Để công tác triển khai thi hành pháp luật ngày càng chuyên nghiệp, bài bản

Thứ năm - 07/03/2024 14:31

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn các cơ quan cần nỗ lực cao hơn nữa, quyết tâm lớn hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa nhằm sớm đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/ĐH
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/ĐH

Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng nay (7/3) dưới dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Có sự chuyển biến tích cực trong công tác triển khai luật, nghị quyết

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, tiếp theo Hội nghị toàn quốc triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV lần thứ nhất được tổ chức thành công vào 9/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức  Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. 

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội kết hợp với trực tuyến kết nối với 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham gia của gần 1.150 đại biểu tham dự tại điểm cầu trung ương và địa phương. Hội nghị đã nghe hai báo cáo trung tâm, quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Điểm lại những nội dung chính của Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua tình hình thực tế và báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ và các tham luận tại Hội nghị cho thấy đã có sự chuyển biến tích cực trong công tác triển khai luật, nghị quyết, nhất là sau thành công của Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất. Các cơ quan đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt khắc phục mọi khó khăn, thách thức, nhất là sức ép về mặt tiến độ, phạm vi, khối lượng công việc để nỗ lực, khẩn trương và sớm triển khai thi hành luật, nghị quyết.

Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông, thông tin kịp thời đến cử tri, Nhân dân về kết quả các kỳ họp và về luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Việc rà soát, hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật văn bản được chú trọng, triển khai sớm nên ngay sau khi luật, nghị quyết được thông qua, các cơ quan đã có thể trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực nhanh, đảm bảo công bố đúng quy định, làm căn cứ để tổ chức thi hành.

Các Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa phương tổ chức tiếp xúc cử tri để sớm báo cáo kết quả kỳ họp, giúp chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp sớm nắm bắt các chính sách mới, quan trọng, chủ động chuẩn bị phương án, nguồn lực triển khai thực hiện.

Ngay khi kết thúc kỳ họp của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát, xác định rõ các nội dung được luật, nghị quyết giao quy định chi tiết, trên cơ sở đó, phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp và thời hạn trình, ban hành văn bản; một số quyết định, kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết được ban hành rất kịp thời.

Nhấn mạnh các kết quả triển khai thi hành Luật nêu trên là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, đây mới chỉ là bước đầu. Khối lượng công việc cần tiếp tục thực hiện là rất lớn, đặc biệt nhiều luật của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 có số lượng điều luật, nội dung giao Chính phủ, các cơ quan quy định vừa nhiều, vừa khó, vừa đòi hỏi cao về tiến độ.

Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/ĐH

Khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết

Nêu rõ với nhiều thử thách như vậy, việc triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cơ quan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm để các cơ quan hữu quan tập trung triển khai hiệu quả công tác thi hành pháp luật.

Cụ thể, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định trong luật, nghị quyết; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội; phân công cơ quan của Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thẩm tra kỹ lưỡng đối với báo cáo của Chính phủ, các cơ quan về việc thực hiện yêu cầu trong luật, nghị quyết, báo cáo Quốc hội xem xét, thảo luận trong trường hợp cần thiết. Các cơ quan của Quốc hội chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ và đôn đốc các cơ quan thực hiện kịp thời.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 được nêu cụ thể trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sớm ban hành Danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua và phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, gắn với thời hạn hoàn thành. Tiếp tục ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, bảo đảm tiến độ, chất lượng để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết, có tính khả thi, nhất quán, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là văn bản quy định chi tiết các luật có mối quan hệ mật thiết với nhau như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,.. không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, "giấy phép con" trái quy định trong tổ chức thực hiện.

Cùng với đó là tiếp tục tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong thi hành pháp luật.

Chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những thẩm quyền, nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương, cơ quan mình.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết của Quốc hội; tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật; vận động, động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện luật, nghị quyết.

Trong quá trình triển khai thi hành pháp luật, đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Trên cơ sở thành công của Hội nghị lần thứ Nhất và Hội nghị lần thứ Hai này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn các cơ quan cần nỗ lực cao hơn nữa, quyết tâm lớn hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa nhằm sớm đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống.

Đồng thời bày tỏ mong muốn và tin rằng những vấn đề được trao đổi tại Hội nghị sẽ trở thành bài học, kinh nghiệm quý, những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thi hành luật, nghị quyết sẽ có phương án giải quyết phù hợp, qua đó để công tác triển khai thi hành pháp luật ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cùng với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để góp phần xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh.

Nguyễn Hoàng 

Tác giả: Trinh Phạm

Nguồn tin: chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 155 trong 31 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 31 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây