Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, tổng thể kế hoạch xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí, tiến tới chấm dứt tình trạng này, tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng định hướng, đúng quy định.
Tình trạng "báo hóa" tạp chí vẫn diễn ra thường xuyên, phức tạp
Dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, tình trạng "báo hóa" tạp chí, trang thông tin điện tử dù đã giảm so với trước song vẫn diễn ra phức tạp.
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được nhiều thông tin, phản ánh về việc có một số cơ quan báo chí, trong đó chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương. Vì vậy, tiếp tục cần những biện pháp để giải quyết triệt để tình trạng này.
Tính đến quý III/2023, cả nước có 807 cơ quan báo chí, trong đó có 138 cơ quan báo chí, 669 tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình. Đại đa số cơ quan báo, tạp chí đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện nhiệm vụ tuyên tuyền quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng.
Tuy nhiên, với hàng nghìn tạp chí điện tử và trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động trên cả nước, tình trạng "báo hóa" tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp vẫn diễn ra thường xuyên, phức tạp.
Khái niệm "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" mạng xã hôi, "tư nhân hóa" báo chí chưa được quy định cụ thể trong luật
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên nhân của tình trạng trên là do khái niệm "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử, "báo hóa" mạng xã hội, "tư nhân hóa" báo chí chưa được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật về báo chí.
Vì vậy, quá trình xử lý gặp không ít khó khăn, thời gian, trí tuệ khi phải nghiên cứu, chuyển hóa xử lý tình trạng "báo hóa" này sang các hành vi khác có liên quan, có chế tài cụ thể, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Một nguyên nhân khác là chưa có chế tài xử lý trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí. Trên thực tế, vai trò, trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí còn hạn chế, mờ nhạt, đặc biệt là cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Nhiều cơ quan chủ quản thiếu quan tâm đến hoạt động của cơ quan báo chí; buông lỏng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; không có biện pháp chấn chỉnh, xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài.
Nhiều cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo, định hướng, quản lý hoạt động cơ quan báo chí phải tuân thủ tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép...
Xử phạt nhiều Tạp chí có sai phạm
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác quản lý nhà nước về báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều quyết định xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, "báo hóa" mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí, cũng như thực hiện tốt công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Các văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông đều chỉ rõ vấn đề tồn tại, bất cập; đưa ra các biện pháp, yêu cầu chấn chỉnh đối với cơ quan chủ quản báo chí, lãnh đạo báo chí; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức liên quan có ứng xử, làm việc, cung cấp thông tin phù hợp với tạp chí; rà soát, lập danh sách các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu "báo hóa", hoạt động không đúng quy định pháp luật để giám sát, tập trung chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tham mưu, kiến nghị Chính phủ nới rộng thẩm quyền xử phạt của cơ quan quản lý về báo chí tại địa phương tại Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Theo đó, các Sở Thông tin và Truyền thông có thể chủ động xem xét, đánh giá tính chất, mức độ vi phạm để xử lý các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên có hành vi trái pháp luật.
Đối với việc xử phạt các tạp chí có sai phạm các quy định của pháp luật về báo chí, ngày 17/8/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định thu hồi Giấy phép hoạt động báo chí của Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý thuộc Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường.
Đây là trường hợp cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí đã có hành vi vi phạm các quy định pháp luật về báo chí, để xảy ra mâu thuẫn kéo dài đã được chỉ ra trong Kết luận thanh tra và Kết luận kiểm tra của Thanh tra của Bộ.
Thanh tra Bộ xử phạt hành chính Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến 65 triệu đồng, đồng thời áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động báo chí trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 14/7/2023.
Thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ và tỉnh Bắc Ninh đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đối với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Tạp chí điện tử Một thế giới vì đăng tải bài viết có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động... trong quý III/2023.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ, tổng thể kế hoạch xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, tổng thể kế hoạch xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí, tiến tới chấm dứt tình trạng này, tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng định hướng, đúng quy định.
Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đang được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ xem xét ban hành; trong đó thể chế hóa khái niệm "báo hóa", tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý trang tin, mạng xã hội, tên miền, các hoạt động truyền thông xã hội trên không gian mạng, quản lý nền tảng xuyên biên giới…
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục rà soát tổng thể hoạt động của các tạp chí thuộc tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhằm quyết liệt chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là việc chấp hành tôn chỉ, mục đích.
Kiến nghị cấp có thẩm quyền, cơ quan chủ quản xử lý kỷ luật người đứng đầu cơ quan báo chí, cá nhân liên quan khi để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài.
Tiếp tục thực hiện việc rà soát, cấp phép lại các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025.
Trong quá trình cấp lại giấy phép hoạt động báo chí, Bộ xem xét các vấn đề liên quan để việc cấp giấy phép đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, quy định tôn chỉ, mục đích rõ ràng, bám sát chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.
Đặc biệt, có phân định rõ ràng giữa báo, tạp chí, các tạp chí thể hiện rõ về nội dung thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn, phản biện chính sách về lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; các nội dung, chuyên trang không phù hợp sẽ được loại bỏ.
Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cơ quan chủ quản báo chí nâng cao vai trò, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với những cá nhân, tổ chức liên quan khi cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm.
Đề nghị các cơ quan báo chí liên hệ công tác và yêu cầu cung cấp thông tin qua hình thức văn bản điện tử để đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho các cơ quan, đơn vị tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin từ báo chí.
Bộ cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí nếu cơ quan báo chí bị xử lý vi phạm hoặc để hà báo, phóng viên, cộng tác viên vi phạm quy định pháp luật.
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, duy trì phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí"; tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhà báo, đảm bảo nguồn nhân lực làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trách nhiệm xã hội, năng lực nghề nghiệp cao, hiểu biết, tuân thủ pháp luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan chủ quản báo chí quan tâm, bổ sung kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ để các cơ quan báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên, hỗ trợ tăng nguồn thu cho cơ quan báo chí.
Hỗ trợ cơ quan báo chí chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Tác giả: Mạnh Chung
Nguồn tin: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn