] Như trên.

[11] Chúng tôi đã luận giải chi tiết về các mô hình văn hóa chính trị của giới học giả phương Tây trong công trình “Văn hóa chính trị và lịch sử dưới góc nhìn văn hóa chính trị, “ được Nxb. Chính trị quốc gia xuất bản lần đầu năm 2008, tái bản có bổ sung lần thứ ba năm 2021. 

Tác giả: Tuấn Ngọc

Nguồn tin: hdll.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 225 trong 45 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 45 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây