Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 309/TB-VPCP ngày 9/7/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
Thông báo nêu, chiều ngày 8/7/2024, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
Sau khi nghe Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ý kiến phát biểu của đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát lại các quy định hiện có và thống nhất lại nội dung, nội hàm của khái niệm "Người có thu nhập thấp" với tinh thần là để triển khai không vượt quá số ngân sách đã có được quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo tương đối đồng đều giữa các loại đối tượng, không trùng lắp, hiệu quả, thực chất, không thất thoát; báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ trước 15 giờ ngày 12/7/2024.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ chủ trì họp với lãnh đạo các cơ quan có liên quan để thống nhất về hình thức văn bản và tổng hợp, tham mưu về nội dung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại nội dung 1 trước ngày 14/7/2024.
* Ngày 27/1/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2021.
Nghị định đưa ra các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều; chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021 và giai đoạn 2022 - 2025.
Theo quy định, tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 được quy định như sau:
1- Tiêu chí về thu nhập:
- Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng.
- Khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.
2- Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản
- Các dịch vụ xã hội cơ bản (06 dịch vụ), bao gồm: việc làm; y tế, giáo dục; nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.
- Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), bao gồm:
+ Việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; BHYT; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người;
+ Nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
3- Dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt theo quy định.
Phương Nhi
Tác giả: Tô Ngân
Nguồn tin: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn