Vào những ngày này cách đây 51 năm, với niềm tin và ý chí sắt đá, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, quân và dân miền Bắc, trong đó bộ đội Phòng không - Không quân (PK-KQ) là lực lượng nòng cốt đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng vĩ đại “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng đó mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của niềm tin chiến thắng, tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường.
Sau những thất bại liên tiếp trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc nhằm phá hoại tận gốc tiềm lực kinh tế, quân sự của ta, với tuyên bố ngạo mạn “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Cuộc chiến không cân sức giữa thế trận chiến tranh Nhân dân ở miền Bắc, trong đó bộ đội PK-KQ là lực lược nòng cốt với cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 lớn nhất trong lịch sử chiến tranh của đế quốc Mỹ đã diễn ra hết sức khốc liệt.
Trong 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972, cùng với quân và dân miền Bắc, bộ đội PK-KQ đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F.111 và 42 máy bay chiến thuật khác, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ về nước, góp phần tạo tiền đề vững chắc cho thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Một trong những bài học quý báu rút ra từ chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là vấn đề xây dựng niềm tin. Niềm tin chiến thắng của bộ đội PK-KQ bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế thừa tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước; là sự hoà quyện hữu cơ giữa tri thức, thái độ, tình cảm của bộ đội với mục tiêu lý tưởng chiến đấu, sự lãnh đạo của Đảng, đối với vũ khí trang bị và nghệ thuật quân sự.
Vận dụng bài học xây dựng niềm tin chiến thắng của bộ đội PK-KQ trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972 trong sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc hiện nay, cần thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức giác ngộ chính trị về lý tưởng cách mạng, động cơ chiến đấu.
Trong chiến tranh nói chung, chiến tranh công nghệ cao nói riêng, không có quân nhân nào có được ý chí quyết tâm chiến đấu khi bản thân họ không được giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, không hiểu được động cơ chiến đấu vì ai? Vì cái gì? Sự giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì thắng lợi của chủ nghĩa xã hội đã trở thành bản chất chính trị quân đội cách mạng của giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Chính vì vậy, việc xây dựng niềm tin đánh thắng của bộ đội PK-KQ phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ từ Đảng uỷ Quân chủng đến các chi bộ cơ sở; có nội dung, chương trình chỉ đạo thực hiện thống nhất theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tiến hành đồng bộ từ trên xuống dưới. Tăng cường giáo dục chính trị, nhằm tạo ra sự giác ngộ chính trị sâu sắc ở bộ đội về mục tiêu lý tưởng, động cơ chiến đấu, làm cơ sở hình thành, phát triển ý chí quyết tâm, niềm tin chiến thắng cho cán bộ, chiến sĩ.
Hai là, quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng, nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa con người và vũ khí, xây dựng niềm tin vào vũ khí trang bị.
Đường lối chính trị, quân sự của Đảng là cơ sở tư tưởng cho sức mạnh chính trị tinh thần của Quân đội, của nghệ thuật tác chiến và cách đánh của ta hiện nay. Xây dựng niềm tin chiến thắng cho bộ đội cần phải chú trọng giáo dục, quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sĩ vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chỉ có thấu suốt đường lối chính trị, quân sự của Đảng, nghệ thuật tác chiến và cách đánh của ta mới có chỗ dựa vững chắc và phương hướng chính xác để nâng cao ý chí quyết tâm, tin tưởng vào sự thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.
Trong tác chiến đường không, sức mạnh chiến đấu là sự kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố con người và vũ khí. Niềm tin chiến thắng của nghệ thuật tác chiến và cách đánh của ta được hình thành trên cơ sở nhận thức sâu sắc về mối quan hệ biện chứng giữa con người và vũ khí, trang bị. Trong mối quan hệ đó, con người bao giờ cũng đóng vai trò quyết định, là yếu tố sống động, chứa đựng khả năng vô tận cả về nhận thức và hoạt động thực tiễn; vũ khí là phương tiện, là cái tiềm tàng, cái có hạn. Đánh giá sức mạnh chiến đấu của đơn vị không chỉ xem xét mặt vũ khí, trang bị, mà còn phải xem xét cả tinh thần chiến đấu, trình độ kỷ luật, khả năng chịu đựng gian khổ, ác liệt của chiến tranh, nhất là trạng thái tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Mặc dù vũ khí trang bị của ta lạc hậu so với vũ khí, trang bị của đối tượng tác chiến, nhưng bộ đội PK-KQ và Nhân dân ta đã sáng tạo ra cách đánh máy bay Mỹ thích hợp với con người và điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Đó là cách đánh mưu trí, linh hoạt, lúc phân tán, lúc tập trung, đánh với mọi quy mô, mọi lực lượng, ở cả tầm thấp, tầm cao, trên mọi hướng, kết hợp một cách tài tình giữa vũ khí thô sơ với vũ khí hiện đại và tương đối hiện đại, phát huy hiệu quả tối đa của tất cả các loại vũ khí, của tất cả các lực lượng tham chiến để đánh thắng kẻ thù.
Ba là, tăng cường rèn luyện ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội thông qua thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Ý chí quyết tâm chiến đấu là những phẩm chất chiến đấu của bộ đội, là yếu tố bên trong con người, sản phẩm của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác huấn luyện và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tinh thần, tâm lý bộ đội trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Ý chí quyết tâm chiến đấu càng cao thì hành động chiến đấu của bộ đội càng kiên quyết, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo. Tuy vậy, nếu chỉ có ý chí quyết tâm chiến đấu cao trong ý thức tư tưởng của bộ đội, nhưng trình độ chiến đấu của bộ đội thấp thì không thể giành chiến thắng trước kẻ địch hùng mạnh. Muốn chiến thắng địch tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao, bộ đội PK-KQ phải được huấn luyện chu đáo, giỏi về kỹ thuật, chiến thuật, thuần thục các phương án đánh địch bằng vũ khí, trang bị hiện có trong biên chế. Ở từng cương vị, chức trách nhất định đều cần có một trình độ kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo tương xứng. Do đó, phải tăng cường huấn luyện, rèn luyện bộ đội sát với thực tiễn chiến đấu; từ đó cán bộ, chiến sĩ sẽ hành động một cách tin tưởng hơn, sẽ xử lý bình tĩnh và khéo léo ngay cả trong tình huống nguy hiểm, ác liệt nếu như đã được rèn luyện, thử thách trong các tình huống đó.
Bốn là, xây dựng tập thể đoàn kết thống nhất; cán bộ, chiến sĩ gắn bó, tin cậy, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.
Xây dựng tập thể đoàn kết thống nhất, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau là điều kiện làm cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm với nhiệm vụ, góp phần tích cực xây dựng, củng cố niềm tin vào khả năng đánh thắng của đơn vị trong chiến tranh hiện đại. Cùng với xây dựng niềm tin của cán bộ, chiến sĩ vào mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, sự lãnh đạo của Đảng, tin vào vũ khí, trang bị và nghệ thuật tác chiến; để có niềm tin chiến thắng, bộ đội PK-KQ phải có tình cảm và niềm tin vào lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, tin vào đồng chí, đồng đội. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp là những người được Đảng, Nhà nước, quân đội giao trọng trách chỉ huy, lãnh đạo đơn vị hoàn thành mọi nhiệm vụ. Trong chiến đấu, mọi mệnh lệnh phát ra của người chỉ huy là mệnh lệnh của Tổ quốc. Sự tin tưởng, quý trọng lãnh đạo, chỉ huy, yêu mến, tin tưởng vào đồng đội là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bộ đội trong quá trình chiến đấu; tạo nên sức mạnh đoàn kết, tinh thần thương yêu, giúp đỡ, chi viện cho nhau trong chiến đấu, tinh thần lập công tập thể. Nếu trước khi bước vào chiến đấu, cũng như quá trình chiến đấu, mỗi quân nhân không có niềm tin hoặc thiếu tin tưởng vào chỉ huy, vào đồng đội, sẽ dẫn đến tâm lý hoang mang, sợ thất bại.
Vương Đức Thương
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn